Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P37)
TRÁI THÁNH LINH 6: THIỆN HẢO
Lương thiện hay thiện hảo là một đức tính được đánh giá rất cao, không những trong Thánh Kinh mà cả trong các hệ thông đạo đức Á đông và toàn thế giới.
I. ĐỊNH NGHĨA
Trước hết chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa thông thường của từ lương thiện, và quan niệm của Thánh Linh về đức hạnh này.
1. Hán Việt
Chữ “lương” có nghĩa là tốt, lành, hay; trong chữ lương dân có nghĩa là dân lành; lương giả là nhà hiền lành; lương tâm là lòng lành của con người.
Chữ “thiện” cũng có nghĩa là tốt lành, không ác; như đồng bào ta nói “thiện căn ở tại lòng ta” chỉ về cái căn tính hiền lành; thiện sự là việc lành, việc phúc đức; thiện tâm là lòng lành; và những câu tục ngữ như: “tích thiện, phùng thiện.” “thiện giả, thiện báo; ác giả, ác báo,” và hai câu thường được nhiều người nhắc đến: “thiện ác đáo đầu chung hữu bao; cao phi viễn tẩu dã nan tàng” (lành dữ gì rốt cuộc cũng phải đền, dù có cao bay xa chạy cũng không tránh khỏi).
Chữ lương thiện như thế có nghĩa là tốt lành, hiền lành, ngay thẳng, không làm việc ác.
2. Anh văn
Danh từ lương thiện trong tiếng Anh là goodness. Tự điển Anh Việt do Viện Ngôn Ngữ Học của UB Khoa Học Xã Hội Việt Nam xuất bản tại Hà Nội đã dịch danh từ này ở trang 712 là lòng tốt, tính tốt, lòng hào hiệp, và ghi rõ rằng chữ Goodness là cảm ơn Chúa (TDAV trang 712). Ý này tương tự với lời Chúa Cứu Thế dạy trong Phúc Âm Lu 18:18 “chỉ có một Đấng Chí Thiện là Đức Chúa Trời.”
3. Hy lạp
Trong ngôn ngữ Hy-lạp tĩnh từ và danh từ. Chữ dùng như tĩnh từ hay danh từ đều chỉ về tính chất tuyệt hảo của con người hay của sự vật. Nói về người, từ này diễn tả sự toàn vẹn của một người trong tình trạng hiện hữu (Kihel 1,10).
Các triết gia Hy lạp cho chữ “thiện” mang một sắc thái đặt biệt và xem là quan trọng nhất trong quan niệm nhân bản: chỉ về cái tính chất vĩ đại làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Đối với triết gia Platon, thiện không phải chỉ là làm cho thỏa mãn, nhưng thiện là ý niệm nòng cốt của đạo đức học. Tuy nhiên, triết gia Aristote phản đối Phaton và cho là thiện có tính chất đa phương, chứ không làm gì có cái thiện thuần nhất đơn giản. Trong các phạm trù triết học nhiều tập Aristote, thỉ là thần linh hay lý trí trong phạm trù yếu tính, là cái tất hữu trong phạm trù số lượng, là đức hạnh trong phạm trù phẩm chất, là thời cơ trong phạm trù thời gian.
Với quan niệm tương đối và đa phương ấy, tất cả những gì thiện hảo điều được qui định và đánh giá tùy theo tiêu chuẩn của loài người. Trái lại triết gia Philon quan niệm rằng Thượng Đế là thiện hảo tuyệt đối và khôn ngoan, là một thứ thiện hảo đưa con người vượt lên trên vũ trụ để trở về với nguồn gốc mình là Chân thần, là thiện hảo tuyệt đối.
II. CỰU ƯỚC
Tiếng Hy-bá dùng hai tĩnh từ Chasid (Mi-chê 7:2) và Tob để diễn tả ý niệm lương thiện, tốt lành.
