Chương 3-Lịch Sử Truyền Giáo (P1)

THỜI ĐẠI SINH ĐỘNG

(Từ năm 1500 đến năm 1792)

download (1)

I. CÁC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO LA MÃ

Vào cuối thế kỷ thứ 15, tình hình chung của Cơ-đốc giáo, hay nối đúng hơn là tình hình của Giáo hội mệnh danh là Cơ-đốc giáo, vô cùng đen tối. So với dân số thế giới thì số tín đồ chỉ là thiểu số và có lẽ còn ít hơn số tín đồ trước đây 1.000 năm. Ngoại trừ bán đảo Tây-ban-nha, toàn thể Âu Châu được chính thức gọi là “xứ Cơ-đốc” nhưng Âu Châu lúc đó lại phân chia thành mấy chục tiểu vương quốc tranh giành, chống đối nhau và không có ảnh hưởng nào đáng kể trên thế giới cả.

Giáo hội lúc ấy đang ở trong tình trạng bạc nhược tâm linh. Các nhà lãnh đạo tối cao của Giáo hội nắm trong tay rất nhiều quyền hành và thế lực. Trong nhiều trường hợp, giáo quyền cấu kết với chính quyền và chính quyền gây nên nhiều hậu quả vô cùng tai hại. Nhiều “người chăn bầy”, từ cấp cao đến cấp thấp, đã trở thành “người chăn thuê”, như chính Chúa Cứu Thế đã mô tả trong sách Phúc Âm Giăng chương 10. Tình trạng suy đồi này đã thúc đẩy nhiều người có thiện tâm thiện chí đứng lên yêu cầu Giáo hội cải thiện và cuối cùng đưa đến cuộc cải cách lớn trong Cơ-đốc giáo vào thế kỷ thứ 16.

Trong khi đó, tinh thần truyền bá Phúc Âm hầu như chết hẳn. Các giáo sĩ mạo hiểm vượt sa mạc, núi non hiểm trở để đến Trung-hoa đều đã chết cả và tinh thần của họ cũng đã chết theo họ. Ở những quốc gia như Ai-cập, Ấn-độ, Ba-tư V.V.. chỉ còn lẻ tẻ một vài nhóm Cơ-đốc nhỏ bé yếu ớt. Ở đâu giáo hội cũng bị nghẹt ngòi tê liệt.

A. Phát Triển Ở Tây Âu

Sau cuộc trường kỳ kháng chiến suốt bảy thế kỷ rưỡi, nhân dân Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha đã đuổi được người Hồi-giáo ra khỏi lãnh thổ của họ. Mặc dù thành tích này là một thành tích quân sự và chính trị, Giáo hội La-mã đã thâu được một thắng lợi to tát.

Bồ-đào-nha và Tây-ban-nha, nhờ nằm trên bờ Đại-tây- dương và nhờ cuộc kháng chiến trường kỳ đã sản xuất ra được những con người mạo hiểm gan dạ, do đó hai quốc gia này đã có thể gởi những đoàn thám hiểm đi dọc bờ biển phía tây Phi Châu, tiến đến mũi Good Hope, rồi đi lần bờ biển phía đông Phi Châu. Vasco da Gama (1469-1524) của Bồ-đào-nha đã mạo hiểm vượt Ấn-đô-dương để đổ bộ lên bờ biển Ấn-độ. Nhờ vậy Bồ-đào-nha đã chiếm được nhiều đất đai và xây dựng được một đế quốc lớn suốt dọc bờ biển Phi Châu đến tận Ấn-độ và Viễn-đông. Tây-ban-nha cũng có những nhà thám hiểm hăng hái (như Columbus) nên cũng đã mở mang bờ cõi, chiếm thuộc địa ở Mỹ Châu, rồi vượt Thái-bình-dương chiếm Phi-luật-tân.

Trường hợp của Bồ-đào-nha và Tây-ban-nha thật là đặc biệt. Ách thống trị của Hồi-giáo và cuộc trường kỳ kháng chiến đã đào tạo cho họ những chiến sĩ vừa nặng tình yêu nước vừa nhiệt thành với Giáo hội La-mã, vì khi kháng chiến chống người Á-rập, họ coi bổn phận dành độc lập và bổn phận xây dựng lại Giáo hội trên tổ quốc là một bổn phận duy nhất. Tinh thần ấy đã phát lộ trong những cuộc viễn chinh, xâm chiếm đất đai nước ngoài để xây dựng đế quốc. Ba yếu tố chính trị, kinh tế và tôn giáo luôn luôn đi chung với nhau, nên khi chiếm được vùng nào, người Tây- ban-nha và Bồ-đào-nha liền tìm hết cách biến dân địa phương thành “giáo dân”. Chính phủ hai nước này, khi phái quân đội đi chinh chiến chiếm thuộc địa, cũng phái theo những tu sĩ thuộc Dòng Đạo khác nhau, để phụ trách việc truyền giáo. Các tu sĩ này là những nhà “giáo sĩ quốc doanh” được chính quyền và quân đội bảo vệ và cung cấp tài chánh để hoạt động.

