Khảo Học Thư Ga-la-ti (P12)

BA-NA-BA (2: 1-13)

nhung-hinh-anh-ve-cay-tre-viet-nam-dep-nhat-16

Theo phương pháp tiểu sử, chúng ta đã học về cuộc đời của Phao-lô, Gia-cơ và Sê-pha mà phần đông nhìn nhận là sứ đồ Phê-rơ. Thư Ga-la-ti còn nói đến ba nhân vật lịch sử là Ba-na-ba, Tít và Giăng. Trong bài học Thánh Kinh hôm nay, chúng ta tìm hiểu sơ lược về Ba-na-ba.

Ba-na-ba và Tít là hai người bạn đường thân thiết nhất của sứ đồ Phao-lô. Đối với nhà truyền bá Phúc Âm vĩ đại nhất trong lịch sử đó, Ba-na-ba và Tít là hai người bạn đồng lao, đồng tâm đồng chí.

Ba-na-ba là người theo Chúa trước, đã dang rộng hai cánh tay tiếp đón Phao-lô vào Hội thánh và làm dấu gạch nối giữa hai người mới hôm qua là tử thù của Hội thánh với những tín hữu trung kiên còn dè dặt, e ngại.

Tít trái lại là người đến sau, là một môn đồ Chúa Cứu Thế do Phao-lô dìu dắt. Tít cũng là một môn đệ thân yêu mà Phao-lô coi như người con ruột được ông nuôi dưỡng, huấn luyện để nối gót mình trên bước đường truyền bá Phúc Âm khắp thế giới.

Ba-na-ba được thư Ga-la-ti nhắc đến hai lần, lần đầu trong cuộc thăm viếng Giê-ru-sa-lem (Ga 2:1-10), lần sau trong câu chuyện Phao-lô trách Sê-pha tại An-ti-ốt, xứ Sy- ri (Ga 2:1-13).

Ba-na-ba là một trong những người tín đồ đầu tiên của Hội thánh Giê-ru-sa-lem. Có lẽ Ba-na-ba tin Chúa trong ngày lễ Ngũ-tuần, khi Chúa Thánh Linh đầy dẫy trên 120 môn đệ của Chúa Cứu Thế. Đảo Síp hay Chíp-rơ quê hương của Ba-na-ba, là một trong các xứ được liệt kê trong sách Công-vụ 2 về ngày lễ Ngũ-tuần, khi 3.000 người tin Chúa sau khi nghe bài giảng luận Phúc Âm của sứ đồ Phê-rơ. Ba-na-ba thuộc chi phái Lê-vi, và theo Công vụ 4:36, ông đã từng có đất ruộng nhưng đã bán hết đi để chia xẻ cho người nghèo khổ túng thiếu (Công vụ 4:37).

Ba-na-ba cũng đã chia xẻ những ngày thử thách nặng nề với anh em tín hữu, nhất là cuộc khủng bố giết hại Hội thánh do Sau-lơ tức Phao-lô cầm đầu. Nhưng một khi Sau- lơ ăn năn tin nhận Chúa, Ba-na-ba là người đầu tiên tỏ lòng tín nhiệm Sau-lơ, vì ông biết đây không phải là một người giả vờ tin Chúa để phá hoại Hội thánh. Ông can đảm dùng cả uy tín của mình để bảo đảm cho Sau-lơ. Điều ấy chứng tỏ Ba-na-ba là người có mắt tinh đời, biết phân biệt chân giả, biết “chọn mặt gửi vàng.” Đó là khởi điểm của một tình bằng hữu tốt đẹp. Người ta có thể ăn thề kết chúng ta để mưu đồ chính trị, để tiến hành các dịch vụ kinh doanh. Nhưng Ba-na-ba và Phao-lô kết chúng ta để truyền giảng Phúc Âm của Chúa Cứu Thế. Ngày nay, thật thiếu những người kết chúng ta vì mục đích cao cả đó trong Hội thánh.

Theo Công vụ 11:22-25, Ba-na-ba được Hội thánh trung ương cử đi thăm An-ti-ốt xứ Sy-ri, nhưng thấy công việc Chúa đang phát triển mạnh ở một nước láng giềng, ông quyết định ở lại bắt tay vào việc gây dựng Hội thánh Sy-ri. Khi thấy đòi hỏi của Hội thánh ngày càng lớn lao, mà sức mình có hạn, Ba-na-ba đã cất công đi tìm Phao-lô cho được để mời về cộng tác với mình ở xứ Sy-ri. Hai người bạn thân ấy đã thành công trong việc xây dựng một Hội thánh lớn mạnh, phản ảnh đúng tinh thần và lòng bác ái của Chúa Cứu Thế, đến nỗi nhân dân Sy-ri gọi người theo Chúa là người Cơ- Đốc, người Cứu Thế, theo tên hiệu của Chúa Cứu Thế Jê-sus. Đây là Hội thánh địa phương đầu tiên đã nghĩ đến việc cứu tế người nghèo khổ. Đây cũng là Hội thánh đầu tiên đã lưu ý, tìm cầu ý Chúa và hăng hái cử người ưu tú nhất đi truyền giáo cho các dân tộc nước ngoài.

