Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P40)
TRÁI THÁNH LINH 9: TỰ CHỦ
Xã hội Hy-lạp La Mã đã trở thành khuôn mẫu cho hầu hết các xã hội thế giới Tây phương trong thế kỷ đầu tiên, tức là thời đại Hội Thánh đẩy mạnh công cuộc truyền bá Phúc Âm ở vùng Tiểu Á, kể cả xứ Ga-la-ti.
Một sử gia đã miêu tả nếp sống của người La Mã như sau: “Tình vợ chồng thiêng liêng hầu như không được mấy người tôn trọng nữa. Tội ngoại tình trở nên quá thông thường, không còn làm cho ai ngạc nhiên hay lưu ý, ngoài những vụ ngoại tình bị khai thác vì lý do chính trị… Hầu như mỗi người phụ nữ giàu có ở La Mã ít nhất cũng đã từng ly dị một lần…” (Plutarch)
Nhà hiền triết Cato đã nhận định: “Chính quyền La Mã đã trở thành một tổ chức mãi dâm, khi bọn hoạt đầu chính trị dùng người phụ nữ làm món hàng trao đổi để tranh nhau các chức vị cao cấp, chiếm quyền tổng trấn các tỉnh và giành quyền chỉ huy quân đội…” Vì các vụ cưới gả ấy nhằm mục đích chính trị hay kinh tài, nên một khi không còn ích lợi chính trị hay kinh tài nữa thì tình vợ chồng cũng chấm dứt. Chồng hay vợ đều nhanh chân tìm một người chúng ta đường mới có thể giúp mình hay cha, anh mình leo lên một nấc thang cao hơn trong lĩnh vực chính trị hay kinh tế…
Số công dân sống độc thân để được tự do phóng túng, và số gia đình không con tăng rất nhanh. Trong xã hội xa hoa đồi trụy ấy, con cái là một thứ xa xỉ phẩm chỉ nhà nghèo mới có… Nhiều công dân La Mã không chịu lập gia đình, viện lý do là họ sợ cái hạng ‘phụ nữ tân thời’, nhưng thay vì cưới vợ, họ chỉ sống với các tình nhân hay nữ tỳ để dễ dàng thay đổi một khi đã chán.
Người Ну-lạp nói chung lại càng sa đọa một cách văn minh tiến bộ. Tiêu biểu nhất là hoàng đế A-lịch-sơn, chỉ độ một năm sau khi chiến thắng cả thế giới Tây phương, và mở rộng biên cương đến sát Ấп-độ, đã gục ngã và mất mạng vì không tự chủ được trước sắc đẹp và cám dỗ dục tình như câu “sắc bất ba đào di nịch nhân”.
Ngay trong lĩnh vực tôn giáo, nhiều tôn giáo thời ấy đã làm lơ hay chấp thuận nếp sống phóng túng của con người. Có số tôn giáo đã lợi dụng chốn tôn nghiêm và lòng mê tín để làm những chuyện đồi bại không tưởng tượng được. Lý thuyết cao siêu không che giấu được những hành động phóng túng của một số người lãnh đạo tinh thần. Phao-lô đã tóm lược những đặc điểm của các xã hội xa hoa phóng túng như sau:
Dù biết Thượng Đế nhưng họ chẳng tôn vinh hay biết ơn Ngài. Họ suy tư trong vòng lẩn quẩn, tâm hồn họ sa lầy trong bóng tối. Họ tự nhận là khôn ngoan mà thành ra mê muội. Thay vì thờ phượng Thượng Đế vinh quang hằng sống, họ tôn thờ thần tượng con người phù du, lẫn hình tượng chim thú hay loài bò sát. Vì thế, Thượng Đế đã bỏ mặc họ theo dục vọng, sa đắm vào sắc dục, làm ô nhục thân thể của nhau. Họ tráo đổi chân lý của Chúa bằng điều dối trá, và thờ phượng tạo vật thay cho Tạo Hóa là Đấng đáng được tôn thờ muôn đời. Vì thế, Thượng Đế để mặc họ theo dục tình ô nhục. Đàn bà bỏ cách luyến ái tự nhiên để theo lối phản tự nhiên. Đàn ông cũng bỏ liên hệ tự nhiên với đàn bà mà khích động tình dục lẫn nhau theo lối tình dục đồng giới đáng ghê tởm, để rồi hứng chịu hình phạt tương xứng với thói hư tật xấu của mình…(La mã 1:21-27)
I. Ý NGHĨA TỰ CHỦ
Trong khung cảnh xã hội ấy, Chúa Thánh Linh sáng tạo con người mới theo khuôn mẫu của Chúa Cứu Thế, con người tự chủ, con người làm thủy tổ của một giống nòi mới, một nhân loại mới.
