Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P26)

KINH NGHIỆM TỰ DO CỦA PHAO-LÔ

(4:12-20)

freedom

Sau khi nhắc lại và so sánh thân phận bi đát của người chưa biết Chúa với hạnh phúc thật của người tin nhận Ngài, Phao- lô thiết tha kêu gọi anh em tín hữu Ga-la-ti:

Thưa anh em thân yêu, xin anh em theo gương tôi, vì cũng như anh em, tôi đã từng thoát ách nô lệ của luật pháp. Anh em còn nhớ tôi đã nhân lúc đau yếu đến truyền giảng Phúc Âm cho anh em lần thứ nhất. Mặt dù bệnh hoạn tôi có thể làm cho anh em khó chịu, nhưng anh em không khước từ, ruồng rẫy tôi. Trái lại, anh em đã tiếp đón tôi như thiên sứ của Thượng Đế, như chính Chúa Cứu Thế vậy. Nhiệt tình chan chứa ấy bây giờ ở đâu? Lúc ấy, anh em yêu mến tôi đến mức sẵn sàng móc mắt tặng tôi. Thế mà nay anh em xem tôi như người thù, có phải vì ‘nói thật mất lòng anh em không?’ Tôi biết có những người hết sức chiều chuộng anh em với dụng ý không tốt đẹp. Họ chỉ muốn chia rẽ anh em với tôi để anh em lệ thuộc họ và hăng hái phục vụ họ. Tỏ nhiệt tình quý mến người cách chân thành bao giờ cũng là một cử chỉ đẹp, nhưng sao họ phải đợi đến lúc tôi có mặt mới lo chiều chuộng anh em? Các con ơi, các con làm cho ta đau đớn như người mẹ quặn thắt đợi chờ đứa con lọt lòng, chờ cho đến lúc hình dạng Chúa Cứu Thế nổi bật trong các con! Ước gì tôi có mặt bên anh em ngay giờ phút này để nói cho cạn lời, chứ xa xôi cách trở, viết không thể nào hết ý.

Đoạn văn này một lần nữa, hé mở cho ta thấy tâm tình của Phao-lô, con người của Chúa Cứu Thế, con người nắm mọi cơ hội để Truyền bá Phúc Âm. Phao-lô thật là một người theo Chúa gương mẫu, nhiệt thành truyền giảng, người ngay thẳng nói những lời gây dựng anh em tín hữu, và làm trọn phận sự như một người mẹ hiền với một bầy con thuộc linh, làm tất cả những gì có thể làm được để Cha Thiên thượng nổi bật trong đời sống của những đứa con tinh thần ấy.

Phao-lô là người theo Chúa gương mẫu

Phao-lô viết: “Thưa anh em thân yêu, xin anh em theo gương tôi, vì cũng như anh em, tôi đã từng thoát ách nô lệ của luật pháp.” Động từ “theo gương” theo nghĩa đen có nghĩa là “trở nên giống như.” Phao-lô kêu gọi anh em tín hữu Ga-la-ti “trở nên giống như ông,” đi theo con đường ông đã đi theo Chúa, vâng phục chân lý ông đã tiếp nhận từ nơi Chúa và làm theo những điều ông làm.

Sau khi cố gắng vâng giữ hệ thống giáo luật của Do-thái giáo mấy mươi năm, Phao-lô đã nhờ ơn Chúa Cứu Thế giải phóng mà thoát ly khỏi ách nô lệ của luật pháp. Còn anh em tín hữu Ga-la-ti sau khi được Chúa giải phóng khỏi ách nô lệ tội lỗi đã bị một số giáo sư giả quyến rũ mà tự tròng vào cổ ách nô lệ của luật pháp Do-thái giáo. Phao-lô đã từng khốn khổ trong vòng nô lệ ấy và đã được thoát ly, nay người Ga-la-ti lại vô tình nhảy vào tròng. Vì thế Phao-lô kêu gọi anh em tín hữu Ga-la-ti phải thoát ly ách nô lệ ấy như ông đã làm. Đó là nghĩa đen của câu Kinh Thánh này, nhưng xét theo nghĩa rộng, tất cả những người đã theo Chúa và muốn dìu dắt người khác đến với Chúa đều phải nói như Phao-lô: xin anh em theo gương tôi. Người theo Chúa và dìu dắt người khác đến với Chúa không thể nói như một số thầy đời: “Hãy làm điều tôi dạy, nhưng đừng bắt chước việc tôi làm.”

