Khảo Học Thư Ga-la-ti (P5)

NỘI DUNG THƯ GA-LA-TI

father and son 1

Đọc qua lần đầu suốt cả bức thư, chúng ta nhận thấy có mấy câu nổi bật:

Chúa Cứu Thế đã giải phóng chúng ta, cho chúng ta được tự do thật. Vậy hãy bảo vệ và phát huy tự do, đừng tự tròng cổ vào ách nô lệ của luật pháp nữa (Ga 5:1).

Thưa anh em, Chúa đã cho anh em được tự do, nhưng đừng hiểu lầm tự do là phóng đãng, buông trôi theo dục vọng. Anh em được tự do để phục vụ lẫn nhau trong tình yêu thương, vì cả luật pháp cô đọng trong câu này: yêu thương người khác như mình (Ga 5:13-14).

Trước khi Chúa Cứu Thế đến, chúng ta phải làm nô lệ cho luật pháp và tục lệ cổ truyền, vì tưởng những thứ ấy có thể cứu rỗi chúng ta. Nhưng đến đúng kỳ hạn, Thượng Đế sai con người xuống trần gian, do một người nữ sinh ra trong một xã hội câu nệ luật pháp, để giải phóng những người làm nô lệ luật pháp, và cho họ quyền làm con của Thượng Đế. Vì vậy, Thượng Đế sai Thánh Linh của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta, giúp chúng ta gọi Ngài bằng Cha. Như thế, chúng ta không còn làm nô lệ nữa, nhưng làm con Thượng Đế. Đã là con, chúng ta cũng được thừa hưởng cơ nghiệp của Thượng Đế. Chúng ta không phải là con của người nô lệ, nhưng là con của người tự do.

Đọc suốt qua thư, chúng ta nhận thấy lối kết cấu các tài liệu, các lập luận, lối trình bày các dẫn chứng đều nhằm mục đích là khai triển một chủ đề. Chủ đề ấy là sự tự do trong Chúa Cứu Thế, mà các câu trong chương 2, 4, 5 là các câu điển hình.

Bây giờ, chúng ta đọc suốt cả bức thư lần thứ nhì. Lần này chúng ta lưu ý đến các đại ý mà thôi.

Trong 6 chương của bức thư, chúng ta nhận thấy có ba đại ý, cứ hai chương diễn tả một ý chính.

Đại ý thứ nhất trong chương một và hai: sau khi đặt vấn đề, con người làm thế nào cho đẹp lòng Chúa, hay con người được cứu rỗi cách nào? Phao-lô dành gồm cả hai chương này để trình bày kinh nghiệm bản thân của mình. Trước khi biết Chúa Cứu Thế, Phao-lô cũng lầm tưởng như hàng triệu người khác là cứ giữ luật pháp Mai-sen, sống một đời đạo hạnh theo truyền thống tôn giáo của gia đình, của dân tộc tất nhiên sẽ đẹp lòng Chúa, sẽ được Ngài chấp nhận và cứu rỗi, Phao-lô viết:

Tôi theo Do-thái-giáo, nhẫn tâm khủng bố và phá hoại Hội thánh của Thượng Đế. Giữa người đồng trang lứa, tôi là người cuồng nhiệt nhất trong Do- thái-giáo, cố sức thực thi truyền thống của tổ phụ (Ga 1:13-14).

Nhưng một biến cố xảy ra đã đảo lộn truyền thống, hệ ý thức và cả cuộc đời Phao-lô. Chỉ vì Thượng Đế yêu thương, Ngài đã nhân từ kêu gọi Phao-lô, mở tâm trí cho ông biết Chúa Cứu Thế là con Thượng Đế. Nhưng biết Chúa không phải để hưởng phúc một mình, Chúa muốn Phao-lô biết Chúa để truyền giảng Phúc Âm cho các dân tộc nước ngoài. Được biết ý định của Chúa, ông tức khắc vâng lời, không bàn tính thiệt hơn.

Ông dành thì giờ ba năm qua sa mạc Á-rập để học thêm về Chúa Cứu Thế. Rồi từ đó Phao-lô dấn thân vào công cuộc truyền bá Phúc Âm. Và cũng từ đó nhân dân khắp nơi cũng như Hội thánh đều nghe tin rằng con người khủng bố phá hoại Phúc Âm ngày trước, bây giờ đang truyền giảng Phúc Âm.

