Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P39)

TRÁI THÁNH LINH 8: HÒA NHÃ

violet

I. MỘT NGƯỜI HÒA NHÃ ĐIỂN HÌNH

Trong lịch sử Thánh Kinh, có một nhân vật tài ba lỗi lạc, học thức uyên bác, đã giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, sáng lập một nước hùng cường, ban hành một bộ luật hoàn bị nổi tiếng gần 15 thế kỷ. Nhân vật ấy có công cứu dân, dựng nước và lập pháp, đáng hưởng danh dự tột đỉnh trong cả lịch sử dân tộc, nhưng ông lại nổi tiếng là “người hòa nhã nhất thế giới.” (theo một bản dịch “ông là người khiêm hòa hơn hết mọi người trên thế gian”). Nhân vật ấy tên là Mai-sen.

Khi Mai-sen đến cứu một đồng bào bị đánh đập tàn nhẫn và bị chà đạp nhân phẩm, cố nhiên ông mong đồng bào hiểu rằng Chúa sẽ dùng ông giải phóng họ. Nhưng đến khi ông can thiệp vào vụ một đồng bào áp bức đồng bào khác, thì liền bị chống đối, sỉ nhục và đe dọa. Đứng vào cương vị một hoàng tử, ông có thể phản ứng theo tâm lý thường tình của các ông hoàng, là dập tắt tiếng nói của con người bất công, áp bức và hỗn xược đó bằng bất cứ phương tiện nào. Nhưng trái lại, Mai-sen hòa nhã, yên lặng và lánh đi nơi khác.

Được Chúa kêu gọi đích danh và sai đi giải phóng dân tộc, Mai-sen thưa: “Con không phải nhà hùng biện!” Các nhà chính trị vĩ đại, các bậc lãnh tụ dân tộc phần lớn phải có tài nói giỏi, nhưng do bản tính hòa nhã, không thích tranh biện, ông thử thoái thác nhiệm vụ vì nhận biết nhiều người khác có tài đức hơn mình. Chúa không phủ nhận lời Mai- sen nói, Chúa cho ông một phát ngôn viên hùng hồn hoạt bát là A-rôn để phụ tá ông. Ông chỉ muốn đứng sau người lãnh đạo, nhưng Chúa đặt ông ở hàng đầu, ở cấp lãnh đạo cả một dân tộc thoát khỏi hố thẳm diệt vong. Dân Y-sơ-ra- ên được Mai-sen giải phóng ra khỏi Ai-cập với đầy đủ uy quyền và sự bảo vệ hướng dẫn của Chúa.

Khi dân Y-sơ-ra-ên phạm tội nặng nề, vội bỏ đạo do Chúa truyền dạy, nổi loạn chống nghịch Chúa, Chúa bảo Mai-sen lánh đi để Ngài hình phạt dân Y-sơ-ra-ên, rồi Chúa sẽ làm cho dòng dõi Mai-sen trở thành một dân tộc lớn. (Xuất 32:7-10). Mai-sen liền nài xin Chúa với cả tâm hồn hòa nhã:

Lạy Chúa Hằng Hữu, sao Chúa nổi thạnh nộ cùng dân Ngài? Là dân mà Ngài đã dùng quyền năng lớn lao mạnh mẽ đưa ra khỏi Ai-cập… cầu xin Chúa… bỏ qua điều tai họa mà Ngài muốn giáng cho dân Ngài. Nếu không, Chúa xóa tên con khỏi sách mà Ngài đã chép đi (Xuất 32:32-33).

Chúa Hằng Hữu liền bỏ qua sự hình phạt ấy. Một lần khác, dân Y-sơ-ra-ên nghe báo cáo nửa thật nửa dối, đã vội vã tỏ tinh thần chủ bại, thông trách Mai-sen và Chúa Hằng Hữu:

Ước chi chúng tôi đã chết trong xứ Ai-cập hay gửi xác giữa sa mạc này. Vì sao Chúa Hằng Hữu dẫn chúng tôi vào xứ này để ngã chết dưới lưỡi gươm?

Vợ con chúng tôi sẽ làm miếng mồi ngon cho quân thù. Thôi, thà trở lại Ai-cập còn sướng hơn!

Họ quyết định cử một lãnh tụ khác để điều động cả dân tộc trở về vòng nô lệ.

Mai-sen không tranh luận, không cãi lẫy, chỉ sấp mình xuống trước mặt hội nghị nhân dân, yên lặng đợi chờ. Dân Y-sơ-ra-ên càng nổi loạn đòi ném đá Giô-suê và Ca-lép, hai người phụ tá đắc lực nhất của Mai-sen. Chúa ngự đến can thiệp và phán dạy:

Dân này khinh ta và không tin ta cho đến chừng nào, mặc dù các phép lạ ta làm ra giữa họ. Ta sẽ giáng cho dân này dịch lệ và tiêu diệt phần cơ nghiệp của nó đi, nhưng ta sẽ làm cho con (tức là Mai-sen) thành một dân tộc lớn hơn và mạnh hơn dân ấy (Dân 14:11-18).

