Khảo Học Thư Ga-la-ti (P8)
TÁC GIẢ THƯ GA-LA-TI (III) (2:1-7)
Phao-lô sinh trưởng ở hải cảng Tạt-sơ, xứ Si-li-si, phía tây bắc nước Sy-ri, nay thuộc địa phận Thổ-nhĩ-kỳ. Vào thế kỷ thứ 4, Giáo phụ Jê-rô-me ghi một truyền thoại cho biết cha mẹ của Phao-lô quê ở Giscala, một thành phố xứ Ga-li-lê, nhưng phải bỏ quê hương, di cư sang Tạt-sơ, vì quân đội La Mã đánh phá xứ Palestine. Chắc gia đình Phao-lô cũng khá giả, vì Phao-lô mới sinh đã có quốc tịch La Mã, và khi khôn lớn được gửi đi du học tận thủ đô Giê-ru-sa-lem lên đến bậc đại học, lại theo học luật sư Ga-ma-li-ên là một giáo sư lỗi lạc nhất thời ấy.
Về sau khi đi truyền bá Phúc Âm, Phao-lô đã tự hào nhấn mạnh với Hội thánh Cổ-linh là ông “đã dùng chính tay mình làm việc để khỏi lụy đến anh em Hội thánh” (I Cô 4:12) hay nói cách khác ông phải lao động sản xuất để tự lực cánh sinh mà truyền bá Phúc Âm.
Có lẽ vì đã quen sống dư giả, không bao giờ phải nhờ vả ai, nên khi nhận được món tiền tặng của anh em Hội thánh Phi-líp giữa cảnh tù đày, Phao-lô có vẻ lúng túng, vừa cám ơn, vừa phân trần như một người chưa bao giờ phải nhận tiền ai giúp đỡ (Phil 4:14-19). Nhưng đó cũng chính là tâm sự không bao giờ bộc lộ của một số đông người hầu việc Chúa, cam chịu cảnh nghèo túng để có thể phục vụ Hội thánh và truyền bá Phúc Âm. Đó cũng là tinh thần hy sinh của Chúa Cứu Thế, Chúa vốn giàu nhưng vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho nhờ sự nghèo của Chúa anh em được trở nên giàu có.
Tên của Phao-lô cũng là một điều đáng chú ý. Ít người muốn đổi tên cha mẹ đặt cho mình. Một số người chọn biệt hiệu, bút hiệu hoặc bị hay được người khác tặng tên mới.
Sứ đồ Si-môn được Chúa Cứu Thế đặt tên mới là Phê-rơ nghĩa là đá. Riêng tác giả thư Ga-la-ti, vốn tên Sau-lơ đã tự chọn cho mình một tên mới là Phao-lô, Phao-lô tiếng Hy-bá có nghĩa là “xin,” “đòi hỏi” theo thể thụ động. Tên Phao-lô có nghĩa là “nhỏ bé.” Hoặc sau khi tin Chúa, Phao-lô được đổi mới nên khiêm tốn ý thức được rằng, mình chỉ là một hạt cát bên bờ đại dương của tình yêu bao la của Chúa nên chọn tên “bé,” tên Phao-lô để tỏ lòng khiêm nhường. Hoặc sau khi truyền bá Phúc Âm tại đảo Síp tức là Chíp-rơ, và dìu dắt tổng trấn Sê-giút Phao-lút tin Chúa, ông chọn tên Phao-lô để ghi một kỷ niệm đẹp trên bước đầu của một công cuộc truyền giáo đại qui mô.
Phao-lô và Phao-lút thực ra là một cách phiên âm của cùng một chữ và theo sách Công vụ thì sau khi tổng trấn Phao-lút tin Chúa, tên Phao-lô mới được dùng để thay thế tên Sau-lơ. Đối với chúng ta là người theo Chúa cách đắc thắng, Chúa Cứu Thế đã hứa sẽ ban cho chúng ta mỗi người một tên mới theo sách Khải thị 2:17.
Có người khảo cứu đã dựa vào ý nghĩa tên Phao-lô là như đem tham chiếu với Công vụ 14:12 để kết luận rằng Phao-lô là người có tầm vóc nhỏ bé.
Đoạn văn sách Công vụ cho biết tại thành Lý-tra, khi dân chúng thấy Phao-lô làm phép lạ, tưởng lầm các thần đã xuất hiện nên gọi Ba-na-ba là thần Jupiter (Mộc thần) chắc vì thấy tầm vóc cao lớn của ông, còn Phao-lô được gọi là thần Mercure (là Thủy thần con của Mộc thần) vì là một người nhỏ thó và trẻ tuổi.
Không ai biết đúng tuổi của Phao-lô khi mới tin Chúa và bắt đầu công cuộc truyền giáo, nhưng có học giả dựa vào điểm vừa nói trong sách Công vụ 14:12 đối chiếu với Công vụ 7:58 và thư Cổ-linh 15:9, để kết luận rằng Phao-lô là người trẻ tuổi nhất trong các sứ đồ của Chúa Cứu Thế. Công vụ 7:58 cho biết ngay trước khi tin Chúa, giữa lúc dân Do-thái xử tử Ê-tiên, Phao-lô là một “người trẻ tuổi.” Trong thư Cổ-linh 15, Phao-lô viết: “Tôi là người nhỏ nhất trong các sứ đồ.” Tuy nhiên theo nguyên tác, chữ “nhỏ nhất” cũng có thể dịch là hèn mọn nhất, yếu kém nhất.
Dù trẻ tuổi, nhưng một khi biết được tình yêu và sự hy sinh của Chúa Cứu Thế, Phao-lô đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Chúa để phục vụ đồng bào đồng loại, đem sự sống vĩnh cửu vào những tâm hồn hư vong.