Nhưng được Chúa giải phóng khỏi tội lỗi và ách nô lệ của luật pháp giáo điều Mai-sen rồi, Phao-lô lập tức chạm trán với một số tín hữu giả mạo, trà trộn vào Hội thánh để dọ thám người theo Chúa, xem con cái Chúa được tự do trong Chúa Cứu Thế như thế nào? Phao-lô quyết tâm bảo vệ và phát huy quyền tự do thật trong Chúa, không nhường bước một ai. Phao-lô vạch rõ kinh nghiệm tự do (theo bố cục).

Kết thúc lời tự thuật về kinh nghiệm tự do trong Chúa của mình, Phao-lô viết:

Tôi đã bị đóng đinh vào cây thập tự với Chứa Cứu Thế, nay tôi sống, không còn là tôi nữa, nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi. Hiện nay, tôi còn sống trong thể xác là sống do niềm tin Con Thượng Đế. Ngài đã yêu thương tôi và hy sinh tính mạng vì tôi. Tôi không phải là người phủ nhận giá trị sự chết của Chúa Cứu Thế. Nếu con người có thể được cứu rỗi nhờ vâng giữ luật pháp thì Chúa Cứu Thế không cần chịu chết làm gì.

Đại ý thứ hai được khai triển trong chương 3 và 4 là giáo lý tự do. Nói cách khác, con người cậy luật pháp để mong đẹp lòng Thượng Đế và được cứu rỗi, đã thất bại hoàn toàn. Phao-lô rút tỉa giáo lý ấy từ kinh nghiệm theo Chúa lúc đầu của anh em tín hữu Ga-la-ti, từ Thánh Kinh Cựu Ước, từ lời hứa của Thượng Đế, là đức tin trưởng thành của người theo Chúa thời xưa, từ thất bại của tinh thần làm nô lệ cho các thần linh giả tạo, cho luật lệ kiêng giữ ngày tháng, mùa và năm. Phao-lô cũng phân tách hai thái độ trái ngược của người Ga-la-ti và sau hết rút tỉa bài học về hai dòng dõi, một dòng giống tự do và một dòng giống nô lệ. Kết thúc đại ý thứ nhì Phao-lô đã viết Ga-la-ti 4:21-31.

Đại ý thứ ba của bức thư Ga-la-ti là người theo Chúa Cứu Thế thực hành sự tự do trong cuộc sống hằng ngày. Phao-lô tuyên bố Chúa Cứu Thế đã giải phóng chúng ta, cho chúng ta tự do thật. Vậy hãy bảo vệ và triển khai tự do, đừng tự tròng cổ vào ách nô lệ của luật pháp nữa. Một khi Chúa Cứu Thế Jê-sus đã ban cho chúng ta sự sống vĩnh viễn, chúng ta không cần quan tâm đến việc chịu cắt bì hay không, giữ luật pháp hay không. Điều quan trọng là có tình yêu thương để chứng tỏ đức tin mình hay không. Anh em được tự do để phục vụ lẫn nhau trong tình yêu thương. Phải sống theo sự hướng dẫn của Thánh Linh để khỏi làm điều xấu theo dục vọng của bản tính cũ. Một khi anh em được Thánh Linh hướng dẫn, luật pháp không còn ràng buộc anh em được nữa.

Phao-lô viết tiếp – Để bản tính tội lỗi lộng hành, con người bị lôi cuốn vào những việc xấu như: gian dâm, ô uế, trụy lạc, thờ thần tượng yêu thuật, hận thù, tranh chấp, ghen ghét, giận dữ, tham lam, khích bác, bè phái, ghen tị, say sưa, trác táng và những điều tương tự. Tôi cảnh cáo anh em như tôi đã nói trước, người làm việc ấy không thể nào làm con dân của Thượng Đế. Trái lại đời sống mới do Thánh Linh dìu dắt sẽ sanh bông trái yêu thương, vui mừng , bình an, kiên nhẫn, nhân từ, hiền lương, thành tín, hòa nhã, tự chủ… Vì Thánh Linh ban sự sống mới cho chúng ta, nên chúng ta hãy theo sự hướng dẫn của Thánh Linh. Hãy ghé vai, chung gánh với nhau trong những nhiệm vụ lớn lao. Đồng thời mỗi người đều có những bổn phận, trách nhiệm riêng phải làm cho trọn. Hãy kiên tâm làm việc thiện, đừng chán nản, vì đến mùa chúng ta sẽ gặt hái kết quả tốt đẹp.

Ba đại ý ấy là ba phần lớn trong bố cục thư Ga-la-ti. Nắm vững chủ đề tự do và ba đại ý về kinh nghiệm giáo lý và thực hành, chúng ta đã thu hái được một phần tinh hoa của bức thư Ga-la-ti.