Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P34)

TRÁI THÁNH LINH З: BÌNH AN

girl_with_summer_dandelion-t3

Bình an là điều kiện căn bản của hạnh phúc. Người Trung hoa quan niệm an bình là hình ảnh một người nữ ngồi dưới mái nhà. Lý tưởng của phần đông đồng bào ta là được an cư lạc nghiệp.

Người cổ Ну-lạp khi nói đến an bình là muốn diễn tả tình trạng hòa bình, nhưng tiếc thay, lịch sử cổ Ну-lạp là một lịch sử chiến tranh liên miên chỉ được xen kẽ bằng một số thời kỳ hòa bình tạm bợ mà thôi. Đối với họ, bình an là chấm dứt chiến tranh, dù chỉ chấm dứt tạm thời. Các triết gia khắc kỷ Ну-lạp nói đến thái độ bình an theo nghĩa “không còn thái độ hay cảm xúc nghịch thù đối với người khác.” Đây là một thái độ có tính cách tiêu cực, chứ không phải hòa hiếu tích cực như Phúc Âm.

Bình an là một trạng thái tâm trí lý tưởng đối với một triết gia khắc kỷ là hoàng đế La Mã Marc Aurèle. Nhưng dưới quyền thống trị của các hoàng đế La Mã, an bình đã trở thành đồng nghĩa với hòa bình La Mã (Pax Romana) một thứ hòa bình tuy được kể là lâu dài hơn 4 thế kỷ, nhưng nền hòa bình ấy được xây trên xương máu của hàng bao nhiêu triệu người dân các xứ thuộc địa và bảo hộ của đế quốc La Mã.

Trong khi học hỏi Thánh Kinh Cựu ước và Tân Ước về vấn đề an bình, chúng ta cần lưu ý một điểm quan trọng: mặc dù chúng ta có nhiều danh từ khác nhau như an bình, an dật, an lạc, an nhiên, an ninh, an toàn, hòa bình, thái an, thái hòa, vv…Thánh Kinh Cựu Ước chỉ dùng một chữ “sha-lom,” và Tân ước chỉ dùng một chữ “eirène” để diễn tả các ý ấy. Sứ đồ Phao-lô trong bức thư gửi người Ga-la-ti, đã dùng chữ ấy để chỉ về trái của Thánh Linh. Xem Ga-la-ti 5:1-2.

I.  AN BÌNH TRONG CỰU ƯỚC

Thánh Kinh Cựu Ước nói đến an bình theo 4 nghĩa chính:

1.  An bình là một trạng thái an lạc. Người Sy-ri, Ai- cập, Á-rập hay Y-sơ-ra-ên khi gặp nhau đều dùng chữ bình an làm lời chào nhau, chúc nhau. Họ chúc nhau được bình an nghĩa là tinh thần được an lạc, thân thể được khỏe mạnh, mức sống đầy đủ, thoải mái, không thiếu thốn về vật chất (Sáng 29:6; II Sa 18:28,29; 20:9)

2.  Sự an bình ấy liên hệ đến một giao ước giữa hai người hay một hòa ước giữa hai dân tộc. Cựu Ước đã 5 lần nói đến giữa Chúa Hằng Hữu và dân của Ngài (Ê- xê 34:25; 37:26). Ê-sai ghi giao ước của Chúa:

Dù núi dời, dù đồi chuyển, nhưng lòng nhân từ ta đối với người (tức là dân ta) chẳng đổi dời, giao ước bình an của ta chẳng chuyển biến. Chúa Hằng Hữu là Đấng thương xót ngươi phán vậy (Ê-sai 54:10).

Ê-xê-chi-ên sau khi tường thuật khải tượng hài cốt sống lại, đã miêu tả sự bình an của người được Chúa cứu chuộc:

Ta sẽ lập với họ Giao ước hòa bình, ấy sẽ là một Giao ước đời đời giữa họ với ta…Ta sẽ đặt nơi thánh ta giữa họ đời đời. Đền thờ ta sẽ ở giữa họ, ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ và họ sẽ làm dân ta (Ê-xê 37:26-27).

Tác giả Thi thiên 85 đã nhấn mạnh rằng Chúa là nguồn sự bình an thật:

Thưa Chúa Hằng Hữu, xin cho chúng con thấy sự nhân từ Ngài, và ban cho chúng con sự cứu rỗi của Ngài. Tôi sẽ nghe điều Đức Chúa Trời Hằng Hữu phán: Vì Ngài sẽ phán bình an cho dân sự và cho người thánh của Ngài, nhưng họ chớ nên trở lại sự ngu dại nữa. Sự cứu rỗi của Chúa thật ở gần những kẻ kính sợ Ngài. Sự thương xót và chân thật đã gặp nhau. Sự công bình và bình an đã hôn nhau. Sự chân thật nứt mộng từ dưới đất, sự công bình nhìn xuống từ trên trời (Thi thiên 85:7-11).

