Khảo Học Thư Ga-la-ti (P7)
TÁC GIẢ THƯ GA-LA-TI (II) (1:18-24)
Con người viết bức thư tuyệt diệu diễn tả quyền tự do của con cái Chúa thật là một con người phi thường. Trong chương thứ nhất và hai, Phao-lô đã lược thuật cuộc đời của mình từ thời kỳ còn xa lạ và chống đối Chúa Cứu Thế, cho đến ngày viết thư Ga-la-ti.
Thời điểm then chốt của cuộc đời Phao-lô là ngày giờ được gặp Chúa Cứu Thế, là ngày “Thượng Đế vui lòng khải thị Con Ngài ra trong tôi.”
Khải thị có nghĩa là “mở ra cho xem, là tiết lộ một chân lý, một sự thật mà trí óc con người không thể nào khám phá nổi.” Chúa đã mở mắt trong tâm hồn Phao-lô, cho ông thấy ánh sáng chân lý, cho ông biết con người ông đã khinh dễ ghen ghét, chống đối, bách hại chính là vị cứu tinh của nhân loại.
Như thế cuộc đời của Phao-lô có thể chia đôi một cách đơn giản, thời kỳ trước khi được thấy Chúa, tin Chúa và thời kỳ sau khi tin Chúa. Nhìn lại các giai đoạn đã qua, Phao-lô nhận thấy hai thời kỳ ấy khác nhau một trời một vực. Trước ngày gặp Chúa là thời kỳ tăm tối, có khi ông gọi là lúc “ngu muội chưa tin.” Sau ngày được Chúa khải thị là thời kỳ ánh sáng, tâm trí đã trở nên sáng suốt, hiểu biết sự thật về chương trình cứu rỗi vĩ đại của Thượng Đế và hành động đã biến thành quang minh chính đại trong ánh sáng Phúc Âm. Như chúng ta đã nói trong bài trước, tiểu sử của Phao-lô trong hai chương đầu thư Ga-la-ti có thể chia thành 6 giai đoạn.
Trong bài trước chúng ta đã học qua hai giai đoạn đầu và nêu lên sự khác biệt giữa nếp sống ngày trước và sau ngày gặp Chúa của Phao-lô. Tìm lại vết tích của chặng đường đã vượt qua, Phao-lô nhận thấy Chúa đã dọn đường cho ông đến gặp Chúa. Ba động từ “tuyển chọn,” “kêu gọi” và “khải thị” diễn tả các hành động yêu thương nhân từ của Chúa, bắt đầu ngay từ lúc Phao-lô còn trong lòng mẹ, và tiếp tục giữa những năm tháng ông còn mê muội, chống đối Phúc Âm. Mấy chữ “tôi tức khắc vâng lời, không bàn tính thiệt hơn” nhấn mạnh sự đáp ứng nồng nhiệt và dứt khoát của Phao-lô, một khi biết rõ Chúa muốn cứu ông để dùng ông truyền bá Phúc Âm cho các dân tộc nước ngoài.
Với tinh thần đó, Phao-lô bước vào giai đoạn thứ ba, giai đoạn tiếp xúc và kết thân với các nhà lãnh đạo Hội thánh, với những người cùng sống cùng chết với nhau để truyền giảng Tin mừng của Chúa Cứu Thế. Gal 1:8-20, Phao- lô viết:
Ba năm sau, tôi lên Giê-ru-sa-lem thăm Phê-rơ và ở lại với ông mười lăm ngày. Trong thời gian ấy tôi chỉ gặp hai vị sứ đồ là Phê-rơ và Gia-cơ em Chúa (có Thượng Đế chứng giám, những điều tôi viết đây là sự thật).
Muốn hiểu rõ các diễn biến từ câu 18 trở đi, chúng ta cần áp dụng phương pháp tham chiếu để so sánh với các sử liệu khác trong Thánh Kinh, và soi sáng cho các câu văn súc tích này của thư Ga-la-ti. Quyển sử có giá trị nhất về sự hình thành và phát triển Hội thánh trong thời kỳ này là sách Công Vụ Các Sứ Đồ của y sĩ Lưu- ca. Cuộc viếng thăm Giê-ru-sa-lem ba năm sau ngày Phao-lô tin Chúa của thư Ga 1:18 phù hợp với cuộc viếng thăm trong Công Vụ 9:19 đã ghi. Phao-lô đã bỏ phần lớn đời mình, học hỏi, hoạt động, tranh đấu và đã tạo cho mình một sự nghiệp lớn tại Giê-ru-sa-lem trước ngày gặp Chúa. Nhưng lần này, khi về Giu-đa, Phao-lô không còn lui tới những người chống đối, bách hại đạo Chúa, không còn quay lại đơn vị uy quyền cũ. Phao-lô quyết định bỏ tất cả, mặc dù biết rằng bỏ đi sự nghiệp đã dày công xây dựng gần cả đời người, nay chỉ còn hai bàn tay trắng, nhưng Phao-lô đã dứt khoát. Trong bức thư Phi- líp, Phao-lô đã giải thích lập trường của ông:
Người theo Chúa vui mừng hãnh diện về những công việc Chúa Cứu Thế Jê-sus đã hoàn thành và nhìn nhận con người không thể nào tự sức mình đạt đến sự cứu rỗi. Nếu người khác có thể tự hào về công đức thì tôi càng có quyền tự hào. Nếu con người có thể tự giải thoát nhờ công đức, khổ hạnh thì tôi cũng đủ điều kiện: tôi chịu thánh lễ cắt bì khi mới sinh được tám ngày, tôi sinh trưởng trong một gia đình Y-sơ-ra-ên chính gốc, thuộc chi phái Bên-gia-min, tôi là người Do-thái thuần túy, giữ giáo luật nghiêm khắc vì tôi thuộc dòng Biệt lập. Xét theo bầu nhiệt huyết, tôi đã khủng bố Hội thánh; xét theo tiêu chuẩn thánh thiện của luật pháp Mai-sen, nếp sống tôi hoàn toàn không ai chê trách được. Những ưu điểm ấy nay tôi đều kể là khuyết điểm đáng loại bỏ để tôi có thể đặt tất cả niềm tin cậy vào Chúa Cứu Thế.
