Khảo Học Thư Ga-la-ti (P4)
LUẬN ĐỀ CỦA THƯ GA-LA-TI
Lịch sử tôn giáo chứng tỏ rằng từ vạn cổ, con người đã biết nguồn gốc cao siêu của mình. Con người ra từ một nguồn gốc cao cả hơn, tốt đẹp hơn, thánh thiện hơn những cái gì mình thấy trong bản thân hay trong cuộc sống hằng ngày. Tâm hồn con người muốn hướng thượng, hướng về cao siêu, hướng về tuyệt đối. Khuynh hướng ấy tiềm tàng trong hầu hết loài người, kể cả những người đang sa lầy trong cuộc sống sa đọa tuyệt vọng. Hướng về cao siêu tuyệt đối, con người biết rằng nguồn gốc của mình là cao siêu tuyệt đối, hay nói đúng hơn là Đấng cao siêu tuyệt đối Thành công hay thất bại, âm thầm hay công khai, nhiều người cũng cố hướng lòng về Đấng cao siêu tuyệt đối.
Nhưng vấn đề phải đặt ra ngay là làm cho con người khiếm khuyết, thấp hèn này có thể đạt đến mức trọn lành? Làm sao con người tội lỗi có thể đẹp lòng Đấng cao siêu tuyệt đối được? Nói chung các tôn giáo đều trả lời là phải tu tâm dưỡng tánh, phải học hỏi giáo lý, triết thuyết, phải làm việc phúc thiện để đổi công chuộc tội, phải vâng giữ các giáo luật nghiêm khắc, nếu không sẽ bị Đấng cao siêu tuyệt đối hình phạt nặng nề.
Nhưng loài người thất bại hoàn toàn. Những gì được xem là tiến bộ nhất, đạo hạnh nhất, cao thượng nhất cũng chỉ là những mẫu người tương đối tốt hơn nhiều người khác, nhưng vẫn còn lẩn quẩn trong vòng tương đối. Không bao giờ và không một người nào đạt đến mức tuyệt đối được. Trong khi đó những nguyên tắc tu dưỡng, những giáo điều, giáo luật nghiêm khắc lại biến thành một ách nô lệ mới, một loại xiềng xích tinh thần trói buộc con người.
Viết bức thư Ga-la-ti để giải quyết dứt khoát vấn đề to tát ấy, Phao-lô là sứ đồ hay sứ giả của Chúa Cứu Thế và của Thượng Đế (1:2), Chúa cho Phao-lô biết rõ, con người không bao giờ tự sức mình có thể đẹp lòng Chúa. Những giá trị tương đối của loài người không bao giờ làm thỏa mãn tiêu chuẩn tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Con người vô phương tự cứu. Con người chỉ được đẹp lòng Chúa, chỉ được Chúa chấp nhận khi tin nhận Chúa Cứu Thế Jê-sus và chấm dứt mọi cố gắng tự cứu lấy mình. Con người không thể tự mình đến gần Chúa thánh khiết tuyệt đối, phải nhờ Chúa Cứu Thế Jê-sus làm trung gian.
Tiêu chuẩn cao siêu tuyệt đối của Chúa thánh khiết không một người nào thỏa mãn được, nhưng Chúa Cứu Thế Jê-sus đã thay cho loài người thỏa mãn hoàn toàn tiêu chuẩn tuyệt đốì ấy. Chỉ nhờ Chúa Cứu Thế, con người mới được đẹp lòng Thượng Đế thánh khiết, công bằng tuyệt đối và được Ngài tiếp nhận.
Thời các sứ đồ đã đóng góp những gì quý báu và ý nghĩa nhất vào gia tài tư tưởng của nhân loại? Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Jê-sus đã đáp ứng nhu cầu tinh thần cấp thiết nhất của con người như thế nào?
Tư tưởng vĩ đại ấy là sự giải phóng con người toàn diện và nhu cầu ấy là nhu cầu tự do, mà chúng ta đã đề cập qua hai câu: “Chúa Cứu Thế đã giải phóng chúng ta cho chúng ta được tự do, vậy hãy giữ vững đừng đem thân làm nô lệ nữa.”
