Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P24)

NẾP SỐNG CŨ

(4:1-7)

father-and-son-004

Chế độ nô lệ trong xã hội Trung đông, Ну-lạp, La Mã vào đầu công nguyên thật là khủng khiếp. Nô lệ gồm đủ các màu da, chủng tộc và giai cấp xã hội. Sau những cuộc chiến tranh liên miên và tàn khốc, quân đội chiến thắng thường coi tù binh là nô lệ và toàn thể nhân dân nước bại trận như những chiến lợi phẩm, nên ngoài số tù binh thường chọn lọc một số nam nữ thanh thiếu niên chở đi bán đấu giá khắp nơi.

Lịch sử La Mã ghi trường hợp dân chúng nhiều thành phố Tiểu Á phải tự đem bán đấu giá để có tiền nộp cho các tướng lĩnh La Mã đang chiếm đóng và bóc lột dân thuộc địa.

Nhiều khi vì quá túng bấn cùng quẫn, cha mẹ đem bán con, anh đem bán em làm nô lệ. Cũng có những trường hợp xảy ra vì những lý do nội bộ gia đình phức tạp và oái oăm không thể nào tưởng tượng được.

Một khi đã bị bán làm nô lệ, thân phận con người ấy thật là bi đát. Chủ nô phải bỏ tiền ra mua, nên thường coi nô lệ như một thứ hàng hóa và thường sử dụng đến mức tốì đa, rồi đem bán lại cho người khác khi có cần. Trong nhiều xứ, chủ có quyền đánh chết hay đem giết nô lệ mà không bị tội vạ gì, vì họ coi nô lệ không hơn gì súc vật. Người ta thuật lại chuyện một ông chủ nô có hồ nuôi cá lớn, muốn khoe giàu sang trong một buổi đại tiệc, đã ra lệnh cho một tên nô lệ nhảy xuống hồ cho cá ăn thịt, và người nô lệ khốn khổ phải vâng lời nhảy xuống hồ.

Trong các xã hội ấy, nhân phẩm của người nô lệ bị chà đạp, quyền tự do căn bản của con người bị tước đoạt. Thân phận thê thảm của người nô lệ thời ấy đã được sứ đồ Phao- lô dùng để ví sánh với thân phận của người nô lệ tâm linh, và đối chiếu với quyền tự do của người được Chúa Cứu Thế giải phóng. (Xin đọc Ga-la-ti 4:1-7)

Bảy câu Kinh Thánh này gồm 3 phần; mỗi phần nêu lên một đại ý kết chặt quanh đại đề “Nô lệ và tự do.”

I.  Thân phận cực nhọc của người nô lệ (1-3)

II.  Ngày giải phóng nô lệ (4)

III. Quyền lợi của người được giải phóng (5-7)

I. THÂN PHẬN CỰC NHỌC CỦA NGƯỜI NÔ LỆ

Anh em nên nhớ, khi người thừa kế còn thơ ấu, dù có quyền làm chủ sản nghiệp, nhưng vẫn phải ở dưới quyền người giám hộ và quản gia – chẳng khác gì người nô lệ – cho đến tuổi thành niên.

Chúng ta cũng thế, trước khi Chúa Cứu Thế đến, chúng ta phải làm nô lệ cho luật pháp và tục lệ cổ truyền vì tưởng những thứ ấy có thể cứu rỗi chúng ta (1-2).

Phao-lô dùng thân phận người nô lệ trong xã hội La Mã để ví sánh với thân phận người con của Chúa trong thời kỳ còn làm nô lệ cho luật pháp và tục lệ cổ truyền.

1.  Ách nô lệ cho luật pháp và tục lệ cổ truyền

“Nô lệ cho luật pháp”: Như chúng ta đã nói trong một bài trước là tình trạng của tất cả những người ỷ lại nơi luật pháp để mong đẹp lòng Thượng Đế và đã biến luật pháp đáng lẽ làm cho sống, thành những luật lệ trói buộc, những thứ xiềng xích cầm tù con người. Càng ỷ lại nơi luật pháp, con người càng cố gắng giữ luật pháp. Càng giữ luật pháp càng thấy mình phạm luật nhiều hơn và bị luật pháp lên án ngày càng nghiêm khắc hơn. Rốt cục những người ỷ lại luật pháp ý thức rằng mình đã mắc vào một vòng lẩn quẩn không lối thoát cho đến khi được Chúa Cứu Thế giải phóng.

