Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P35)
TRÁI THÁNH LINH 4: NHẪN NẠI
Nhẫn nại hay nhịn nhục là đặc điểm thứ tư của trái Thánh Linh, hay nói cách khác, nhẫn nại là kết quả thứ tư của một đời sống đầy dẫy Thánh Linh.
Theo nghĩa đen, “nhẫn” nghĩa là nhịn. Học giả Đào Duy Anh giải nghĩa nhẫn nại là nhịn nín, trong lòng tuy không yên nhưng cũng gắng mà chịu,” (ĐDA- HVTD trang 67) Một từ khác cũng diễn tả ý này theo một khía cạnh khác là nhẫn nhục, là gắng chịu điều sỉ nhục. Câu “nhẫn nhục phụ trọng” là nhịn được nhục thì mới có thể gánh vác việc nặng được.” (ĐDA.67)
Triết học Hy-lạp có một trường phái mang tên là Phái Nhẫn Nại hoặc dịch là Phái Khắc Kỷ. Đây là thuyết đạo đức duy lý, dạy người phải triệt để tuân theo lý trí mà diệt dục, diệt khoái lạc. Phái này do Zénon ở Citium, thuộc đảo Chypre, sáng lập cuối thế kỷ thứ tư trước Chúa Giáng Sinh và gồm nhiều triết gia danh tiếng như Cleanthes, Chrypsippus, Aratus, Sénèque, Marc Aurèle vv.. Phao-lô đã trích dẫn một câu thơ của triết gia Nhẫn nại phái là Aratus trong bài giảng giải Phúc Âm tại thủ đô Athenes của người Hy-lạp; Aratus đã nhìn nhận: “Chúng ta thật là dòng dõi của Chúa.” Các triết gia Nhẫn nại phái thường nhân mạnh số mạng do lý trí an bài. Nhà thơ Pháp Alfred de Vigny đã phổ biến triết lý nhẫn nại qua nhiều bài thơ bất hủ (La mort du lour…), chủ trương rằng con người không nên than thân trách phận, phải nhịn nhục can đảm chịu đựng số phận của mình dù thế nào đi nữa, vì khóc lóc than vãn là hèn.
Văn chương Việt-Nam đã diễn tả nổi niềm đau xót, oán hận của con người trước số mạng oái oăm. Người cung nữ của Ôn Như Hầu phải ép mình chấp nhận:
Cái quay búng sẵn trên trời
Lờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.
Và: Trẻ Tạo hóa đành hanh chán ngán
Sợi xích thẳng chi để vướng chân.
Nếu định mệnh khắt khe do một trẻ con “đành hanh” hay “đáo để,” “cay nghiệt” xếp đặt cách mù quáng như một trò chơi thì con người oán hận là hợp lý. Nhưng sở dĩ quan niệm như thế về Đấng Tạo Hóa là vì chưa biết Tạo Hóa là ai, và chưa có một khái niệm về Tạo Hóa bác ái, nhân từ đã sáng tạo, bảo tồn vũ trụ và vạn vật.
Thánh Kinh đã trình bày tính chất nhẫn nại đích thực qua:
– Sự nhẫn nại của Đức Chúa Trời
– Sự nhẫn nại của Chúa Cứu Thế
– Sự nhẫn nại của người tín đồ đầy dẫy Thánh Linh
I. SỰ NHẪN NẠI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Thánh Kinh miêu tả đức tính của Đấng Tạo Hóa như: nhân ái, công bằng, thánh khiết, chân thật, thành tín, nhẫn nại vv… Đức Chứa Trời nhẫn nại khi cả nhân loại xây lưng lại với Ngài, chống nghịch Ngài, phạm tội ngày càng nặng nề từ đời A-đam đến đời Nô-ê một khoảng thời gian gần 1000 năm, nhưng Ngài vẫn nhẫn nại chịu đựng và chờ đợi. Đến khi tội lỗi loài người đã lên đến cực điểm thời Nô-ê, Chúa còn nhịn nhục đợi chờ Nô-ê cảnh cáo và kêu gọi mọi người ăn năn suốt một thời gian dài (I Phi-e-rơ 3:20) rồi mới đoán phạt, sau khi họ ngoan cố khước từ tiếng gọi của Ngài.
