Khảo Học Thư Phi-líp – Chương 10.3
Chương 10.3: Lời Cảm Tạ (I) (1:3-8)
II. “MỖI LẦN CẦU NGUYỆN CHO ANH EM, LÒNG TÔI TRÀN NGẬP VUI MỪNG” (1: 4).
Cũng diễn tả một ý cảm tạ, Phao-lô giải thích thêm trường hợp ông cảm tạ Chúa vì anh em tín hữu tại Hội thánh Phi-líp. Dịp cảm tạ Chúa không phải là hiếm có hay đặc biệt, nhưng là những trường hợp diễn ra liên tiếp, không ngừng, vì ông cảm tạ Chúa mỗi lần ông cầu nguyện cho họ. Với tinh thần cầu nguyện sốt sắng của Phao-lô, cũng như của tất cả những người truyền bá Phúc Âm chân chính, cầu nguyện cho anh em tín hữu mình dìu dắt đến với Chúa là việc hằng ngày liên tục, có khi mỗi ngày cầu nguyện nhiều lần cho họ, nhất là những người đang gặp thử thách, đang chiến đấu để bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn trưởng thành hay giai đoạn truyền giáo thành công.
Mỗi ngày, Phao-lô nhắc nhở tên từng tín hữu, nhớ đến hoàn cảnh, trách nhiệm của từng người mà cầu thay cho họ. Trong khi cầu nguyện cho mỗi Hội thánh ông đã sáng lập hay săn sóc, cách cầu nguyện của ông có khi phải thay đổi để thích ứng với nhu cầu. Sứ đồ Phao-lô đã phải khóc lóc thở than cho một số tín hữu yếu đuối, thất bại, hay có tinh thần chia rẽ như mấy người ở Cổ linh; ông viết thư cho họ với “tấm lòng quặn thắt, nước mắt dầm dề” (II Cổ linh 2:4). Ông cũng đã phải xót xa khi viết cho một số người Ga-la-ti: “Hỡi các con, vì các con ta lại chịu đau đớn quặn thắt, cho đến chừng nào Chúa Cứu Thế thành hình trong các con” (Ga-la-ti 4:19).
Thế nhưng viết thư cho anh em tín hữu Phi-líp, ông xác nhận: “mỗi lần cầu nguyện cho anh em, lòng tôi tràn ngập vui mừng.”
Tất cả những giờ phút quỳ gối dưới chân Chúa để cầu thay cho anh em tín hữu Phi-líp, sứ đồ Phao-lô cảm thấy một niềm hứng khởi lạ lùng mà ông đã diễn tả bằng mấy chữ “tràn ngập vui mừng.”
Tấm lòng của Phao-lô cảm thấy niềm hân hoan trào dâng trong giờ cầu nguyện. Dưới mắt con người, hoàn cảnh không cho phép ông vui mừng như thế. Chính quyền La-mã vừa phát động phong trào bắt bớ, chém giết, cầm tù hay lưu đày các cấp lãnh đạo Hội thánh; số tín hữu tuy đông đúc, nhưng tản mác ở nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, chưa biết đoàn kết chặt chẽ với nhau; phần đông các tín hữu còn non trẻ, dễ bị phong tục tập quán lôi kéo, một số người dễ bị quyến rũ dung hòa, pha trộn Đạo Chúa với các thói tục cũ. Một số giáo sư giả Do thái đi từng nhà thăm viếng tín hữu, dùng những đòn tâm lý mị dân, phao nhiều tin thất thiệt để phá hoại Hội thánh, ly gián người chăn thật với bầy chiên. Hơn nữa, đại biểu của Hội thánh Phi-líp vừa đến nhà tù La-mã thăm Phao-lô cũng bị đau nặng gần chết. Thế nhưng, Phao-lô vui mừng cảm tạ Chúa trong tất cả những giờ cầu nguyện.
Phao-lô vui mừng về anh em tín hữu Phi-líp, Phao-lô vui mừng về tiến bộ của họ. Phao-lô vui mừng về tương lai sáng lạn của họ. Nhưng trên hết, Phao-lô vui mừng trong khi cầu nguyện, vì dù hoàn cảnh có đen tối, thử thách có cam go, thù nghịch có nguy hiểm thế nào đi nữa, Chúa Cứu Thế vẫn y nguyên, Chúa Cứu Thế vẫn cầm quyền tể trị tuyệt đối.
“Chúa Cứu Thế Jê-sus hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi.”
Niềm vui mừng tột độ của người truyền bá Phúc Âm, lòng biết ân sâu xa của người lo tưởng đến anh em tín hữu khắp nơi đã đặt trên nền tảng vững chắc muôn đời là Chúa Cứu Thế Jê-sus. Chỉ cần đem nỗi niềm tâm sự trình ra với Chúa.
Bạn thân mến, tại sao bạn phải buồn rầu như người không có hy vọng? Chúa của bạn còn sống không? Quyền uy Chúa của bạn có suy giảm bao giờ không? Chúa Cứu Thế phán dạy:
“Ta là sự sống lại và sự sống. Kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dù đã chết rồi.”
(Giăng 11:25)
“Ta là Đấng sống, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ.”
(Khải thị 1:18)