Khảo Học Thư Ga-la-ti (P13)

GIĂNG

(2: 1-13)

Bee

Thánh Kinh Tân ước nói đến năm người mang tên Giăng

Là Giăng Báp-tít, người dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Giăng Báp-tít đã làm lễ báp-tem cho những người ăn năn tội lỗi và chuẩn bị một đoàn dân sẵng lòng tiếp đón Chúa Cứu Thế. Giăng Báp-tít là người can đảm, dám tố cáo và can gián vua Hê-rốt về tội loạn luân. Cũng chính vì trung tín giảng lời Chúa mà Giăng Báp-tít bị cầm tù rồi bị vua Hê-rốt ra lệnh chém đầu để thỏa mãn một người đàn bà lăng loàn và nham hiểm.

Giăng gọi là Mác, được Thánh Kinh nhắc đến mười lần. Giăng Mác là anh em chú bác hay cô cậu với nhà truyền bá Phúc Âm Ba-na-ba, người đồng lao thân tín của Phao-lô theo thư Ga-la-ti mà chúng ta đã đề cập. Mác đã cộng tác với Phao-lô, rút lui một thời gian, rồi hợp sức với Ba-na-ba đi truyền giáo ở đảo Síp. Mác được Phao-lô nhắc đến trong thư II Ti-mô-thê và được gọi là “người có ích cho sự phục vụ.” Qua sự cộng tác với Phê-rơ, Mác đã thu góp đầy đủ tài liệu và viết một tác phẩm bất hủ là Phúc Âm Mác.

Giăng là cha của Anh-rê và Phê-rơ, có khi tên ông được phiên âm là Giô-na.

Giăng là một người bà con với thầy tế lễ tối cao An¬ne. Ông này đã ngồi giữa Hội Đồng Quốc Gia Do- thái để cùng với An-ne, Cai-phe và Á-lịch-sơn xét xử hai sứ đồ Phê-rơ và Giăng vì tội đã cứu chữa một người què tại cửa Đẹp của đền thờ Giê-ru-sa-lem.

Nhân vật nổi bật nhất trong năm ông Giăng của Thánh Kinh Tân Ước là sứ đồ Giăng, tác giả sách Phúc Âm thứ tư, ba bức thư cùng mang tên Giăng và sách Khải-thị.

Theo nghĩa đen, chữ Giăng tiếng Ну-bá có nghĩa là “Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đã tỏ ra nhân từ, đầy ân phúc.” Sứ đồ Giăng chỉ được thư Ga-la-ti nhắc đến một lần. Giăng được tác giả Ga-la-ti gọi là một trong ba nhà lãnh đạo tối cao của Hội thánh, là người đã cùng Sê-pha tức Phê-rơ và Gia-cơ trao tay giao kết với Phao-lô để phân công truyền bá Phúc Âm. Mặc dù thư Ga-la-ti 2:9 chỉ nêu tên Giăng một lần, nhưng muốn biết vai trò quan trọng của Giăng qua thư Ga-la-ti, chúng ta phải đọc lại Ga 2:1-13.

Qua 10 câu văn vừa đọc, ta nhận thấy vai trò của Giăng trong Hội thánh trung ương, nhất là trong giai đoạn Phao- lô thăm viếng các cấp lãnh đạo Hội thánh để phân định trách nhiệm và quyền hạn truyền bá Phúc Âm cho các dân tộc khắp thế giới. Cũng qua mấy câu văn ấy ta được biết:

1. Giăng được gọi là cột trụ của Hội thánh Giê-ru-sa- lem (Ga 2:2,6,9)

2. Giăng xét định về Phúc Âm mà Phao-lô trình bày (Ga 2:2,4,6)

3. Giăng xác nhận chức vụ của sứ đồ Phao-lô là đúng và tốt (Ga 2:3)

4. Giăng siết chặt tay Phao-lô và Ba-na-ba để phân công truyền giáo (Ga 2:7-9)

5. Giăng khích lệ Phao-lô và Ba-na-ba cứu tế người nghèo khổ (Ga 2:10)

1. Giăng được gọi là người cột trụ của Hội thánh Giê-ru-sa-lem

Bản dịch của chúng ta dùng hai từ liệu “lãnh tụ Hội thánh” (câu 2), “nhà lãnh đạo quan trọng” (câu 6) và “nhà lãnh đạo tối cao” (câu 9). Nguyên tác có thể dịch là “người nổi danh” trong câu 2 và câu 6, nhưng đến câu 9 lại gọi là “cột trụ.”