Trong bài trước chúng ta đã ghi nhận rằng, dựa theo tài liệu thư Ga-la-ti, cuộc đời của Phao-lô cho đến khi viết thư Ga-la-ti, có thể chia làm 6 giai đoạn (xem trang 24).
Chúng ta đã học qua 4 giai đoạn đầu, hôm nay chúng ta dùng phương pháp tham chiếu để học tiếp giai đoạn thứ năm, tức là đoạn văn 10 câu trong chương 2 (xin đọc chương 2 theo bản dịch mới).
Mười bốn năm sau chuyến về thủ đô lần thứ nhất ghi trong chương một, Phao-lô lại lên Giê-ru-sa-lem, lần này có Ba-na-ba và Tít cùng đi.
Phao-lô nhấn mạnh ông đi chuyến này theo điều Chúa chỉ bảo. Bản dịch của Phan-Khôi dịch là “vậy theo lời tỏ ra.” Theo nguyên tác là theo “sự khải thị.” Từ “khải thị” thường được dùng để chỉ về việc Chúa mở mắt, mở trí cho con người xem thấy và nhận thức một chân lý của Đạo Chúa. Các giáo huấn của Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước phần lớn đã được khải thị qua tác giả, tiên tri cũng như sứ đồ và trên hết là qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Trong trường hợp đặc biệt này, Phao-lô cần Chúa hướng dẫn để đi đúng hướng, chọn đúng đường trong chương trình phục vụ Chúa. Phao-lô đã xin Chúa và quả nhiên Chúa hướng dẫn ông cũng như Ngài hướng dẫn hàng nghìn triệu con cái Ngài khắp thế giới.
Tuy nhiên, sự khải thị chân lý cứu rỗi đã hoàn tất trong Thánh Kinh, cố nhiên ngày nay chúng ta không cần xin sự khải thị chân lý mới, nhưng vẫn cần được Chúa hướng dẫn trong bước đường đời. Nếu chúng ta hết lòng tin cậy và cầu xin, chắc chắn Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta từng bước.
Nếu chúng ta nhìn nhận như nhiều học giả là chuyến đi thủ đô này (chương 2) là chuyến đi cứu trợ nạn đói ở sách Công vụ 11:27-30, thì chuyến đi thứ nhất để làm quen với sứ đồ Phê-rơ và Gia-cơ em Chúa ghi cuối chương 1 thư Ga- la-ti, phù hợp với cuộc hành trình về thủ đô trong Công vụ 9:26-30. Và như thế “sự khải thị” hay “điều Chúa chỉ bảo” mà Phao-lô nói trong Ga 7:2 chính là sự tiết lộ của nhà tiên tri A-ga-lút. Được Chúa Thánh Linh hướng dẫn, A-ga-lút nói tiên tri rằng sẽ có đói kém trên khắp đất. Thật thế, sự đói kém này xảy đến trong đời hoàng đế La Mã Cơ-lốt. Cơ-lốt tức Claudius trị vì từ năm 41-54 theo nhà sử Josephus và các sử gia La Mã, nạn đói lớn ấy xảy ra tại Giu-đê từ năm 44-48, xứ Giu-đê có hai tổng trấn là Cuspius Fadus và Tiberius Alexandre. Như thế chắc Phao-lô lên đường cứu trợ vào khoảng năm 46.
Mục đích của cuộc hành trình này là cứu trợ nạn nhân đói kém, nhưng theo Ga-la-ti, Phao-lô còn có một mục đích thứ hai là trình bày Phúc Âm ông đã truyền bá ở nước ngoài cho các sứ đồ lãnh đạo Hội thánh trung ương. Lý do là một số người thù nghịch theo Do-thái-giáo, tuy đã tin Chúa nhưng còn quá thủ cựu, câu nệ luật pháp Mai-sen, đã xuyên tạc Phúc Âm mà Phao-lô công bố khắp nơi. Họ gieo hoang mang hiểu lầm trong giới lãnh đạo Hội thánh, cũng như gây rối loạn trong hàng ngũ tín hữu.
Phao-lô nhân cơ hội về thăm Hội thánh trung ương, đã trình bày đầy đủ chi tiết các giáo lý Phúc Âm, theo hệ thống thần học mà ông truyền giảng khắp nơi. Không thể nào mâu thuẫn hay xung khắc với hệ thống thần học của các sứ đồ, vì Phao-lô đã được chính Chúa Cứu Thế dạy bảo.
Số “tín hữu giả mạo” mà Phao-lô nói đến trong câu 4 đã trà trộn vào Hội thánh để dọ thám. Họ chỉ muốn bới lông tìm vết, họ chỉ muốn báo cáo tâng công. Họ rình xem người theo Chúa hưởng quyền tự do như thế nào. Cố nhiên không phải là tự do phóng túng, cố nhiên không dính dấp gì đến tự do chính trị. Tự do trong Chúa Cứu Thế là sự giải thoát tâm hồn khỏi xiềng xích gông cùm của tội lỗi. Thế mà mục đích của bọn người ấy là bắt các tín hữu trở lại làm nô lệ tinh thần, họ muốn trói buộc người tin Chúa vào luật lệ khắt khe của họ, một thứ luật chỉ trọng hình thức mà không đếm xỉa đến tinh thần.
Phao-lô dứt khoát lập trường: Đối với hạng người ấy, chúng tôi không nhượng bộ tí nào, dù trong giây phút, để anh em khỏi hiểu lầm rằng con người được cứu rỗi nhờ lễ nghi và giáo luật.