Khảo Học Thư Ga-la-ti (P14)

TÍCH

bo cong anh

Tích hay Titus là một danh tướng cũng là thái tử nổi danh của đế quốc La Mã vào những năm 68-70 SCN. Titus đã chỉ huy quân đội La Mã bao vây chiếm đóng và tiêu diệt thành phố Giê-ru-sa-lem vào năm 70, và vô tình thực hiện từng chi tiết những lời Chúa Cứu Thế cảnh cáo và tiên đoán về sự sụp đổ của dân tộc Do-thái trước đó 40 năm. Sau khi hoàng đế Vespasien qua đời, Titus lên nối ngôi cha, trị vì đế quốc La Mã từ năm 79-81. Dù Titus chỉ cai trị được hai năm, nhưng hai năm ấy được đánh dấu bằng một thiên tai và hỏa hoạn khủng khiếp.

Tháng 8 năm 79, núi Vesuve phun lửa và hai thành phố đẹp đẽ là Pompeic và Herculaneum bất ngờ bị tiêu diệt hoàn toàn vì tro nóng và phún thạch. Năm 80 một cuộc hỏa hoạn vô cùng tai hại đã tiêu hủy một phần thủ đô La Mã, đồng thời với một trận dịch hạch giết hại hàng vạn người. Sau hai năm trị vì ngắn ngủi ấy, Titus thăng hà để lại cho hậu thế vận động trường Coleseum do vua cha khởi công, và các nhà tắm công cộng xây cất như những công thự đẹp đẽ.

Trước đó khoảng ba mươi năm, một người Hy-lạp trùng tên với hoàng đế Titus, đã nổi danh vì cuộc đời theo Chúa của ông mà các bản dịch Việt văn thường gọi là Tích.

Tích là một tín hữu tiêu biểu, một nhà lãnh đạo cương quyết và một nhà truyền giáo đầy nhiệt tâm và thành công rực rỡ. Tích là nhân vật quan trọng bên cạnh Phao-lô trong chuyến đi Giê-ru-sa-lem mà thư Ga-la-ti 2:1-3 đã đề cập đến.

Tích là một người đại diện của Phao-lô được ủy thác giải quyết nhiều vấn đề rắc rối tại Hội thánh Cổ-linh, Hy- lạp, theo thư II Cổ 2:13; 8:23; 12:18.

Tích là nhà lãnh đạo Hội thánh nhận được bức thư của Phao-lô gồm ba chương súc tích, đầy những lời khích lệ và huấn thị quan trọng cho người hầu việc Chúa. Xin xem Tích 1:1-4.

Tích cũng là nhà truyền giáo luôn luôn hăng hái truyền bá Phúc Âm ở nơi nào Danh Chúa Cứu Thế chưa được rao truyền, nên trong lúc Phao-lô bị giam cầm, Tích đã lên đường truyền giáo ở xứ Dal-ma-ti (II Tim 4:10).

Một tín hữu gương mẫu

Tuy Thánh Kinh chỉ nêu tên Tích hai lần trong thư Ga- la-ti, tám lần trong II Cổ-linh, một lần trong Ti-mộ-thư và một lần trong thư Tích, nhưng Tích thật là một tín hữu tiêu biểu. Tích là một tín hữu tiêu biểu của các dân tộc dị chủng đối với người Do-thái, các dân tộc Thánh Kinh Tân Ước thường gọi là người nước ngoài, người ngoại bang. Trái với dân Do-thái, các dân tộc này không được hưởng lời hứa cho dân Y-sơ-ra-ên, không được biết về Thượng Đế và ở thế gian không có hy vọng.

Theo Ga-la-ti 2:3, Tích là người Hy-lạp, không hề chịu cắt bì dù trước hay sau khi tin Chúa. Phao-lô muốn dùng Tích làm người tiêu biểu cho các tín hữu Hy-lạp và các nước khác, là những người tin Chúa Jê-sus mà không cần qua ngưỡng cửa đạo Do-thái. Tích là một người được đem ra làm “tảng đá thử vàng” xem Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Jê-sus có thật giải phóng con người – bất cứ người chủng tộc, sắc dân nào – ra khỏi xiềng xích gông cùm của tội lỗi và của lễ nghi tôn giáo, luật lệ trói buộc con người nhân danh tôn giáo hay không? Và Phúc Âm có khả năng đem lại sự tự do đích thực hay không?

Chúng ta không biết rõ Tích tin Chúa bắt đầu từ lúc nào. Chắc Tích là một trong các tín hữu Hy-lạp đầu tiên.

Theo thư Tích 1:4, Phao-lô gọi Tích là con thật trong đức tin, Tích chắc hẳn là một trong các trái đầu mùa của chức vụ truyền giảng Phúc Âm của Phao-lô.

