Chương 4-Lịch Sử Truyền Giáo (P4)
V. CÁC THÁNH KINH HỘI
Có hai tổ chức đã đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc truyền giáo, đó là Thánh Kinh Hội Anh quốc và Hải Ngoại, sáng lập vào năm 1804 và Thánh Kinh Hội Hoa-kỳ, sáng lâp vào năm 1816. Lúc đầu các giáo sĩ đến một khu vực truyền giáo mới thì lo dịch Kinh Thánh, và giao cho các Thánh Kinh Hội lo việc ấn loát, phổ biến. Nhờ tính cách hoàn toàn độc lập không lệ thuộc giáo phái nào nên các Thánh Kinh Hội được tất cả các giáo phái ủng hộ và cộng tác. Hiện nay ngoài việc ấn loát và phổ biến Kinh Thánh, các Thánh Kinh Hội còn có những nhà chuyên môn về công tác dịch thuật sẵn sàng giúp đỡ các giáo sĩ trong việc dịch Kinh Thánh ra các tiếng mới.
Như vậy, ta thấy chỉ trong vòng 25 năm sau khi Carey khởi xướng phong trào truyền giáo, đã có nhiều bước tiến rất quan trọng trong lịch sử truyền giáo và một phong trào truyền giáo rộng lớn, có tổ chức khá chặt chẽ đã được thành hình. Với tổ chức này, các giáo sĩ phần lớn để hết thì giờ vào công cuộc truyền giáo, hay những hoạt động liên hệ trực tiếp đến truyền giáo, liên lạc chặt chẽ với giáo phái để sai họ đi, chịu sự lãnh đạo và nhận sự yểm trợ của các giáo phái ấy, và nhiều khi cũng truyền thụ các đặc tính giáo phái của họ cho các chi hội mà họ góp phần thiết lập ở hải ngoại.
Nói chung thì phần đông các giáo sĩ Cải Chánh cố gắng cho khỏi dính líu với chính trị. Nhưng dầu họ có thực tâm thiện chí đến đâu nữa, dân chúng địa phương vẫn cho rằng không ít thì nhiều họ cũng có liên hệ đến quyền lợi chính trị của tổ quốc họ, nhứt là khi tổ quốc họ lại là một cường quốc. Có điểm đáng lưu ý là, mặc dầu bị tai tiếng như vậy, phong trào truyền giáo toàn thế giới vẫn đạt được những kết quả phi thường.
Phong trào truyền giáo mới này, về hình thức không giống cuộc truyền giáo của các Sứ đồ thế kỷ thứ nhứt, cững không giống các hoạt động truyền giáo vào thời đại Trung Cổ.