Danh từ “tự chủ” theo nguyên tác Hy-lạp là ẻyicpáTeia có thể dịch là tự chủ, tiết độ, tiết chế, tự kềm chế. Thực ra, Thánh Kinh Tân Ước còn dùng một danh từ khác có khi cũng dịch là tiết độ, nhưng từ này có ý nghĩa điềm tĩnh, khôn ngoan, sáng suốt. Theo nhiều phương diện, danh từ “tự chủ” bao gồm cả nghĩa tiết độ, tiết chế và tiết dục. Theo nghĩa gốc danh từ Hy-lạp ẻYKpdTeia có nghĩa là nắm vững quyền cai trị trên bản thân. Thẩm quyền hay uy quyền ấy được sử dụng đối với sinh hoạt của con người riêng, định đoạt mối liên hệ của mình với người khác và với các ảnh hưởng của ngoại cảnh.
II. THỰC HÀNH TỰ CHỦ
1. Về phương diện tiêu cực
Là tiết chế, tiết dục, là không để cho tội lỗi lộng hành trong sinh hoạt, là không “bị lôi cuốn vào những việc xấu như gian dâm, ô uế, trụy lạc, thờ thần tượng, yêu thuật, hận thù, tranh chấp, ganh ghét, giận dữ, tham lam, khích bác, bè phái, ghen tỵ, say sưa, trác táng và những điều tương tự.” (Ga 5:19-20)
a) Tiết dục:
Tổng trấn La Mã Phê-lít theo lời yêu cầu của dân Do- thái mà giam cầm Phao-lô trong khám đường Sê-sa-rê, tổng trấn thường đòi Phao-lô tới vì mong Phao-lô đút lót tiền bạc cho mình. Chuyện ấy không lạ gì đối với các tổng trấn La Mã, đón nhậm nơi nào cũng cố sức vơ vét tiền bạc, bảo vật. Nhưng khi Phao-lô bị thẩm vấn, ông đã nhân cơ hội nói về Chúa Cứu Thế, về sự công chính, tiết chế và sự xét xử cuối cùng của Chúa thì tổng trấn Phê-lít run sợ, tìm cách hoãn binh để trấn an lương tâm. Phê-lít bảo Phao-lô: “Bây giờ anh hãy lui, đợi khi nào ta rảnh sẽ gọi lại”.(Công 24:25) Phê-lít run sợ vì ông đang sống một cuộc đời trác táng, đồi trụy, có lẽ khéo che giấu không ai biết, nhưng không qua mặt được người của Đức Chúa Trời.
Trong bức thư gửi người Cổ-linh, Phao-lô đã dạy rõ tín hữu của Chúa Cứu Thế không nên ăn của cúng thần tượng hoặc đến đền thờ thần. Một lý do rõ rệt là trong cuộc cúng tế, thờ phượng ở các đền ấy, người đến viếng đền hay thờ thần luôn luôn ăn nằm với các cô nữ tư tế trong đền. Vì thế, các con cái Chúa không những phải tránh xa cạm bẫy đó mà còn phải tránh cho người khác hiểu lầm. Mặc dù mình không phạm tội đó, nhưng khi bước vào những đền ấy sẽ bị những người khác tưởng rằng người tin Chúa cũng làm như thế. Con người tự chủ của Chúa luôn luôn ghi khắc lời này của Thánh Kinh: “Tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục” (I Cổ 9:27).
Nói như thế không có nghĩa là lánh đời ở ẩn, trốn xa xã hội, vì đã tự chủ được mình rồi thì không còn bị ngoại cảnh chi phối. Bậc đại ẩn sĩ là dầu ở giữa cảnh phồn hoa đô hội, mà vẫn sống cuộc đời trong sạch, thánh khiết như Chúa Cứu Thế đã cầu nguyện: “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha giữ họ khỏi nhiễm tội.”
b) Tiết chế:
Tự chủ là tiết chế, là tự kềm hãm những việc thái quá. Thất tình của con người như “mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, muốn” theo lối nói của người Á-đông, cần được kiềm chế và sử dụng đúng mức, Phao-lô tự thuật kinh nghiệm bản thân trong La Mã 7:14-25.