Người theo Chúa và dìu dắt người khác đến với Chúa chỉ có thể làm phận sự cách đích thực khi được Chúa mở mắt tâm hồn để hướng đạo cho người khác đến nguồn sáng chân lý là Chứa Cứu Thế. Người theo Chúa và dìu dắt người khác đến với Chúa phải có kinh nghiệm bản thân về sự giải phóng tâm linh do Chúa Cứu Thế. Một vị giáo sư yêu quý của tôi thường dạy chúng tôi tại trường Kinh Thánh Đà-nẵng nói: “Đạo mà không có kinh nghiệm thì không thể truyền cho người khác được.” Người muốn truyền Phúc Âm phải có đủ điều kiện để kêu gọi tất cả những người mình dìu dắt: “Xin anh chị em theo gương tôi,” người ấy thật là con người theo Chúa gương mẫu.

Phao-lô là người nhiệt thành truyền bá Phúc Âm

Phao-lô là con người nắm mọi cơ hội để truyền bá Phúc Âm (Xem câu 13-14). Như chúng ta đã tìm hiểu trong bài học về Hội thánh Ga-la-ti, Phao-lô đã đến thăm các thành phố khác ở miền Nam tỉnh Ga-la-ti và bị ném đá tại thành phố Lý-trà (Công vụ 14:1-28).

Tại Lý -trà, vừa chứng kiến việc ông nhờ danh Chúa Cứu Thế chữa lành một người què, dân chúng bèn gọi ông là Thủy Thần Tối Linh và đem tế lễ đến dâng. Nhưng khi thấy ông từ khước, chỉ nhìn nhận mình là đầy tớ Chúa thì đoàn dân đổi ý ném đá ông gục xuống, thấy ông đã chết nên họ kéo thây ông bỏ ra ngoài thành phố. Thình lình ông vùng dậy đi vào thành phố với anh em tín hữu. Tuy đã nhờ quyền năng Chúa vùng dậy như thế, nhưng ông đã bị thương tích nặng nề, chắc mất rất nhiều máu, theo lẽ thường ông cần quay về quê nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Nhưng không, Phao-lô muốn nắm ngay cơ hội để truyền bá Tin mừng.

Ông quyết định đi ngay đến Đẹt-bơ, một thành phố khác trong xứ Ga-la-ti để nói về Chúa Jê-sus, giữa lúc đau yếu, các vết thương có lẽ còn ghi dấu trên mặt, trên người ông. Người Ga-la-ti hay người Do-thái đều cho rằng ai đau yếu, bị thương tích đầy mình là người bị các thần linh phạt. Đáng lẽ họ khinh bỉ ông, khước từ không nghe ông giảng giải Phúc Âm, hơn nữa họ có thể bực bội khó chịu vì thấy một người đau yếu đứng trước mặt họ, người ấy lại nói về Chúa Cứu Thế bị đánh đập, bị thương tích, bị đóng đinh trên cây thập tự. Nhưng trái lại, họ đã chăm chú nghe người truyền đạo ấy vì biết rằng tuy đau yếu nhưng người ấy không bỏ lỡ cơ hội dìu dắt họ vào con đường cứu rỗi, tuy đầy thương tích nhưng Chúa Cứu Thế của người ấy đã chịu thương tích và hy sinh tính mạng để cứu họ.

Phao-lô là người ngay thẳng gây dựng anh em

Nhiều người theo Chúa có thể an ủi, khuyến khích anh em tín hữu nhưng không dám nói thẳng vì ngại anh em mếch lòng. Trái lại, cũng có một số tín hữu hay phê bình chỉ trích lên án anh em cách nặng nề mặc dù không gây dựng được điều gì mà chỉ làm thương tổn vô ích. Phao-lô rất từ tốn dịu dàng với anh em tín hữu, nhưng khi cần nói và vì mục đích gây dựng, ông không ngần ngại nói thật, nói thẳng mặc dù anh em có mất lòng hay hiểu lầm cũng cam chịu. (Xem từ câu 15-18) .

