Khảo Học Thư Ga-la-ti
CÂY THẬP TỰ CỦA NGƯỜI TỰ DO (6:11-18)
1. Lúc còn nhỏ, tôi được nghe một số người đề cập đến cây thập tự của người theo Chúa. Một tín hữu cỡ trung niên có bà vợ khó tính đã nói rằng: “Cây thập tự của mỗi người là bà vợ mình đó!” Nếu hiểu như thế, ai có vợ khó tính cũng đều vác cây thập tự, kể cả người chưa tin Chúa sao? Trong khi ấy những người không lập gia đình trong Hội Thánh cũng đều khỏi vác cây thập tự sao?
2. Một người khác đã kể câu chuyện ngụ ngôn này: Một ông được Chúa giao cho cây thập tự để vác nặng hơn của người khác, suốt đời theo Chúa đã than thở rằng cây thập tự mình quá nặng. Một hôm trong giấc mơ, anh lên tìm gặp Chúa trên ngọn đồi Gô-gô-tha, thấy cả ngọn đồi đều đầy dẫy những cây thập tự, đủ cỡ, đủ kiểu, đủ chất liệu.
Anh phàn nàn với Chúa: “Chúa cho con cây thập tự nặng quá, con mang không nổi. Sao Chúa cho nhiều người khác cây thập tự nhẹ hơn nhiều? Xin Chúa cho con chọn cây thập tự khác!” Chúa đáp: “Con cứ chọn đi!” Anh tìm quanh, cố tìm một cây thập tự mình thích. Thấy một cây có vẻ nhẹ nhàng, anh thử vác lên vai, nhưng lúc ấy mới thấy gai đâm thấu thịt, thì ra cây thập tự ấy bằng gai. Anh chọn một cây khác đỡ lên vai, bị lưỡi dao cắt rạch máu đổ chan hòa. Anh bỏ xuống, tìm một cây thập tự cỡ trung bình vác lên, nhưng nó nặng như chì, anh quỵ xuống, mang không nổi. Anh chọn một cây thập tự bằng vàng nhỏ bé, dễ thương, vừa để lên vai anh thấy da thịt bị phỏng, thì ra nó bằng lửa.
Sau khi thử một vòng đủ các loại cây thập tự, anh chọn được một cây vừa ý nhất, vừa đủ sức anh mang. Anh đến xin Chúa cho anh vác cây thập tự ấy. Chúa bảo: “Đây đúng là cây thập tự con mang trả lại ta lúc nãy! Con thấy không, nó vừa sức con hơn cả!” Anh ăn năn, không còn phàn nàn nữa, nhưng từ đó vui tươi vác cây thập tự mình theo Chúa.
Bài học luân lý có thể rút tỉa trong câu chuyện ấy thực là thâm thúy, nếu hiểu cây thập tự Chúa bảo người theo Ngài phải mang là một thứ gánh nặng hay trách nhiệm lớn lao nặng nề. Ý này Phao-lô đã đề cập trong 6 câu đầu chương cuối bức thư Ga-la-ti: hãy ghé vai chung gánh với nhau, nhưng nếu ta đọc kỹ lời phán dạy của Chúa Cứu Thế, ta sẽ tìm thấy một ý nghĩa sâu sắc hơn. Chúa đã dạy một người:
Nếu ai muốn theo ta, phải tự chối mình, mỗi ngày vác thập tự mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống thì sẽ được cứu. Nếu ai được cả thiên hạ mà chính mình phải mất hoặc hư đi, thì có ích gì? Vì nếu ai hổ thẹn về ta và lời ta, thì ta sẽ hổ thẹn về họ, khi ta ngự trong vinh hiển của mình, của Chúa Cha và của thiên sứ thánh mà đến. (Lưu 9:23- 26).
3. Một số đông người thường hiểu “vác cây thập tự” là hy sinh tính mạng vì Chúa, là tử đạo. Đó là một sự hy sinh cao thượng, anh dũng, đầy ý nghĩa và gây ảnh hưởng sâu rộng cho Phúc Âm, như một sử gia đã nói: “Huyết người tử đạo là hạt giống của Phúc Âm.”
