Khảo Học Thư Ga-la-ti (P3)
PHAO-LÔ VIẾT THƯ GA-LA-TI TRONG CƠ HỘI NÀO?
Phao-lô đã truyền giảng Phúc Âm tại vùng Ga-la-ti ít nhất là hai lần trước khi viết thư này. Theo chương 4 câu 3: “Anh em còn nhớ, tôi đã nhân lúc đau yếu, đến truyền giảng Phúc Âm cho anh em lần thứ nhất.” Chữ lần thứ nhất theo tiếng Ну-lạp hàm ý ông cũng còn đến lần thứ nhì nữa. Phao-lô đến Ga-la-ti vào lúc yếu đau. Lần thứ nhất ông viết tiếp:
Mặc dù bệnh hoạn của tôi có thể làm cho anh em khó chịu, nhưng anh em không khước từ, ruồng rẫy tôi, trái lại anh em đã tiếp đón tôi như thiên sứ của Thượng Đế, như chính Chúa Cứu Thế vậy, nhiệt tình chan chứa ấy bây giờ ở đâu? Lúc ấy anh em yêu mến tôi đến mức sẵn sàng móc mắt tặng tôi (Ga-la-ti 4:14-15)
Sau khi trở lại thăm viếng họ lần nữa, sứ đồ Phao-lô tiếp tục đi truyền giảng Phúc âm các xứ khác. Thình lình một việc bất hạnh xảy ra. Chỉ trong một thời gian ngắn (1:6) người Ga-la-ti đã bị quyến rũ và chấp nhận một số lý thuyết sai lầm của ngừơi Do-thái, do đó đã phản bội Phúc Âm của Chúa Cứu Thế.
Mặc dù Phao-lô đã cảnh cáo trước anh em Ga-la-li (1:9) hiểm họa ấy, nhưng việc xảy ra quá nhanh chóng đến nỗi Phao-lô phải ngạc nhiên (1:6). Lý do chỉ vì có một số giáo sư giả mạo gốc từ Do-thái cất công đến tận xứ Ga-la-ti để tuyên truyền phá hoại (1:7; 5:10,12; 6:12-13). Thật ra họ nhân danh là giáo sư đạo Chúa để dạy tà thuyết. Họ chủ trương rằng con người dù tin Chúa Cứu Thế cũng phải giữ luật pháp Mai-sen, phải chịu thánh lễ cắt bì mới được cứu rỗi (5:2). Chương 6 câu 12-13 ghi rằng:
Những người ép buộc anh em chịu cắt bì chỉ có dụng ý này: họ chiều theo thị hiếu loài người, không muốn chịu bức hại, vì nếu họ nhìn nhận con người chỉ được cứu rỗi vì tin Chúa Cứu Thế đã hy sinh trên cây thập tự, họ sẽ bị khủng bố. Họ chịu cắt bì nhưng chẳng vâng giữ luật pháp. Họ muốn ép anh em chịu cắt bì để khoe rằng anh em là môn đệ họ.
Chẳng những các giáo sư Do-thái dạy lý thuyết sai lầm, xuyên tạc Phúc Âm, họ còn đóng kịch để che đậy mục đích thầm kín của họ (4:17; 6:13). Phao-lô phải xác định rằng ông truyền giảng Phúc Âm, để được đẹp lòng Chúa chứ không phải để mua chuộc lòng người (1:10).
