Khảo Học Thư Ga-la-ti (P15)
NẾP SỐNG CỦA NGƯỜI TỰ DO (2:17-21)
Sau câu chuyện giữa Phao-lô và Sê-pha tại thành phố An-ti-ốt, Phao-lô giải luận rộng rãi về sự sống của người theo Chúa, thường được gọi là người tự do trong Chúa, một trong những chân lý căn bản của Phúc-âm. Thư Ga 2:17-21 đã miêu tả sự sống mới ấy (xem Ga 2:17-21).
Đoạn văn súc tích này gồm ba phần chính:
I. Người tin Chúa được giải phóng khỏi luật pháp và lễ nghi cũ (17-19).
II. Người tin Chúa đã chịu đóng đinh trên cây thập tự với Chúa Cứu Thế (20a).
III. Người tin Chúa được Chúa Cứu Thế sống trong mình (20b-21).
I. NGƯỜI TIN CHÚA ĐƯỢC GIẢI THOÁT LUẬT PHÁP VÀ LỄ NGHI CŨ
Câu 17-19 ghi:
Nếu chúng ta tin Chúa Cứu Thế cứu rỗi chúng ta rồi quay lại nhận mình có tội, cần phải chịu cắt bì và giữ luật pháp mới được cứu rỗi, hóa ra Chúa Cứu Thế lại đưa chúng ta vào vòng tội lỗi hay sao? Tuyệt đối không! Vì nếu tôi tái lập luật pháp mà tôi đã lật đổ, cho rằng phải vâng giữ luật pháp mới được cứu rỗi, thì tôi là người tội lỗi. Nhờ Thánh Kinh, tôi biết chẳng phải vì tuân theo luật pháp mà được Thượng Đế hài lòng, nhưng vì tin Chúa Cứu Thế.
Anh em tín hữu Ga-la-ti đã nghe Phúc Âm và tin nhận Chúa, họ tin rằng Chúa Cứu Thế cứu rỗi họ, nhưng khi các giáo sư giả đến xuyên tạc Phúc Âm, giải thích rằng ngoài việc tin Chúa còn phải giữ luật pháp Mai-sen và chịu lễ cắt bì. Thế là người Ga-la-ti hoang mang và một số tín hữu bắt đầu giữ luật pháp Mai-sen và xin chịu cắt bì để được cứu rỗi.
Phao lô vạch trần sự sai lầm ấy bằng ba luận cứ, dựa vào công vụ cứu rỗi của Chúa Jê-sus (câu 17), và luận lý thông thường (câu 18), và vào Thánh Kinh (câu 19).
1. Luận cứ thứ nhất dựa vào Chúa Cứu Thế và công vụ cứu rỗi của Ngài : Một người đã tin Chúa Cứu Thế để được cứu rỗi, thình lình quay lại dùng một phương pháp khác. Người ấy không dùng đức tin nữa, nhưng dùng việc làm để mong được cứu rỗi, dù việc làm dó là việc giữ luật pháp Mai- sen và chịu lễ cắt bì. Làm như thế, Phao lô vạch rõ là phủ nhận đức tin, là phủ nhận Chúa Cứu Thế, là mâu thuẫn với chương trình cứu rỗi mà Chúa Cứu Thế đã hoàn thành.
Một khi tin Chúa Cứu Thế, con người lập tức được tha thứ mọi tội lỗi. Nhưng khi quay lại chịu lễ cắt bì và giữ luật pháp Mai-sen, người ấy vô tình tự nhận mình đã hóa thành người có tội mới cần giữ các lễ nghi, luật lệ ấy. Như thế khi một người đã tin Chúa Jê-sus quay lại nhờ lễ nghi luật pháp để mong được cứu rỗi là đã vô tình làm cho người khác hiểu lầm rằng Chúa Cứu Thế không cứu rỗi được mình, rằng tin Chúa Cứu Thế mà mình vẫn còn là người tội lỗi. Thật là trái lẽ vô cùng! Phao-lô đặt một câu hỏi mỹ từ học: “Anh em làm như là Chúa Cứu Thế lại đưa chúng ta vào vòng tội lỗi hay sao?” Tiếp theo là câu trả lời dứt khoát mạnh mẽ: “Tuyệt đối không!”
Ngày nay, cũng như thời Phao-lô, một số anh chị em sau khi tin Chúa Cứu Thế và hưởng được sự cứu rỗi, thỉnh thoảng bị những giáo sư giả, là những người truyền bá giáo lý tương tự như Phúc Âm, cố tâm lay chuyển đức tin anh chị em, bằng cách khuyến khích anh chị em phải làm thêm lễ này, giữ thêm điều răn, giáo luật kia mới được cứu rỗi, Anh chị em hãy vững tâm hướng về Chúa Cứu Thế. Chúa Cứu Thế đã hoàn thành công cuộc cứu rỗi cho anh chị em rồi. Không ai có thể thêm bớt gì nữa.
2. Luận cứ thứ hai chứng tỏ người tin Chúa đã được giải thoát khỏi luật pháp và lễ nghi cũ có tính cách luận lý theo câu 18:
Vì nếu tôi tái lập luật pháp mà tôi đã lật đổ, cho rằng phải vâng giữ luật pháp mới được cứu rỗi, thì tôi là người tội lỗi.
Tái lập một luật pháp lễ nghi đã được nhìn nhận là không cứu rỗi được loài người, trở về với những giáo luật, giáo nghi suốt mấy ngàn năm được dùng để báo trước sự xuất hiện và sự hy sinh của Chúa Cứu Thế, tức là bỏ con người thật để đuổi theo cái bóng mờ, tức là mâu thuẫn với chính mình, mâu thuẫn với lẽ phải, mâu thuẫn với lý trí.
Nếu “Tôi là tái lập luật pháp mà tôi đã lật đổ, thì tôi là người tội lỗi.” Câu “thì tôi là người tội lỗi,” theo nguyên tác có thể dịch là “thì tôi là người phạm pháp.”
3. Luận cứ thứ ba dựa vào Thánh Kinh. Câu 19 ghi: Nhờ Thánh Linh, tôi biết chẳng phải vì tuân theo luật pháp mà được Thượng Đế hài lòng, nhưng vì tin Chúa Cứu Thế.
Bọn giáo sư giả tưởng lầm rằng Phúc Âm cứu rỗi con người bởi đức tin là một thứ giáo lý mới do Phao-lô đề xướng. Nhưng thật ra Thánh Kinh Cựu Ước là nền tảng của Phúc Âm ấy.
Ngay sách Sáng Thế Ký đã viết liên tiếp nhiều lần: Áp- ra-ham tin Thượng Đế nên được kể là người công chính tức là người đẹp lòng Thượng Đế. Tiên tri Ha-ba-cúc đã tóm lược Phúc Âm như sau: “Người công chính sẽ sống bởi đức tin.”