Vậy tất cả những điều ấy trở thành vô nghĩa nếu đem ra so sánh với điều quý báu tuyệt đối này:
Biết Chúa Jê-sus là Chúa tôi. Tôi trút bỏ tất cả, coi như vô giá trị, cốt để được Chúa Cứu Thế, được liên hiệp với Ngài, không còn ỷ lại nơi công đức, đạo hạnh của mình, nhưng tin cậy Chúa Cứu Thế để Ngài cứu rỗi tôi… Tôi loại bỏ tất cả, đó là phương pháp duy nhất để biết Chúa Cứu Thế, để kinh nghiệm quyền năng vô hạn đã làm cho Ngài sống lại, và để chia xẻ những nỗi khổ đau và sự chết với Ngài. Như thế, dù sao, tôi cũng được sức sống mới mẻ của con người sống lại từ cõi chết. (Philip 3:4-11)
Rũ áo ra đi, xây lưng lại với quá khứ đen tối, Phao-lô cũng như những người mới tin Chúa cần tiếp xúc với những người chúng ta mới, những người chúng ta đồng đức tin, những người sẵn sàng sống chết với mình, những người theo Chúa trước mình, những người giàu kinh nghiệm về quyền năng của Chúa và về con đường phục vụ Chúa. Phao-lô đã tìm được ba người chúng ta như thế trong Phê-rơ, Gia-cơ em Chúa Jê-sus và Ba-na-ba (Ga 1:19-2:1 so với Công vụ 9:27).
Thư Ga-la-ti không miêu tả vai trò quan trọng của Ba-na-ba, nhưng theo sách Công vụ, trong giai đoạn một số tín hữu thủ đô còn xa lạ, ngỡ ngàng và có phần nghi kỵ, Ba-na-ba đưa Phao-lô đi giới thiệu và trình bày sự thật về sự hối cải vô cùng kỳ diệu của Phao-lô. Thời gian 15 ngày chung sống trong sự hiện diện của Chúa, đã thắt chặt tình bằng hữu giữa Phê-rơ và Phao-lô. Xét theo phương diện lịch sử, có người thắc mắc: tại sao lịch sử Giáo hội cho biết có tất cả 12 vị sứ đồ, mà khi về Giê-ru-sa-lem, Phao-lô chỉ gặp được hai ông là Phê-rơ và Gia-cơ em Chúa? Tại sao gọi sứ đồ Gia-cơ là em Chúa, trong khi các sách Phúc Âm đều nói rõ Gia-cơ là con Xê-bê-đê?
Trả lời câu hỏi thứ nhất, chúng ta được biết trong thời kỳ khủng bố Hội thánh, thì 12 vị sứ đồ còn ở tại Giê-ru-sa- lem (Công vụ 8:1), nhưng ba năm sau, các sứ đồ đã chia nhau đi truyền giáo khắp nơi. Một phần vì các tín hữu tản lạc đã trung tín chia xẻ tin mừng và thành lập nhiều nhóm tín hữu nhan nhản khắp đế quốc La Mã, nhiều nơi trên lục địa Phi châu, Á châu và Âu châu.