Theo Công vụ đoạn 13, đang khi Hội thánh An-ti-ốt kiêng ăn cầu nguyện, Chúa Thánh Linh đã phán dạy: “Hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ để làm công việc ta đã ấn định. ” Trong số các tín hữu hăng say ở Giê-ru-sa-lem, chỉ có Ba-na-ba lưu tâm đến công cuộc truyền giáo lớn lao tại An-ti-ốt. Trong số năm giáo sư và tiên tri lỗi lạc ở An-ti-ốt, chỉ có hai người là Ba-na-ba và Sau-lơ tức Phao-lô được Chúa Thánh Linh chọn lựa để sai đi truyền bá Phúc Âm cho thế giới Ну-lạp La Mã.

Ba-na-ba và Sau-lơ khởi hành từ An-ti-ốt xứ Sy-ri đến đảo Síp, vượt biển đến cảng Bẹt-giê, đi qua xứ Bam-phi-ly, đến An-ti-ốt, xứ Bi-si-đi, tức là một quận miền Nam tỉnh Ga-la-ti. Từ An-ti-ốt qua Y-cô-ni, Lý-trà và Đạt -ba, rồi lại quay về An-ti-ốt, tức là các thành phố lớn trong tỉnh Ga-la- ti. Trên đường về Sy-ri, Ba-na-ba và Phao-lô còn ghé truyền giảng Phúc Âm ở xứ Bam-phi-ly, rồi xuống hải cảng A-tha-ly, Công vụ 14:25-28 đã kết thúc bài tường thuật về vòng truyền giáo đầy kết quả ấy.

Nếu ý kiến của một số học giả chuyên khảo lịch sử Thánh Kinh là đúng, thì Phao-lô viết bức thư Ga-la-ti vào thời gian trở về căn cứ truyền giáo An-ti-ốt xứ Sy-ri, ngay trước Hội nghị toàn Giáo hội tại Giê-ru-sa-lem vào năm 50 SCN. Cũng trong thời gian ấy, Sê-pha đến An-ti-ốt và một việc nhỏ nhưng đáng trách xảy ra. Theo thư Ga-la-ti 2:13, hành động không ngay thật của Sê-pha đã lôi cuốn luôn cả những tín hữu Do-thái khác, kể cả Ba-na-ba, Phao-lô chỉ trách Sê-pha, nhưng ông cũng ghi nhận thêm theo một bản dịch: “Đến cả Ba-na-ba cũng bị sự giả hình của họ dẫn dụ.”

Theo một phương diện thì Ba-na-ba thật đáng trách, nhưng xét theo khía cạnh xử thế, hành động của Ba-na-ba cũng dễ hiểu, nhất là theo quan điểm của một tín đồ Do- thái. Ba-na-ba được Hội thánh Giê-ru-sa-lem sai xuống An-ti-ốt, không lẽ ông làm mếch lòng họ, mà các lãnh tụ là Gia-cơ, Sê-pha, Giăng, mà Sê-pha lại có mặt ngay tại An-ti-ốt.

Có lẽ đối với Ba-na-ba và Sê-pha, đây chỉ là một hành động nhất thời, có tác dụng xử thế, nhằm mục đích tránh mếch lòng những người cao cấp trong Hội thánh. Đối với Phao-lô, hành động ấy thiếu ngay thẳng – không theo chân lý Phúc Âm – và có thể làm các tín hữu nước ngoài hiểu lầm rằng muốn được cứu rỗi phải vừa tin Chúa Cứu Thế Jê-sus, vừa vâng giữ luật pháp Mai-sen.

Dù sao, Sê-pha và Ba-na-ba chỉ đáng trách vì một giờ phút thiếu thận trọng đó. Từ đó trở đi, nhất là giữa Hội nghị toàn Giáo hội được triệu tập tại thủ đô Giê-ru-sa-lem để giải quyết vấn đề thần học then chốt do những người câu nệ luật pháp Mai-sen nêu lên, cả Ba-na-ba lẫn Phê-rơ – tức Sê-pha – đều đứng hẳn với Phao-lô và xác định chân lý này: Con người được cứu rỗi chỉ do đức tin với Chúa Cứu Thế Jê-sus, chứ không bao giờ nhờ luật pháp Mai-sen mà được cứu rỗi. Và người nước ngoài muốn tin Chúa Jê-sus không cần phải chịu cắt bì hay giữ những luật lệ lễ nghi của thời Cựu Ước, vì tất cả đã được hoàn tất trong Chúa Jê-sus. Đó cũng chính là ý nghĩa của đề tài “tự do” mà Phao-lô khai triển trong thư Ga-la-ti.

