Khảo Học Thư Ga-la-ti (P17)
HỘi THÁNH GA-LA-TI (3:1)
Bắt đầu chương 3 câu 1 thư Ga-la-ti, Phao-lô viết: “Thưa anh em Ga-la-ti.” Người Ga-la-ti là ai? Hội thánh Ga-la-ti ở tại đâu và được thành lập khi nào? Đây là các vấn đề lịch sử và địa lý cần phải giải quyết khi nghiên cứu Thánh Kinh, dù chỉ là một sách ngắn trong Thánh Kinh như bức thư Ga-la-ti. Vì vấn đề địa lý này cùng với một bản đồ vùng Tiểu Á tức là nước Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay.
I. HỘI THÁNH GA-LA-TI Ở TẠI ĐÂU?
Theo nguyên tắc, câu thứ nhất chương một, tác giả dùng chữ Hội thánh Ga-la-ti số nhiều nên ta dịch là “các Hội thánh xứ Ga-la-ti.” Đây không phải là một chi hội hay một họ đạo nhưng là một số các đoàn thể người tin Chúa có tổ chức hẳn hoi tại nhiều địa điểm cùng nằm trong một vùng đất gọi là Ga-la-ti.
Lịch sử và các sách địa lý thời xưa cho biết ở trung bộ bán đảo Tiểu Á có một vùng đất gọi là Ga-la-ti. Chữ Ga-la-ti gốc là chữ “Gaul.” Một sắc tộc Gaul (có lẽ cùng một gốc với người Gaulois, Pháp) đã đến xâm lăng Tiểu Á vào thế kỷ thứ ba TCN, lập một vương quốc mà trung tâm là các thành phố như Pessinus, Tavium và Ancyra (tức là thủ đô Angora của Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay). Năm 64 TCN, quân đội La Mã chiếm xong vùng Trung đông, tướng Pompey phân chia các lãnh thổ Ga-la-ti cho Amyntas làm vua xứ Bisidi, Phrygie và Polemon làm vua xứ Lycaoni và Isaurie. Hai mươi tám năm sau, thống tướng Mark Antoine của La Mã cho Amyntas cai trị thêm vùng Ga-la-ti và Lycaoni. Khi Antoine chết, Amyntas đem quân chiếm luôn hai tỉnh Silisi, Bamphily và vùng Đạt-ba.
Năm 25 TCN, Amyntas bị giết, hoàng đế La Mã sát nhập các lãnh thổ của vua vào đế quốc. Năm 41, người La Mã tổ chức một tỉnh thuộc địa gọi là Ga-la-ti, bao gồm cả vùng Ga-la-ti cũ ở miền bắc lẫn các lãnh thổ ở phía nam gồm cả các đô thị Đạt-ba, Lý-tra, Y-cô-ni, An-ti-ốt và Bi-si-đi.
Như thế tên Ga-la-ti trong thời Phao-lô không phải chỉ riêng về vùng đất của người Gaul ở phía bắc trung bộ Tiểu Á, nhưng chỉ về cả tỉnh Ga-la-ti của đế quốc La Mã, gồm cả các lãnh thổ miền nam và năm đô thị đã kể trên.
Vậy theo thư Ga-lati 3:1, “Người Ga-la-ti” là ai? Là người Ga-la-ti chính cống ở miền bắc hay là người miền nam, phần đông không phải gốc người Gaul, nhưng lãnh thổ nằm trong tỉnh Ga-la-ti thời ấy?
Một nhóm người nghiên cứu Thánh Kinh đã cho rằng “người Ga-la-ti” đây chỉ về người Gaul chính cống ở miền bắc. Họ chủ trương rằng Phao-lô thăm viếng xứ Ga-la-ti trong vòng truyền giáo thứ nhì, và dựa theo Công-vụ 16:16, họ cho rằng Phao-lô đến miền Phy-ri-gi và Ga-la-ti sau khi rời lãnh thổ thành Đạt-ma, Lý-tra và Y-cô-ni, rằng ông đi qua vùng đất của người Gaul chính cống, thăm Pessinus, và có lẽ cả Ancyra và Tavium, rồi đến thành Trô-ách ở bờ biển Egeé. Đến chương 18 câu 23 sách Công vụ, ông quay lại “đi qua miền Ga-la-ti và Phirygi, gây dựng cho các tín hữu.”
Tuy nhiên, sau những cuộc khảo cứu tỉ mỉ, nhà cổ học Ramsay và nhiều học giả thế kỷ 20 đã kết luận rằng, chữ Ga-la-ti mà Phao-lô dùng trong sách vở đều chỉ cả về tỉnh Ga-la-ti thời ấy, và người Ga-la-ti trong Ga-la-ti chương 3 câu 1, các Hội thánh trong Ga-la-ti chương 1 câu 2 đều chỉ về số người tin Chúa ở các thành phố Đạt-ba, Lý-tra, I-co-ni và An-ti-ốt, Bi-si-đi. Các học giả ấy nêu lên các lý cớ sau đây:
1. Các thành phố nói trên đều nằm trong lãnh thổ tỉnh Ga-la-ti vào thời kỳ Phao-lô truyền giáo ở Tiểu Á.
2. Thánh Kinh không chép nhiều về cuộc truyền giáo, cũng như không ghi lại sự hình thành các Hội thánh tại miền bắc Ga-la-ti. Sách Công vụ chương 16 và 18 chỉ dùng hai câu để nói đến cuộc thăm viếng vùng đất ấy, hàm ý rằng đây là một viếng thăm ngắn ngủi, không mấy quan trọng trên lộ trình truyền giáo. Từ liệu “gây dựng các tín hữu” vùng này trong sách Công vụ 18:23 chứng tỏ rằng ở đó chỉ có một số cá nhân tín hữu, chứ chưa thành lập “các Hội thánh” như từ liệu Phao-lô dùng trong thư Ga-la-ti.
3. Trái với lối giải thích của nhóm người chủ trương “người Ga-la-ti ở miền bắc,” các con đường cái từ tỉnh Si-li-si đến bờ biển Egée ở phía tây, không có đường nào chạy qua miền bắc Ga-la-ti cả. Con đường thông dụng nhất thời ấy là con đường chạy từ Tạt-sơ xứ Si-li-si, vượt đèo Si-li-si rồi chạy về hướng tây, đi qua các thành phố Đạt-ba, Lý-tra, bọc lên phía bắc đến Y-cô-nơ, rồi quay lại hướng tây đến An-ti- ốt.
4. Các giáo Sư giả đến từ xứ Giu-đê mà Phao-lô thường đề cập trong thư Ga-la-ti, chắc hẳn không dại gì bỏ qua các Hội thánh Đạt-ba, Lý-tra, Y-cô-ni, An-ti-ốt ở miền nam, mà lại cất công lên tận miền bắc Ga- la-ti nơi không có đường sá thuận tiện, lại chỉ lơ thơ có một ít tín đồ chứ không có Hội thánh để làm môi trường cho họ hoạt động phá hoại.
5. Trong Thánh Kinh Tân Ước chữ Ga-la-ti và người Ga-la-ti được dùng tất cả 7 lần. Hai lần trong thư Ga-la-ti 1:2 và 3:1, hai lần trong sách Công vụ chương 16 và 18, một lần trong thư I Cổ-linh 16:1. Trong chương này, Phao-lô nhắc qua bốn vùng ông từng hoạt động truyền giáo là Ga-la-ti, Ma-xê-đoan, A-chai và A-si. Ai nghiên cứu cổ địa lý Tiểu Á và Đông – nam – âu thời đó đều biết rõ Ma-xê-đoan, A-chai và A-si đều là tên các tỉnh của đế quốc La Mã. Vì thế, cùng trong một đoạn văn chắc hẳn Phao-lô cũng dùng chữ Ga-la-ti để chỉ về một tỉnh trong hệ thống hành chính La Mã, chứ không phải chỉ nói đến vùng đất miền bắc của người Gaul mà thôi.
6. Cùng một lãnh thổ nhưng Phao-lô gọi là Ga-la-ti còn Lưu-ca dùng bốn tên thành phố và tên các miền đất Ly-cao-ni, Bi-si-đi v.v… chỉ vì Phao-lô là công dân La Mã, có thói quen dùng tên mới các tỉnh đúng theo hệ thống hành chính La Mã. Còn bác sĩ Lưu-ca là người Hy-lạp vẫn thích các địa danh thông dụng của người Hy-lạp đặt cho các vùng đất trước kia từng nằm trong bản đồ Hy-lạp của đại đế Á-lịch-sơn.
II. HỘI THÁNH GA-LA-TI THÀNH LẬP LÚC NÀO?
Nếu chúng ta nhìn nhận lối giải thích vừa nói về ý nghĩa địa danh “Ga-la-ti” và “người Ga-la-ti” mà Phao-lô dùng trong bức thư Ga-la-ti, thì cũng phải nhìn nhận rằng các Hội thánh Ga-la-ti được thành lập trong vòng truyền giáo thứ nhất của Phao-lô chứ không phải thứ nhì. Sách Công vụ 13:13-14:23 đã ghi khá tỉ mỉ về việc thành lập các Hội thánh ấy tại An-ti-ốt, Si-bi-đi, Y-cô-bi, Lý-tra và Đạt-ba.
