Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P38)
TRÁI THỨ BẢY CỦA THÁNH LINH LÀ THÀNH TÍN
I. Ý NGHĨA THÔNG THƯỜNG
1. “Thành” nghĩa là thật thà, thật lòng, “tín” nghĩa là tin thật, không ngờ vực. Như thế thành tín là thành thực tin cẩn (DDA 373), đáng tin cậy.
2. Từ điển Anh Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia đã dịch từ faithful là:
a. Trung thành
b. (giống như số1 ở trên)
c. Đúng với thực tế; chính xác; trung thực
3. Nho giáo tin có Trời làm chủ tể cả vũ trụ…, có cái ý chí rất mạnh để khiến sự biến hóa ở trong thế gian cho hợp lẽ điều hòa… Trần Trọng Kim đã viết trong quyển Nho giáo: “Người ta sở dĩ biết có nhân nghĩa lễ trí tín là nhờ cái tính trời phú cho, vậy nên ta phải thờ Trời. Nhưng thờ Trời thì chỉ có cách lấy cái ý chí chân thực và cái lòng kính cẩn mà giữ lúc động, lúc tĩnh, lúc chuyện trò hay lúc ngồi im lặng, không lúc nào được khinh nhờn … (TTK, NGI 49,53) …
“Người nào đã thành thực mà giữ lòng kính cẩn thì không bao giờ làm điều bất nhân phi nghĩa, tất là có thể sửa mình đến chí thiện được …” … (54)
“Kính, thành là cái gốc luân lý của Nho giáo. Có kính thì mới giữ được cái bản tính của mình cho thuần nhất, và có thành thì người với Trời và quỷ thần mới thông cảm với nhau được.” (Ibid)
“Trời sinh ra người có phú tính cho, tức là phú cho một phần thiên lý. Phần thiên lý ấy là cái tâm, là cái tinh thần của người ta. Nhờ cái tinh thần ấy người ta mới biết cái cỗi gốc của người là do ở Trời, và người với Trời có thể thông cảm tương ứng với nhau … Những người tu dưỡng đến bậc chí thành, tức là những người giữ được cái bản tính của mình thuần túy như của Trời phú cho thì có thể giúp được việc hóa dục của Trời (pXXI).” Vẫn theo Nho giáo, người ta ở trong xã hội giao thiệp với nhau, bao giờ cũng phải lấy chữ tín làm quan trọng. Sách đại học nói: “Dữ quốc nhân giao, chỉ ư tín” nghĩa là giao kết với người trong nước cốt ở sự tín … ” Khổng Tử nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả giả. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kỳ hà dĩ hành chi tai.” Nghĩa là người mà không có tín thì không biết ra thể nào, xe lớn không có đèn ngang thẳng, xe nhỏ không có đèn ngang cong, thì làm thế nào cho xe chạy được … Không có sự tín thì sự giao thiệp của người ta không nương tựa vào đâu được.
II. THEO CỰU ƯỚC
Thánh Kinh Cựu Ước dùng ba danh từ để chỉ về sự thành tín, nhưng hai chữ quan trọng nhất là emun và emunah. Điều đáng lưu ý là ngôn ngữ Hy-bá chỉ dùng cùng một chữ để diễn tả hai ý niệm “thành tín” và “niềm tin.”
1. Danh từ emun
Chỉ về sự kiên trì, vững vàng, trung tín. Phục 32:10, Chúa trách dân Y-sơ-ra-ên rằng:
Ta sẽ giấu mặt ta, để thử xem sự cuối cùng của nó ra sao; vì là một dòng dõi gian tà, là những con cái không có lòng trung tín.