Sách Xuất Ai-cập nói Chúa là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác tội trọng… (Xuất 34:6-7a). Dân số ký 14:18 viết: “Chúa Hằng Hữu vốn chậm nóng giận và đầy ơn,” có nghĩa là Ngài chờ đợi cách nhịn nhục cho con người ăn năn chứ không hình phạt ngay. Chúa nhẫn nại chịu đựng các dân tộc bội nghịch trước khi đoán phạt, nhưng dân tộc ngoan cố nhất, cứng đầu nhất, chọc giận Ngài nhiều nhất là dân Y-sơ-ra-ên, Chúa chịu đựng tính nết xấu xa của họ 40 năm giữa sa mạc, 450 năm dưới thời các quan xét, và độ 400 năm nữa dưới triều các vua Y-sơ-ra-ên và Do-thái trước khi phó họ vào tay quân thù.
Hình ảnh nổi bật nhất là hình ảnh một người chồng bị vợ phụ bạc, ngoại tình liên tục, nhưng người chồng vẫn nhẫn nhục đợi chờ người vợ quay về ăn năn tội lỗi. Tiên tri Ô-sê đã miêu tả sự nhẫn nại lớn lao của Chúa qua lời Chúa kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên, mà Ngài gọi là vợ của Ngài, chữ “nó” chỉ về Y-sơ-ra-ên. (Xem Ô-sê 2:5b-8). Nhưng nét độc đáo nhất làm nổi bật đức tính nhẫn nại của Đức Chúa Trời là nét vẽ của thư II Phi-e-rơ 3:3-9.
II. SỰ NHẪN NHỤC CỦA CHÚA CỨU THẾ JÊ-SUS
Chúa Cứu Thế nhẫn nại với các môn đệ chậm hiểu, Chúa Cứu Thế nhẫn nại với các môn đệ bỏ cuộc, Chúa Cứu Thế nhẫn nại với sứ đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, một người thủ quỹ gian lận bất trung, một người đã muốn bỏ Chúa trong thâm tâm, nhưng bề ngoài vẫn theo Chúa vì còn muốn trục lợi. Chúa Cứu Thế đã nhẫn nại với Giu-đa khi ông quyết định bán Chúa lấy 30 miếng bạc. Chúa vẫn từ ái cảnh cáo, khuyên nài Giu-đa ăn năn, lìa bỏ con đường diệt vong, Chúa đã biết rõ âm mưu của Giu-đa từ đầu nhưng vẫn nhẫn nại, che chở cho Giu-đa khỏi bị các sứ đồ khám phá âm mưu phản trắc.
Ngay trong đêm cuối cùng dự Tiệc Thánh với các môn đệ, Chúa còn nói những câu kín đáo, ý nhị, đủ cho Giu-đa biết Chúa đã thấu rõ tim đen của ông, nhưng đồng thời cũng giấu không cho các sứ đồ biết, để chừa cho Giu-đa một cánh cửa mở khi ông muốn ăn năn quay về với Chúa.
Ngay khi Giu-đa đến ôm hôn Chúa trong vườn Ghết-sê- ma-nê, Chúa cũng chỉ trách một câu thật nhẹ nhàng: “Giu- đa ơi, con lấy cái hôn để phản Ta sao?” Có ai nhẫn nại hơn Chúa, khi bị một tên môn đệ phản bội, quyết tâm đưa mình vào chỗ chết để lấy mấy miếng bạc?
Sự nhẫn nại của Chúa Cứu Thế càng nổi bật khi Chúa ý thức rằng, Ngài có đủ uy quyền xin Cha mười hai quân đoàn thiên sứ để bảo vệ mình, nhưng trái lại, Chúa Cứu Thế từ tốn trả lời những câu hỏi xấc xược của các cấp lãnh đạo Do-thái La Mã, Chúa tình nguyện đưa tay cho người Do- thái trói, đưa lưng cho lính La Mã tra tấn đến tan xương nát thịt, và đưa thân cho bọn lính đóng đinh trên cây thập tự. Ngay khi bị thù nghịch thách thức: “Sao không giỏi xuống cây thập tự đi!” Chúa vẫn nhẫn nại chịu đựng mặc dù có thừa uy quyền thực hiện điều đó.