Trả lời câu hỏi thứ hai, chúng ta cần phân biệt ba người được gọi là sứ đồ Gia-cơ. Trong bảng danh sách các sứ đồ (Math 10:, Mác 3:, Lưu-ca 6: và Công vụ 1:) có Gia-cơ con Xê-bê-đê và Gia-cơ con A-phê. Gia-cơ con Xê-bê-đê và là anh của Giăng là sứ đồ đầu tiên bị tử đạo dưới quyền vua Hê-rốt. Gia-cơ con A-phê ít được Thánh Kinh nói đến, chắc lúc ấy đang đi truyền giáo xa nên không gặp Phao-lô. Theo lời truyền khẩu, Gia-cơ này về sau bị người Do-thái ném đá chết vì truyền bá Phúc Âm. Gia-cơ em Chúa, mới tin Chúa sau khi Ngài sống lại, nhưng đã chóng trở thành một nhà lãnh đạo Hội thánh vì đức tin, tinh thần và thành quả phục vụ Chúa, nên lúc ấy, nhất là lúc các sứ đồ đi vắng, đã nghiễm nhiên trở thành nhà lãnh đạo cao cấp, ngang hàng với Phê-rơ, và trong lúc Giáo hội nghị hay Hội nghị cộng đồng đầu tiên họp tại Giê-ru-sa-lem, Gia-cơ em Chúa là chủ tọa Hội nghị. Chính vì nhiệm vụ quan trọng trong Hội thánh trung ương ở Giê-ru-sa-lem, chẳng khác nào nhiệm vụ của các sứ đồ, mà Gia-cơ em Chúa được gọi là sứ đồ, tức là một nhà lãnh đạo cao cấp bậc nhất của Hội thánh và cũng là sứ giả của Chúa Cứu Thế đi truyền bá Phúc Âm cho dân tộc Do-thái thời ấy.
Giai đoạn thứ tư có thể gọi là giai đoạn chia xẻ Tin mừng cho quê hương. Phao-lô viết:
Sau đó tôi sang xứ Sy-ri và xứ Si-li-si. Lúc ấy, các Hội thánh của Chúa Cứu Thế tại xứ Giu-đê cũng chưa giáp mặt tôi. Họ chỉ nghe rằng: người khủng bố họ ngày trước nay đang truyền đạo mà người đã cố sức tiêu diệt. Vì cớ tôi họ càng ca ngợi Thượng Đế (Ga-la-ti 1:21-24).
Mấy câu trên ăn khớp trong Công vụ 9:30, đã ghi rằng Phao-lô đi đến Tạt-sơ. Theo địa lý thời ấy, ai cũng biết hải cảng Tạt-sơ là thủ đô xứ Si-li-si. Sách Công vụ còn cho biết, trong thời gian trở về Giê-ru-sa-lem này, Phao-lô đã tìm dịp nói về Chúa cho những người Do-thái theo văn hóa Ну-lạp, tức là những người vốn đồng hội đồng thuyền với Phao-lô, nhưng bọn này tìm cách hại ông. Tuy Phao-lô không trở về địa vị uy quyền cũ, nhưng ông không quên những người bạn cũ, những người cùng trong một tầng lớp xã hội với mình. Ông cố sức giới thiệu Chúa Cứu Thế cho họ biết. Sách Công vụ cho biết chính vì bọn Do-thái theo văn hóa Hy-lạp tìm cách hại ông, nên cuộc viếng thăm Giê-ru-sa-lem phải chấm dứt sau 15 ngày ở với Phê-rơ, và chưa có dịp tiện cho các Hội thánh xứ Giu-đa gặp mặt Phao-lô. Cố nhiên các Hội thánh đều nôn nóng gặp mặt vị hung thần khủng bố Hội thánh, nay đã biến thành người bạn thiết của họ, nhờ một giờ phút được gặp Chúa Cứu Thế.
Phao-lô đi về xứ Si-li-si làm gì? Thư Ga-la-ti 1:23 trả lời: Phao-lô “truyền giảng Đạo mà người cố sức tiêu diệt.” Sách Công vụ còn cho biết thêm, Phao-lô về Tạt-sơ, thủ phủ xứ Si-li-si và hoạt động khắp xứ Si-li-si tức là quê hương ông, đến nỗi sau đó một thời gian, Ba-na-ba thấy Hội thánh xứ Sy-ri phát triển quá nhanh chóng, một mình ông không thể nào đương đầu nổi, nên Ba-na-ba phải lên hải cảng Tạt- sơ, xứ Si-li-si tìm Phao-lô cho được và mời ông về An-ti-ốt cộng tác với mình trong công cuộc truyền bá Phúc Âm và xây dựng Hội thánh. Công tác của Phao-lô và Ba-na-ba tại An-ti-ốt và cả xứ Sy-ri thành công quá mức tưởng tượng cả phẩm lẫn lượng, đến nỗi người chưa tin Chúa ở Sy-ri gọi các tín hữu là người Cơ đốc, tức là người của Chúa Cứu Thế.
Thấy một con người đổi mới như thế ai mà không lấy làm lạ. Thấy một người thù ghét, chống đối Phúc Âm biến thành người truyền bá Phúc Âm dũng cảm, chỉ biết hoạt động theo lòng bác ái vô biên của Chúa Cứu Thế, không còn biết sợ mất mạng sống thì ai mà không nức lòng ca tụng Chúa khôn ngoan và có quyền năng tuyệt đối.
Chúng ta có thấy sự khôn ngoan và quyền năng tuyệt đối ấy đang hoạt động ngay trước mắt, ở quê hương và khắp cả thế giới hay không?