Nhưng một lần nữa, con người hòa nhã Mai-sen đã khẩn khoản cầu xin Chúa tha tội cho dân tộc. Và một lần nữa, Chúa đã tỏ lòng nhân từ, thương xót mà tha thứ cho dân tộc ông. Thánh Kinh xác nhận ông là người khiêm hòa nhất trong thế giới.

II. QUAN NIỆM HÒA NHÃ TRONG VĂN CHƯƠNG HY-LẠP

Người cổ Hy-lạp dùng tĩnh từ TTpatí để diễn tả ý niệm hòa nhã, mềm mại, khả ái, không dễ bị kích thích, không nóng nảy. Người hòa nhã là người không cứng cỏi, không sỗ sàng, không phũ phàng, không giận dữ, không hung bạo, không gây sự; nhưng trái lại, là người vừa phải, biết điều, mềm mỏng và thái độ thân hữu.

Danh từ TTpoúJTT chỉ về đức tính hòa nhã, mềm mại, thường giữ tình thân hữu. Người cổ Hy-lạp thường cho rằng đức tính hòa nhã rất cần thiết trong xã hội, mặc dù nó cần phải được đáp ứng hay đền bù xứng đáng mới khỏi trở thành một thứ lầm lỗi. Theo chiều hướng đó, họ tin rằng cần phải lập luật pháp cho nghiêm, nhưng các thẩm phán khi xét xử lại phải biết áp dụng luật cách khoan hồng chứ đừng khắt khe. Tuy nhiên, người Hy-lạp lại chủ trương rằng hòa nhã không nên đưa đến sự tự hạ mình, và hòa nhã phải là đặc tính của người trí thức, quý phái, có nền văn minh cao, tức là của các triết gia mà Socrates là con người tiêu biểu.

III. HÒA NHÃ TRONG THÁNH KINH CỰU ƯỚC

Thánh Kinh Cựu ước dùng tĩnh tự anaw iỵỉ 13 lần để diễn tả ý niệm hòa nhã. Sách Dân-số ký sau khi thuật các diễn biến, gian khổ của Mai-sen, đã tiết lộ rằng chính anh ruột và chị ruột Mai-sen đã nói hành và đả kích ông nặng nề, đem ông ra so sánh với họ, để đi đến kết luận: “Chúa Hằng Hữu có phải chỉ dùng một mình Mai-sen mà phán dạy sao? Ngài há không dùng chúng ta mà dạy dỗ nhân dân nữa sao?” Rồi đến câu 3 chương 12 Dân-số ký nhận định rằng: “Mai-sen là người rất khiêm hòa hay hòa nhã hơn mọi người trên thế gian,” nghĩa là dù bị anh chị đâm sau lưng, Mai-sen vẫn giữ một mực hòa nhã với họ không hề lay chuyển.

Ê-sai 26 viết rằng:

Chúa lấy sự cứu rỗi làm tường lũy kiên cố. Hãy mở các cửa, cho dân công bình trung tín vào đó!

Người nào để trí mình nương dựa nơi Chúa thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình an trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài. Hãy nương cậy Chúa Hằng Hữu đời đời, vì Chúa Hằng Hữu, chính Chúa Hằng Hữu là núi đá của các thời đại. Chúa đã dằn những người tự cao, đã phá đổ tường thành cao ngất, hạ xuống sát đất, sa vào bụi bặm, bị giày đạp dưới chân, bị bàn chân người nghèo nàn hòa nhã bước lên trên và nghiền nát.

Như thế sức mạnh của người nghèo nàn hòa nhã là sức mạnh vô địch, vì họ được Chúa tha tội, xưng công bình, Chúa dùng cả sức mạnh vạn năng của Ngài để bảo vệ họ và cộng tác với họ. Danh từ anavah rms được Thánh Kinh Cựu Ước dùng 5 lần để nói về đức tính hiền hòa, mềm mại, dịu dàng, hòa nhã.

Tác giả Thi-thiên 18:35 nói đến đức hòa nhã của Chúa và kết luận rằng: Chúa cũng đã ban cho tôi sự cứu rỗi làm thuẫn, tay hữu Chúa nâng đỡ tôi, và sự hòa nhã Chúa đã làm cho tôi nên sang trọng (hoặc có thể dịch “sự hòa nhã của Chúa đã làm cho tôi thành người quan trọng). Đức hòa nhã của người tin Chúa trong thời Cựu Ước được Thi-thiên 54 và 55 miêu tả qua thái độ và hành động của họ trước người thù nghịch. (Xem Thi 54:1-2; 55:1-8)

IV. QUAN NIỆM HÒA NHÃ TRONG TÂN ƯỚC

Thánh Kinh Tân Ước đã phát huy quan niệm hòa nhã của tĩnh từ TTpatí? và danh từ TTpaÖTT| qua đời sống Chúa Cứu Thế, và đời sống những người được Chúa Thánh Linh ngự trị trong lòng.

1. Sứ mạng cao cả của Chúa Cứu Thế đã diễn biến từ một điểm khởi đầu thấp hèn, khiêm tốn do đức hòa nhã của Ngài (theo tiếng Hy-lạp, hòa nhã còn có nghĩa là thấp hèn, yếu ớt). Chúa không thi hành nhiệm vụ giữa điện ngọc đền ngà, nhưng giữa xã hội của những người nghèo khổ, thấp hèn, yếu đuối. Tấm lòng Chúa Cứu Thế là tấm lòng hòa nhã như có lần Chúa đã kêu gọi:

Những ai đang mệt nhọc và gánh nặng ưu tư, hãy đến với ta. Ta sẽ cho các con được nghỉ ngơi. Ta có lòng khiêm tốn, dịu dàng, hãy mang ách với ta và học theo ta, các con sẽ tìm được sự an nghỉ trong tâm hồn. Vì ách ta êm dịu và gánh ta nhẹ nhàng (Math 11:28-29).

Chính vì dựa vào uy quyền của Đấng Tạo Hóa mà Chúa Cứu Thế có thể kêu gọi với tất cả uy quyền, và có thừa khả năng để thực hiện tất cả những gì Chúa hứa. Trước ngày hy sinh tính mạng để cứu chuộc nhân loại, Chúa Cứu Thế ngự vào thủ đô Giê-ru-sa-lem trên lưng lừa con, và tác giả Phúc Âm thứ nhất đã trích dẫn một câu Kinh Thánh Cựu Ước để xác nhận: Chúa Cứu Thế là vua, nhưng là một vị vua hòa nhã nhân từ cưỡi trên lưng lừa con.

Khi truyền giảng về hạnh phúc thật, Chúa Cứu Thế tuyên bố:

Phúc cho người khiêm nhu, vì sẽ thừa hưởng đất đai. Phúc cho người hòa giải, vì sẽ được gọi là con của Thượng Đế. Phúc cho người chịu khủng bố khi làm điều công chính, vì nước Trời thuộc về họ. Phúc cho các con khi bị người ta nhục mạ, khủng bố và vu cáo đủ điều, chỉ vì các con theo ta (Math 5:4-11).

Đối với Thánh Kinh Tân Ước, người hòa nhã là người thuận phục ý chỉ của Đấng Tạo Hóa dù ở trong hoàn cảnh thuận hay nghịch, là người luôn luôn ý thức rằng mình là một người đầy tớ của Đấng Tạo Hóa, nên cứ yên lặng tình nguyện chấp nhận và đầu phục ý chỉ của Ngài qua các bước thăng trầm của cuộc đời. Nhưng điều đáng lưu ý là khác hẳn với thái độ cúi đầu bó tay trước số mệnh, người hòa nhã theo Thánh Kinh là người yên lặng đầu phục ý Chúa, với một niềm hy vọng chắc chắn rằng Chúa sẽ toàn thắng, và cảnh gian khổ nhục nhằn của mình có ý nghĩa thâm thúy hơn dưới ánh sáng của sự toàn thắng cuối cùng và đời đời của Chúa.

2. Phao-lô thích dùng chữ “hòa nhã” vì chữ ấy diễn tả rõ rệt một đức tính nổi bật của những người theo Chúa Cứu Thế. Phao-lô trách một số tín hữu tuy đã gia nhập Hội Thánh, nhưng còn đem những thói quen tranh cạnh, cãi vã, tụng kiện như trước khi tin Chúa. Phao-lô hai lần nhấn mạnh rằng, con người theo Chúa tự nhiên sống hòa nhã với mọi người, khác hẳn người chưa tin Chúa (II cổ 10:1). Hòa nhã của người có Chúa đặt trên căn bản yêu thương, nên cả việc trừng phạt người có lỗi trong Hội Thánh cũng phải theo tinh thần khoan dung đó (I cổ 4:21).

Văn chương của Phao-lô, nếp sống của Phao-lô cũng như các phản ứng, các quyết định, các hành động của ông đối với anh em tín hữu, với người thù địch tìm độc kế sát hại, với các tín đồ giả mạo, đều chứng tỏ rằng về phương diện tiêu cực, đức hòa nhã của Thánh Linh khác hẳn lập trường nhu nhược, yếu ớt, chủ bại hay khiếp nhược của một số người cho là hòa nhã, chỉ giữ thái độ nhịn nhục, chỉ vì sợ quyền lợi sẽ bị thiệt thòi, hoặc chỉ vì moi móc mà không còn nghĩ ra kế nào khác để phản công người áp bức.

Về phương diện tích cực, con người hòa nhã của Chúa Thánh Linh luôn luôn can đảm, anh dũng hoạt động, phấn đấu, nhưng khi bị thù nghịch hãm hại vẫn không giận ghét, căm hờn, nhưng vui lòng chịu đựng với cả tấm lòng ưu ái đối với người thù nghịch. Hòa nhã không phải vì mình cùng đường túng thế, nhưng vì tìm đường tìm thế để đưa người thù nghịch trở về với Chúa, và trên hết để biến thù thành chúng ta, thành anh em thân yêu ruột thịt tinh thần qua dòng huyết hy sinh của Chúa Cứu Thế Jê-sus.