Theo kinh nghiệm của sứ đồ Phao-lô cũng như hàng nghìn triệu người có Chúa Thánh Linh, chỉ khi nào ta để Chúa Cứu Thế làm chủ lòng ta và cuộc đời ta, Chúa Cứu Thế mới giải thoát khỏi quyền lực tác hại của tội lỗi, của xác thịt, và mới thật sự tiết chế và sống cuộc đời thoải mái, thánh sạch.
c) Không bị áp lực nào chi phối:
Con người dễ theo tâm lý đàn cừu, chạy theo số đông, chịu quần chúng chi phối. Đã đành con người phải sống với gia đình, với xã hội, và chia xẻ những điều kiện sinh hoạt cũng như chu toàn những bổn phận chung đối với gia đình và xã hội. Tuy nhiên, một khi được Chúa Thánh Linh đổi mới, một khi được Chúa Cứu Thế ngự vào lòng, con người theo Chúa không còn để cho áp lực số đông chi phối và lôi cuốn mình làm những điều trái với sự sống của Chúa, trái với lời dạy của Chúa.
Một số người bị áp lực quá nặng nề của gia đình hay đoàn thể, đã nghĩ rằng tôi ở vào một nhóm thiểu số, người theo Chúa ít quá, sống theo lời Chúa cao quá, khó quá, tôi nên khéo léo một chút, nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc, rồi rút lui. Nếu theo lập luận ấy, thì nên nhớ rằng hiện nay số người tin Chúa Cứu Thế Jê-sus là tôn giáo đông nhất thế giới, đông hàng tỷ người ở khắp tất cả các nước. Nhưng Chúa muốn chúng ta tự chủ, không bị áp lực của số đông, không để cho người khác chi phối quyết định theo Chúa của mình.
Một anh em tín hữu mới đây đã nói: “Một khi tôi đã biết ai là cha tôi thì dù bị số đông chế nhạo, sỉ nhục, tôi cũng không bao giờ chịu chối bỏ cha tôi. Một khi tôi đã biết là Chúa Cứu Thế hy sinh tính mạng vì tôi, thì dù cho hàng bao nhiêu triệu người chống đối, bức hại hay đe dọa giết chết, tôi cũng quyết tâm theo Chúa dù phải trả giá nào đi nữa!”
2. Về phương diện tích cực:
Người tự chủ của Chúa Thánh Linh là người bình tĩnh cân nhắc thiệt hơn và sáng suốt lựa chọn một hướng đi, một kế hoạch, một chương trình cho cả cuộc đời mình, mà không để cho một điều gì hay một người nào, dù là người thân yêu hay có quyền thế trong Hội thánh ngăn trở. Vì người ấy đã đầu phục Chúa Thánh Linh và được Ngài đổi mới theo khuôn mẫu Chúa Cứu Thế, nên người ấy có một tinh thần tự chủ giống như Chúa Cứu Thế. Thật sự là Chúa Cứu Thế đang sống trong con người ấy nên người ấy sử dụng quyền tự chủ thế nào đi nữa thì cũng giống Chúa Cứu Thế. Người tự chủ luôn luôn thành công kết quả và tiến bước không ngừng theo chương trình đã hoạch định cho cả cuộc đời mình trong Chúa.
– Người tự chủ luôn luôn thành công và kết quả. Sứ đồ Phê-rơ đã nói đến sự thành công và kết quả ấy như trong II Phi 1:5-8. Lý do là theo câu 4, người ấy đang được dự phần bản tính Đức Chúa Trời. Kết quả tuy có nhiều ý nghĩa, nhưng một kết quả rõ rệt là đem nhiều người khác đến với Chúa Cứu Thế Jê-sus.
– Người tự chủ tiến bước không ngừng trên đường theo Chúa. Phao-lô ví sánh cuộc đời ông như một cuộc chạy đua, khi chạy tới đích sẽ được mão triều thiên không hề hư nát. (I Cổ 9:19-25).