Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P36)

TRÁI THÁNH LINH 5: NHÂN TỪ

Cute-little-girl

Nhân từ là đặc điểm thứ năm trong đời sống của người được Chúa Thánh Linh điều khiển. “Nhân” nghĩa gốc là lòng thương người, “từ” có nghĩa rất rộng, nhưng có thể lấy nghĩa đơn giản là tình thương chung, “người trên thương yêu người dưới” (theo Đào Duy Anh). Câu “nhân giả nhân dã” nghĩa là người có lòng nhân mới đáng là con người.

I. ĐỊNH NGHĨA

Lòng nhân hay lòng thương người có một ý nghĩa cao đẹp đối với con người đạo đức Á-Đông. Quan niệm luân lý về lòng nhân đã được phát huy đến mức siêu đẳng trong các tôn giáo lớn, nhưng vấn đề chính yếu là làm sao thực hành được các lời dạy của các vị giáo chủ và các nhà đạo đức ấy.

Chữ “nhân từ” được Thánh Kinh dùng 44 lần như một danh từ, 2 lần tĩnh từ, 1 lần động từ và 9 lần trạng từ.

Thánh Kinh Cựu Ước dùng chữ hesed theo nghĩa “lòng nhân” nhiều nhất, và một lần theo nghĩa “lòng tốt” (tob).

Thánh Kinh Tân Ước dùng chữ “nhân từ” theo nghĩa tình thương người 1 lần, theo nghĩa tính từ thiện, từ tâm, việc thiện, việc phúc, việc có ích 5 lần, trong đó có câu Ga 5:22:

Đời sống mới do Thánh Linh dìu dắt sẽ sinh bông trái yêu thương, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, nhân từ, hiền lương, thành tín, hòa nhã, tự chủ. Trong khi đó, con người để cho bản tính tội lỗi lộng hành thì bị lôi cuốn vào những việc xấu như: gian dâm, ô uế, trụy lạc, thờ thần tượng, yêu thuật, hận thù, tranh chấp, ganh ghét, giận dữ, tham lam, khích bác, bè phái, ghen tỵ, say sưa, trác táng và những điều tương tự… Người làm những việc ấy không thể nào làm con dân của Thượng Đế.

Tự điển Anh Việt do ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam của Viện Ngôn Ngữ học xuất bản, đã diễn tả một ý rất sát ý nghĩa chữ “nhân từ” trong Thánh Kinh là, có lòng tốt (kindness), tử tế, ân cần, thân ái. Nói tóm lại, nhân từ là một đức tính bày tỏ lòng nhân, lòng tốt, lòng thương qua các hành động ân cần, có thiện chí để tỏ tình thân hữu.

II. LÒNG NHÂN TỪ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Lòng nhân từ chính là một bản tính của Đức Chúa Trời theo thư Tít 3:3-5:

Chúng ta ngày trước cũng ngu muội, bội nghịch, bị lừa dối, bị đủ thứ tình dục dâm dật sai khiến, sống trong sự hung ác tham lam, đáng bị người ta ghét và tự chúng ta cũng ghét lẫn nhau. Nhưng từ khi lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa của chúng ta, và tình thương yêu Ngài đối với mọi người đã được bày tỏ, thì Ngài cứu chúng ta, không phải cứu vì việc đạo đức chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa sạch về sự tái sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh.

Tiên tri Giô-ên đã ghi lại một lời kêu gọi thiết tha của Đức Chúa Trời:

Bây giờ cũng hãy hết lòng trở về cùng ta, kiêng ăn, khóc lóc và buồn rầu. Hãy xé lòng các ngươi và đừng xé áo các ngươi. Khá trở lại cùng Đức Chúa Trời Hằng Hữu các ngươi, vì Ngài là nhân từ và hay thương xót, chậm giận và giàu ơn… (Giô-ên 2:12-14a).

Sau khi thấy dân chúng thành Ni-ni-ve – đông vào khoảng nửa triệu người – được nghe lời Chúa và ăn năn tội lỗi, được Chúa tha thứ, không hình phạt như Ngài đã cảnh cáo, tiên tri Giô-na đã nhìn nhận rằng lòng nhân từ của Đức Chúa Trời thật vô cùng vĩ đại: “Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn, và đổi ý không giáng tai vạ” (cho những người tội lỗi biết hối cải).