Theo chân người Bồ-đào-nha và Tây-ban-nha, là người Pháp, Anh và Hòa-lan.

Người Pháp có khi cũng tìm cách phối hợp nỗ lực quân sự và chính trị với nỗ lực truyền giáo, nhưng so với người Bồ-đào-nha và Tây-ban-nha, họ không nhiệt thành bằng, và thực hiện đường lối ấy không hữu hiệu bằng. Người Anh và Hòa-lan lại chú trọng đến chính trị và thương mãi hơn, và thường làm ngơ, không can thiệp vào sinh hoạt tôn giáo của dân bị trị.

B. Các Hoạt Động Truyền Giáo Ở Mỹ Châu

Như ta đã thấy, đối với các nhà thám hiểm Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha thì nỗ lực “chiếm đất” đi đôi với nỗ lực “biến dân địa phương thành giáo dân.” Đó là đường lối chính thức của chính phủ hai nước này, và đường lối ấy đã được áp dụng triệt để ở Mỹ châu và Phi-luật-tân.

Các tu sĩ thuộc các dòng tu đi theo các đoàn thám hiểm hay đoàn quân viễn chinh Tây-ban-nha đều có nhiệm vụ thuyết phục dân địa phương theo đạo. Nhưng một đôi khi cũng có tu sĩ bị vàng và quyền thế lung lạc. Còn những vị có tinh thần truyền giáo lại nhiều khi bị bực mình vì hoạt động truyền giáo của họ bị trở ngại vì chính quyền và quân đội viễn chinh bóc lột người Da Đỏ cách quá trắng trợn.

Trên nguyên tắc thì không phải chỉ một mình Giáo hội có trách nhiệm truyền giáo thội, nhưng hoàng gia Tây-ban- nha cũng giao phó trách nhiệm “truyền giáo” cho các đoàn quân chinh phạt nữa. Khi tướng tá nào có công, nhà vua liền cất đặt bổ nhiệm vị ấy để nắm quyền cai trị lãnh thổ và đồng thời cũng cho vị ấy cố toàn quyền trên dân chúng địa phương, và có trách nhiệm thuyết phục họ nhập đạo. Như vậy, ta thấy giáo quyền và chánh quyền hoạt động rất chặt chẽ với nhau, hay có khi chỉ là một.

Tình trạng này không khỏi gây ra nhiều tệ đoan, và thỉnh thoảng một vài tu sĩ có thiện tâm thiện chí cũng đã lên tiếng phản đối. Một vị tu sĩ là Bartolomé de las Casas đã thành công trong việc tâu xin triều đình ban hành bộ “Tân Luật” để bảo vệ người Da Đỏ. Nhưng khi vị đại diện hoàng gia đến Peru để thực hiện luật này thì có một cuộc nổi dậy đẫm máu do những tên thực dân gây ra, và bộ “Tân Luật” chẳng mấy chốc đã bị xếp vào viện bảo tàng.

Dù sao đi nữa, chính sách vừa thuyết phục vừa dùng áp lực để biến dân địa phương thành giáo dân ít ra cũng đã đem lạỉ kết quả là đa số dân chúng đã chịu báp-tem gia nhập Giáo hội. Chắc chắn là rất nhiều người đã theo đạo cách miễn cưỡng, nhưng qua mấy thế hệ sau, với chính sách giáo hóa huấn luyện khôn khéo Giáo hội đã biến dân chúng địa phương thành những “con chiên” ngoan đạo trung thành với Tòa Thánh.

Đường lối này do người Tây-ban-nha áp dụng ở hầu hết các quốc gia Nam Mỹ và một phần Bắc Mỹ cũng được Bồ-đào-nha thực hành ở Ba-tây (Brazil) (Nam Mỹ).

C. Các Hoạt Động Truyền Giáo Ở Á Châu

Sau khi mở được đường biển vòng quanh Phi-châu đến Ấn-độ, Mã-lai và đến tận Trung-quốc. Bồ-đào-nha liền thiết lập những “trạm giao thông” và đóng quân ở các địa điểm chiến lược dọc đường ấy dể kiểm soát cuộc giao thương với Đông Phương.

