Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P22)
VAI TRÒ LUẬT PHÁP
(3:15-22)
Luật pháp Mai-sen đã được công bố trong một khung cảnh trang nghiêm và đáng sợ. Núi Si-nai chuyển động, sấm chớp vang trời, lửa cháy rực như muốn thiêu cả rặng núi. Tiếng phán dạy của Chúa Hằng Hữu cất cao hơn tất cả các tiếng động, tiếng vang. Chúa gọi, Mai-sen đáp ứng và lên núi gặp Chúa.
”Sách Xuất Ai-cập đã ghi lại những việc chuẩn bị và quang cảnh ngày ban hành bộ luật Mai-sen trong Xuất 19:3- 6a, 16-20. Chúa truyền cho Mai-sen mười điều răn và bộ luật để ban bố cho dân sự. Về sau Mai-sen nhắc lại việc ấy và nhìn nhận rằng: “Tôi thật sợ sệt và run rấy cả người.” Luật pháp Mai-sen thật quan trọng, nhưng luật pháp ấy đóng vai trò gì trong chương trình cứu rỗi vĩ đại, tức là chương trình giải thoát loài người ra khỏi ngục tù tội lỗi và cho hưởng quyền tự do của con cái Đức Chúa Trời?
Phao-lô giải đáp vấn đề này trong thư Ga-la-ti 3:15-22. Đoạn văn này nêu 3 ý chính:
I. Giá trị và hiệu lực của giao ước giữa Chúa và loài người (15-17a).
II. Vai trò của luật pháp Mai-sen (17b-20).
III. Sự hòa hợp của luật pháp và giao ước hay là luật pháp dọn đường cho Chứa Cứu Thế (21-22).
I. GIÁ TRỊ VÀ HIỆU LỰC CỦA GIAO ƯỚC GIỮA CHÚA VÀ LOÀI NGƯỜI
Câu 15-17a viết:
Thưa anh em, tôi xin đan cử một thí dụ trong cuộc sống hằng ngày: một khi giao kèo đã ký xong, không ai được thay đổi hay thêm bớt điều nào.
Lời hứa của Chúa với Áp-ra-ham cũng thế. Chúa hứa ban phúc lành cho Áp-ra-ham và hậu tự.
Thánh Kinh không nói ‘các hậu tự’ theo số nhiều, nhưng nói ‘hậu tự’ để chỉ về một người là Chúa Cứu Thế. Điều ấy có nghĩa: Thượng Đế đã lập giao ước và cam kết với Áp-ra-ham, cho nên 430 năm sau luật pháp Mai-sen ban hành cũng không thể nào hủy bỏ giao ước và lời hứa đó.
Phao-lô dùng ngay một thí dụ trong sinh hoạt xã hội loài người để nói về giá trị và hiệu lực của giao ước của Thượng Đế. Trong các việc sản xuất, mua bán, xây cất hay cả đến việc gia đình, cưới xin đều căn cứ trên một hình thức giao kèo, giao ước với sự cam kết của đôi bên giữ đúng mỗi điều khoản, và thực thi phần trách nhiệm của đôi bên. Một khi hai bên đã đặt bút ký vào giao kèo hay gật đầu đồng ý thỏa thuận, thì giao kèo hay giao Ước coi như đã có hiệu lực ngay, không bên nào còn có quyền thay đổi thêm bớt gì nữa cho đến khi giao kèo mãn hạn. Chữ “thay đổi” theo nguyên tác có nghĩa là làm cho mất hiệu lực. Giữa xã hội loài người, giao ước giao kèo còn có giá trị và nói chung còn được tôn trọng như thế, huống chi là giao ước giữa Chúa và người.
Giao ước giữa Chúa và Áp-ra-ham chính là một lời hứa của Chúa. Lời hứa ấy có giá trị và có tính cách ràng buộc như một giao ước, nên cũng không thể nào thay đổi thêm bớt gì được mà hai bên phải giữ đúng cho đến khi mãn hạn. Giao ước này thật là đặc biệt, quan trọng và vĩ đại, vì tuy chỉ lập với Áp-ra-ham nhưng giao ước có hiệu lực bao trùm cả nhân loại. Giao ước được lập do sáng kiến của Thượng Đế và cũng chính Thượng Đế cam kết giữ đúng giao ước đó. Trong giao ước nói đến Áp-ra-ham và hậu tự. Và chữ “hậu tự” ấy chỉ về Chúa Cứu Thế, vì về phần thể xác, Chúa Cứu Thế giáng sinh làm người trong dòng dõi của Áp-ra- ham, làm một hậu tự của Áp-ra-ham.
Nhờ Chúa Cứu Thế hy sinh tính mạng trên cây thập tự mà khắp tất cả các dân tộc, bất cứ ai tin nhận Ngài đều được hưởng phúc lành của Thượng Đế như Áp-ra-ham, được cứu rỗi như Áp-ra-ham, được bảo vệ như Áp-ra-ham, được gần gũi thân mật với Thượng Đế như Áp-ra-ham, và còn những phúc lành lớn lao hơn nữa.
Nhân học Thánh Kinh qua mấy câu văn Ga-la-ti này, chúng ta rút tỉa một bài học quý báu: Người Do-thái suốt mười mấy thế kỷ đã đọc và nghe lời Chúa hứa với Áp-ra- ham, nhưng phần đông không hiểu ý nghĩa sâu xa, vì lòng họ cứng cỏi, không tin; chỉ nghe và đọc phớt qua mà không lưu ý, nên họ chẳng hưởng được phước lành như Chúa hứa.
Người theo Chúa, khi đọc Thánh Kinh, nên theo gương Phao-lô, để Chúa mở mắt tâm linh cho thấy ý nghĩa đích thực của lời Chúa hứa, và nhờ Thánh Kinh dạy dỗ hướng dẫn, áp dụng vào kinh nghiệm bản thân. Phao-lô thấy được ý nghĩa đích thực của chữ “hậu tự” theo số ít chỉ về Chúa Cứu Thế, trong khi bao nhiêu người Do-thái cứ giải nghĩa chữ “hậu tự” theo số nhiều chỉ về dân tộc họ. Người Do- thái đã đi vào con đường sai lầm tai hại, chối bỏ và xa cách Chúa trong khi lầm tưởng họ vẫn thờ phượng Chúa và gần gũi Ngài.
II. VAI TRÒ CỦA LUẬT PHÁP MAI-SEN TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU RỖI
Câu 17b-20 ghi:
430 năm sau, luật pháp Mai-sen ban hành cũng không thể nào hủy bỏ giao ước và lời hứa đó.
Nếu Áp-ra-ham hưởng phúc lành nhờ tuân theo luật pháp thì đâu cần lời hứa của Chúa nữa.
Nhưng Thượng Đế ban phúc lành cho Áp-ra-ham chỉ vì lời hứa của Ngài. Như thế luật pháp có nhiệm vụ gì? Luật pháp được công bố để giúp loài người nhận biết tội lỗi mình, cho đến khi Chúa Cứu Thế xuất hiện, đúng theo lời hứa của Thượng Đế. Khi Thượng Đế ban hành luật pháp,
Ngài trao cho các thiên sứ, thiên sứ trao lại Mai- sen và Mai-sen phổ biến cho nhân dân. Còn khi lập giao ước, chính Thượng Đế trực tiếp cam kết với Áp-ra-ham, không dùng thiên sứ hay người nào làm trung gian cả.
Phao-lô nhấn mạnh rằng mãi 430 năm sau khi Chúa lập giao Ước với Áp-ra-ham, luật pháp Mai-sen mới được ban hành, vì thế có thể rút tỉa hai kết luận: một là Áp-ra-ham vâng giữ phúc lành không phải vì vâng giữ luật pháp nhưng chỉ vì lời hứa của Chúa. Hai là một luật pháp đến sau, sau đến 430 năm, không thể nào làm mất hiệu lực của giao ước Chúa đã lập với Áp-ra-ham, vì giao ước ấy có hiệu lực vô hạn định.
Vai trò của luật pháp là gì? Nếu nó không thay thế được giao ước Chúa như người Do-thái lầm tưởng thì nó có nhiệm vụ gì trong chương trình cứu rỗi của Thượng Đế? Thánh Kinh giải đáp: “Luật pháp được công bố để giúp loài người nhận biết tội lỗi mình cho đến khi Chúa Cứu Thế xuất hiện, đúng như lời hứa của Thượng Đế.” Giúp cho loài người nhận biết tội lỗi mình, đó là vai trò của luật pháp trong chương trình cứu rỗi. Loài người không thể nào hiểu thấu chương trình cứu rỗi, không thể nào ý thức được sự tự do thật, không thể nào cảm động sâu xa được trước tình yêu thương vô hạn của Chúa, nếu chưa nhận biết tội lỗi của mình ghê tởm như thế nào và thân phận tối tăm bi đát của con người bị giam cầm, hành hạ trong ngục tù tội lỗi.
Luật pháp Mai-sen cũng vạch cho con người thấy rõ hình phạt kinh khiếp đời đời đang chờ đợi người có tội. Luật pháp Mai-sen đã làm nhiệm vụ ấy một cách hoàn hảo, hoàn hảo hơn các thứ luật pháp khác trên thế giới.
Vì thế, một người ăn năn tội lỗi quay về tin nhận Chúa Cứu Thế, luôn luôn có kinh nghiệm không thể nào quên được mà Thánh Kinh miêu tả là kinh nghiệm “từ tối tăm bước qua nơi sáng láng, từ quyền lực của quỷ Sa-tan mà đến với Đức Chúa Trời.”
Phần cuối câu 19 và suốt câu 20, Phao-lô so sánh cách ban hành luật pháp qua trung gian của các thiên sứ và Mai- sen với cách lập giao ước do Thượng Đế trực tiếp cam kết với Áp-ra-ham mà cần trung gian, để làm nổi bật giá trị của giao ước được thực hiện do Chúa Cứu Thế.
III. SỰ HÒA HỢP GIỮA LUẬT PHÁP VÀ GIAO ƯỚC
Như thế một số người thắc mắc: Không lẽ luật pháp mâu thuẫn với lời hứa của Thượng Đế sao? Phao-lô đáp:
Tuyệt đối không! Vì nếu luật pháp có thể cứu rỗi loài người, hẳn Thượng Đế đã không dùng phương pháp khác để giải phóng chúng ta khỏi xiềng xích của tội lỗi. Trái lại, Thánh Kinh cho biết tất cả nhân loại đều bị tội lỗi giam cầm và phương pháp giải phóng duy nhất là tin Chúa Cứu Thế Jê-sus. Con đường cứu rỗi đã mở rộng cho mỗi người tin nhận Ngài.
Câu giải đáp của Phao-lô có thể tóm lược như sau: Có một sự hoà hợp rập ràng giữa luật pháp và lời hứa của Chúa.
Khi luật pháp làm xong nhiệm vụ của nó là làm cho cả nhân loại nhìn nhận tội lỗi thì lời hứa được thực hiện cho Chúa Cứu Thế Jê-sus. Những ai biết mình có tội mà tin nhận Chúa Cứu Thế Jê-sus đều được cứu rỗi.