Dĩ nhiên ý chính thật là rõ rệt, Giăng cũng như Phê-rơ, Gia-cơ được  nhìn nhận là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Hội thánh Giê-ru-sa-lem. Chúng ta còn nhớ Chúa đã ủy thác trách nhiệm truyền giáo cho mười hai sứ đồ và tất cả các môn đệ của Ngài. Sau khi Chúa Thánh Linh giáng lâm, thành lập Hội thánh, Giăng từng xuất hiện qua các trang sách Công vụ các sứ đồ song song với Phê-rơ. Trong ngày đi cầu nguyện và chữa lành người què tại Cửa Đẹp, khi ra tòa án đặc biệt của Hội đồng quốc gia Do-thái, và trong vòng truyền giáo dọc theo miền duyên hải xứ Giu-đê.

Trong giai đoạn này, tức là thời gian Phao-lô về Giê-ru-sa-lem để gặp riêng các nhà lãnh đạo Hội thánh (Ga 2:1- 10), các sứ đồ khác dường như đã chia tay mỗi người đi truyền giáo một xứ, một khu vực khác nhau, nên trong mười hai sứ đồ chỉ còn Phê-rơ và Giăng ở lại Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, Giê-ru-sa-lem vẫn được xem là căn cứ truyền giáo trung ương nên các sứ đồ thỉnh thoảng cũng quay về căn cứ đó.

Từ “cột trụ ” trong câu 9 là một hình ảnh rõ rệt về trách nhiệm cũng như quyền hạn của Giăng và Phê-rơ. Theo nhiều lối kiến trúc, một cái nhà hay một ngôi đền phải có những cây cột chống đỡ, chịu đựng tất cả sức nặng của mái nhà và gắn chặt với các cây kèo, trụ và hợp thành một lối kiến trúc duy nhất. Giăng đã được Chúa chọn làm cột trụ trong đền thờ của Ngài là Hội thánh. Đó là một vinh dự lớn nhưng cũng là một trách nhiệm nặng nề.

Theo sách Khải thị 3:12 , Chúa Cứu Thế hứa: “Kẻ nào thắng, ta sẽ cho làm trụ trong đền Đức Chúa Trời ta, và người sẽ không ra khỏi đó nữa.” Lời hứa này áp dụng cho chúng ta, chúng ta đều có thể được Chúa chọn làm cột trụ trong đền thờ Đức Chúa Trời, đền thờ đời đời vĩnh cửu. Điều kiện duy nhất là chiến thắng: chiến thắng cám dỗ tội lỗi, khắc phục trở lực, gian khổ, vượt qua những thử thách, cạm bẫy của thế gian, nhờ huyết của Chiên Con là Chúa Cứu Thế Jê-sus mà ca khúc khải hoàn sau những trận tiến công phũ phàng của Sa-tan theo sách Khải-thị 2:3,12. Chúa có thể nói về chúng ta rằng: “Họ đã thắng Sa-tan bởi huyết Chiên Con và lời làm chứng của họ.”

2. Giăng xét định về Phúc Âm mà Phao-lô đã trình bày 

(câu 2)

Phao-lô viết:

Vâng theo điều Chúa chỉ bảo, tôi về thủ đô gặp riêng các lãnh tụ Hội thánh, trình bày Phúc Âm tôi đã truyền giảng cho người nước ngoài, để họ biết rõ công việc của tôi trước nay là đúng và hữu ích.

Giăng không tự mình để dò hỏi, rình nghe để bắt bẻ Phao-lô như một số người muốn vạch lá tìm sâu. Nhưng vì ở địa vị lãnh đạo Hội thánh, Giăng có nhiệm vụ giữ cho Đạo Chúa khỏi bị các tà thuyết của đời tiêm nhiễm, pha trộn để dìu dắt tín hữu đi vào con đường lầm lạc. Chính Phao-lô đã theo sự chỉ bảo của Chúa mà tìm đến Giăng, Phê-rơ và Gia-cơ để trình bày Phúc Âm ông đã truyền giảng cho người nước ngoài. Phúc Âm ấy có thể cô đọng trong hai câu: về phương diện tiêu cực, con người không thể nào được cứu rỗi nhờ lễ cắt bì và luật pháp Do-thái (câu 5b), về phương diện tích cực, Chúa Cứu Thế hy sinh chuộc tội để đem lại cho người tin Ngài sự tự do thật (cầu 4b), tức là giải phóng họ khỏi tất cả các xiềng xích nô lệ, kể cả xiềng xích của giáo luật, lễ nghi tôn giáo.

