Chương 5-Lịch Sử Truyền Giáo (P2)

II. CÁC HỘI TRUYỀN GIÁO ĐỘC LẬP

download (2)

Vào khoảng ba bốn mươi năm trở lại đây, số giáo sĩ của các Hội Truyền giáo trực thuộc các giáo phái cố cựu, gia tăng chậm hơn số giáo sĩ của các Hội Truyền giáo độc lập, cũng gọi là các Hội Truyền giáo “đức tin.”

Phong trào truyền giáo “đức tin” bắt đâu với J. Hudson Taylor. Khi thiết lập Hội Truyền giáo Nội địa Trung-quốc vào năm 1865, Hudson không hề có ý chống tinh thần giáo phái, nhưng chỉ đứng ra gánh vác công cuộc truyền bá Tin Lành cho nội địa Trung-quốc, một trách nhiệm lúc đó không cố giáo phái nào đứng ra đảm nhiệm cả. Hudson không nhờ cậy các hệ thống giáo phái cung cấp nhân viên hay tài chánh mà đặt đức tin mình hoàn toàn vào Đức Chúa Trời, để Chúa cảm động các cá nhân góp phần vào công cuộc truyền giáo. Như vậy, với tinh thần “cộng đồng,” Hudson đã sẵn sàng hoan nghênh sự cộng tác của các giáo sĩ thuộc nhiều nhóm Phúc Âm khác nhau.

Vào cuối thế kỳ 19, có một số Hội Truyền giáo độc lập khác được thiết lập, theo đường lối của Hội Truyền giáo Nội địa Trung-quốc, như Hội Liên Hiệp Truyền giáo cho các miền xa xăm, Hội Truyền giáo Phúc Âm ở Phi Châu, Hội Truyền giáo Trung Mỹ, Hội Truyền giáo Liên Hiệp Scandinavie, Hội Truyền giáo Nội địa Sudan, Hội Truyền giáo Nội địa Phi Châu v.v…Vào thế kỷ thứ 20, nhất là từ sau Thế chiến thứ II đến nay, các Hội Truyền giáo này cứ tiếp tục phát triển và gia tăng nhanh chóng.

Một trong những nguyên nhân của sự phát triển nhanh chống của các Hội Truyền giáo độc lập hay liên giáo phái là khuynh hưóng thần đạo của các giáo phái lớn. Thuyết Tân Phái đã xâm nhập vào các giáo phái này, bắt đầu bằng việc chiếm các đại chủng viện, rồi đến các giáo đường, đến tổ chức hành chánh và đến đời sống tinh thần. Các nhóm “tiến bộ” tân phái giải thích Kinh Thánh cho hợp với thị hiếu hiện đại. Dưới nhiều hình thức khác nhau, các nhóm “tiến bộ” tân phái đã kiểm soát hầu hết các giáo phái lớn, đồng thời cũng đã làm cho giáo phái mất dần mối quan tâm đến công cuộc truyền giáo. Ngoài ra việc làm tê liệt các hoạt động truyền giáo của các giáo phái, các nhóm tiến bộ tân phái, đã làm cho nhiều hội viên, nhất là những người trung thành với Kinh Thánh rút ra và gia nhập các Hội độc lập, các Hội theo Kinh Thánh thuần túy và nhờ đó các Hội này tăng trưởng rất nhanh chống. Trong số các Hội mới này có Giáo hội Phúc Âm tự do, các nhóm Ngũ Tuần v.v… Các hội viên ly khai khỏi các giáo phái lớn phần nhiều là những người vốn nhiệt tâm ủng hộ công cuộc truyền giáo, nên khi mất lần các hội viên này, các giáo phái lớn lại càng suy giảm tinh thần truyền giáo. Một số hội viên vẫn ở lại với giáo phái mình, nhưng khi thấy công cuộc truyền giáo ở đây sa sút, họ liền dâng tiền ủng hộ các Hội Truyền giáo độc lập.