Khảo Học Thư Ga-la-ti (P2)
CƠ HỘI VIẾT THƯ GA-LA-TI
Trong thế kỷ 20, bức thư Phao-lô gửi các Hội thánh Ga-la-ti đã đóng một vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu Thánh Kinh.
Đầu thế kỷ 19, một số người nghi ngờ tính cách lịch sử của một số sách trong Thánh Kinh. Họ cố giải thích rằng các sách trong Thánh Kinh Tân Ước chỉ là những tác phẩm ghi lại hai chủ trương, hai dòng tư tưởng của hai khối chống đối nhau trong giáo hội đầu tiên: khối bảo thủ theo khuynh hướng Do Thái giáo và khối tiến bộ gồm tín hữu nước ngoài.
Theo họ, thủ lãnh của khối theo khuynh hướng bảo thủ Do thái giáo là Phê-rô và Gia-cơ em Chúa, còn người lãnh đạo khối tiến bộ của tín hữu nước ngoài là Phao-lô.
Một người nổi bật nhất nhì trong số người phê bình Thánh Kinh là F.c. Bauer, người Đức. Tuy ông đã cố gắng phủ nhận và nêu lên các hoài nghi tác quyền của Lu-ca, Giăng và nhiều tác giả Tân Ước, nhưng ông phải nhìn nhận rằng thư Ga-la-ti đúng là do tay Phao-lô viết, Bauer và các cấp lãnh đạo trường phái ông đều công nhận thư Ga-la-ti do Phao-lô, người sống đồng thời với các biến cố ghi lại trong thư. Họ thừa nhận thư Ga-la-ti là một văn kiện đáng tin, phản ảnh trung thực các diễn biến trong Hội thánh đầu tiên. Mặc dù họ nghi ngờ nhiều sách khác, họ vẫn phải nhìn nhận thư Ga-la-ti có một căn bản lịch sử vững chắc, làm nền tảng cho công cuộc khảo cứu cổ sử Giáo hội và giải thích lịch sử Thánh Kinh.
Thật ra, suốt thời kỳ Hội thánh đầu tiên, Hội thánh chỉ lo phát triển, truyền bá Phúc Âm trong những điều kiện ngặt nghèo chứ không mấy ai lo viết sử Hội thánh. Theo cách nói của một học giả: “Giáo hội thời các sứ đồ lo làm lịch sử hơn là viết lịch sử.” Trong khung cảnh đó, bức thư Ga-la-ti nổi bật như một viên kim cương hiếm có kết với chuỗi trân châu của sách Công vụ, làm những chứng tích vô giá của Hội thánh trong giai đoạn lịch sử, dính liền với thời kỳ Chúa Cứu Thế hoạt động trên mặt đất.
Thư Ga-la-ti giúp người học sử giáo hội giải quyết nhiều vấn đề, nhưng vấn đề quan trọng nhất mà bức thư này giải đáp là: Hội thánh thời kỳ các sứ đồ đã đóng góp điều gì quý báu và ý nghĩa nhất vào kho tàng tư tưởng nhân loại? Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Jê-sus đã đáp ứng nhu cầu tinh thần cấp thiết nhất của con người như thế nào?
Tư tưởng vĩ đại của Hội thánh thời các sứ đồ là sự giải phóng con người toàn diện và nhu cầu tinh thần cấp thiết nhất của con người mà Phúc Âm thỏa mãn là nhu cầu tự do. Quan niệm tự do thật và giải phóng con người toàn diện đã được đề cập trong bài trước qua câu Thánh Kinh Ga-la-ti: Chúa Cứu Thế đã giải phóng chúng ta cho chúng ta được tự do, vậy giữ vững đừng đem thân làm nô lệ nữa. Chính vì thế mà một nhà văn đã viết: Bức thư Ga-la-ti là bản tuyên ngôn độc lập tự do tôn giáo, chấm dứt chế độ nô lệ tinh thần.
Thư Ga-la-ti là hiến chương vĩ đại của đức tin Cơ-đốc, giải phóng loài người khỏi tất cả các uy quyền, định chế, phong tục, tập quán và luật lệ tôn giáo vốn ngăn trở con người trực tiếp đến gần Thượng Đế.
Trong bài này chúng ta tìm hiểu sơ lược mục đích và cơ hội viết thư Ga-la-ti qua mấy đoạn văn Ga-la-ti 1:6-10; 4:12- 20, 5:7-12.