1. Chasid
Tiên tri Mi-chê than thở về tình trạng xã hội đương thời:
Người lương thiện đã mất đi khỏi mặt đất; không còn có kẻ ngay thẳng trong loài người. Chúng nó thảy đều rình rập để làm đổ máu; ai nấy đều lấy lưới săn anh em mình. Tay họ chăm làm sự dữ.
Cấp lãnh đạo thì đòi của cải; thẩm phán thì tham nhũng, người quyền thế thì nói lên sự ưa muốn dữ của lòng mình. Người lành hơn hết trong số họ giống như chà chuôm, còn kẻ rất ngay thẳng lại xấu hơn hàng rào gai gốc…Chớ tin người lân cận của các ngươi, và chớ để lòng tin cậy nơi bạn hữu mình; hãy giữ đừng mở miệng nói cùng người đàn bà ngủ trong lòng ngươi. Vì con trai sỉ nhục cha, con gái dấy lên nghịch cùng mẹ, dâu nghịch cùng bà gia, và kẻ thù nghịch của ngươi chính là người nhà mình. Nhưng tôi, tôi sẽ nhìn xem Chúa Hằng Hữu, chờ đợi Thần Cứu Rỗi tôi; Đức Chúa Trời tôi sẽ nghe tiếng tôi.
(Mi-chê 7:2-7a).
Sống trong một xã hội thiếu vắng người lương thiện như thời tiên tri Mi-chê, như thế thật chẳng khác nào sống giữa sa mạc cát nóng như thiêu đốt ban ngày và lạnh thấu xương cốt ban đêm.
Như thế theo Thánh Kinh Cựu Ước, người lương thiện là người hiền lành, ngay thẳng, không nhúng tay vào việc hại người, không bóc lột, tham nhũng, không nói lời hung dữ, cũng như không ưa muốn điều dữ, không phản trắc, trái lại được chúng ta hữu tín nhiệm và mọi người tin cậy. Người lương thiện là người sống giữa đồng bào mà không thẹn với lương tâm và trên hết, ngước mặt nhìn lên cao, hướng về Chúa Hằng Hữu cũng không bị Ngài quở trách, mà còn được Chúa là Thần Chí Thiện và cũng là Thần Cứu Rỗi luôn luôn lưu ý và lắng nghe tiếng nói của người ấy.
2. Tob
Thi-thiên chương 14 và 53 đều nhìn nhận rằng: “Chẳng có ai lương thiện cả, chẳng có ai làm điều lành, dù một người cũng không.” Muốn hiểu đúng ý nghĩa câu “chẳng có ai lương thiện” ta cần đọc lại liên văn hai Thi-thiên này. Linh mục Nguyễn Thế Thuấn đã dịch Thi -thiên 14:1-3 như sau: “Đứa ngu dại tự nhủ đáy lòng: ‘Không có Thiên Chúa?’ Chúng ra đồi bại, hành vi bỉ ổi. Hành thiện, không còn có ai. Từ trời, Yavê cúi nhìn con cái loài người, thử xem ai là người có lương tri, ai tìm Thiên Chúa. Hết thảy đều lầm lạc, hư đốn cả lũ. Hành thiện, không có ai, một người cũng không.”
Thi-thiên 14 giống hệt Thi-thiên 53. Một bản dịch mới, diễn ý Thánh Kinh đã trình bày Thi-thiên 53:1-3 như sau:
Người khờ dại thì thầm tự bảo:
‘Thiên Chúa không thực hữu bao giờ!’
Phủ nhận Chúa sinh ra hư hoại, hiểm độc hơn, lại ghét làm lành.
Chúa Hằng Hữu từ trời nhìn xuống Nhân loại đang sống khắp địa cầu.
Xem ai thiện hảo, ai tìm kiếm Ta.
Cả loài người đều từ khước Chúa.
Nếp sống sao băng hoại, hư hèn!
Không ai lương thiện, làm lành.
Không ai lưu ý thực hành điều ngay.
