Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P23)

TỰ DO CỦA NGƯỜI CON TRƯỞNG THÀNH

(3:23-29)

father and son

Trong hầu hết các xã hội loài người, pháp luật nhà nước, luật đạo đức, luật tôn giáo đều đóng vai trò hạn chế các tật xấu, nết hư, kiểm soát những hành động quá trớn phạm vào quyền lợi người khác, hay trừng phạt những con người phạm tội, để mong xã hội được bớt đi tệ nạn, bất công và tội ác.

Riêng dân Y-sơ-ra-ên là tuyển dân của Chúa, luật Mai- sen được ban hành nhằm hai mục đích chính: thứ nhất để hạn chế lỗi lầm, gian ác trong khi chờ đợi giao ước của Chúa với Áp-ra-ham được thực hiện do Chúa Cứu Thế. Thứ hai, để làm cho mọi người ý thức sâu xa được sự bất lực của tôn giáo và giáo luật trong việc cải thiện xã hội và nhìn nhận rằng loài người cần một phương pháp cứu rỗi hoàn bị. Nếu không có biện pháp hạn chế và kiểm soát đó, xã hội tất phải băng hoại vô cùng nhanh chóng. Dân Y-sơ-ra-ên đã học bài học ấy thấm thía hơn tất cả các dân tộc.

Đối với cá nhân, luật pháp chỉ để cho mỗi người ý thức tình trạng đạo đức thực sự và thân phận nô lệ tội lỗi. Tiêu chuẩn rất cao của luật pháp Mai-sen và kinh nghiệm thất bại chua cay của người cố gắng giữ cho trọn luật pháp ấy, chứng minh rằng nhu cầu cấp bách nhất của đời sống mình là tìm cho ra phương pháp giải phóng mình khỏi ách nô lệ ấy.

Trong thư Ga-la-ti 3:23-29, Phao-lô đối chiếu hai tình trạng nô lệ và tự do. Người nô lệ tội lỗi ở dưới sự canh giữ của luật pháp và người tự do thì thể hiện sự sống mới của Chúa Cứu Thế như một người con trưởng thành của Thượng Đế. (Xin đọc Ga-la-ti 3:23-29)

Từ câu 23-29, đề tài chính không còn là sự khác biệt giữa lời hứa và luật pháp, nhưng là đối chiếu tình trạng nô lệ do luật pháp Mai-sen với tình trạng tự do do Chúa Cứu Thế đem lại cho người tin Chúa.

Phao-lô trình bày 4 ý chính:

I.  Thời kỳ nô lệ chuẩn bị cho thời kỳ tự do – Hay luật pháp Mai-sen đưa con người đến với Chúa Cứu Thế (23-24).

II.  Thân phận con cái Thượng Đế khác hẳn thân phận người nô lệ – Hay đức tin trong Chúa Cứu Thế Jê-sus biến người nô lệ thành con cái Thượng Đế (25-26).

III. Con người tự do là con người mặc lấy Chúa Cứu Thế- Hay nếp sống tự do là nếp sống của con người có Chúa Cứu Thế sống trong mình (27).

IV.  Tất cả những người tự do đều thuộc về một đoàn thể, một thân thể duy nhất trong Chúa Cứu Thế – Hay chỉ trong Chúa Cứu Thế, con người mới hưởng được lời hứa hạnh phúc vĩ đại Chúa dành cho Áp-ra- ham và những người tin Chúa (28-29).

I. LUẬT PHÁP MAI-SEN ĐƯA CON NGƯỜI ĐẾN VỚI CHÚA CỨU THẾ

Trước khi Chúa Cứu Thế đến, chúng ta bị luật pháp canh giữ cho đến ngày chúng ta tin nhận Chúa Cứu Thế. Luật pháp Mai-sen đóng vai người giám hộ canh giữ chúng ta trong khi chờ đợi Chúa Cứu Thế thực hiện chương trình ‘cứu rỗi bởi đức tin’ (23-24).

Phao-lô phân biệt hai thời kỳ rõ rệt: thời kỳ nô lệ và thời kỳ tự do, cũng được gọi là thời kỳ luật pháp và thời kỳ đức tin, hoặc thời kỳ Cựu Ước và thời kỳ Tân Ước. Nhưng điểm cần nhấn mạnh ở đây là luật pháp đi trước đức tin trong Chúa Cứu Thế, thời kỳ nô lệ đi trước thời kỳ tự do và luật pháp dọn đường cho Chúa Cứu Thế.