Giăng đã dựa theo tiêu chuẩn nào để xét định các giáo lý đó? Tiêu chuẩn của Giăng cũng như của tất cả những người lãnh đạo Hội thánh các thời đại là Lời Chúa, Lời Chúa trong Thánh Kinh, Lời Chúa Cứu Thế phán dạy.

3. Giăng xác nhận chức vụ sứ đồ của Phao-lô là đúng và hữu ích

Sau khi nghe lời trình bày và đã thẩm định giá trị theo tiêu chuẩn Lời Chúa, Giăng đã họp với Phê-rơ và Gia-cơ xác nhận rằng chức vụ của Phao-lô thật là đúng với lời giáo huấn của Chúa, rằng Phao-lô thật được Chúa sai phái đi làm sứ giả truyền bá Phúc Âm, và rằng chức vụ ấy thật sự có ích lợi lớn cho các dân tộc nước ngoài. Nhờ Phao-lô mà bao nhiêu dân tộc được nghe Tin mừng, nhờ Phao-lô mà hàng vạn người nước ngoài đã tin nhận Chúa Cứu Thế.

Trái với những lời vu cáo đồn đãi, Phao-lô không bao giờ giả mạo, pha trộn Phúc Âm. Ông được Chúa Cứu Thế dạy Phúc Âm thể nào, ông đã truyền lại đúng như thể ấy cho người khác. Không buộc Tít, một người tín hữu Hy-lạp phải chịu cắt bì, Giăng cùng Phê-rơ và Gia-cơ cũng đã xác nhận hành động và quyết định của Phao-lô về vấn đề này hoàn toàn đúng theo Phúc Âm. Phúc Âm mà Phao-lô công bố và thực hành đúng là Phúc Âm thuần túy của Chúa Cứu Thế Jê-sus.

4. Giăng siết chặt tay Phao-lô và Ba-na-ba để phân công truyền giáo

Theo nguyên tác động từ “siết chặt” trong câu 9 là “trao tay mặt tương giao.” Hành động đưa tay mặt để nắm chặt tay một người anh em đã nói lên tinh thần tương thân tương ái mật thiết với người đó, như hai bàn tay siết chặt nhau. Tuy Phao-lô là người đến sau, theo Chúa sau mình, trẻ tuổi hơn mình, ít kinh nghiệm phục vụ Chúa hơn mình, nhưng Giăng đã không ngần ngại mở rộng tấm lòng chào đón và tiếp nhận Phao-lô. Giăng trìu mến hợp tác tương giao với Phao-lô, coi ông còn thân thiết hơn anh em ruột thịt. Mục đích của sự tương giao đó là phân công truyền giáo. Chữ truyền giáo được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong ba câu 7, 8 và 9. Giăng cũng như Phê-rơ, đặc trách về việc truyền giáo cho người Do-thái, người chịu cắt bì, còn Phao-lô chuyên biệt công bố Tin mừng cho các dân tộc nước ngoài, tức là những người không chịu cắt bì.

5. Giăng khích lệ Phao-lô và Ba-na-ba cứu tế người nghèo khổ

Câu 10 ghi: “Họ chỉ nhắc chúng tôi cứu tế người nghèo khổ là điều chính tôi cũng đã hăng hái thực thi.”

Giăng vốn không phải là một người nghèo khổ. Xuất thân trong một gia đình chủ ghe đánh cá, giàu có, được đi học đến trình độ cao cấp, có thể diễn tả bằng ngoại ngữ những tư tưởng triết học sâu sắc như quyển Phúc Âm thứ tư, và được thầy tế lễ tối cao và gia đình ông kính nể, đến nỗi có thể vào ra dinh thự của họ tự do, còn đem được Phê-rơ vào cách dễ dàng trong đêm Chúa Cứu Thế Jê-sus bị bắt giam và xét xử.

Giăng là một con người có đủ mọi thứ, có thể sống trên nhung lụa, nhưng Giăng đã bỏ tất cả theo Chúa và hiến dâng cuộc đời vào công cuộc truyền bá Phúc Âm. Cũng như Phê-rơ, vì gần gũ thân mật với Chúa Cứu Thế trong suốt hơn ba năm học hỏi, Giăng đã cảm động vì lòng bác ái bao la của Chúa Cứu Thế, vì thế Giăng có một lòng bác ái giống Ngài, nhất là đối với những người nghèo khổ. Do đó, Giăng không ngần ngại khích lệ Phao-lô cứu giúp người nghèo khổ theo đúng tinh thần của Chúa Cứu Thế.