Châm ngôn 14:5 định nghĩa “nhân chứng thành tín” là người không hề nói dối, nhưng sau khi quan sát xã hội quanh mình, tác giả lại than rằng: Ai có thể tìm ra được một người thành tín? (Châm ngôn 20:6)
2. Danh từ emunah
Đồng nghĩa là vững vàng, kiên định, thành tín. II Sử ký nói đến trường hợp Giô-sa-phát cử các thẩm phán trong nước và huấn thị rằng:
Hãy cẩn thận việc các ông làm; chẳng phải vì loài người mà các ông xét xử, nhưng là vì Chúa Hằng Hữu, Ngài sẽ ở cùng các ông trong việc xử đoán. Vậy bây giờ, phải kính sợ Chúa Hằng Hữu, chúng ta chẳng trái phép công bình, chẳng thiên vị người, chẳng nhận của hối lộ… Các ông phải kính sợ Chúa Hằng Hữu, lấy lòng trọn lành trung tín mà làm các công việc ấy. Hễ có anh em … đem đến trước mặt ông các vụ tranh tụng nào … thì các ông phải dạy bảo họ chớ phạm tội cùng Chúa Hằng Hữu …” (II Sử 19:6-7; 9b-10)
Tuy nhiên, Thánh Kinh Cựu Ước nhấn mạnh rằng, chỉ có Đức Chúa Trời mới thành tín đích thực, nghĩa là Chúa luôn luôn giữ đúng lời hứa trong khi loài người thường thất tín, bội nghĩa, quên lời hứa nguyện. Tác giả Thi-thiên miêu tả đức thành tín của Đức Chúa Trời như sau:
Sự thành tín Chúa cao vút tận mây xanh (36:5)
Thưa Chúa Hằng Hữu, các từng trời sẽ ca tụng phép lạ Ngài; sự thành tín Ngài cũng sẽ được ca ngợi trong hội các thánh … Sự thành tín Chúa bao bọc Chúa. Chúa hứa chắc chắn với người Ngài lựa chọn rằng: sự thành tín và sự nhân từ ta sẽ ở cùng người. Ta sẽ chẳng cất lấy sự nhân từ ta khỏi người, và sự thành tín ta cũng sẽ chẳng hết.
Ta sẽ không hề bội giao ước ta, cũng chẳng đổi lời ra từ miệng ta … (89:2,5,8,24,33-35).
Thi-thiên 92 lại viết: “Buổi sáng tỏ ra sự nhân từ Chúa, và ban đêm truyền ra sự thành tín của Ngài.” (câu 2)
Chiều kích thời gian của sự thành tín Chúa được Thi- thiên 119 gọi là “sự thành tín đời đời” hoặc “sự thành tín từ đời nọ qua đời kia.”
Báo trước sự xuất hiện của Chúa Cứu Thế, tiên tri Ê-sai viết trong chương 11 câu 3-6:
Thần của Chúa Hằng Hữu sẽ ngự trên Ngài, tức là Thần Khôn Ngoan và Thông Sáng, Thần Mưu Sĩ và Sức Mạnh, Thần Hiểu Biết và kính sợ Chúa Hằng Hữu … Ngài sẽ dùng sự công bình mà xét đoán kẻ nghèo, và xử lẽ ngay thẳng cho những người nhu mì trên đất … Sự công bình sẽ làm dây thắt lưng của Ngài, sự thành tín sẽ làm dây ràng hông.
Vì tin cậy sự thành tín Chúa, nên tiên tri Giê-rê-mi giữa những ngày đau thương của dân tộc đã quả quyết: sự thành tín Chúa mỗi ngày lại mới mẻ. Sự thành tín Chúa vô cùng vĩ đại (Ca thương 3:23).
Chúa đã ví sánh đức thành tín của Ngài với dân Y-sơ- ra-ên như của người chồng chung thủy với vợ. Người vợ ấy đã phản bội chồng đi theo tình nhân, làm tan nát lòng của người chồng thành tín. Tuy nhiên, Chúa là người chồng chung thủy thành tín, vẫn đợi chờ người vợ bội bạc ăn năn quay về. Khi ấy, Chúa tuyên bố:
Ta sẽ cưới ngươi cho ta đời đời. Ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự công bình, chính trực, nhân từ, thương xót. Phải, ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự thành tín, và ngươi sẽ biết ta là Chúa Tự Hữu Hằng Hữu (Ô-sê 2:19-20).