Chữ “canh giữ” trong câu “chúng ta bị luật pháp canh giữ cho đến ngày chúng ta tin nhận Chúa Cứu Thế” diễn tả một hình ảnh ngục tù, giam cầm. Thật là khổ sở, con người đang bị các tật xấu, nết hư, tội lỗi bó buộc, xiềng xích, những tưởng luật pháp giải phóng cho, ai ngờ luật pháp cứ chiếu luật thi hành nên con người bị luật pháp giam cầm, trừng phạt như cơ quan tư pháp thi hành nhiệm vụ. Luật pháp đã trở thành một giám ngục, một đề lao đối với người ỷ lại luật pháp để làm đẹp lòng Thượng Đế và mong nhờ đó mà được cứu rỗi. Sở dĩ dân Do-thái thất bại và mọi người ỷ lại nơi nếp sống đạo hạnh, kỷ luật theo luật pháp Mai-sen là vì họ hiểu sai vai trò của luật pháp. Luật pháp không cứu rỗi, giải phóng ai được cả.

Luật pháp chỉ giữ vai trò giám hộ. Chữ “giám hộ” theo nguyên tác chỉ về một người giữ trẻ có nhiệm vụ coi sóc, kiểm soát để trẻ đừng làm điều sai quấy và phải làm điều phải. Theo lịch sử xã hội Trung đông thời ấy, giám hộ thường là người khắc nghiệt, thẳng tay trừng trị. Có khi giám hộ là một người nô lệ hay là một người không thể làm việc gì hơn. Đó chính là phận sự của luật pháp suốt thời kỳ Cựu Ước từ ngày được ban hành, cho đến ngày Chúa Cứu Thế giáng sinh.

Luật pháp dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Luật pháp không phải chỉ canh giữ, ràng buộc, đè nén dục vọng con người trong khi chờ đợi Chúa Cứu Thế xuất hiện. Luật pháp còn dọn đường cho Chúa Cứu Thế và chỉ đường cho loài người đến với Ngài. Do các mệnh lệnh, luật lệ, cấm điều và những đòi hỏi đạo đức không một người nào làm nổi, luật pháp đã làm nảy sinh trong lòng người cái ước mơ vĩ đại về sự giải phóng tâm linh do một quyền năng siêu việt mà chỉ Chúa Cứu Thế mới có thể thực hiện. Như thế luật pháp dọn đường cho Chúa Cứu Thế, hướng dẫn con người đến với Chúa Cứu Thế.

II. THÂN PHẬN CON CÁI THƯỢNG ĐẾ KHÁC HẲN THÂN PHẬN NGƯỜI NÔ LỆ – HAY ĐỨC TIN TRONG CHÚA CỨU THẾ BIẾN NGƯỜI NÔ LỆ THÀNH CON CÁI THƯỢNG ĐẾ

Hiện nay, Chúa Cứu Thế đã đến, chúng ta không cần người giám hộ nữa. Tất cả chúng ta đều được làm con của Thượng Đế khi tin nhận Chúa Cứu Thế Jê-sus (25-26).

Đang từ thân phận nô lệ, bỗng nhiên được giải phóng, được cất lên thân phận một người tự do hành động, được thừa hưởng cả một gia tài khổng lồ. Đó là sự thay ngôi đổi bực của một người cậy luật pháp tôn giáo để mong được cứu rỗi, thình lình được Chúa Cứu Thế giải phóng và cho hưởng quyền con cái Chúa.

1. Ta cần chữ “con” trong câu “tất cả chúng ta đều được làm con Thượng Đế khi tin nhận Chúa Cứu Thế Jê-sus.” Đây không phải là con còn thơ ấu, hay con cái chưa đến tuổi thành niên, chưa có quyền tự chủ và tự do hành động. Theo nguyên tác chữ “con” này chỉ về con Iớn, con trưởng thành của Chúa. Trong bài sau chúng ta sẽ đề cập đến các ý nghĩa sâu sắc và quý báu của chữ “con Thượng Đế” qua sự trình bày của Phao-lô.

2. Theo nguyên tác, Thánh Kinh dùng danh từ đức tin thay vì động từ “tin nhận” trong câu: “Tất cả chúng ta đều được làm con Thượng Đế khi tin nhận Chúa Cứu Thế Jê-sus.” Chữ “đức tin” được dùng liên tiếp 5 lần từ câu 23 đến 26 để nhấn mạnh phương pháp cứu rỗi, giải phóng người nô lệ tội lỗi và bị hệ thống luật pháp tôn giáo ràng buộc, giam giữ.

Phương pháp ấy là “tin,” tin nhận Chúa Cứu Thế Jê-sus, nhìn nhận Chúa đã chết thay cho ta, chịu hình phạt vì tội lỗi ta, nhìn nhận Chúa đã hoàn thành tất cả những đòi hỏi của luật pháp mà ta không thể nào làm trọn, và trên hết là tiếp nhận Chúa Cứu Thế vào lòng ta.