Việc mở mang đế quốc, đặt cơ sở giao thương của Bồ- đào-nha đã mở đường cho vị giáo sĩ nổi danh nhứt của Giáo hội La-mã ở Đông Phương. Vị này là Francois Xavier, gốc người Tây-ban-nha. Khi học tại Viện đại học Ba-lê, Xavier đã gặp Ignatius ở Loyola và được ông này trình bày cho biết ý định sáng lập ra Dòng Tên (Jesuit). Khi Dòng Tên được sáng lập vào năm 1540, Xavier đã trở thành vị giáo sĩ thứ nhứt và có lẽ cũng là vị giáo sĩ tiếng tăm nhứt của dòng này.

Xavier bắt đầu hoạt động ở những vùng đất Ấn-độ thuộc Bồ-đào-nha, và đã làm báp-tem cho khá nhiều người lớn lẫn trẻ con. Nhưng có lẽ kết quả chỉ ở bề mặt chớ không có chiều sâu.

Chúng ta phải công nhận rằng: Francois Xavier là một vị giáo sĩ hết sức tận tâm hăng hái với chức vụ và hết sức trung thành với Chúa Cứu Thế Jê-sus. Là chiến sĩ truyền giáo tiền phong, Xavier đã để lại nhiều gương sáng cho các nhà truyền giáo các thế hệ sau.

Bài thơ sau đây của Xavier (tạm dịch ra tiếng Việt) cho ta thấy rỗ tinh thần và trí thức thuộc linh của ông ta:

“Lạy Thiên Chúa, lòng con tha thiết kính yêu,

Chẳng phải vì yêu mà được thiên đàng,

Còn không yêu thì hồn sa hỏa ngục.

Chúa Cứu Thế đã yêu con trên cây thập tự.

Đã chịu giáo đâm đinh đóng

Chịu nhục nhằn trăm nổi chỉ vì con.

Chúa gánh khổ đau trăm cay ngàn đắng,

Cho đến giờ hấp hối, phút trút linh hồn,

Tất cả chỉ vì con,

Là kẻ đã nghịch thù và phản bội Chúa

Lạy Chúa Cứu Thế, lòng con yêu Ngài tha thiết Không phải vì khi ấy sợ hỏa ngục hư vô!

Đâu có phải con yêu để được gì,

Đâu có phải con yêu là vì phần thưởng.

Con yêu Chúa, vì Chúa đã yêu con,

Tình yêu của Chúa đời đời bất diệt.

Con đang yêu, và mãi mãi yêu Ngài,

Tình yêu bật lên tiếng hát ngợi ca Vì Jê-sus là Thiên Chúa,

Là Vua, là Chúa của lòng con.”

Sau khi hoạt động ở Ấn-độ ít lâu, Xavier qua In-đô-nê-xi-a, Mã-lai để truyền giáo. Khi đang ở Mã-lai, Xavier gặp một người Nhật tên là Hanjưo, và được nghe ông này nói về nước Nhật nên Xavier quyết định đi truyền giáo cho quốc gia này, và là vị giáo sĩ đầu tiên đặt chân lên đất Nhật. Sau đó có một số giáo sĩ Dòng Tên đến Nhật tiếp tục công cuộc truyền giáo của Xavier suốt 100 năm.

Lúc đầu một số nhà quí tộc phong kiến Nhật-bản nâng đỡ các giáo sĩ Dòng Tên vì có lợi trong cuộc giao thương với Bồ-đào-nha. Nhưng khi số tín đồ Nhật-bản gia tăng, chánh quyền liền sinh ra nghi ngờ cho rằng các giáo sĩ tham dự vào hoạt động chính trị để mở đường cho một cuộc xâm lăng của ngoại bang. Trong khi đó có mấy tu sĩ Tây-ban- nha thuộc dòng Franciscan từ Phi-lật-tân đến Nhật đã lên tiếng chỉ trích các giáo sĩ Dòng Tên, và làm cho người Nhật càng nghi ngờ hơn nữa. Đến vào khoảng giữa thế kỷ thứ 17, các giáo sĩ ngoại quốc bị bắt giết hoặc bị trục xuất, các nhà quí tộc phong kiến đã theo đạo đều bị loại trừ và Cơ-đốc giáo bị cấm đoán triệt để. Rồi suốt hai trăm năm Nhật-bản áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng, cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài.

Sau nhiều năm cố gắng, một giáo sĩ Dòng Tên là Mateo Ricci, đã đến được Bắc-kinh, Trung-quốc vào năm 1601. Trung quốc là một nước rất hãnh diện về nền văn minh của mình và coi cái gì ngoại lai cũng là “man di” cả. Nhưng các tu sĩ Dòng Tên, nhờ kiến thức khá vững chắc về khoa học, đã làm cho hoàng đế và chánh quyền Trung-hoa kính nể và cho phép họ được tương đối tự do hoạt động. Họ liền ra công nghiên cứu những sở trường sở đoản của các tôn giáo đang thịnh hành ở Trung-quốc, so sánh theo hệ thống các điểm dị đồng tức là điểm khác biệt và điểm phù hợp giữa các tôn giáo này với Cơ-đốc giáo rồi tìm cách làm cho triết lý Cơ-đốc thích hợp với tư tưởng và khái niệm Trung-hoa.