“Nô lệ cho tục lệ cổ truyền” : Theo nguyên tác từ liệu này có thể dịch “những điều sơ đẳng của thế gian” chỉ về những nguyên tắc luân lý, tôn giáo mà loài người đã lập làm khuôn vàng thước ngọc cho nếp sống đạo hạnh trong bất cứ xã hội nào, nhưng những nguyên tắc ấy không thể nào cứu rỗi hay đổi mới con người.

2.  Ách nô lệ dưới quyền người giám hộ và quản gia

Từ liệu “giám hộ” theo nguyên tắc khác với chữ giám hộ dùng ở chương 3 câu 24, 25 có thể dịch là người coi sóc, nghĩa là tương đương với nhiệm vụ của người giám hộ. Chữ “quản gia” chỉ về người chịu trách nhiệm điều khiển và kiểm soát các cách sử dụng tài sản, tiền bạc của người chủ chưa đến tuổi trưởng thành.

Điểm chua xót nhất của ách nô lệ đó là tuy làm con của Thượng Đế mà vẫn còn làm nô lệ, tuy làm chủ tất cả mà vẫn phải bị những người đầy tớ gọi là người giám hộ, quản gia kiểm soát từng hành động, từng khoản chi tiêu, và bị chúng hạch hỏi, trách móc, buộc tội, lên án.

II. NGÀY GIẢI PHÓNG NÔ LỆ

Nhưng đúng kỳ hạn, Thượng Đế sai Con Người xuống trần gian do một người nữ sinh ra trong một xã hội bị luật pháp trói buộc để giải phóng những người làm nô lệ của luật pháp (4-5a).

Câu Thánh Kinh vừa đọc hợp với câu 2 phần b, cho ta biết:

1.  Ngày giải phóng nô lệ do Chúa Cha ấn định.

2.  Ngày gọi là đúng kỳ hạn.

3.  Ngày Chúa Cứu Thế vào đời thực hiện chương trình cứu rỗi.

1.  Ngày giải phóng nô lệ do Chúa Cha ấn định

Như người cha có quyền ấn định thời gian người con được thoát khỏi quyền kiểm soát của các người giám hộ, quản gia. Thượng Đế là Cha Thiên Thượng cũng đã ấn định ngày loài người được giải phóng khỏi luật pháp. Theo luật La Mã, người cha có thể dựa vào hạng tuổi vị thành niên do luật định để ghi rõ đến ngày tháng năm ấy, con mình sẽ được hoàn toàn tự chủ và nắm quyền sở hữu và sử dụng cả gia tài. Thượng Đế đã ẩn định ngày ấy cho nhân loại.

2. Ngày gọi đúng kỳ hạn

Ngày giải phóng nô lệ tâm linh đã đến đúng kỳ hạn, không phải là đột ngột bất ngờ, nhưng theo một chương trình đại quy mô, có thứ tự lớp lang.

“Đúng kỳ hạn” có nghĩa là đến thời gian hội đủ mọi điều kiện. Thượng Đế đã chuẩn bị kỹ càng mọi điều kiện tôn giáo, xã hội, chính trị, kinh tế, giao thông và ngôn ngữ một cách thật là chu đáo chi ly, nên khi Chúa Cứu Thế xuống đời, Phúc Âm có thể truyền bá khắp Á, Âu, Phi cách sâu rộng.

3. Ngày Chúa vào đời thực hiện chương trình cứu rỗi

Ngày giải phóng nô lệ chính là ngày Chúa Cứu Thế xuống đời, hy sinh trên cây thập tự và sống lại để thực hiện chương trình cứu rỗi. Chúa chịu sinh ra trong một xã hội bị luật pháp trói buộc, tức là một xã hội đang bị gò bó, đóng khung trong những luật lệ phiền toái do loài người thêm thắt vào và làm sai lạc mục đích của Thượng Đế khi ban hành luật pháp. Chúa chịu sống trong xã hội ngột ngạt tù túng ấy để giải phóng những người nô lệ của luật pháp.

III. QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CỨU THẾ GIẢI PHÓNG

Câu 5-7 ghi để giải phóng những người làm nô lệ của luật pháp và cho họ quyền làm con của Thượng Đế. Vì chúng ta là con Thượng Đế nên Ngài đã sai Đức Thánh Linh ngự vào lòng chúng ta, giúp chúng ta gọi Thượng Đế bằng Cha.

Như thế, chúng ta không còn làm nô lệ nữa nhưng làm con Thượng Đế. Đã là con, chúng ta cũng được thừa hưởng cơ nghiệp của Thượng Đế.