Theo thư Ga-la-ti và Công vụ, sau khi gặp Chúa và tin nhận Ngài ở thủ đô Đa-mách nước Sy-ri, Phao-lô lập tức nói về Chúa Cứu Thế cho đồng bào, chứng minh rằng Giê-xu chính là Chúa Cứu Thế. Sau một thời gian ba năm chắc hẳn dành riêng để học hỏi về Chúa Cứu Thế, Phao-lô lên Giê-ru-sa-lem thăm Hội thánh trung ương rồi quay về quê hương tỉnh Si-li-si để truyền giáo. Đến khi Hội thánh An-ti-ốt được thành lập phía bắc xứ Sy-ri, và Ba-na-ba được Hội thánh trung ương ủy nhiệm lãnh đạo Hội thánh miền bắc Sy-ri, Ba-na-ba đi qua xứ Si-li-si, tìm Phao-lô để mời về cộng tác với mình. Hội thánh An-ti-ốt xứ Sy-ri phát triển mạnh. Họ quyết định cử người đi truyền giáo nước ngoài, và Ba-na-ba và Phao-lô đã được cử đi.
Nhiều nhà khảo cứu Thánh Kinh thường gọi đây là vòng truyền giáo thứ nhẩt của Phao-lô mặc dù trước đó Phao-lô thường hoạt động truyền giáo tại quê hương xứ Si-li-si. Có lẽ gọi là vòng truyền giáo thứ nhất ở hải ngoại thì đúng hơn. Chặng đầu là đảo Síp, quê hương của Ba-na-ba. Nếu không kể Si-li-si và đảo Síp là hải ngoại vì là quê hương của Ba-na-ba và Phao-lô, thì Ga-la-ti với bốn thành phố miều nam Y-cô-ni, An-ti-ốt-Bi-si-đi, Lý tra và Đạt-ba mới thật là khu truyền giáo nước ngoài đầu tiên của đoàn truyền giáo hải ngoại đầu tiên trong lịch sử.
Các Hội thánh Ga-la-ti quả là những thành quả đầu tiên của chương trình truyền giáo thế giới của Hội thánh xứ Sy-ri và của đoàn truyền giáo nổi danh nhất trong lịch sử. Các Hội thánh Ga-la-ti được thành lập vào thời kỳ đó. Ngay trước Hội nghị toàn Giáo hội tại Giê-ru-sa-lem (Công vụ 13-15), các nhà niên sử thường ghi rằng Hội nghị này đầu tiên họp tại Giê-ru-sa-lem năm 50 SCN; do đó ta có thể kết luận rằng các Hội thánh Ga-la-ti được thành lập trước năm 50, có lẽ vào khoảng giữa năm 47-49.
Tóm lược đại ý hai chương sách Công vụ 13,14 đối chiếu với thư Ga-la-ti chương 1-3 như sau:
1. Các Hội thánh Ga-la-ti ở vùng đất xa lạ đã được thành lập do hai người truyền giáo hăng say, trong hai người ấy, một người đã từng khủng bố giết hại người theo Chúa và cố tâm tiêu diệt Hội thánh.
2. Các Hội thánh Ga-la-ti được hình thành như những thành quả của một cố gắng tập thể của các tín hữu Phúc Âm xứ Sy-ri. Họ là những người tin Chúa mấy năm thôi nhưng họ biết lo nghĩ đến các dân tộc nước ngoài đang chết mất trong tội lỗi vì chưa bao giờ được nghe Phúc Âm của Chứa Cứu Thế.
3. Các Hội thánh Ga-la-ti được thành lập do chính Chúa Thánh Linh. Chúa Thánh Linh đã phán dạy Hội thánh An-ti-ốt: “Hãy để riêng Ba-na-ba và Phao-lô để làm công việc ta đã kêu gọi họ thực hiện.” (Công vụ 13:2) Cũng chính Chúa Thánh Linh đã dùng quyền năng chứng minh Giê-xu là Chúa Cứu Thế cho các dân ở bốn thành phố tại Ga-la-ti để họ tin nhận Chúa Giê-xu (Công vụ 13:-14:). Theo Ga-la-ti 3:2, 3, 5, cũng chính Chúa Thánh Linh tác động trong lòng người Ga-la-ti, sau khi họ hiểu rõ ý nghĩa về sự hy sinh của Chúa Cứu Thế trên cây thập tự, đã tin và nhận được Thánh Linh. Thánh Linh cũng tiếp tực thực hiện các việc diệu kỳ trong đời sống anh em tín hữu (Ga-la-ti 3:5).
4. Các Hội thánh Ga-la-ti đã trải qua một thời kỳ thử thách nặng nề, bị các giáo sư giả mê hoặc, quyến rũ (Ga-la-ti 3:1) và đức tin một số người vì thế đã bị chi phối do hoàn cảnh khó khăn đó. Họ bị cám dỗ quay lại con đường thất bại của người Do-thái, đi theo vết xe đổ của những người muốn cậy việc làm, muốn giữ giáo luật, lễ nghi để đẹp lòng Chúa và đạt đến sự cứu rỗi. Họ bị mắc vào cạm bẫy của những anh em giả mạo mà không biết. Chính vì thế mà Phao-lô phải viết thư Ga-la-ti (Xem Ga-la-ti 3:1-7).