Sau khi lấy quyết nghị chung giữa Hội nghị toàn Giáo hội, Ba-na-ba hân hoan đi với Phao-lô thăm các Hội thánh nước ngoài để công bố quyết nghị ấy và bức thư của Gia-cơ phủ nhận hành động của những người Do-thái muốn bắt tín hữu nước ngoài phải bị ràng buộc vào luật pháp Mai-sen.

Cuộc chia tay giữa Ba-na-ba vào Phao-lô có vẻ bất ngờ (Công vụ 15:39-40). Ba-na-ba muốn đem Mác đi theo trong vòng truyền giáo mới, nhưng Phao-lô không muốn vì Mác đã một lần bỏ cuộc khi đoàn truyền giáo mạo hiểm đi hoạt động ở vùng cao nguyên Tiểu Á. Ba-na-ba biết Mác người trẻ tuổi, non dạ, thiếu kinh nghiệm, dễ ngã lòng nhưng biết ăn năn và trở lại chức vụ truyền bá Phúc Âm. Ba-na-ba có năng khiếu thuộc linh đặc biệt và tài an ủi người ngã lòng, đúng như nghĩa tên ông là “Con trai sự an ủi.”

Ba-na-ba và Phao-lô chia tay để lập hai đoàn truyền giáo mới: Ba-na-ba với Mác, Phao-lô với Si-la. Một việc xảy ra có vẻ như ngoài ý định của hai người bạn thân đã đem lại một kết quả tốt đẹp theo chương trình truyền bá Phúc Âm khắp thế giới của Chúa Cứu Thế. Các đoàn truyền giáo phải phân công, và khi cần phải phân tán mỏng để đáp ứng nhu cầu vĩ đại. Đồng thời người có kinh nghiệm truyền giáo trong Chúa có phận sự hướng dẫn, huấn luyện và chia xẻ trách nhiệm cho thanh niên. Thế hệ mới sẽ làm công việc Chúa cách mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn và kết quả hơn. Và như thế, Hội thánh của Chúa Cứu Thế sẽ phát triển theo cấp số nhân chứ không phân theo cấp số cộng mà thôi.

Độ năm năm sau, khi viết thư gửi Hội thánh  Cổ-linh, Phao-lô đã nhắc đến Ba-na-ba như một nhà truyền giáo ngang hàng với Phê-rơ và Phao-lô. Mặc dù xa cách nhau, tình bạn thân yêu giữa hai ông không hề thay đổi. Phao-lô đã viết về Ba-na-ba một cách trìu mến: “Không lẽ chỉ có Ba-na-ba và tôi không được phép khỏi làm việc?” (I Côr 9:6) Phao-lô chắc hẳn vẫn theo dõi kết quả vô cùng tốt đẹp của Ba-na-ba và hân hoan, vì biết chắc chắn rằng tuy xa nhau nhưng hai người bạn thân vẫn trung kiên phục vụ Chúa và đồng loại như những ngày còn sát cánh nhau đi chia xẻ tin mừng từng làng mạc, từng thành phố.

Một sử liệu khiến cho người học về cuộc đời Ba-na-ba rất hứng thú, là mãi hơn mười lăm năm sau khi chia tay với Ba-na-ba và Mác, Phao-lô đang bị giam cầm tại La Mã đã yêu cầu Ti-mô-thê đưa Mác đến, vì Phao-lô nhìn nhận: “Mác thật hữu ích về việc phục vụ.”

Nhiều nguồn sử liệu cho biết Mác đã từng cộng tác với Ba -na-ba, Phao-lô và Phê-rơ, ba nhà truyền giáo lớn nhất của Hội thánh thời đó. Sách Phúc Âm Mác có lẽ là kết quả thời gian công tác với Phê-rơ. Ba-na-ba đã sáng suốt yên ủi, khích lệ và dẫn dắt một thanh niên yếu đuối, ngã lòng và kết quả vượt quá sức tưởng tượng của mọi người.

Để tóm lược cuộc đời theo Chúa của Ba-na-ba, chúng ta có thể rút tỉa bài học qua bốn giai đoạn:

1) Thời gian theo Chúa ở Giê-ru-sa-lem, điểm nổi bật là quyết định bán đất ruộng để cứu giúp anh em nghèo khổ.

2) Giai đoạn ở An-ti-ốt xứ Sy-ri, Ba-na-ba hăng say truyền bá Phúc Âm và huấn luyện tín hữu có kết quả rực rỡ đến nỗi người ta gọi các tín hữu là người của Chúa Cứu Thế.

3) Giai đoạn truyền giáo với Phao-lô, Ba-na-ba luôn luôn chân thành và tận tâm chia xẻ gánh nặng phục vụ Chúa với bạn đồng lao.

4) Giai đoạn truyền giáo với Mác. Ba-na-ba đào luyện được một người thanh niên đủ điều kiện nối chí ông truyền bá Phúc Âm.

Câu Thánh Kinh này trong sách Công vụ 11:24 có thể tóm lược về tính tình và chức vụ của Ba-na-ba: “Ba-na-ba thật là một người lành, đầy dẫy Thánh Linh và đức tin. Bấy giờ rất đông người tin theo Chúa.”