Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P28)
TRONG CHÚA HAY NGOÀI CHÚA
(5:1-6)
Mở đầu chương 5 thư Ga-la-ti, sứ đồ Phao-lô chuyển ý. Từ các điển tích Cựu Ước và các ý nghĩa của câu chuyện Sa-ra, A-ga, hình ảnh của người con tự do và nô lệ, tác giả chuyển sang kêu gọi và khuyên dạy các tín hữu Ga-la-ti: Chúa Cứu Thế đã giải phóng chúng ta, cho chúng ta được tự do. Vậy hãy bảo vệ và triển khai tự do, đừng tự tròng cổ vào ách nô lệ của luật pháp nữa.
Xin anh em lưu ý lời này của tôi, Phao-lô: nếu chịu lễ cắt bì, anh em không còn được Chúa Cứu Thế cứu giúp nữa. Tôi xin nhắc lại, ai chịu lễ cắt bì để mong đẹp lòng Thượng Đế, người ấy buộc phải vâng giữ toàn bộ luật pháp Mai- sen. Một khi anh em muốn nhờ luật pháp để được cứu rỗi, anh em đã tự ly khai với Chúa Cứu Thế và đánh mất ân phúc của Thượng Đế. Tuy nhiên, nhờ Chúa Thánh Linh, chúng ta trông đợi với niềm tin, những kết quả tốt đẹp mà người công chính có quyền hy vọng.
Một khi Chúa Cứu Thế Jê-sus đã ban cho chúng ta sự sống vĩnh viễn, chúng ta không cần quan tâm đến việc chịu cắt bì hay không, giữ luật pháp hay không. Điều quan trọng là hành động do tình yêu thương để chứng tỏ đức tin mình.
Qua các lời kêu gọi khuyên dạy ấy, Phao-lô vạch rõ hai nếp sống của hai hạng người cùng tự xưng là tín hữu: trong Chúa và ngoài Chúa. Hai nếp sống ấy được miêu tả xen kẽ với nhau để đối chiếu, so sánh và làm nổi bật sự khác biệt như ánh sáng và bóng tối. Câu 4 nói đến những người tín hữu bị ly khai khỏi Chúa Cứu Thế, tức là ra ngoài Chúa và câu 6 nói đến người tín hữu ở trong Chúa. Hai nếp sống ấy nhắc ta nhớ lời khẳng định của tác gịả trong chương 2 câu 20: “Tôi đã bị đóng đinh vào cây thập tự với Chúa Cứu Thế, nay tôi sống không phải là tôi nữa, nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi.” Tuy nhiên, đến chương 5, Phao-lô diễn tả vấn đề “người tin Chúa liên hợp với Chúa theo một khía cạnh khác: sống trong Chúa, ở trong Chúa.”
I. NẾP SỐNG NGOÀI CHÚA
Đã tự xưng là tín đồ của Chúa Cứu Thế mà lại sống ngoài Chúa thì thật là một điều khó nghe, khó hiểu, nhưng chúng ta phải đau lòng nhìn nhận rằng những trường hợp ấy có thật, và đã xảy ra quá nhiều. Phao-lô dùng các từ liệu:
-“Tự tròng cổ vào ách nô lệ”(câu 1),
-“Không còn được Chúa Cứu Thế cứu giúp nữa” (câu 2),
-“Buộc phải vâng giữ toàn bộ luật pháp” theo nguyên tắc là “người mắc nợ phải vâng giữ toàn bộ luật pháp” (câu 3),
-“Tự ly khai với Chúa Cứu Thế” và “đánh mất ân phúc của Thượng Đế” (câu 4).
“Tự tròng cổ vào ách nô lệ”
Trường hợp một người tự do thình lình bị bắt làm nô lệ vì chiến tranh, vì hoàn cảnh xã hội bắt buộc, vì gia đình gặp cơn quẩn bách đã là thê thảm lắm rồi. Thế mà có người dại dột nghe lời lừa bịp, tự mình tròng cổ vào ách nô lệ khốn khổ mới thật là đau xót. Một số tín hữu Ga-la-ti đã làm như thế. Sau khi ăn năn tội lỗi, tiếp nhận Chúa Cứu Thế, họ đã được Chúa tha thứ tội lỗi, giải phóng khỏi tật xấu, nết hư và tâm hồn được tự do thoải mái. Tuy nhiên, sau một thời gian hưởng tự do, họ đã nghe lời quyến rũ đường mật của một số giáo sư Do-thái giáo, chấp nhận theo các lý thuyết có vẻ hợp lý và hấp dẫn, lúc đầu còn dè dặt nhưng lần lần riu ríu làm theo mệnh lệnh của các giáo sư tà giáo ấy. Họ tưởng nếu chịu lễ cắt bì, nếu vâng giữ một số luật lệ Do-thái giáo như giữ ngày, tháng, lễ lạt, thì sẽ trở nên tự do hơn, thánh thiện hơn người khác. Sự thật họ đã đưa cổ vào tròng của Sa-tan, tự bán mình làm nô lệ cho các luật lệ tôn giáo.
“Không còn được Chúa Cứu Thế cứu giúp nữa”
Theo câu 2, một khi họ đã tin cậy luật pháp Do-thái giáo, họ không còn được Chúa Cứu Thế cứu giúp nữa. Chúa Giê-xu luôn luôn sẵn sàng cứu giúp mọi người tin cậy Ngài, đặt niềm tin nơi sự hy sinh tính mạng của Ngài trên cây thập tự đúng như lời Ngài hứa: “Ai đến cùng Ta thì Ta không bỏ ra ngoài đâu!” Thế nhưng, Chúa Cứu Thế không thể cứu giúp những người tự xưng là tín đồ nhưng đã đặt niềm tin vào luật pháp, vào giáo luật, vào lễ nghi chứ không còn tin cậy Chúa Cứu Thế nữa.
Chúa Cứu Thế sẵn sàng tiếp đón người nào đến với Ngài, nhưng một khi họ xây lưng lại không còn đến với Ngài nữa, làm sao Chúa tiếp đón và cứu giúp họ được?
“Bị buộc phải vâng giữ toàn bộ luật pháp”
Nói theo nguyên tác họ đã trở thành những con nợ của luật pháp, buộc phải vâng giữ không phải chỉ một số ít lễ nghi và luật lệ như các giáo sư Do-thái quỷ quyệt kia đã nói, nhưng một khi đã đặt mình dưới hệ thống luật pháp khắt khe và lễ nghi vô cùng phiền toái của Do-thái giáo. Đã giữ hệ thống luật pháp ấy, thì dù sơ sót một điều nhỏ cũng kể như phạm cả luật lệ và kết quả là án tử hình.
Tội nghiệp cho những tín hữu cậy mình đã vâng giữ được điều răn và tưởng nhờ đó mà được sự sống đời đời. Suốt mấy mươi thế kỷ, không ai vâng giữ được trọn vẹn, kể cả Mai-sen là người ban hành luật pháp. Họ quên rằng chính vì không ai vâng giữ luật pháp được và vì tất cả nhân loại đều phạm luật, mà Chúa Cứu Thế phải hy sinh trên cây thập tự.
“Tự ly khai với Chúa Cứu Thế và đánh mất ân phúc của Thượng Đế”
Phao-lô quả quyết:
Một khi anh em muốn nhờ luật pháp để được cứu rỗi, anh em đã tự ly khai với Chúa Cứu Thế và đánh mất ân phúc của Thượng Đế.
Từ liệu “tự ly khai với Chúa Cứu Thế” theo nguyên tác là “bị cắt rời khỏi Chúa Cứu Thế.” Đây là hình ảnh một đoàn viên bị khai trừ hay tự ly khai với đoàn thể và người lãnh đạo của mình. Cũng là hình ảnh một cành cây bị cắt rời khỏi thân cây. Sự liên hợp hữu cơ đã bị gián đoạn. Nhựa sống từ thân cây không còn truyền qua cành cây ấy nữa. Như thế cành cây ấy làm sao sống nổi, chỉ một thời gian ngắn là héo khô và bị vứt vào lò lửa mà thôi.
“Đánh mất ân phúc của Thượng Đế” là một kinh nghiệm hiểm nghèo của Cơ-đốc đồ trong chuyện Thiên Lộ Lịch Trình. Ân phúc là tất cả những gì Thượng Đế dành cho loài người trong Chúa Cứu Thế, mặc dù loài người không xứng đáng nhận lãnh. Mất ân phúc của Thượng Đế là mất tất cả.
II. NẾP SỐNG TRONG CHÚA CỨU THẾ
1. Phao-lô dùng các từ liệu “giải phóng cho … được tự do” (câu 1), “hành động do tình yêu thương để chứng tỏ niềm tin” (câu 6), “nhờ Chúa Thánh Linh trông đợi với niềm tin những kết quả tốt đẹp mà người công chính có quyền hy vọng” (câu 5), để miêu tả nếp sống trong Chúa Cứu Thế của người tín đồ.
2. Động từ “giải phóng” và danh từ “tự do” chỉ về công cuộc cứu rỗi của Chúa Cứu Thế có tính cách khai phóng tâm hồn, đập tan xiềng xích tội lỗi, đem con người từ thân phận của tên nô lệ lên địa vị con cái Thượng Đế đầy uy quyền, hoàn toàn tự do sống cách đức hạnh và thánh thiện, thoát vòng kềm tỏa của mọi thứ gông cùm, tù ngục tinh thần. Chỉ có con người sống trong Chúa mới thật sự được giải phóng và biết sử dụng quyền tự do đúng mức. Đó là sự tự do thật trong Chúa Cứu Thế mà chúng ta đã đề cập trong các bài trước.
3. Người sống trong Chúa Cứu Thế thường nói về đức tin và đồng thời cũng hành động đúng theo niềm tin, hành động không phải như cái máy, không phải như những phản xạ với các kích thích bên ngoài, nhưng hành động với quyền tự chủ hoàn toàn, hành động do tình yêu thương thúc đẩy. Người tín hữu có nhiều hành động tốt đẹp thường được mọi người khách quan nhận định phải khen ngợi. Nhưng chỉ những người sống trong Chúa Cứu Thế mới hành động do tình yêu thương thúc đấy. Những hành động ấy không một chút vị kỷ nhưng hoàn toàn có tính cách vị tha. Người ở trong Chúa khi cân nhắc để quyết định làm việc gì thường sáng suốt phân tách vấn đề và đặt mấy câu hỏi này: tôi định làm việc này là vì Chúa hay vì tôi? Vì Hội thánh, vì anh em hay vì danh dự địa vị, bổn phận của tôi? Tôi làm việc ấy có ích lợi cho đồng bào không hay chỉ ích lợi cho bản thân và gia đình? Có tính thúc đẩy một hành động theo một niềm tin trong Chúa phải là tình yêu thương.
Người sống trong Chúa Cứu Thế luôn luôn nhờ Chúa Thánh Linh mà trông đợi với niềm tin những kết quả tốt đẹp mà người công chính có quyền hy vọng.
Người sống trong Chúa không phải chỉ nhắc lại những thành quả trong quá khứ, không phải chỉ vùi mình trong những công tác bận rộn mình đang đeo đuổi thực hiện hằng ngày, nhưng còn sống trong hy vọng, sống cho tương lai.
Đây là một tương lai gần gũi, không phải xa vời không tưởng. Đây là một tương lai chắc chắn, không phải chỉ là những lâu đài của mộng mơ. Đây là một tương lai sáng lạn, không phải là tương lai mờ mịt tối tăm. Đã có những niềm hy vọng không bao giờ thành sự thật. Nhưng niềm hy vọng vào tương lai trong Chúa là một sự thật có thể thấy trước bởi đức tin và được chính Chúa Thánh Linh bảo đảm hoàn toàn.
Chúng ta lưu ý 4 yếu tố của sinh hoạt hướng về những kết quả tốt đẹp tương lai theo câu Thánh Kinh này:
– Chúa Thánh Linh
– Đức tin
– Hy vọng
– Người công chính
Không thể thiếu một yếu tố nào được cả. Riêng phần chúng ta là yếu tố thứ tư. Chúng ta có phải là người công chính không? Nếu không, chúng ta không có phần gì trong tương lai tốt đẹp đời đời ấy. Nhưng làm thế nào để trở thành người công chính.
Phao-lô giải thích:
Sự công chính của Thượng Đế dành cho mọi người tin … nhờ ân phúc Ngài mà được xưng công chính nhưng không, bởi sự chuộc tội đã hoàn thành trong Chúa Cứu Thế Jê-sus (Rô-ma 3:22,24).
…ở trong Chúa Cứu Thế là Đấng mà Thượng Đế đã làm nên sự khôn ngoan, sự công chính, sự nên thánh và sự cứu chuộc cho chúng ta (I Cổ-linh 1:30)
Chúa Cứu Thế đã miêu tả nếp sống hạnh phúc và kết quả trong Chúa qua hình ảnh cây nho và cành nho trong Phúc Âm Giăng 15:1-8.