Khảo Học Thư Ga-la-ti (P10)

SÊ-PHA (2: 11-18)

wall-1389544006_desert-stone

Thư Ga-la-ti 2:11 nói đến một nhân vật quan trọng trong Hội thánh mang tên là Sê-pha theo bản văn nguyên tác. Sê-pha là ai? Và Sê-pha giữ vai trò nào trong cuộc tranh luận sôi nổi giữa phái câu nệ luật pháp Do-thái và phái chủ trương sống tự do trong Chúa Cứu Thế? Để tìm câu giải đáp chúng ta lắng nghe lời Chúa qua thư Ga 2:11-21.

Một số người cho rằng Sê-pha là một trong các môn đệ đầu tiên của Chúa Cứu Thế nhưng không phải là sứ đồ Si- môn Phê-rơ. Họ nhận xét rằng cùng trong một bức thư không lẽ dùng hai tên Phê-rơ và Sê-pha để gọi một người.

Tuy nhiên, Phúc Âm Giăng 1:42 ghi lời dạy này của Chúa Cứu Thế: “Con là Si-môn, con Giô-na, con sẽ được gọi là Sê-pha (nghĩa là Phê-rơ).”

Sê-pha là tên Chúa Cứu Thế đặt cho Si-môn bằng tiếng Aramaic là quốc ngữ Do- thái thời ấy, dịch ra tiếng Hy-lạp là Pétros, Phê-rơ. Hai chữ Sê-pha và Phê-rơ đều có nghĩa là “đá.” Nếu dịch ra tiếng Việt, ta có thể nói Chúa đặt tên Si-môn là Thạch (Thạch theo tiếng Aramaic là Sê-pha và tiếng Hy-lạp là Pétros phiên âm là Phê-rơ). Hơn nữa, các học giả chuyên khảo cứu văn phẩm của các giáo phụ đã quả quyết rằng các tác phẩm chép trước hội nghị toàn Giáo hội tại Ninée, tức là suốt ba thế kỷ đầu tiên đều nhìn nhận Sê-pha ở Ga-la-ti chương 2 chính là sứ đồ Phê-rơ. Cách dùng hai tên để chỉ về một người trong một văn phẩm hay một bức thư cũng khá thông dụng thời ấy. Trong cả Tân Ước, Giăng chỉ dùng tên Sê- pha một lần, ngoài Giăng chỉ có Phao-lô dùng tên Sê-pha để chỉ về sứ đồ Phê-rơ, trong thư I Cổ-linh, Phao-lô dùng tên Sê-pha bốn lần. Ngay trong thư Ga-la-ti, theo nguyên tác, Phao-lô cũng nói đến Sê-pha ba lần (1:18, 2:9,11). Câu 9 kể Sê-pha là một trong ba lãnh tụ tối cao của Hội thánh, Ga 1:18 cũng hàm ý đó, không lẽ kể tên ba vị lãnh tụ tối cao của Hội thánh mà không có Phê-rơ sao? Hơn nữa nhiều cổ bản Thánh Kinh đã dùng tên Pétros thay vì Sê-pha trong các câu Ga-la-ti vừa kể.

Xét cho cùng, ta có thể kết luận rằng, Sê-pha là một nhân vật quan trọng của Hội thánh Giê-ru-sa-lem, được sắp tên trước cả sứ đồ Giăng (Ga 2:9). Sê-pha được Phao-lô xem như nhà lãnh đạo tối cao của đoàn truyền giáo cho người chịu cắt bì. Phao-lô nhìn nhận sau khi Chúa sống lại, Ngài đã hiện ra cho Sê-pha trước rồi mới hiện ra cho các sứ đồ, và sau hết Chúa mới hiện ra gặp Phao-lô như cho một thai sinh non (I Cổ 15:4-8). Nếu chúng ta nhìn nhận như một số đông nhà khảo cứu Thánh Kinh rằng Sê-pha trong Ga-la-ti chương 2 chính là sứ đồ Phê-rơ, thì chúng ta có thể rút tỉa năm điều:

1)  Lúc ấy Phê-rơ còn chủ trương buộc các tín hữu nước ngoài phải vâng giữ luật pháp Mai-sen và chịu cắt bì (Ga 2:14).

2)  Lúc Phê-rơ đến An-ti-ốt thăm Hội thánh nước ngoài, ăn chung với tín hữu chưa chịu cắt bì, nhưng khi các đại diện của Gia-cơ từ Giê-ru-sa-lem đến An-ti-ốt, Phê-rơ rút lui vì sợ những người chịu cắt bì đó (Ga 2:12), chắc hẳn vì việc này xảy ra trước Hội nghị toàn giáo hội tại Giê-ru-sa-lem vào năm 50 SCN mà sách Công vụ chương 15 đã ghi. Hành động của Phê-rơ tuy đáng trách nhưng cũng thật dễ hiểu vì lúc ấy Hội thánh phổ thông chưa giải quyết dứt khoát vấn đề này.

3)  Nếu thế bức thư Ga-la-ti được viết trước Hội nghị toàn giáo hội tại Giê-ru-sa-lem tức là trước năm 50.

4)  Bức thư Ga-la-ti hé mở cho ta thấy tinh thần của Phao-lô, một tinh thần cương quyết thẳng thắn, không nể sợ ai khi cần phải bênh vực chân lý Phúc Âm. Mặc dù rất kính trọng các cấp lãnh đạo Hội thánh, nhưng Phao-lô phải thẳng thắn nói lên sự thật.

5)  Phao-lô phải tranh đấu cam go để danh Chúa được vinh quang và để mọi người hiểu rõ bản chất của Phúc Âm, là giải phóng con người khỏi xiềng xích gông cùm của tội lỗi, và của những luật lệ tôn giáo không bao giờ cứu rỗi được con người.

Phân tích lời văn thư Ga-la-ti 11:11-21, chúng ta thấy có bốn ý chính:

I. Hành động đáng trách của Sê-pha và các tín hữu Do-thái tại An-ti-ốt (2:11-13).

II. Lời quở trách chân thành và thẳng thắn của Phao-lô (2:14).

III. Giáo lý xưng công bình bởi đức tin (2:15-18)

IV. Kinh nghiệm bản thân của Phao-lô là đồng sống và đồng chết với Chúa Jê-sus (2:19-21).