Quyền lợi của người được Chúa Cứu Thế giải phóng thật là lớn lao:

1. Được làm con trưởng thành của Thượng Đế.

2. Được Thánh Linh sống trong lòng.

3. Được hưởng cơ nghiệp của Thượng Đế.

1. Được làm con trưởng thành của Thượng Đế

Người được Chúa Cứu Thế giải phóng không phải chỉ được Thượng Đế nhận làm con nuôi nhưng chính là con ruột. Danh từ “con” theo nguyên tác chỉ về một người con đến tuổi thành niên, có đủ quyền sở hữu và quản trị gia tài, sản nghiệp của cha. Một khi chúng ta tin Chúa Cứu Thế, công nhận Ngài đã chết thay cho chúng ta và sống lại để cứu chúng ta, lập tức chúng ta được Chúa tha tội và nhìn nhận là con cái Chúa. Tuy nhiên, một số con cái Chúa vẫn sống trong thân phận nghèo nàn, tủi nhục của người nô lệ, vẫn ỷ lại nơi luật pháp tôn giáo và tưởng lầm mình cứ giữ giáo luật cách nghiêm chỉnh tất nhiên sẽ được Thượng Đế hài lòng và xứng đáng làm con Thượng Đế! Nhưng Thánh Kinh vẫn kêu gọi, cảnh cáo chúng ta: “Chúng ta đã bắt đầu nhờ Thánh Linh nay sao lại cậy xác thịt làm cho trọn.” Chúng ta vẫn còn ở trong tình trạng ấu trĩ thuộc linh, vẫn nép mình làm nô lệ cho những nguyên tắc, luật lệ. Chúa Cứu Thế có quyền giải phóng chúng ta khỏi tình trạng ấy, cho chúng ta hưởng quyền làm con trưởng thành của Ngài ngay giờ này.

2 . Được Thánh Linh sống trong lòng

Người được Chúa Cứu Thế giải phóng được Chúa Thánh Linh sống trong lòng và hướng dẫn sự tương giao với Cha trên trời.

Trên căn bản quyền lợi của người con trưởng thành, lòng người ấy được Chúa Thánh Linh ngự trị và hướng dẫn, Ngài sẽ hướng dẫn từng bước một, từng chi tiết trong cuộc đời theo Chúa của người con trưởng thành. Nhưng trên hết, Ngài hướng dẫn người con trưởng thành đó trong mối tương giao thân mật với Cha Thiên Thượng. Người con ấu trĩ hay vị thành niên chỉ coi sự tương giao đó như một giờ cầu nguyện bắt buộc, hay một dịp để mình “vòi quà,” xin Cha cho thứ này thứ khác, đòi Cha làm thỏa mãn các nhu cầu của đời sống mình hay gia đình mình. Nhưng nhờ Thánh Linh hướng dẫn, dạy dỗ người con trưởng thành coi giờ tương giao với Cha là giờ vô cùng quý báu, lắm khi chỉ gọi Cha ơi, Cha ơi. Như chữ Abba, tiếng Aram là tiếng gọi của các tín hữu Giu- đê ngày trước. Đã là một giờ tương giao, thì con nói Cha nghe, mà Cha dạy con cũng chú ý kỹ càng, và Chúa Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta. Chúng ta nghe được tiếng êm dịu nhỏ nhẹ rót vào tâm hồn chúng ta và truyền cho chúng ta sức sống mạnh mẽ vô địch giữa mọi hoàn cảnh khó khăn hằng ngày.

3. Được hưởng cơ nghiệp của Thượng Đế

Người được Chúa Cứu Thế giải phóng và làm con trưởng thành của Thượng Đế là người được thừa hưởng cơ nghiệp của Thượng Đế.

Không cần phải đợi đến tương lai xa vời, người con trưởng thành của Thượng Đế có thể nhân danh Chúa Cứu Thế mà thừa hưởng, sử dụng mọi sự Cha đã dành sẵn cho mình ngay bây giờ.

Càng tăng trưởng trong Thánh Linh, người ấy càng sử dụng uy quyền Chúa cho để áp dụng cho bản thân, cho gia đình, cho Hội Thánh, cho đồng bào đồng loại những ân phúc dồi dào Chúa đã dành sấn cho mình.

Những ân phúc ấy,  những kho tàng ấy, những uy quyền ấy ngày càng phong phú. Chúng ta có sẵn sàng sử dụng cơ nghiệp Chúa dành cho người con trưởng thành của Ngài chưa? Hay chúng ta vẫn còn sống trong cảnh nghèo hèn tủi nhục của một người con ấu trĩ chưa trưởng thành.