Hôm nay, cũng theo chiều hướng đó, chúng ta tìm hiểu sơ lược câu: “Tôi đã bị đóng đinh với Chúa Cứu Thế trên cây thập tự, tôi sống đây không còn là tôi nữa, nhưng Chúa Cứu thế sống trong tôi” (Ga 2:20).
Nếu con người có thể dùng pháp luật nghiêm minh, kỷ luật thép mà đổi mới tư tưởng, cải tạo tâm hồn, thì không cần bàn tay đổi mới của Đấng Tạo Hóa. Nếu con người có thể nhờ luân lý cương thường, hay nếp sống đạo hạnh mà đập tan được xiềng xích của tội lỗi, thói xấu, tật hư thì đâu còn Chúa Cứu Thế giáng sinh và chịu chết. Các dân tộc Á đông đã có nền luân lý tốt đẹp rồi, nếu con người tìm được sự giải phóng trong tâm hồn bằng phương pháp vâng giữ luật lệ và lễ nghi tôn giáo, thì Chúa Cứu Thế cần gì phải hy sinh và sống lại. Luật lệ các tôn giáo cũng đã quá đầy đủ. Luật lệ và lễ nghi Mai-sen cũng đã quá chặt chẽ, cao siêu và có một truyền thống đáng kính vô cùng.
Sứ đồ Phao-lô viết thư Ga-la-ti với những kinh nghiệm bản thân phong phú. Phao-lô thường nhấn mạnh rằng ông là công dân La Mã, và thường viện dẫn pháp luật La Mã để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và hành đạo.
Pháp luật La Mã, nhất là từ thời hoàng đế Auguste trở đi đã được xem là khuôn mẫu cho các bộ luật của nhiều nước lớn. Nhưng lịch sử đã cho biết rằng Auguste đã làm luật để trị dân thật giỏi, nhưng pháp luật ông đặt ra không thể nào kềm chế tính xấu, tật hư của nhân dân, hay thay đổi ngay người con gái cưng của hoàng đế là công chúa Julie ở luôn bên cạnh Auguste cũng không được pháp luật ấy cảm hóa tí nào.
Một nhà sử còn nhận định: “Mặc dù hoàng đế Auguste đã thành công rực rỡ trong lãnh vực chính trị quân sự, nhưng điều làm cho hoàng đế đau xót nhất là những tật đồi bại, những hành vi phạm pháp của người con gái cưng đó.”
Có lẽ ít có dân tộc nào trọng luân lý, đạo hạnh như dân tộc của Phao lô. Với một chế độ giáo huấn chặt chẽ, với những biện pháp gắt gao để bảo vệ luân lý trong gia đình. Với những luật lệ tôn giáo nghiêm khắc, các nhà lãnh đạo tinh thần của dân tộc Phao-lô đã tự hào có thể kiểm soát, hạn chế được tội ác, nhưng Phao-lô đã vạch trần nếp sống luân lý đạo hạnh đó trong thư Ga-la-ti 1:13-14. Ông kết luận rằng nếp sống ấy bề ngoài có vẻ khắc khổ, nhưng không có ích gì để kềm chế dục vọng của xác thịt. Giải pháp được nhiều người áp dụng nhất là giữ luật lệ tôn giáo.
Phao-lô trước khi tin Chúa, đã cố gắng giữ luật pháp tôn giáo Mai-sen đến mức không chỗ trách được, nhưng ông ý thức rõ rệt rằng ông vẫn không đạt đến mục tiêu, vì tiêu chuẩn của Chúa quá cao, và thành quả của ông so với hàng triệu người khác cũng tương đối khá, nhưng còn quá thấp kém so với tiêu chuẩn tuyệt đối của Chúa. Phao-lô diễn tả tiếp trong Ga-la-ti từ 2:16-21 đến 3:10-12.
Như thế, sau khi theo đuổi con đường đạo hạnh, luân lý, luật lệ tôn giáo để tìm sự giải thoát, Phao-lô đã thất bại hoàn toàn. Trong cơn tuyệt vọng, ông được nghe tiếng gọi của Chúa Cứu Thế, được gặp chính Chúa Cứu Thế. Phương pháp Chúa dùng để đem lại cho Phao-lô sự tự do thật là cái chết trên cây thập tự.
Đọc một lần nữa Ga 2:20. Câu Kinh Thánh này là chìa khóa của thư Ga-la-ti, là phương pháp giải phóng loài người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và luật pháp, là bản đồ vạch con đường tự do thật cho người theo Chúa.
