Chương 2-Lịch Sử Truyền Giáo (P2)

II. PHONG TRÀO ẨN TU

Hoa-1

Từ ngữ “ẩn tu” hay “khổ tu” chúng ta dùng đây để dịch từ ngữ “monasticism”, gốc ở từ monastic có nghĩa là ở một mình.

Một phần vì muốn sống cuộc đời đơn sơ đạm bạc để có nhiều thì giờ suy gẫm Kinh Thánh và cầu nguyện, một phần khác vì muốn xa lánh tình trạng sa đọa ô nhiễm cả ở ngoài lẫn ở trong Giáo hội nên một số người đã đi ẩn tu. Phong trào ẩn tu trong Giáo hội La-mã có lẽ do thánh Anthony (cuối thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ tư) ở Ai-cập khởi xướng. Lúc 20 tuổi, Anthony bán hết tài sản đem bố thí cho người nghèo rồi sống cuộc sống ẩn sĩ gần nhà mình, ở miền trung Ai-cập. Hàng ngày Anthony cầu nguyện, suy gẫm và học thuộc lòng Kinh Thánh và làm việc lao động. Đến lúc 35 tuổi, ông rút lui về sống ở hữu ngạn sông Nile để được thanh tịnh vắng vẻ hơn. Hai mươi năm sau, danh tiếng về đời sống thánh thiện của Anthony đã làm cho một số người ẩn tu khác kéo đến các vùng xung quanh để được Anthony hướng dẫn. Những người này tu hành riêng biệt trong tuần, nhưng cứ đến thứ bảy và Chúa nhật là họ họp lại để hát Thi Thiên, đọc Kinh Thánh, cầu nguyện. Họ không có tổ chức chặt chẽ, không có nội qui cũng không có một vị lãnh tụ đứng đầu như các dòng tu được sáng lập vào thế kỷ thứ tư và các thế kỷ sau.

Với các vị như Basil, Athanasius, Augustine v.v. sinh hoạt của các nhà tu được tổ chức lần lần cho cố quy củ hơn. Nhưng phải đợi đến khoảng năm 500, phong trào ẩn tu ở Tây Phương mới được Benedict (năm 480 đến 543) tổ chức thành từng tu viện và các tu sĩ phải có lời nguyện trung thành với dòng tu của mình. Ngoại trừ một vài tu viện thuộc các dòng khác ở Tây-ban-nha và Ái-nhĩ-lan, tất cả các tu viện ở Tây Âu vào trước thế kỷ thứ 10 đều thuộc dòng Benedictines cả. Về sau mới có những dòng tu khác, như dòng Dominicans, Franciscans, dòng Tên (Jesuits), dòng Chúa Cứu Thế (Redemptorists) v.v…

Mặc dù lúc đầu không được Giáo hội La-mã ủng hộ mấy, phong trào ẩn Tu về sau đẵ phát triển rất mạnh. Ngoài những đóng góp đáng kể vào đời sống xã hội, các Dòng Tu đã cung cấp hầu hết giáo sĩ để phát động các phong trào truyền giáo suốt 10 thế kỷ (500 đến 1500).