Chương 2-Lịch Sử Truyền Giáo (P1)

THỜI ĐẠI TRUNG CỔ

(Từ năm 500 đến năm 1500)

Vào khoảng năm 500, đế quốc La-mã bắt đầu tan rã, nhưng tương lai của Giáo hội lại tưởng chừng như có vẻ rất huy hoàng. Giáo hội tiếp tục phát triển về hướng Tây và Đông và đồng thời lo củng cố địa vị trong phạm vi lãnh thổ đế quốc La-mã.

Ở bên ngoài đế quốc, Giáo hội cũng có nhiều triển vọng mặc dù vẫn là thiểu số và thường bị bắt bớ chống đối kịch liệt. Trong thời kỳ này, các giáo sĩ Cảnh giáo (Nestorian) đã tiến thật xa về hướng Đông vào đến tận Trung-quốc.

sea

I. GIÁO HỘI CÓ VẺ XUỐNG DỐC

Tại sao Giáo hội lúc đó bắt đầu xuống dốc, mặc dù có nhiều triển vọng như vậy? Cái gì đã chặn đứng đường tiến của Giáo hội, không để cho phong trào truyền giáo lan tràn khắp thế giới vào thời kỳ đó? Tại sao suốt 1000 năm, từ năm 500 đến năm 1500, Cơ-đốc giáo chỉ là một tôn giáo riêng của Âu Châu, và chỉ sinh hoạt lẻ tẻ ở một vài địa điểm nhỏ trên các lục địa khác?

Có nhiều cách trả lời các câu hỏi này, nhưng ta có thể tóm tắt trong hai câu giải đáp chính sau đây:

 A. Giáo Hội Biến Thể và Thỏa Hiệp với Chính Quyền

Giáo hội lúc đó chỉ còn mang cái nhãn hiệu là “Cơ-đốc giáo” nhưng đã dần dần biến đổi cả nội dung lẫn hình thức. Riêng về phong trào truyền giáo cũng không còn mạnh mẽ như trước nữa. Sự khác biệt giũa hàng giáo phẩm (Linh mục, Giám mục V.V..) và hàng tín hữu càng ngày càng gia tăng. Vào thời kỳ các sứ đồ, ai cũng là người truyền bá Phúc Âm, ai cũng hăng say đi nói cho người khác biết Cứu Chúa của mình. Đến khi hoàng đế, triều đình, chính quyền trung ương và chính quyền địa phương gia nhập Giáo hội thì toàn dân đều tự xưng là “người Cơ-đốc,” mặc dù hầu hết chỉ là hữu danh vô thực. Một khi ai cũng là “người Cơ-đốc” cả thì hàng tín hữu không còn thấy họ có trách nhiệm chia sẻ Phúc Âm với ai nữa cả. Lúc đó trách nhiệm truyền bá Phúc Âm trở thành một thứ “nghề nghiệp,” một chức vụ “chuyên nghiệp” của hàng giáo phẩm. Lễ nghi rườm rà càng được đặt thêm và đức tin chân chất đơn sơ của Phúc Âm thuần túy cũng đã biến mất.

Bắt đầu với sự gia nhập Giáo hội của hoàng đế Constantine, chính quyền và giáo quyền chẳng những ngày càng cộng tác mật thiết với nhau mà có khi cũng đã hòa hợp thành một nữa. Cơ-đốc giáo đã biến thành thứ tôn giáo chính thức của đế quốc La-mã, đã trở thành một thứ “lực lượng” chính thức và quyết nghị và luật lệ của Giáo hội có khi trở nên một thứ luật pháp ai cũng phải tuân hành.

Như vậy, suốt 10 thế kỷ Giáo hội không có những bước tiến đáng kể. Có khi Giáo hội kiểm soát chính quyền và cũng có khi chính quyền kiểm soát Giáo hội, do đó Giáo hội hưng thịnh khi quốc gia hưng thịnh, và Giáo hội suy tàn đồng thời với sự suy vong của quốc gia. Từ ngữ “hưng thịnh” chúng ta dùng đây chỉ có ý nghĩa tương đối và chỉ nói về hình thức, về “thuộc thể”, chứ thực ra một khi Giáo hội đã ở trong tình trạng ấy thì hưng hay suy cũng chỉ khác nhau về số lượng, chứ về phẩm chất thì chắc chắn không có gì khác nhau mấy tí.

Trong khi Giáo hội La-mã đang ở trong tình trạng thoái hóa như vậy thì ở vùng Trung Đông có một biến động ghê gớm đã xảy ra, và biến động này đã quét sạch Giáo hội ra khỏi các vùng Tiểu Á và Bắc Phi, chặn đứng đường tiến của phong trào truyền giáo về hướng ấy cho đến tận bây giờ. Đó là biến động Hồi giáo.

B. Hồi Giáo

Một sử gia có nói rằng: “Biến động ở bán đảo Á-rập đã biến thành một cuộc chinh phạt và Hồi-giáo-hoá hơn phân nửa các xứ nằm quanh bờ biển Địa trung hải là biến động dị thường nhất suốt thời Trung cổ.”