Tuy nhiên, căn cứ theo lời dạy của Chúa Cứu Thế: “Nếu ai muốn theo ta, phải tự chối mình, mỗi ngày vác cây thập tự mình mà theo ta. ” Ta phải tự hỏi nếu Chúa bảo ta tử đạo thì sao lại phải vác cây thập tự mình mỗi ngày? Sao Chúa còn nhấn mạnh: phải tự chối mình? Hơn nữa, đâu phải tất cả những người theo Chúa đều phải tử đạo? Thế mà Thánh Kinh ghi rõ lời dạy về việc vác cây thập tự, Chúa phán dạy mọi người, chứ không riêng gì các sứ đồ, các tôi tớ Chúa, các hàng giáo phẩm hay các thánh tử đạo.
Như thế từ liệu “vác cây thập tự” còn có ý nghĩa sâu sắc hơn nữa, một ý nghĩa mà Phao-lô đã trình bày trong mấy câu cuối cùng của bức thư Ga-la-ti 6:11-18:
Chính tay tôi viết những dòng cuối thư này cho anh em, những người ép buộc anh em chịu cắt bì chỉ có một dụng ý: họ chiều theo thị hiếu quần chúng, sợ bị khủng bố nếu họ nhìn nhận Chúa Cứu Thế hy sinh trên cây thập tự để cứu rỗi loài người. Họ chịu cắt bì nhưng chẳng vâng giữ luật pháp. Họ muốn ép anh em chịu cắt bì để khoe rằng anh em là môn đệ họ. Còn tôi, tôi chỉ khoe khoang, hãnh diện về cây thập tự của Chúa Cứu Thế Jê-sus chúng ta. Nhờ cây thập tự ấy, tôi xem thế gian như đã bị đóng đinh và thế gian coi tôi như đã chết. Điều quan trọng không phải chịu thánh lễ cắt bì hay không, nhưng là tâm hồn có được Chúa đổi mới hay không? Cầu Chúa thương xót và ban bình an cho mỗi người sống theo tiêu chuẩn đó và cho cả dân Y-sơ-ra-ên của Ngài nữa.
Tôi mong từ nay về sau, không còn làm khó dễ cho tôi vì những vấn đề ấy nữa, vì thân thể tôi mang những vết sẹo chứng tỏ tôi là người của Chúa Jê-sus. Cầu chúc anh em được hưởng ân phúc dồi dào của Chúa Cứu Thế Jê-sus. Thân kính. Phao-lô.
Ngoài câu mở và câu kết, đoạn văn này gồm 4 đại ý, xoay quanh đề tài “cây thập tự của người tự do.”
– Một số người sợ bị khủng bố vì cây thập tự của Chúa Cứu Thế. (câu 12-13)
– Người theo Chúa hãnh diện về cây thập tự của Chúa Cứu Thế. (14a)
– Ai đã chịu đóng đinh với Chúa đều có vết tích trong bản thân. (câu 17)
I. MỘT SỐ NGƯỜI SỢ BỊ KHỦNG BỐ VÌ CÂY THẬP TỰ CỦA CHÚA CỨU THẾ.
Anh em tín hữu Ga-la-ti đã bị hoang mang rối loạn vì một số người Do-thái tự nhận là người theo Chúa, kỳ thực họ chỉ coi Chúa Cứu Thế là phụ thuộc, là một thứ hoa lạ điểm thêm cho Do-thái giáo mà họ đã theo đúng truyền thống.
Đối với họ, nòng cốt đạo lý vẫn là luật pháp Mai-sen mà truyền thống đã biến thành một hệ thống giáo điều và lễ nghi cứng nhắc, lạnh lùng. Họ xin gia nhập giáo hội, giữ lễ nghi bên ngoài, nhưng con người bề trong vẫn không thay đổi.
Giáo hội đối với họ chỉ là một bàn đạp để tiến thân, để lợi dụng mà bành trướng Do-thái giáo. Họ quyến rũ những người nước ngoài đã tin Chúa Cứu Thế, ép buộc phải chịu lễ cắt bì để khoe khoang với người Do-thái là họ đã đem được nhiều người nước ngoài gia nhập Do-thái giáo. Kỳ thực chính họ cũng không vâng giữ luật pháp Mai-sen đúng mức, họ chỉ thích dạy người khác giữ giáo luật, giáo nghi. Vì sao họ ép anh em Ga-la-ti chịu lễ cắt bì, chỉ vì họ rất sợ cây thập tự của Chúa Cứu Thế, sợ nói đến, sợ nghĩ đến cây thập tự đó, vì đối với họ cây thập tự là gương xấu (I cổ 1:23), là sỉ nhục, là điên dại. Hơn nữa, nếu chấp nhận Chúa Cứu Thế chịu chết trên cây thập tự để cứu rỗi cả nhân loại thì các thánh lễ như cắt bì còn có ích lợi gì đâu? Phao-lô đã viết cho Hội Thánh cổ linh:
Lời giảng về cây thập tự thì những người hư mất cho là điên dại, song về phần chúng ta là kẻ được cứu chuộc thì cho là quyền năng của Đức Chúa Trời (I Cổ 1:18).
Ngày nay một số người muốn lấy thánh lễ thay thế cây thập tự; lấy công việc giữ giáo luật thay thế cho sự vâng lời Chúa; lấy đức hạnh hay cuộc đời đạo hạnh thay thế cho quyền năng đổi mới của Chúa Thánh Linh. Họ chỉ muốn hùa theo số đông – một số đông tương đối tùy khu vực, tùy xã hội – thỏa thuận và toa rập với số đông để khỏi bị khủng bố. Xét cho cùng, họ hổ thẹn về cây thập tự của Chúa Cứu Thế. Họ sợ sẽ bị gia đình, bạn hữu, làng xóm, xã hội chế giễu, tước đoạt quyền lợi và bắt bớ, nếu họ công khai nhìn nhận Chúa Cứu Thế đã hy sinh trên cây thập tự để cứu rỗi loài người.
II. NGƯỜI THEO CHÚA HÃNH DIỆN VỀ CÂY THẬP TỰ CỦA CHÚA CỨU THẾ.
Động từ “hãnh diện” theo nguyên tác Hy-bá-lai là khoe khoang, là đề cao, là nói lên cho nhiều người biết. Chữ này ở đây không có nghĩa khoe khoang theo lối sai lầm như trong Ga-la-ti 2:17,23 theo ý nghĩa khoe mình hay tự đề cao (tuy cũng dùng chữ ксшхаоцса), cũng không có ý nghĩa xấu như từ ảXa£úv, theo ý tự tôn tự đại như trong La 1:30 và II Ti 3:2, là những tính xấu đáng lên án của bản tính cũ. Đối tượng sự khoe khoang này không phải là công đức đáng khen, là bản ngã cao thượng, là thành quả lớn lao nhưng đối tượng là Chúa Cứu Thế, là cây thập tự của Chúa Cứu Thế.
Trong khi người Do-thái đòi phép lạ, người Hy- lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng ta truyền giảng Chúa Cứu Thế bị đóng đinh trên cây thập tự, là điều người Do-thái lấy làm gương xấu, các dân tộc khác cho là rồ dại, nhưng những người được gọi (tức là được cứu rỗi) thì Chúa Cứu Thế là quyền năng của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời … Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn, Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ mạnh, Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời, và hầu cho ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa (I Cổ 1:22-24, 27-29, 31).
III. NGƯỜI THEO CHÚA CHỊU ĐÓNG ĐINH TRÊN CÂY THẬP TỰ VỚI CHÚA CỨU THẾ .
Người theo Chúa đã bị đóng đinh vào cây thập tự với Chúa Cứu Thế, như Phao-lô đã viết trong thư Ga-la-ti 2:20. Vì chúng ta đã học hỏi câu này qua mấy bài trước nên không cần đi sâu vào các ý nghĩa cao quý của nó. Thiết tưởng chỉ cần nhắc lại một điều, khi chúng ta ăn năn tội lỗi, tin nhận Chúa Cứu Thế, thì Chúa kể chúng ta đã được đóng đinh trên cây thập tự với Ngài rồi, quá khứ tội lỗi đã bị đóng đinh, sự sống cũ đã bị giết chết, và chúng ta bắt đầu một cuộc đời mới, với một sức sống mới, sức sống của chính Chúa Cứu Thế, chính Chúa Cứu Thế đang sống trong chúng ta và sẽ ở với chúng ta suốt đời.
Nhưng qua câu Kinh Thánh vừa đọc, sứ đồ Phao-lô muốn đưa một ý nghĩa mới mẻ, sâu sắc vào ý nghĩa “vác cây thập tự” hay “chịu đóng đinh trên cây thập tự với Chúa Cứu Thế.” Người theo Chúa không phải chỉ chịu đóng đinh một lần đủ cả. Đây là ý nghĩa thực tiễn của cây thập tự trong đời sống hằng ngày. Cây thập tự liên tục và vĩnh viễn phân rẽ người theo Chúa với tinh thần của thế gian. “Nhờ cây thập tự đó, tôi coi thế gian như đã bị đóng đinh, và thế gian coi tôi như đã chết.”
Đây là một kinh nghiệm rõ rệt, dứt khoát và liên tục. Đây là chiều kích thời gian của kinh nghiệm vác cây thập tự như Phao-lô đã viết: “Thưa anh em, tôi chết hằng ngày,” và như Chúa Cứu Thế đã dạy: “Ai muốn theo ta, mỗi ngày hãy vác cây thập tự mình mà theo ta.” Chịu tử đạo là phải anh dũng hy sinh, nhưng chịu đóng đinh với Chúa và hằng ngày vác thập tự theo Chúa là điều khó khăn hơn, anh dũng hơn và đòi hỏi hy sinh liên tục. Mỗi ngày vác thập tự mình theo Chúa là hằng ngày xác nhận tinh thần thế gian đã chết đối với mình, không còn quyến rũ lôi cuốn mình được nữa, là hằng ngày ý thức rằng thế gian coi như mình đã chết, đã dứt khoát thoát ly khỏi quyền lực tối tăm của nó, vì con người theo Chúa đang có sức sống trong mình, đang được đổi mới theo khuôn mẫu Chúa Cứu Thế nên đang sống tự do, thoát khỏi mọi gông cùm ngục tù, thoát ly sự kềm chế của tinh thần tội lỗi, tinh thần chống nghịch Chúa. Vác cây thập tự theo Chúa hằng ngày là được đổi mới ngày càng hơn. Sống đúng theo tiêu chuẩn ấy là sống tự do trong Thánh Linh, là sống một cuộc đời hạnh phúc tuyệt vời trong sự nhân ái và bình an của Đức Chúa Trời.
IV. AI ĐÃ CHỊU ĐÓNG ĐINH VỚI CHÚA ĐỀU CÓ VẾT TÍCH TRONG BẢN THÂN.
Phao-lô kết thúc: “Tôi mong từ nay, không còn ai làm khó dễ cho tôi vì những vấn đề ấy nữa, vì thân thể tôi mang những vết sẹo chứng tỏ tôi là người của Chúa Jê-sus…” Vết tích của Phao-lô có lẽ là những vết sẹo ghi dấu những trận đòn nát thịt, những cuộc ném đá tưởng chết, nhưng có lẽ Phao-lô dùng một hình ảnh quen biết do phong tục thời đại ấy để nói về vết tích của cây thập tự trên bản thân ông.
Thời ấy người chủ nô lệ thường dùng một thanh sắt có khắc tên hiệu mình, rồi nướng đỏ áp vào vai hay chân người nô lệ. Thân thể người nô lệ luôn luôn mang vết tích, tên hiệu của chủ để nhắc nhở cho mình và mọi người rằng mình thuộc về chủ ấy. Phao-lô muốn dùng nghĩa bóng của hình ảnh ấy để nói đến một sự thật: con người chỉ thật được tự do khi được Chúa Cứu Thế giải phóng, được Chúa đánh dấu trong tinh thần cũng như thể xác để biệt riêng làm một người của Chúa, một người có Chúa trong lòng, một người liên tục thể hiện sự sống diệu kỳ của Chúa Cứu Thế trong cuộc sống hằng ngày.