Tiên tri Ê-sai miêu tả chiều kích thời gian của lòng nhân từ Đức Chúa Trời và gọi đó là “lòng nhân từ đời đời,” nghĩa là còn mãi mãi vô cùng.

“Chúa phán: ‘Ta đã bỏ ngươi trong một lát, nhưng ta sẽ lấy lòng thương xót cả thể mà thu nạp ngươi trở lại… Ta ẩn mặt với ngươi một lúc, nhưng vì lòng nhân từ đời đời, ta sẽ thương đến ngươi, …”

Đấng cứu chuộc ngươi là Chúa Hằng Hữu phán vậy. Điều đó cũng như nước lụt đời Nô-ê, như khi ta thề rằng nước lụt của Nô-ê sẽ không tràn ra trên đất nữa, thì ta cũng thề rằng ta sẽ không giận ngươi nữa và cũng không trách phạt ngươi.

Dù núi dời, dù đồi chuyển, nhưng lòng nhân từ ta đối với ngươi chẳng di dịch, lời giao Ước bình an của ta chẳng chuyển dời.’ Chúa Hằng Hữu là Đấng thương xót ngươi phán vậy (Ê-sai 54:40).

Chúa Cứu Thế trong khi diễn tả lòng nhân từ vĩ đại của Đức Chúa Trời đã dạy:

Hãy yêu kẻ thù mình và làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ rủa mình và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình… Các con muốn người ta làm cho mình thể nào, hãy làm cho người ta thể ấy.

Nếu các con yêu kẻ yêu mình, thì có ơn nghĩa chi? Người có tội cũng yêu kẻ yêu mình. Nếu con làm ơn cho kẻ làm ơn mình, thì có ơn nghĩa gì đâu! Người có tội cũng làm như vậy. Nếu các con cho ai mượn mà mong họ trả, thì có ơn nghĩa chi? Người có tội cũng cho người có tội mượn để được thu lại y số. Song các con hãy yêu kẻ thù mình; hãy làm ơn, hãy cho mượn, mà đừng ngã lòng. Vậy phần thưởng của các con sẽ lớn, và các con sẽ làm con của Đấng Rất Cao, vì Ngài lấy nhân từ đối đãi kẻ bạc và kẻ dữ (Lu-ca 6:27-28; 31-35).

Lòng nhân từ là một đức tính căn bản của Đức Chúa Trời. Lòng nhân từ ấy vĩ đại hơn không gian vô hạn, và bao luôn cả quá khứ, hiện tại tương lai và cõi đời đời. Lòng nhân từ của Chúa không bao giờ thay đổi. Chúa chan hòa các hành động nhân từ trên cả vạn vật và loài người. Chúa nhân từ cả với những người thù nghịch, độc dữ, những người vong ân bội nghĩa, những người ăn của Ngài, sống trên quả đất do Ngài sáng tạo mà vẫn chối bỏ Ngài, phủ nhận Ngài, xây lưng lại để chối từ Chúa khi nghe tiếng gọi của Ngài, Chúa vẫn tỏ lòng nhân từ đôi với họ.

III. LÒNG NHÂN TỪ CỦA NGƯỜI CÓ THÁNH LINH

Lời dạy của Chúa Cứu Thế trong Phúc Âm Lu-ca mà quý vị và chúng ta vừa nghe, một mặt miêu tả lòng nhân từ vô hạn của Chúa đối với mọi người, kể cả người ác và người bội bạc ơn Chúa. Đồng thời Chúa Cứu Thế cũng nhấn mạnh một sự thực: Chúa nhân từ thì người theo Chúa cũng phải nhân từ. Lập luận này thật đơn giản: con phải giống cha. Một khi được làm con cái Chúa, được Chúa sinh thành thì người tín đồ phải giống Chúa. Chúa nhân từ thì tự nhiên người theo Chúa cũng nhân từ. Chúa Cứu Thế muốn nhấn mạnh bí quyết làm theo lời Chúa dạy. Không phải là gắng gượng thực hành lời Chúa, cố sức bắt chước lời Chúa nói và điều Chúa làm, vì thật sự chúng ta không làm nổi và cũng không một người nào làm nổi. Nhưng bí quyết làm theo lời Chúa dạy là được Chúa sinh thành, được Chúa tái sinh, được Chúa truyền cho sức sống của Ngài. Tự nhiên, đức tính của Chúa truyền vào người theo Chúa.