Giáo chủ sáng lập ra Hồi giáo là Mohammed, sinh vào năm 570 ở Mecca, là một thành phố nằm trên trục giao thông giữa Ấn-độ và Ai-cập. Theo kinh Koran thì khi đã 40 tuổi, Mohammed thấy một khải tượng, trong khải tượng ông thấy thiên sứ Gáp-ri-ên đến bảo rằng: “Hỡi Mohammed! Ngươi là sứ giả của Allah (Thượng Đế) và ta đây là Gáp-ri-ên.” Mohammed liền bắt đầu truyền giáo cho dân thành Mecca, khuyên bảo họ bỏ hình tượng, thờ một Allah độc nhất và giữ một nền luân lý mới. Lúc đầu Mohammed thất bại, bị bắt bớ và phải chạy trốn đến Medina vào năm 622. Năm này về sau được người Hồi giáo gọi là Hejira, tức là năm đầu tiên của lịch Hồi giáo. Về sau Mohammed thành công khi trở về chiếm cứ Mecca và biến Mecca thành “thành thánh” quan trọng nhất của thế giới Hồi-giáo.

Khi Mohammed qua đời vào năm 632, tôn giáo mới do ông sáng lập chỉ mới hoạt động trong vùng A-ra-bi, nhưng chỉ mấy năm sau, phong trào Hồi-giáo bành trướng mạnh mẽ và tiến quân nhanh như chóp nhoáng, chiếm cứ Đa-mách vào năm 635, An-ti-ốt vào năm 636, Giê-ru-sa-lem vào năm 638, Sê-sa-rê vào năm 640 và Alexandria vào năm 642. Đến năm 650, đế quốc Ba-tư tan vỡ, rồi toàn thể vùng Bắc Phi bị quét sạch, Carthage là cứ điểm cuối cùng của nền văn minh La-mã tại Bắc Phi đã bị chiếm vào năm 697. Sau đó quân Hồi giáo vuợt qua eo biển Gỉbralter xám lăng Âu Châu, chiếm cứ hầu hết bán đảo Tây-ban-nha và miền nam nước Pháp, tiến quân đến Tours, bên bờ sông Louis, họ bị danh tướng Pháp Charles Martel đánh bại (năm 732), phải rút về phía nam đãy núi Pyrénées. Cũng vào thời gian ấy, Hồi-giáo tiến từ Ba-tư vào Ấn-độ và tiến sâu vào vùng Trung Á rồi đến tận Phi-luật-tân và In-đô-nê-xi-a ở Thái Bình Dương nữa.

Đứng trước hiểm họa Hồi giáo, Giáo hội mang danh là Cơ-đốc giáo liền nổi “anh hùng tính”, quyết định dùng gươm đấu gươm và tổ chức bảy cuộc viễn chinh trong gần 200 năm, tư 1095 đến 1272, lấy tên là “thập tự quân” (!). Trong số các vị lãnh đạo các đoàn quân viễn chinh này có Phê-rơ ẩn sĩ, Bernard ở Clairvaux (Pháp quốc), Richard- có-tim-sư-tử (Anh quốc)..

Vào lúc ban đầu, các cuộc chinh phạt này được Giáo hội La-mã đỡ đầu và nhắm vào các mục đích sau đây:

  • Chiếm lại xứ Palestine và thành Giê-ru-sa-lem để người mộ đạo có thể đi hành hương
  • Tiếp cứu Đông đế quốc La-mã (cũng gọi là đế quốc Byzantine) và ngăn chận cuộc xâm lăng của Thổ-nhĩ-kỳ vào lục địa Âu Châu qua vùng Balkan, đồng thời tìm cách hàn gắn lại sự nứt rạn giữa Giáo hội La-mã và Giáo hội Miền Đông để đem tất cả các chi nhánh Cơ-đốc giáo trở về một mối, tức là thống nhất Giáo hội dưới quyền La-mã.

Các đạo quân viễn chinh, mặc dù tốn bao nhiêu xương máu đã không đạt được các mục đích đó, mà chỉ “giải phóng” được xứ thánh trong một trăm năm mươi năm, rồi sau cũng phải rút quân về và xứ thánh lại lọt vào tay quân Hồi giáo. Hy vọng tiếp cứu đế quốc Byzantine và hàn gắn nứt rạn với Giáo hội Miền Đông hoàn toàn tiêu tan vì Hồi giáo, do người Thổ-nhĩ-kỳ đứng đầu đã chiếm cả vùng Trung Đông rồi chiếm luôn cả vùng Balkan (Ba-nhĩ-cán) bên Âu Châu vào thế kỷ thứ 14 và 15 và đến tận cổng thành Vienna (nước Áo) vào thế kỷ thứ 16 nữa!

Chẳng những không đạt được các mục đích mong muốn, các đạo quân viễn chinh mang danh “thập tự quân” đã gây ra một mối hận thù giũa Hồi giáo và ngưởi mang danh Cơ-đốc, cho đến nay vẫn còn sâu đậm. Khi “giải phóng” Giê-ru-sa-lem vào năm 1099, đạo quân viễn chinh giết sạch một trại quân 1000 người, tàn sát 70.000 người Hồi giáo và lùa những người Do-thái sống sót vào một nhà hội rồi châm lửa thiêu sống tất cả!