Chúa luôn luôn đáp ứng niềm tin ấy và giải phóng người tin Chúa khỏi ngục tù tội lỗi, quyền canh giữ của luật pháp và cho người ấy hưởng quyền tự do thật của một người con trưởng thành của Thượng Đế.

III. NẾP SỐNG TỰ DO LÀ NẾP SỐNG CỦA NGƯỜI CÓ CHÚA CỨU THẾ SỐNG TRONG MÌNH

Vì tất cả những người đã chịu báp-tem, liên hiệp với Chúa Cứu Thế đều được Ngài bảo bọc (27).

Tín đồ của Chúa Cứu Thế, ai cũng chịu báp-tem, tức là chịu lễ thanh tẩy. Tuy nhiên, Thánh Kinh không nói đến lễ thanh tẩy hay báp-tem hay lễ rửa theo hình thức trong Giáo hội, do một linh mục hay mục sư hành lễ, nhưng Thánh Kinh nói về báp-tem hay thanh tẩy để vào trong Chúa Cứu Thế. Theo nguyên tác Thánh Kinh, đi liền theo chữ báp-tem là một giới tự có nghĩa là “vào; đi vào; vào trong.” Con người được gia nhập vào Chúa Cứu Thế, được liên hiệp cách hữu cơ với Chúa Cứu Thế, trở thành một phần tử trong thân thể của Chúa Cứu Thế. Đó là sự liên hiệp với Chúa Cứu Thế mà thánh lễ của Giáo hội không thể nào thực hiện. Đây chính là công việc của Chúa Thánh Linh làm trong lòng chứ không phải là nghi lễ bên ngoài của Giáo hội.

Người chịu báp-tem liên hiệp với Chúa Cứu Thế được chính Ngài bao bọc, hay nói theo một bản dịch “người ấy mặc lấy Chúa Cứu Thế” như hình ảnh mặc một chiếc áo. Người chịu báp-tem trong Chúa Cứu Thế đã cởi bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới, con người được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa Cứu Thế. Có thể nói con người ấy được Chúa Cứu Thế bao bọc. Đức công chính thánh khiết của Chúa Cứu Thế bao bọc người ấy. Lòng nhân từ bác ái của Chúa Cứu Thế bao bọc người ấy. Vì thế khi mọi người nhìn nếp sống của người ấy, họ biết rằng có một cái gì mới lạ, từ ái, thánh thiện, mà người ấy trước kia không có, và không người nào có thể có được. Người ấy chỉ phản ảnh nếp sống và đức hạnh của Chúa Cứu Thế.

IV.  CHỈ TRONG CHÚA CỨU THẾ, CON NGƯỜI MỚI HƯỞNG ĐƯỢC LỜI HỨA HẠNH PHÚC VĨ ĐẠI CHÚA DÀNH CHO ÁP-RA-HAM VÀ NHỮNG NGƯỜI TIN CHÚA

Sự chia rẽ kỳ thị giữa Do-thái và nước ngoài, giữa nô lệ và tự do, giữa nam nữ đã chấm dứt, vì chúng ta đều hợp nhất trong Chúa Cứu Thế. Hiện nay chúng ta thuộc về Chúa Cứu Thế, làm con cháu thật của Áp-ra-ham và thừa kế cơ nghiệp Áp-ra- ham như Thượng Đế đã hứa (28-29).

Kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giai cấp xã hội, bất công phân rẽ giữa phái nam và phái nữ đã gây ra bao nhiêu chiến tranh, đau khổ, tang tóc, đã phá hoại bao nhiêu gia đình. Nhưng chỉ trong Chúa Cứu Thế sự chia rẽ kỳ thị bất công ấy mới thật sự chấm dứt. Tất cả những người thật lòng tin Chúa Cứu Thế được gia nhập vào gia đình Thượng Đế, được liên hiệp với thân thể của Chúa Cứu Thế, đều được hợp thành một thực thể duy nhất. Thân thể huyền nhiệm của Chúa Cứu Thế tức là Hội thánh thật của Ngài. Thư Ê-phê-sô đã giải thích trong chương 2 câu 11 đến 16.

Từ ngày theo Chúa, chúng ta đã có kinh nghiệm bản thân về sự gia nhập vào thân thể của Chúa Cứu Thế chưa? Chúng ta có ý thức rằng hiện nay chúng ta là một phần thân thể trong thân thể sống động, vinh quang và huyền nhiệm của Chúa Cứu Thế không? Chúng ta có thấy sức sống mạnh mẽ, thánh khiết, vui tươi, đắc thắng của Chúa trào lên trong lòng chúng ta không?

Nếu không, chúng ta hãy chân thành đến với Chúa Cứu Thế Jê-sus ngay giờ này, nài xin Chúa thực hiện điều ấy trong đời sống chúng ta. Chắc chắn Chúa sẽ nhậm lời.