Theo hai Thi-thiên ấy, người thiện là người khôn ngoan, nhìn nhận Thiên Chúa thực hữu và đang cai trị vũ trụ cũng như thế giới loài người. Người thiện không sống cuộc đời hư hoại, hiểm độc, hư hèn, người thiện không ghét làm lành, trái lại ưa làm việc lành việc thiện. Người thiện không khước từ Chúa nhưng hết lòng tìm kiếm Chúa và thích thực hành điều ngay, lẽ phải.
Ngoài ra, Thánh Kinh Cựu ước còn dùng chữ thiện để chỉ về một hành động nhân từ, đại lượng như trong I Sa 25:15, Thi 86:5, hoặc chỉ về tính chất khả ái, hợp tình hợp lý như trong Châm 15:23, hoặc chỉ về sự ngay thẳng, đoan chính, đúng đắn như trong Samuên I 12:23 và Michê 6:8.
III. ĐỨC THIỆN HẢO CỦA THÁNH LINH
Ý niệm hướng thiện của Thánh Kinh Cựu Ước và ý niệm thiện trong triết học đã dọn đường cho sự phát huy ý nghĩa và bí quyết thực hành đức tính thiện hảo của Chúa Thánh Linh và của người có Chúa Thánh Linh, trong thư Ga-la-ti và trong cả Tân Ước.
Tân Ước dùng tất cả ý nghĩa của chữ thiện trong Cựu ước. Tân ước còn dùng chữ thiện hảo theo ý nghĩa có ích lợi, đắc dụng, phản nghĩa với vô dụng và theo ý nghĩa “đầy trọn, viên mãn” (Lu 6:38).
“Thiện” của Tân ước (Mã-thi 5:13) bao gồm cả hạnh phúc, tri thức uyên thâm, biết sử dụng của cải cách khôn ngoan, ích lợi, ngay thẳng trung kiên như người đầy tớ đôi với chủ mình là Chúa Cứu Thế.
Nhưng ý niệm nổi bật nhất của Thánh Kinh Tân Ước về “thiện hảo” là: mặc dù một số người cố gắng làm lành, làm thiện, và cố gắng ấy đem lại nhiều thành quả có giá trị đối với loài người, nhưng xét cho cùng, cả nhân loại không có một người thiện hảo nào cả. Chỉ có Đức Chúa Trời mới xứng đáng gọi là Thiện mà thôi. Không có một cái gì thiện không phát xuất từ Đấng Chí Thiện. Ngài là nguồn của thiện (như ta thường nói Thượng Đế là nguồn gốc của Chân của Thiện). Phúc Âm Mác một lần nữa xác nhận điều Thi-thiên 14 và 53 đã nói: “Không có một người nào thiện hảo, chỉ có Đức Chúa Trời mới có khả năng đổi mới con người, làm cho con người trở thành thiện hảo.”
Vì Chúa là Đấng Chí Thiện, mọi việc Chúa làm đều thiện hảo. Chúa sáng lập và an bài vũ trụ theo những định luật thiên nhiên. Tất cả những rối loạn, vô trật tự, phá loại, tráo trở, gian lận, giả dối, tội ác, là hậu quả của sự chống nghịch. Lịch sử thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp một chế độ bị sụp đổ, một quốc gia bị tiêu diệt cũng vì lý do báo cáo láo, nhưng thượng cấp lại tin lời báo cáo ấy. Nhiều trường hợp khác, con người không thể tin nhau được, chỉ vì gặp quá nhiều người bất trung, thất tín, lừa gạt nhau – cấp trên gạt cấp dưới, cấp dưới gạt cấp trên, giữ tiền cho công quỹ hay anh em hùn hạp thì bội tín, vợ gạt chồng, chồng gạt vợ, nên xã hội bị băng hoại vì thiếu người thành tín.
Nổi bật giữa xã hội ấy là sự thành tín của người có Chúa Thánh Linh. Đời sống trong Chúa Thánh Linh thật là phong phú. Chẳng những con người được ở trong Chúa Thánh Linh như cây trồng sát dòng sông, rễ cây dầm thấm trong nước sống, con người được Thánh Linh sống trong linh hồn nên đơm hoa kết quả tốt đẹp.
Phao-lô đã viết trong Ga-la-ti 5:13-24: