Khảo Học Thư Ga-La-Ti (P21)

17 LUẬT PHÁP KHÔNG THỂ NÀO CỨU RỖI CON NGƯỜI (3:10-14)

mtsinai

Một người tín hữu suốt đời tự hào rằng ngoài việc tin Chúa mình đã sống một cuộc đời đạo hạnh, giữ đúng các luật lệ của giáo hội, chịu đủ các lễ nghi, còn cộng thêm một số việc phúc đức cứu giúp đồng loại. Người ấy đinh ninh rằng nhờ thực hiện các việc lành, mình sẽ được Chúa cứu rỗi. Dù sao thì mình cũng có triển vọng được Chúa tiếp nhận vào Thiên đàng hơn nhiều tín hữu khác.

Một hôm, người ấy thấy một khải tượng. Người ấy thấy mình qua đời, và các việc lành của mình giống như những nấc thang chồng chất lên nhau tạo thành một cái thang. Người ấy đầy hy vọng, leo lên thang, nghĩ rằng cái thang ấy sẽ đưa mình vào Thiên đàng. Càng leo lên cao, người ấy càng sung sướng vì thấy cây thang mình vượt xa thang của nhiều người khác. Nhưng leo đến nấc thang cao nhất của mình, người ấy vô cùng thất vọng, vì tuy thang của mình cao thật, cao hơn của rất nhiều người, nhưng không thấm vào đâu vì trên đầu mình vẫn còn trời xanh thẳm, vẫn chưa đến được Thiên đàng, vẫn còn một khoảng cách như vô tận giữa nấc thang mình đạt được với tiêu chuẩn đạo đức cao vời vợi của Chúa.

Khi con người tuyệt vọng về việc lành theo hệ thống giáo điều giáo luật, mới ý thức được rằng những việc lành ấy không cứu được ai. Con người chỉ được cứu rỗi nhờ Chúa Cứu Thế Jê-sus đã hy sinh tính mạng để hoàn thành chương trình cứu rỗi, để bắt nhịp cầu giữa loài người và Thượng Đế.

Chúa Cứu Thế Jê-sus chính là cái thang cứu rỗi đưa con người vào Thiên đàng. Không ai bắc thang lên cao mà không có một điểm tựa trên cao. Chỉ cái thang cứu rỗi duy nhất của Chúa Cứu Thế Jê-sus tuy chân đặt dưới đất mà có điểm tựa trên Thiên đàng, điểm tựa vững vằng tức là chính Thượng Đế. Nói đúng ra, cái thang cứu rỗi ấy bắc từ lòng của Thượng Đế xuống tận địa cầu để nhân loại có thể trở về với Thượng Đế.

Phao-lô nhấn mạnh rằng công việc giữ luật pháp không thể nào cứu rỗi con người trong thư Ga-la-ti 3:10-14. Như chúng ta đã nói, chương 3 và 4 là phần giải luận thần học. Vấn đề thần học hay giáo lý đặt ra là: con người cố gắng giữ luật pháp Mai-sen hay các lễ nghi tôn giáo để được Thượng Đế tiếp nhận và cứu rỗi hay không? Phao-lô dùng 9 luận cứ để giải đáp vấn đề này:

1. Kinh nghiệm của tín hữu Ga-la-ti xác nhận rằng chỉ nhờ tin Chúa Cứu Thế mà họ được Ngài tiếp nhận và ban Thánh Linh (3:1-5).

2. Thánh Kinh Cựu Ước là nền tảng của giáo lý đức tin, theo đó con người được cứu rỗi, được kể là công chính chỉ vì tin Chúa Cứu Thế Giê-xu (3:6-9).

3. Luật pháp Mai-sen không thể nào đem lại sự cứu rỗi cho con người, dù là người cố gắng vâng giữ luật pháp ấy (câu 10-14).

4. Giao ước của Thượng Đế dành cho người tin cậy Ngài (câu 15-22).

5. Vai trò của luật pháp của Mai-sen không phải là cứu rỗi, nhưng là canh giữ loài người cho đến ngày Chúa Cứu Thế xuất hiện (23-29).

6. So sánh người nô lệ và con trưởng thành (4:1-7).

7. Thụt lùi hay tiến bước trên con đường đức tin (8-11).

8. Lời kêu gọi thiết tha (12-20).

9. Ý nghĩa cuộc đời hai phụ nữ Sa-ra và A-ga, một người tự do, người kia nô lệ (21-31).

Tất cả 9 luận cứ ấy đều nhằm chứng tỏ rằng những giáo lý của các giáo sư người Do-thái hoàn toàn sai lạc, vì cả kinh nghiêm của tín hữu Ga-la-ti, lời dạy của Thánh Kinh về Áp-ra-ham, giao ước của Thượng Đế, vai trò của luật pháp, thân phận của người nô lệ và người tự do trong xã hội, cuộc đời của Sa-ra và A-ga tổ mẫu hai dòng dõi lớn đều xác nhận rằng con người được Chúa tiếp nhận, cứu rỗi và ban mọi ân phúc chỉ vì đức tin chứ không phải vì họ vâng giữ luật pháp tôn giáo Mai-sen.

Trong bài này chúng ta học luận cứ thứ ba, tức là chương 3 câu 10 đến 14.

Một trong các danh từ được Thánh Kinh dùng rất nhiều là danh từ luật pháp. Luật pháp theo nghĩa thông thường là: “Các qui tắc của chính phủ hoặc quốc hội định ra để làm qui tắc hành vi cho nhân dân, hoặc những qui tắc theo tập quán của nhân dân mà định ra.”

Ngoài những chỗ dùng theo nghĩa ấy, Thánh Kinh thường dùng từ luật pháp để chỉ về các qui tắc thờ phượng và sinh hoạt gia đình, xã hội mà Mai-sen đã ghi chép theo sự hướng dẫn của Chúa. Dùng theo nghĩa hẹp, luật pháp Mai-sen được cô đọng trong mười điều răn, các sách Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi ký và Phục truyền, về sau từ liệu này được dùng để chỉ về cả 5 tác phẩm của Mai-sen và có khi gồm cả Cựu Ước nữa.

Vào thời Chúa Cứu Thế và các sứ đồ, từ luật pháp nhiều khi được hiểu theo nghĩa đặc biệt, bao gồm cả các quy luật mà nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo dân Y-sơ-ra-ên đã thêm vào, có khi chỉ chuộng hình thức luật lệ mà bỏ ra ý nghĩa tinh túy của luật pháp Chúa đã dùng Mai-sen ban bố. Danh từ VOỊÌ.O? trong Tân Ước tiếng Hy-lạp và nhìn trong Cựu Ước tiếng Hy-bá được dùng theo nhiều nghĩa, người học Thánh Kinh phải lưu ý cách dùng từng tác giả, từng đoạn văn để khỏi bị lầm lẫn.

Từ Torah gốc ở một động tự nỊ có nghĩa là chỉ dẫn, hướng đạo, nên có thể dịch là “chỉ thị, lời chỉ dẫn, huấn thị” của Thượng Đế. Nói chung, thời Cựu Ước, người ta thường phân biệt hai loại luật pháp:

1. Là luật pháp sấm truyền, do Chúa ban bố qua một tiên tri như Mai-sen hay một thầy tế lễ, và do đó được nhìn nhận là do sự khả thị của Đức Chúa Trời. Luật pháp sấm truyền có tính cách tuyệt đối và phổ quát như 10 điều răn chẳng hạn.

2. Là luật pháp trường hợp là qui tắc phải áp dụng trong một trường hợp có những điều kiện rõ ràng, phân chia thành từng bộ luật do các thầy thông giáo của các trường phái nổi danh, có thể so sánh với các bộ hình luật, hộ luật của nhiều dân tộc.

Một số học giả đã chia luật pháp Cựu Ước thành nhiều bộ như sau:

-Luật mười điều răn.

-Luật giao Ước.

-Luật Phục truyền (Phục 12:-26:)

-Luật thánh khiết.

-Luật thầy tế lễ (Xuất 32:)

-Luật họa phúc (Phục 27:, Lê-vi ký 17:-26:)

-Luật điền địa và canh nông (Dân 11:, 26:, 27:1, Phục 19:14, Sáng 26:, 34:, 48:.

Từ “luật pháp” mà Phao-lô dùng trong thư Ga-la-ti 3:9-14 mà ta vừa đọc chỉ về các hệ thống, luật lệ, chỉ thị mà người Do-thái thường tự hào, mặc dù trong khi giải thích khai triển và áp dụng, họ có giữ đúng ý nghĩa và tinh thần của những luật lệ, chỉ thị mà Chúa truyền cho Mai-sen hay không. Như thế luật pháp là một “nguyên tắc sống.”

Từ liệu công việc của luật pháp (câu 10) là những cố gắng kiêng khem, giữ giáo luật, lễ nghi để mong đẹp lòng Thượng Đế và được Ngài tiếp nhận và kể người giữ luật là công chính.

Tuy nhiên, Phao-lô vạch rõ rằng ai cậy “công việc của luật pháp” đều bị rủa sả (Phục truyền 27:26), bị Chúa lên án. Lý do thật là dễ hiểu: khi ban hành luật pháp, Thượng Đế đã minh định rằng ai không liên tục giữ luật pháp ấy đều sẽ bị lên án, nghĩa là dù giữ luật được 99% mà một phút sơ hở, chỉ phạm 1% cũng bị chính luật pháp rủa sả và lên án.

Trong suốt lịch sử, không bao giờ có ai được kể là công chính nhờ vâng giữ luật pháp, bằng chứng là Chúa đã phán dạy trong sách tiên tri Ha-ba-cúc 2:4 “Người công chính sẽ sống bởi đức tin.” Câu Thánh Kinh trong Ha-ba-cúc là một hạt ngọc của Cựu Ước. Câu ấy sáng ngời như một chân lý muôn đời. Câu ấy được Tân Ước trích dẫn ba lần, một lần ở thư Ga-la-ti, một lần trong thư La Mã và một lần trong thư Hê-bơ-rơ 10:38.

Đối chiếu với luật pháp là một nguyên tắc sống của những người muốn nhờ sức riêng giữ luật lệ để mong đẹp lòng Thượng Đế, đức tin theo Ha-ba-cúc là một nguyên tắc sống, sống hoàn toàn tin cậy Chúa và theo sự hướng dẫn của Ngài.

Tuy vậy, bản chất của đức tin khác hẳn bản chất của luật pháp, hai nguyên tắc sống đức tin và luật pháp trái ngược nhau hoàn toàn. Câu “Theo luật pháp, chúng ta phải vâng giữ toàn bộ luật pháp không sơ sót điều nào mới được cứu rỗi,” diễn ý của câu văn nguyên tác là “người làm theo luật pháp sẽ sống trong luật pháp.” Đây là một câu trích dẫn sách Lê-vi ký 18:5.

Như thế người học Thánh Kinh sẽ thấy rõ ràng, nếu sống theo nguyên tắc luật pháp phải giữ trọn luật pháp, ghì mài trong luật pháp và áp dụng luật pháp từ đầu đến cuối. Nếu ai giữ trọn một trăm phần trăm thì mới được đẹp lòng Thượng Đế. Ai phạm một luật nhỏ nào cũng bị nguyền rủa, lên án và hình phạt. Trái lại, sống theo nguyên tắc đức tin, con người thừa nhận Chúa Cứu Thế đã chết thay ta, gánh tội lỗi và hình phạt thay thế ta, do đó Thượng Đế tiếp nhận ta, kể ta là người công chính như Chúa Cứu Thế, vì sự công chính tuyệt đối của Chúa Cứu Thế đã được Thượng Đế chuyển qua cho ta, trong khi bao nhiêu tội lỗi ta và hình phạt ta đáng chịu đã chuyển qua cho Chúa Cứu Thế.

Câu 13 và 14 làm nổi bật công lao của Chúa Cứu Thế. Chúa Cứu Thế đã giải thoát chúng ta khỏi sự nguyền rủa của luật pháp. Khi Chúa hy sinh trên cây gỗ, tình nguyện thay ta chịu nguyền rủa vì Thánh Kinh đã nói: “Ai bị treo trên cây gỗ là người bị nguyền rủa.” Đây là một sự tình nguyện hy sinh của Chúa Cứu Thế. Đây là một sự thay ngôi đổi bực giữa Chúa Cứu Thế và người tin cậy Ngài. “Chúa giải thoát người tin Chúa” theo nguyên tác có thể dịch: “Chúa Cứu Thế đã chuộc chúng ta.” Giá Ngài phải trả để chuộc và trả tự do cho chúng ta là mạng sống của Ngài. Chính vì Chúa Cứu Thế đứng vào địa vị chúng ta, chính vì mang tội lỗi của cả nhân loại, mà Ngài bị Thượng Đế đánh đập và làm cho khốn khổ.

Ngài đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự hình phạt Ngài chịu, chúng ta được bình an; bởi lằn roi Ngài chịu, chúng ta được lành bệnh. Chúa Hằng Hữu đã làm cho tội lỗi của tất cả chúng ta đều chất trên Ngài.

Theo đúng luật công bằng thánh khiết, Thượng Đế đã thi hành án phạt tội lỗi loài người, nhưng Chúa Cứu Thế hứng chịu tất cả, thay thế cho nhân loại. Chính vì thế mà Chúa Cứu Thế phải chịu rủa sả khi chịu đóng đinh trên cây thập tự.

Câu 14 kết thúc luận cứ này theo phương diện tích cực. Trong khi luật pháp Mai-sen cũng như tất cả các luật lệ lễ nghi tôn giáo khác không thể nào cứu rỗi được loài người, thì Thượng Đế dành sẵn hạnh phúc đời đời cho những người tin cậy Chúa như Áp-ra-ham. Tất cả những người tin dù thuộc quốc tịch nào, sắc dân nào trên thế giới đầu được hưởng hạnh phúc đời đời. Hạnh phúc đầu tiên nhưng cũng tồn tại đến cuối cùng là ân phúc được tiếp nhận Chúa Thánh Linh vào lòng. Đó là bảo đảm chắc chắn nhất về sự cứu rỗi bởi đức tin. “Tất cả chúng ta là con cái Chúa đều nhờ lòng tin mà tiếp nhận Thánh Linh như Ngài đã hứa.”