Sắp theo thứ tự lịch sử, thì lần đầu tiên Thánh Kinh nói đến Tích là các câu trong bức thư Ga-la-ti, mười bốn năm sau chuyến về Giê-ru-sa-lem lần thứ nhất của Phao-lô mà ông nhắc đến trong thư Ga-la-ti 2:1-3, và độ mười bảy năm sau khi Phao-lô tin Chúa, nói đến Tích trong chuyến về Giê- ru-sa-lem lần thứ nhì, đây cũng chính là chuyến cứu tế mà bác sĩ Lưu-ca đã kể lại trong sách Công vụ chương 11 và 12.

Khác hẳn các tín hữu Do-thái và tín hữu gốc nước ngoài đã theo đạo Do-thái trước khi tin Chúa Giê-xu, Tích là một người Hy-lạp 100%, và đã từ xã hội, phong tục, tập quán Hy-lạp mà trực tiếp đến với Chúa.

Tích tiêu biểu cho tất cả các tín đồ không phải là gốc Do-thái ở khắp thế giới. Tích đại diện cho hàng bao nhiêu nghìn triệu tín hữu trải qua gần 20 thế kỷ đã từ bỏ đường lối cũ để quay về với Chúa Cứu Thế mà không cần qua trung gian của luật pháp Mai-sen, của nghi lễ cắt bì, của các tế lễ và luật lệ khắt khe do con người đặt ra trong đạo Do-thái.

Vấn đề đặt ra là Tích và những người nước ngoài tin Chứa Cứu Thế Jê-sus như Tích có cần phải quay lại luật pháp Mai-sen, giữ những phép tắc, làm những lễ nghi bên ngoài như đạo Do-thái bắt buộc hay không?

Phao-lô đã đưa Tích ra làm trường hợp điển hình giữa Hội thánh trung ương và yêu cầu các cấp lãnh đạo Hội thánh Giê-ru-sa-lem quyết định dứt khoát: có nên bắt Tích phải chịu nghi lễ cắt bì không? Các cấp lãnh đạo Hội thánh đã sáng suốt giải đáp vấn đề khúc mắc, ít nữa là ở nội bộ cơ quan đầu não của Hội thánh. Và Phao-lô có thể viết một câu rành mạch bày tỏ lập trường của các cấp lãnh đạo Hội thánh trung ương:

Họ cũng không buộc Tích là người Hy-lạp cùng đi với tôi phải chịu cắt bì. Lý do là một số tín hữu giả mạo đã trà trộn vào Hội thánh để dò thám; xem chúng ta được tự do trong Chúa Cứu Thế Jê-sus như thế nào. Họ nhằm mục đích trói buộc chúng ta vào luật lệ của họ, chẳng khác gì bắt chúng ta làm nô lệ. Đối với hạng người ấy, chúng tôi không nhượng bộ tí nào, dù trong giây phút, để anh em khỏi hiểu lầm rằng con người được cứu rỗi nhờ lễ cắt bì và luật pháp Do-thái.

(Ga 2:3-5).

Lập trường vững như bàn thạch của Phao-lô đã xác nhận ý nghĩa sự tự do thật trong Chúa Cứu Thế mà một khía cạnh là người tin Chúa được giải thoát khỏi những nghi lễ, luật lệ của đạo Do-thái.

Tích là một nhà lãnh đạo cương quyết.

Tuy tin Chúa từ trước, Tích bắt đầu xuất hiện trên các trang sách Công vụ 19:1, 17, 26, 35 tức là giữa vòng truyền giáo thứ ba của Phao-lô, sau thời gian thành lập Hội thánh và huấn luyện người chăn bầy nhỏ tại Ê-phê-sô.

Hai trường hợp đã làm nổi bật vai trò lãnh đạo cương quyết của Tích.

a. Trường hợp thứ nhất

Sứ đồ Phao-lô dìu dắt rất đông người Hy-lạp tin Chúa ở một hải cảng nổi tiếng là đô hội của tội ác. Hội thánh Cổ- linh được thành lập và phát triển, nhưng một số giáo sư giả mạo đã nhân lúc vắng mặt Phao-lô, gieo mầm chia rẽ rồi lập nhiều phe phái kình chống nhau. Phao-lô viết thư khuyên răn, một phần tín hữu nghe theo nhưng một số vẫn ngoan cố chống đối, có người lại còn hiềm khích ngay với Phao-lô và dụng ý đã phá uy tín và ảnh hưởng của vị sứ giả của Chúa.