Tinh thần nhẫn nhục của Chúa Cứu Thế cô đọng trong câu: “Không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha.” Ê- sai viết:
Ngài bị hiếp đáp, nhưng khi chịu khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến lò thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, Ngài chẳng từng mở miệng (Ê-sai 53:7).
Lòng nhẫn nại vô biên của Chúa Cứu Thế đem lại một kết quả đời đời. Sau khi Chúa chịu đựng lời chửi rủa và chế giễu của hai tướng cướp bị đóng đinh với Ngài, thái độ nhẫn nại của Chúa đã cảm động lòng một tướng cướp ăn năn và khẩn khoản xin Chúa cứu rỗi. Chúa đáp: Quả thật, Ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với Ta trong Thiên đàng (Lu-ca 23:43). Trước khi trút hơi, Chúa Cứu Thế cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Xin xem Hêb 12:1,2).
III. SỰ NHẪN NẠI CỦA NGƯỜI TÍN ĐỒ ĐẦY DẪY THÁNH LINH
Khi học gương nhẫn nại của Chúa Cứu Thế, chúng ta là người theo Chúa đều cúi đầu, hổ thẹn mà nhìn nhận rằng: con không làm sao có đức tính nhẫn nại ấy, và không một người nào trên thế giới có thể nhẫn nhục như Chúa Cứu Thế.
Đúng như Thánh Kinh quả quyết: “Chúa Cứu Thế làm gương cho chúng ta,” nghĩa là chúng ta là người theo Chúa phải theo gương Ngài. Sứ đồ Phao-lô viết:
Nhân cớ lương tâm đối với Đức Chúa Trời, chịu khốn khổ trong khi bị oan ức là một phước hạnh.
Vả, mình làm điều ác mà bị đánh hay nhịn nhục thì có đáng khoe gì? Nhưng nếu anh em làm lành mà nhịn chịu sự khốn khổ, ấy là một phước hạnh trước mặt Đức Chúa Trời. Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Chúa Cứu Thế cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài… Ngài đã bị rủa sả mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình.
Phao-lô kêu gọi tất cả những người theo Chúa:
Vậy tôi là kẻ thù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em, phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng yêu thương mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà gìn giữ sự hiệp một của Thánh Linh” (Ê-phê-sô 4:1, 2).
Hãy “nhờ quyền phép vinh hiển Ngài, được có sức mạnh mọi bề, để nhịn nhục, vui vẻ mà chịu mọi sự.” (CôI 1:11)
“Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục.” Và Phao-lô giải thích thêm:
“Nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau, như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ nhau thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành.”
(Côl 3:12b-14).
Thư Cổ Linh thứ nhất chương 13 cũng xác nhận: “Tinh yêu thương hay nhẫn nại, nhân từ…”
Chúng ta có thể tóm lược 3 điều dạy dỗ của Thánh Kinh về đức tính nhẫn nại của người đầy dẫy Thánh Linh:
1. Sự nhẫn nại của người theo Chúa được đặt trên căn bản yêu thương.
2. Nhẫn nại là kiên trì gánh chịu những khổ đau do người khác gây ra, hoặc vô tình hay hữu ý, với trí óc sáng suốt và tấm lòng yêu thương.
3. Nhẫn nại và vững lòng chờ đợi chương trình tốt đẹp của Chúa thực hiện, trong khi tích cực hoạt động, khắc phục mọi nỗ lực và chu toàn nhiệm vụ của mình trong chương trình. Khi Ê-tiên bị các tầng lớp người ghen ghét Phúc Âm ném đá đến chết, Ê-tiên tự nhiên cũng có những phản ứng và cảm nghĩ thông thường của con người, nhưng vì Ê-tiên đầy dẫy Thánh Linh, nên ông đã thể hiện một tinh thần nhẫn nại vô biên của Chúa Cứu Thế ngay khi sắp tắt hơi: Ông quỳ xuống kêu lớn: “Lạy Chúa, xin đừng quy tội này cho họ.” Chúa Thánh Linh đã biến Ê-tiên thành một con người giống Chúa Cứu Thế.