Đường lối này của các tu sĩ Dòng Tên bị các giáo sĩ các Dòng khác công kích kịch liệt và lên án là: các tu sĩ Dòng Tên chẳng những đã áp dụng đường lối tư tưởng Trung-hoa mà còn làm lệch lạc sứ mạng căn bản Cơ-đốc giáo nữa. Giáo sĩ Matteo Ricci mượn đúng chữ “Thiên” của Khổng- giáo để chỉ về Đức Chúa Trời, trong khi các Dòng khác không đồng ý. Nội vụ phải trình về Vatican, và Giáo hoàng quyết định cho dùng chữ “Thiên Chúa.” Hoàng đế Trung- hoa thấy vậy liền ra lệnh: tất cả các giáo sĩ đều phải theo đúng đường lối của Matteo Ricci ai không theo sẽ bị trục xuất.

Cuộc tranh chấp đó đã làm yếu hẳn phong trào truyền giáo của Giáo hội La-mã ở Trung-hoa, và thời kỳ này (vào năm 1724 và 1736) có lệnh trục xuất tất cả các giáo sĩ ngoại quốc ra khỏi Trung-hoa.

D. Hoạt Động Truyền Giáo ở Phi Châu

Hoạt động của các giáo sĩ Dòng Tên ở Phi Châu nặng về chính trị hơn là truyền giáo, nếu ta hiểu nghĩa chữ “truyền giáo” là đem Phúc Âm tức là Tin Lành cứu rỗi cho người chưa tin.

Khi nghe đồn rằng ngay ở biên giới phía đông nam của Bắc Phi, là vùng Hồi-giáo, có một vị vua Cơ-đốc đã lãnh đạo quốc giáo Ê-thi-ô-pi chống lại Hồi giáo cách oai hùng, một số tu sĩ Dòng Tên nghĩ rằng: Nếu Tây Phương liên minh với vị vua Cơ-đốc này để áp dụng chiến lược “lưỡng diện tấn công” thì chắc có thể đánh bại Hồi-giáo được.

Nhưng khi đặt chân lên đất Ê-thi-ô-pi, họ thất vọng chẳng những vì nước này là một nước khá lạc hậu, mà cũng vì họ cho rằng Giáo hội Coptic ở đây hoàn toàn theo “tà giáo.” Vì vậy, công cuộc truyền giáo của các tu sĩ Dòng Tên chỉ tập trung vào nỗ lực kéo Giáo hội Ê-thi-ô-pi vào vùng ảnh hưởng của Giáo hội La-mã. Lúc đầu họ khá nặng về chính trị nên gây ra nhiều chống đối, và cuối cùng đã xảy ra một cuộc chiến tranh đẫm máu. Tất cả các giáo sĩ Dòng Tên đều bị trục xuất, và Ê-thi-ô-pi lại đóng cửa với thế giới bên ngoài.

Ngoài Ê-thi-ô-pi ra , các tu sĩ Giáo hội La-mã cũng theo chân các nhà thám hiểm, thương mại và quân viễn chinh Bồ-đào-nha đến truyền giáo ở Congo, Guinea và các xứ dọc bờ biển phía đông Phi Châu và đảo Madagascar. Họ hoạt động rất hăng say và thu lượm được khá nhiều kết quả. Nhưng đến giữa thế kỷ thứ 18, các hoạt động truyền giáo của Giáo hội La-mã hầu như bị quét sạch khỏi lục địa Phi Châu, không để lại dấu vết gì đáng kể.

Những lý do của sự thảm bại này là:

–     Vì không hạp thủy thổ và thiếu thuốc men, quá nhiều giáo sĩ bị bệnh tật mà chết;

–     Vì người Bồ-đào-nha có liên hệ với hoạt động ruồng bắt và buôn bán nô lệ người da đen mà tất cả các giáo sĩ Giáo hội La-mã hoạt động ở các vùng này đều là người Bồ- đào-nha, nên họ bị dân chúng địa phương nghi kỵ;

–     Vì các giáo sĩ không lo giáo dục tín đồ địa phương cũng không huấn luyện các lãnh tụ bản xứ để lo cho Giáo hội bản xứ,

–     Vì tình hình chính trị quá bấp bênh ở Phi Châu, các bộ lạc cứ nổi lên chém giết nhau liên tiếp, làm tê liệt các hoạt động truyền giáo.