III. SỰ THÀNH TÍN CỦA THÁNH LINH TRONG TÂN ƯỚC
Thánh Kinh Tân ước dùng danh từ Hy-lạp TTLƠTI để diễn tả hai ý niệm thành tín và đức tin. Trong suốt Thánh Kinh Tân ước, nhất là trong các tác phẩm của Phao-lô, thành tín và đức tin ăn khớp kết hợp chặt chẽ đến nỗi không thể phân ly, và có thể nói không có cái này thì cái kia không thể nào tồn tại.
Lấy các ý nghĩa toàn bích mà Thánh Kinh Cựu Ước đã phát huy, Chúa Thánh Linh đã vạch rõ trong Tân ước tiến trình của đức thành tín: Loài người thất tín, bội Giao Ước, quên lời hứa với nhau và với Chúa, nhưng Đức Chúa Trời vẫn thành tín. Chúa giữ đúng lời hứa của Ngài bằng cách cho Con Một Ngài giáng thế làm người, hoàn thành tất cả các lời hứa trong Cựu Ước, thực hiện tất cả chương trình Ngài hoạch định và làm cho các tế lễ, các biểu trưng trong Cựu Ước có ý nghĩa, có giá trị đích thực.
Chúa thành tín giữ lời Giao Ước để hoàn thành phương pháp cứu rỗi loài người. Sự hy sinh và sống lại của Chúa Cứu Thế là nền tảng của lời hứa mới, của giao ước mới, là tất cả những người ăn năn tội lỗi, tin nhận Chúa Cứu Thế đều được Chúa nhận làm con, được nhập vào gia đình của Chúa, được Chúa truyền cho sức sống mới mẻ bất diệt. Người theo Chúa bởi đức tin mà tiếp nhận Thánh Linh, được Chúa Thánh Linh ngự trị trong lòng để phát huy đức tính của Chúa, kể cả đức tính thành tín trong đời sống người ấy, theo một nguyên lý bất di dịch là con phải giống Cha, người tin Chúa phải sinh hoạt giống như Chúa.
Như thế đức thành tín của Chúa là nguồn gốc, là nền tảng của đức thành tín trong con người có Chúa Thánh Linh. Một khi được Chúa Thánh Linh ngự vào lòng, đời sống của người theo Chúa tự nhiên và tất nhiên kết quả, sinh ra đức tính thành tín song song với tám đức tính khác mà Phao-lô liệt kê trong thư Ga-la-ti 5:22-23.
Người tin Chúa tự nhiên thành tín với Chúa và với tha nhân. Thành tín với Chúa như người quản gia đáng tín nhiệm theo I Cổ 4:1, như người phục vụ đáng tin cậy (Ê-phê-sô 6:21, Cô-lô-se 1:7, 4:7). Thành tín vì Phúc Âm đã được giao thác cho mình phát huy và truyền bá. Phao-lô khuyên Ti-mô-thê tìm những người đáng tín nhiệm để ủy thác Phúc Âm, và sứ mạng truyền bá Phúc Âm, để họ có thể dạy dỗ, huấn luyện người khác. Liên tục kiên trì, bền đỗ trong đức tin qua những thử thách, gian khổ là một hình thức thành tín với Chúa.
Đối với người, Thánh Kinh Tân Ước dạy chúng ta phải chứng tỏ sự thành tín cho người khác, vì đức tin trong Chúa Cứu Thế luôn luôn đi đôi với tình yêu thương, vì đức tin của người thành tín theo Chúa là đức tin hay làm ra bởi sự yêu thương (Ga 5:6), là đức tin thực hành tinh thần bác ái của Chúa Cứu Thế.