Phao-lô thẳng thắn mổ xẻ vấn đề như bác sĩ mổ ung nhọt, tuy làm cho bệnh nhân đau một lúc nhưng nhờ đó mà ung nhọt được lành. Phao-lô thẳng thắn vạch trần sự thật, không cần úp mở, giấu giếm. Ông nhìn nhận “nhiệt tình chan chứa” và “lòng ưu ái” của anh em Ga-la-ti khi mới tin nhận Chúa. Họ quý mến, yêu thương ông đến nỗi sẵn sàng hy sinh, kể cả việc móc mắt tặng ông. Có lẽ họ thấy ông đau mắt nên sẵn lòng làm bất cứ việc gì để đầy tớ Chúa được lành và có con mắt sáng sủa. Tuy nhiên, ông cũng phân tích sự thay lòng đổi dạ của người Ga-la-ti vì nay họ xem ông như thù nghịch. Lý do thật đơn giản, chỉ vì có một số người đến chìu chuộng anh em Ga-la-ti với dụng ý đưa họ vào ách nô lệ của Do-thái giáo. Anh em Ga-la-ti đã mắc mưu, thấy họ chìu chuộng thì lấy làm khoái chí đi theo họ, không ngờ họ chỉ tạm thời dùng thuật mị dân để khi anh em tín hữu mắc bẫy rồi sẽ buộc lòng phải chịu lụy họ và làm nô lệ cho họ.

Lưỡi dao giải phẫu của Phao-lô đã thẳng thắn phân chia thứ nhiệt tình quý mến người cách chân thành và nhiệt tình quý mến người cách giả mạo với một hậu ý không đẹp. Tội nghiệp anh em tín hữu Ga-la-ti đã mắc mưu vì họ không sáng suốt phân biệt chân giả, không tinh ý nhận thấy rằng chẳng những các giáo sư Do-thái giáo đã gài bẫy họ và còn chọn thì giờ thích hợp để lo mua chuộc, chiêu đãi họ. Thật trái với Phao-lô và những người theo Chúa đích thực, bao giờ cũng giữ một lòng yêu quý anh em với nhiệt tình không bao giờ thay đổi vì thời thế đổi thay.

Phao-lô như một người mẹ hiền

Trong câu 19-20, Phao-lô bộc lộ tâm sự của một người dìu dắt đàn con thơ. Ông ví sánh mình với một bà mẹ thuộc linh, vì ông đã nhờ Phúc Âm mà sinh họ ra, nói theo cách ông diễn tả trong thư l Cổ-linh 4:14-15.

Người mẹ quặn thắt trong thì giờ sinh nở thế nào, thì Phao-lô cũng đau đớn quằn quại vì anh em tín hữu Ga-la-ti thể ấy, vì ông dùng chân lý Phúc Âm để sinh họ. Họ có thật sự sinh vào trong gia đình của Chúa, có thật sự được Chúa Thánh Linh tạo dựng con người mới trong họ thì Phao-lô mới thành công. Nhưng ông đã phải trải qua bao nhiêu cơn đau đớn quặn thắt. Một khi họ thật sự được Chúa Thánh Linh tạo dựng con người mới, thì họ phải giống Chúa Cứu Thế. Hình dáng Chúa Cứu Thế, tâm tánh Chúa Cứu Thế, đức hạnh Chúa Cứu Thế, tình yêu thương của Chúa Cứu Thế phải bắt đầu nổi bật trong đời sống họ, như đứa con luôn luôn mang những nét giống cha như đúc. Đối với Phao-lô, chỉ đến lúc ấy, ông mới an lòng là đã có những đứa con tinh thần giống Chúa và giống mình.

Phao-lô đã tận tình giải nghĩa cho anh em Ga-la-ti, nhưng đến đây ông nhận thấy dù sao ông nói cũng chưa hết ý nên tỏ lòng ước mong phải chi được ở bên họ trong chính giờ phút ấy thì ông có thể đổi cách nói, họ có thể đọc được tư tưởng trên gương mặt từ ái của ông, họ có thể cảm được tình yêu nồng nàn từ nhịp tim đập của ông. Trong không gian và thời gian, tuy ông vẫn xa cách số anh em tín hữu thân yêu và còn lâu mới được gặp mặt họ lần nữa, nhưng trong khung trời tâm linh, ông đã thật sự gần gũi khắng khít với họ dưới bệ chân của Chúa yêu thương.