Phao-lô đau xót, thương cảm Hội thánh Cổ-linh, nhưng đến thăm ngay cũng bất lợi, Phao-lô cử Tích đi Cổ-linh nghiên cứu các vấn đề rắc rối. Tích nhờ ơn Chúa ra đi. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tích đã can đảm đi thẳng vào các vấn đề, cương quyết mổ xẻ cái ung nhọt, giải quyết xong các điều sai quấy và giải hòa các phe phái của Hội thánh Cổ-linh trong ân tứ của Chúa Thánh Linh. Phao-lô ở Tiểu Á nóng lòng chờ đợi tin tức. Ông đến Trô-ách, phía bắc hải cảng Ê-phê-sô cũng không thấy Tích. Phao-lô vượt biển qua thẳng xứ Ma-xê-đoan ở phía bắc Cổ-linh, xứ Hy-lạp. Gặp Tích và nghe tin tức sốt dẻo về Hội thánh cổ linh, Phao-lô viết:

Thượng Đế là Đấng An ủi người bị áp bức, đã an ủi chúng tôi khi Tích đến đây. Chẳng những bởi Tích trở về nhưng cũng bởi sự an ủi Tích đã nhận được nơi anh em. Tích thuật cho chúng tôi nghe sự mong mỏi và buồn rầu của anh em, lòng sốt sắng của anh em đối với tôi, đến nỗi tôi càng thêm vui mừng (II cổ 7:6-7).

b. Trường hợp thứ hai

Phao-lô đang đẩy mạnh công cuộc truyền giáo, và ghé thăm đảo Cơ-rết, một khu truyền giáo đã kết quả từ nhiều năm trước nhưng gặp nhiều rắc rối vì cá tính và cố tật của một số tín hữu Cơ-rết. Đối với hạng tín đồ ấy, một người truyền đạo mềm mỏng như Ti-mộ-thư không thích hợp, Phao- lô nhận thấy cần một người lãnh đạo mạnh mẽ cương quyết. Tích đã được Phao-lô chọn vào nhiệm vụ khó khăn đó. Phao- lô đã miêu tả trực tiếp hoặc giáng tiếp những khó khăn mà Tích phải đương đầu tại đảo Cơ-rết.

Phao-lô cũng nói rõ mục đích của Phao-lô là “Sắp đặt an bài mọi vấn đề còn bỏ dở và lập các trưởng lão (tức là người lãnh đạo Hội thánh) trong mỗi thành phố tại đảo Cơ- rết.” Tích là nhà lãnh đạo cương quyết của Hội thánh, một người học trò xứng đáng của Phao-lô.

Tích là nhà truyền giáo đầy nhiệt tâm và thành công rực rỡ.

Vào cuối đời truyền giáo oanh liệt của Phao-lô, nhiều vị sứ đồ đã bỏ mạng vì danh Chúa. Phao-lô bị bắt một lần cuối cùng và bị giam cầm ở thủ đô La Mã, chờ ngày ra pháp trường chỉ vì tội “chia xẻ Tin mừng,” truyền bá Phúc Âm.

Hoàng đế Neron hoang dâm vộ độ, đốt phá thủ đô La Mã để xem một đám cháy lớn như thế nào, và vui cười trên nỗi đau khổ, quằn quại của nhân dân. Khi biết mình ném đá giấu tay không được, và thấy rõ nhân dân bắt đầu biết ai chủ mưu vụ đốt phá khủng khiếp, hoàng đế Neron liền đổ trách nhiệm cho các tín đồ của Chúa Cứu Thế. Hàng vạn tín đồ của Chúa bị bắt bớ, tra tấn, giam cầm, bị tẩm dầu hắc để đốt làm đuốc soi sáng công viên, bị quăng cho sư tử xé ăn.

Sứ đồ Phao-lô bị bắt giam, chỉ còn một thời gian ngắn nữa sẽ bị bỏ cho thú dữ giết chết. Vị sứ đồ khả kính bình tĩnh viết thư cho Ti-mộ-thư, cho các huấn thị cần thiết và kết thúc bức thư, Phao-lô viết Tích đi Dalmati rồi.

Tích đi Dalmati, ngày nay thuộc nước Nam-tư, để làm gì? Không phải vì thấy nhiệm vụ khó khăn và hiểm nguy tính mạng mà bỏ cuộc. Cũng không phải vì ham hố đời này như Đê-ma. Tích đi Dalmati chỉ vì tinh thần truyền giáo nóng cháy. Học với Phao-lô bao nhiêu năm, Tích đã nhiễm tinh thần truyền giáo hăng say của Phao-lô, con người suốt đời theo Chúa chỉ biết vinh dự khi truyền giảng Phúc Âm ở nơi nào danh Chúa Cứu Thế chưa được truyền ra.

Nhận thấy vị giáo sư yêu kính của mình sắp hy sinh vì Chúa, Tích không bỏ cuộc, cũng không ở lại quanh quẩn bịn rịn bên mình Phao-lô, Tích quyết định dấn thân vào một xứ xa lạ chưa bao giờ nghe Phúc Âm. Theo đúng tinh thần truyền giáo của thầy mình, Tích đã thành công rực rỡ tại Dalmati, đem rất nhiều người đến với Chúa và thành lập một Hội thánh vững vàng mạnh mẽ cho Chúa Jê-sus.