Theo I Giăng 3:5, người theo Chúa được sinh bởi Thánh Linh; và theo thư Ga-la-ti, khi người theo Chúa được Thánh Linh sống trong lòng. Khi người theo Chúa vâng lời để Thánh Linh hướng dẫn, điều khiển đời mình, thì đời sống ấy tự nhiên sinh ra kết quả yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ v.v…Con người, dù có đạo đức đến đâu, dù tu tâm dưỡng tính thế nào, cũng không thể thực hành các lời dạy của Chúa Cứu Thế trong Phúc Âm Lu-ca chương 6 hay Bài giảng trên núi ghi trong Phúc Âm Mã-thi. Chỉ có Chúa Cứu Thế mới thực hành nổi những điều cao thượng đó, và chỉ những người vâng phục Chúa Thánh Linh mới thấy đức tính nhân từ thể hiện trong đời sống mình.

Thánh Kinh đã miêu tả tấm lòng nhân từ, thái độ nhân từ, và hành động nhân từ của người có Thánh Linh nhiều cách khác nhau. Trong sinh hoạt mới ấy, người có Thánh Linh tỏ lòng nhân từ với những người mẹ góa con côi (Theo I Ti 5:9,10; Xa-cha-ri 7:10), với những người nghèo khổ (Mã-thi 5:7 ; I Giăng 3:17,18), với những người lầm lỗi (Ga 6:1), với những người yếu đuối (La mã 15:1, Công 20:35) với những người buồn rầu (La mã 12:15). Chúa Thánh Linh giúp chúng ta chia xẻ, gánh vác những gánh nặng lớn với anh em trong Chúa. Ga-la-ti 6:2 viết: “Hãy chia nhau gánh vác những gánh nặng lớn lao, đúng theo luật của Chúa Cứu Thế.” Khi viết thư cho nhóm người theo Chúa tại thủ đô La Mã, sứ đồ Phao-lô ghi nhận: “Thưa anh em, về phần anh em, tôi cũng tin chắc rằng anh em có đầy lòng nhân từ.” (La mã 15:14) Đầy lòng nhân từ theo liên văn có nghĩa là, “chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình. Mỗi người trong chúng ta nên làm đẹp lòng người lân cận đặng làm điều ích và nên gương tốt, vì Chúa Cứu Thế cũng không làm cho đẹp lòng mình” (La 15:1-3a), là “kiêng cữ mọi sự chi làm dịp vấp phạm cho anh em mình.” (14:21c)

Do sự sống mới của Chúa Thánh Linh, người theo Chúa có một đặc điểm giống Chúa Cứu Thế là, nhân từ đối với kẻ thù nghịch, những người cố sức phá hoại và làm hại hay giết chết người theo Chúa. Chúa Thánh Linh đã kêu gọi quý vị, chúng ta:

Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chãm làm điều thiện trước mặt mọi người. Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người.

Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời… Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn, có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người. Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác (Lu 12:17-21).

Một số người đã hiểu lầm những câu trên và giải thích rằng, đối xử nhân từ với người thù nghịch là một cách trả thù tinh thần, làm cho người thù nghịch đau đớn như đầu bị phỏng lửa. Thật ra theo phong tục Trung đông và La Mã, đây là một hành động tỏ tình thân hữu. Thời ấy nhóm lên một đóm lửa thật là khó khăn, vì không có diêm quẹt và nhiên liệu như ngày nay. Thường trong làng hay một khu phố, nhà nào thức dậy sớm nhóm được một đám lửa để sưởi ấm hay nấu nướng, thì hàng xóm láng giềng kéo nhau đến xin lửa, mỗi người đội trên đầu một tấm bằng sành để đựng lửa. Người chủ nhà có đám lửa muốn tỏ tình thân hữu với ai, thì tự tay gắp các hòn than đỏ để trên tấm sành mà người kia đang đội trên đầu. Chúa Thánh Linh muốn nói người theo Chúa tỏ lòng nhân từ, thân ái như thế đối với mọi người, kể cả những người thù nghịch. Thật ra, người có Chúa Thánh Linh tức là con dân của Chúa Cứu Thế, không bao giờ coi ai là thù nghịch cả, nhưng kể những người đang chống đối, làm hại mình là những người đáng thương, chỉ vì hiểu lầm mà hành động như thế, nhưng họ cũng có triển vọng quay về với Chúa như Phao-lô ngày trước.