Phương pháp ấy gồm hai sự chết: sự chết của Chúa Cứu Thế và sự chết của người tin Chúa. Chúng ta đã tin Chúa Cứu Thế chịu chết thay cho chúng ta trên cây thập tự, không một người theo Chúa nào không biết rõ điều đó. Nhưng đây Phao-lô còn nói đến sự chết của người tin Chúa với hình ảnh người bị đóng đinh trên cây thập tự. Xin chúng ta đừng hiểu lầm. Đây không phải nói về một án tử hình thể xác, mà thân thể quằn quại trên cây thập tự là thân thể của chúng ta. Phao-lô muốn nói đến một bản án tử hình trên cuộc đời tội lỗi, trên nếp sống cũ, trên sức mạnh của dục vọng, trên bản tính hư hoại của con người.
Một số người lại lầm tưởng Phao-lô muốn nói đến sự khắc khổ, đánh đập, đày đọa thân xác. Cũng như một số người muốn trừ ham muốn xấu xa thì lấy roi, lấy xích sắt tự đánh cho mình mẩy đầy thương tích. Không, Phao-lô không nói đến sự đày đọa, đánh đập thân xác. Ông muốn nói đến sự chết, sự đóng đinh trên cây thập tự. Người theo Chúa không phải chịu chết, chịu đóng đinh một mình, như một cố gắng riêng rẽ, nhưng chịu chết, chịu đóng đinh với Chúa Cứu Thế; tôi đã cùng Chúa Cứu Thế chịu đóng đinh trên cây thập tự. Dĩ nhiên Chúa chết trên cây thập tự vì chúng ta, Chúa chết để thay thế chúng ta chịu hình phạt vì tội lỗi chúng ta đã phạm. Sự hy sinh thay thế ấy, không một người nào có thể dự phần với Chúa.
Nhưng còn hơn thế nữa, muốn giải phóng chúng ta khỏi nếp sống tội lỗi ô uế, hư hoại, Chúa cùng chết với chúng ta, hay nói cách khác Chúa cho chúng ta cùng chết với Ngài trên cây thập tự.
Người tin Chúa không những nhìn nhận Chúa chết thay mình, nhưng cũng nhìn nhận mình đã bị đóng đinh với Chúa. Bị đóng đinh lúc nào? Trên nguyên tắc, ngày lịch sử khi Chúa Cứu Thế bị đóng đinh trên cây thập tự, Chúa đã bao gồm chúng ta trong sự chết của Ngài. Chúa Cứu Thế là thủy tổ của dòng dõi mới, nên trong Ngài đã có hạt giống hay mầm mống của chúng ta cũng như tất cả những người theo Chúa. Cũng như trong thủy tổ A-đam đã có hạt giống hay mầm mống của chúng ta. Nếu A-đam thủy tổ chúng ta, chết không sinh ra con cái nào, thì ngày nay làm gì có chúng ta, vì chúng ta đã chết với thủy tổ A-đam rồi.
Cũng thế, Chúa Cứu Thế là thủy tổ của dòng dõi mới. Khi Chúa chịu đóng đinh trên cây thập tự, trong Ngài đã có dòng dõi mới, có cả chúng ta. Khi Chúa Cứu Thế chết trên cây thập tự, dòng dõi mới kể cả chúng ta đã cùng bị đóng đinh và chết với Ngài. Đó là chân lý Phúc Âm mà Phao-lô đã cô đọng trong thư Ga-la-ti 2:20 và khai triển trong thư La Mã chương 6 đến gần cuối chương 7.
Chúng ta là người tin Chúa, chúng ta có nhìn nhận sự thực mà Ga-la-ti 2:20 diễn tả không? Chúng ta có biết chúng ta đã bị đóng đinh trên cây thập tự với Chúa Cứu Thế? Chúng ta có kinh nghiệm bản thân về sự đồng chết với Chúa Cứu Thế chưa?
Chúng ta không phải làm gì cả, Chúa đã hoàn thành việc ấy. Chúng ta chỉ lấy đức tin chấp nhận chân lý ấy và áp dụng chân lý ấy vào cuộc sống hằng ngày. Xin Chúa cho chúng ta có thể nói như Phao-lô trong Ga 2:20.