Các giáo sư Do-thái ấy còn gieo mầm mống nghi ngờ trong đầu óc anh em Ga-la-ti. Họ cho rằng Phao-lô chưa đủ điều kiện làm sứ đồ, rằng ông còn thua xa các sứ đồ của Chúa. Vì thế Phao-lô phải xác nhận rằng ông được gọi làm sứ đồ không phải do loài người nhưng do chính Chúa Cứu Thế và chính Thượng Đế, một trong trường hợp đặc biệt (1:13). Hơn nữa Phao-lô không học Phúc Âm với người nào cả, nhưng được Đức Chúa Trời trực tiếp khải thị cho ông học hiểu Phúc Âm (1:12,16). Đến khi Phao-lô gặp các sứ đồ, ông cũng không học thêm được điều gì hơn những điều Chúa dạy ông. Các sứ đồ cũng không ép Tít là người Hy Lạp được ông dìu dắt tin Chúa phải chịu cắt bì để được cứu rỗi. Các sứ đồ kia cũng nhìn nhận Phúc Âm Phao-lô truyền giảng là chính xác. Ngay khi sứ đồ Phê-rô có lỗi, Phao-lô cũng thẳng thắn khuyên răn, trách thiện như một người lãnh tụ ngang vai (2:14-16).
Phao-lô nhấn mạnh rằng giữa các sứ đồ khác và ông đã có sự đồng tâm nhất trí, và đã thỏa thuận phân công trong lãnh vực truyền bá Phúc Âm. Phê-rô giảng dạy cho người Do-thái, còn Phao-lô giảng dạy cho người nước ngoài tức là những người không chịu cắt bì. Các giáo sư giả mạo ấy không có lý do nào để ly gián Phao-lô và các sứ đồ khác của Chúa Cứu Thế. Tiến công một mặt chưa đủ, họ còn dựng đứng phao vu rằng Phao-lô vẫn kín đáo dạy người ta chịu cắt bì, tiền hậu bất nhất, làm sao tin được.
Nói tắt một lời, cơ hội viết thư Ga-la-ti là tình trạng suy đồi nhanh chóng của đức tin trong lòng người Ga-la-ti mới tin Chúa, là nguy cơ trầm trọng do các giáo sư giả mạo Do-thái gây ra, chẳng những có thể chia rẽ Hội thánh chung, ly gián các sứ đồ mà còn kéo anh em tín hữu Ga-la-ti vào tình trạng nô lệ tinh thần. Vừa được giải phóng khỏi ách nô lệ tội lỗi, họ đã bị tròng lên cổ ách nô lệ luật pháp Do-thái cũng gọi là luật lệ Mai-sen, do đó họ bị tách rời khỏi Chúa Cứu Thế.
Mục đích thư Ga-la-ti cũng thật là rõ rệt, Phao-lô đã dày công sáng lập các Hội thánh xứ Ga-la-ti nên ông coi tín hữu như con ruột. Không một người cha nào thấy đàn con lâm nạn mà ngoảnh mặt bỏ rơi.
Phao-lô viết thư Ga-la-ti nhằm mục đích rọi ánh sáng Phúc Âm để xua tan bóng tối, nhờ luồng gió mạnh của Thánh Linh để thổi tan luồng tử khí dày đặc của kẻ thù nguy hiểm. Phao-lô chỉ nhắm mục đích giúp tín hữu Ga-la-ti thấy và biết được Chúa Cứu Thế Jê-sus, thấy rõ ràng tận mắt trong tâm hồn, hình ảnh Chúa Cứu Thế trên cây thập tự được nổi bật lên, để đem lại cho tín hữu chân lý về sự giải phóng con người toàn diện qua sự hy sinh của Chúa Cứu Thế. Con người chỉ được tự do thật khi đồng chết đồng sống với Chúa Cứu Thế Jê-sus.
KẾT LUẬN
Cũng như Phao-lô, người theo Chúa và phục vụ Chúa ngày nay thường bị hiểu lầm, chống đối, nói xấu và vu cáo. Nhưng chúng ta không nản lòng, bỏ cuộc, cũng không bao giờ coi những người chống đối, làm hại là thù nghịch, nhưng là nạn nhân đáng thương của Sa-tan. Cũng như Phao-lô, chúng ta quả quyết rằng: nếu tôi còn lo làm đẹp lòng người thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Chúa Cứu Thế Jê-sus.
Mục đích cuộc đời theo Chúa là làm đẹp lòng Chúa, không phải làm đẹp lòng người. Kinh nghiệm của Phao-lô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi và khích lệ lớn lao vô cùng.