3.  Các nhà tiên tri Cựu Ước khi thảo luận về sự bình an đã phân biệt bình an thật và bình an giả. Một số tiên tri giả xu thời chỉ muốn mua chuộc lòng dân mà không dám nói lên sự thật, đến nỗi Chúa phải than thở: “Họ buộc vết thương cho con gái dân ta cách cẩu thả rằng: bình an, bình an, mà không có bình an chi hết.” (Giê-rê-mi 6:14). Dân Do-thái đang phạm tội nặng, đang lìa bỏ Chúa Hằng sống để thờ lạy các thần tượng nên không thể nào được sự bình an. Chỉ khi nào dân tộc tội lỗi ấy ăn năn, quay về với Chúa, thì họ mới tìm được sự bình an thật.

4.  Thánh Kinh Cựu Ước nói trước về sự bình an thật tràn ngập lòng người ăn năn tiếp nhận Chúa, khi Chúa xuống đời để cứu rỗi nhân loại. Xa-cha-ri viết:

Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng rỡ cả thể. Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trổi tiếng reo vui! Này

Vua ngươi đến cùng ngươi, Ngài là công bình và ban sự cứu rỗi, và cỡi lừa, tức là con của lừa cái… Cung tên của chiến tranh sẽ bị trừ diệt, và Ngài sẽ phán sự bình an cho các nước (Xa 9:9- 10).

Ê-sai tiên đoán về sự nghiệp kiến tạo hòa bình của Chúa Cứu Thế:

Có một Con trẻ sinh cho chúng ta, tức là một Con trẻ ban cho chúng ta, quyền cai trị ở trên vai Ngài.

Ngài sẽ được xưng là Đấng Diệu Kỳ, là Đại Mưu Sĩ, là Đức Chúa Trời Toàn Năng, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình An. Uy quyền và sự bình an của Ngài sẽ tăng mãi không thôi… từ nay cho đến đời đời (Ê-sai 9:5-6).

II.  AN BÌNH TRONG TÂN ƯỚC

Thánh Kinh Tân Ước giải thích danh từ an bình theo 5 nghĩa:

1.  Nghĩa rộng nhất của từ an bình là tình trạng trật tự bình thường của sự vật, phản nghĩa với rối loạn, xáo trộn, vô trật tự, vô kỷ luật. Trong thư ICôr 14:33, sứ đồ Phao-lô nói đến sự xáo trộn trong cuộc nhóm họp của anh em tín hữu Cô-rinh-tô. Ông kêu gọi họ tái lập tình trạng trật tự bình thường trong cuộc nhóm họp mà ông gọi là sự bình an, vì Thượng Đế là Chúa của sự hòa bình trật tự, chứ không phải là Chúa của sự rối loạn vô trật tự.

2.  Sự an bình của Thánh Linh có nghĩa là sự cứu rỗi toàn diện con người do Chúa Cứu Thế Jê-sus. Bác sĩ Lu-ca ghi bài ca của Xa-cha-ri, thân phụ Giăng Báp- tít trong Lu-ca chương 1. Bài ca kết thúc bằng mấy câu:

Dân Ngài bởi sự tha tội mà biết sự cứu rỗi. Vì Đức Chúa Trời chúng tôi động lòng thương xót, và mặt trời mọc lên từ nơi cao thăm viếng chúng tôi, để soi sáng những người ngồi chỗ tối tăm và trong bóng sự chết. Cùng đưa chân chúng tôi đi đường bình an (Lu 1:77-79).

Các thiên sứ đã hân hoan hợp ca khi Chúa Cứu Thế giáng sinh: “Vinh danh Thượng Đế trời cao. Bình an dưới đất cho người thành tâm.” (Lu 2:14)

Khi Chúa Cứu Thế ngự vào thủ đô Giê-ru-sa-lem, các môn đồ đã hoan hô: “Đáng ca ngợi Vua nhân danh Chúa mà đến, bình an ở trên trời, và vinh hiển trên các nơi rất cao.” Tuy nhiên, Chúa khóc than về dân thành Giê-ru-sa-lem ngoan cố và Chúa đã mong ước: “Ước gì, ít nữa là ngày nay, ngươi hiểu biết được điều gì làm cho ngươi được bình an.” (điều đó là sự cứu rỗi do Chúa Cứu Thế đem lại).

Bình an trên trời là chuyện đương nhiên, điều quan trọng là đem sự bình an đó vào bản thân và tâm hồn con người. Một trong các lý do khiến chúng ta cũng như nhiều người không tìm được sự bình an, theo lời Chúa Cứu Thế, là chúng ta cũng như những người ấy đều không biết lúc mình được Chúa thăm viếng. Chúa đến một bên kêu gọi, gõ cửa, mà chúng ta vẫn hững hờ, đóng chặt cửa lòng. Tuy nhiên Chúa vẫn thiết tha kêu gọi.

An bình do sự cứu rỗi đã thể hiện trong lòng người tin nhận Chúa Cứu Thế. Chúa Cứu Thế đã đem lại sự bình an ấy trong một biến cố lịch sử khi Ngài chiến thắng Sa-tan, kẻ gây rối loạn khắp vũ trụ và nhân loại. Sách Khải thị 12:7-11 đã miêu tả cuộc chiến tranh và chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử đó.

Thư Hê-bơ-rơ 7:2 nhấn mạnh rằng Chúa Cứu Thế làm thầy tế lễ tối cao đời đời theo phẩm trật Mên-chi-xê-đéc là vua hòa bình. Thư Ê-phê-sô 2:11-17 cũng đã ghi lại sự nghiệp đem đến bình an và hòa bình vĩnh cửu ấy.