Chương 19-Những Điều Khó Hiểu Trong Kinh Thánh (P1)

CHƯƠNG 19: NHỮNG “LỖI LẦM” TRONG THÁNH KINH

images (5)

 

 

Chẳng những thiên hạ bảo rằng trong Thánh Kinh chứa nhiều “mâu thuẫn” mà còn có rất nhiều “nhầm lẫn”, nhiều “lỗi” nữa. Một trong những lầm lỗi thường được các nhà phê bình phá hoại đề cập nhất là Mat Mt 27:9-10

“Bấy giờ được ứng nghiệm lời đâng tiên tri Giê-rê-mi đã nói rằng: Họ lấy ba chục bạc, là giá cỉa Đấng đã bị định bởi con cái Y-sơ-ra-ên, và đưa bạc ấy và mua ruộng của kẻ làm đồ gốm y như lời Chúa dã truyền cho ta”

Khúc sách được Ma-thi-ơ đề cập ở đây được tìm thấy trong một lời tiên tri mà Cựu ước kinh gán cho Xa-cha-ri (XaDr 11:11-13). Thoạt nhìn thì dường như Ma-thi-ơ đã sai lầm khi gán cho Giê-rê-mi một lời tiên tri thật ra vốn là của Xa-cha-ri cả đến John Calvin dường như cũng tưởng rằng Ma-thi-ơ đã lầm, vì ông viết:

Tôi thú nhận là không biết tên của Giê-rê-mi đã len lỏi vào đây như thế nào, cũng chẳng bận tâm nhiều để tra vấn. Chính khúc sách ấy đã rõ ràng nêu tên Giê-rê-mi và đã lầm với tên của Xa-cha-ri; vì chúng ta không thấy (trong sách) Giê-rê-mi có câu nào thuộc loại ấy, cũng chẳng có câu nào thậm chí gần gần như thế nữa.

Khúc sách này đã được đưa ra như một bằng cớ chứng minh rằng các phần thuật sự trong các sách Phúc âm không nhất thiết là “sử ký” của những việc tuỳ thật sự xảy ra. Chúng ta có phải thú nhận là Ma-thi-ơ đã lầm không? Không, chẳng hề có chút cần thiết nào nhỏ nhặt nhất để thừa nhận điều đó.

LỜI TIÊN TRI

Trước hết, trong một số cổ bản, chữ Giê-rê-mi đã không thấy có, và khúc sách ấy được chép như sau “Bấy giờ được ứng nghiệm lời tiên tri” mà không ghi đó là nhà tiên tri nào. Trong một cổ bản khác, Xa-cha-ri xuất hiện thay vì Giê-rê-mi. Westcott và Hort đã không chấp nhấn bản dịch không có chữ Giê-rê-mi, cũng không chấp nhận bản dịch thay chữ Xa-cha-ri cho chữ Giê-rê-mi, nhưng ghi rằng hai cách dịch này, nhất là cách thứ nhất “rõ ràng là những cách dịch nên chối bỏ”. Bà Lewis bảo rằng một số cổ bản cổ nhất và tốt nhất không có chỗ Giê-rê-mi, cho nên rõ ràng chỗ sai lầm ở đây có thể là do sai lầm của người sao chép.

Tuy nhiên, các nhà phê bình văn bản giỏi nhất đều chấp nhận cách dịch có chữ Giê-rê-mi trong khúc sách này, và theo tôi, thì dường như đây có thể là cách dịch đúng nhất. Nếu trong sách Phúc âm Ma-thi-ơ hồi mới viết ra, Ma-thi-ơ đã dùng chữ Giê-rê-mi ở đây, thì phải chăng đó là một sai lầm? Không nhất thiết phải là như thế. Những từ ngữ hoặc nhiều câu tương tự như thế được tìm thấy trong lời tiên tri mà Cựu ước kinh của chúng ta mang danh Xa-cha-ri, thì điều đó là đúng, không chối cãi vào đâu được. Nhưng nếu căn cứ vào tất cả những chỗ đó để bảo rằng Giê-rê-mi đã không hề nói như thế là không đúng, vì có một sự kiện mà ai ai cũng biết, là các nhà tiên tri về sau của Cựu ước kinh rất thường trích dẫn những câu đã được các nhà tiên tri trước đó nói. Thí dụ trong XaDr 1:4 chính Xa-cha-ri đã trích dẫn một câu được biết là của Giê-rê-mi (Gie Gr 8:11) còn trong khúc sách chúng ta đang khảo xét đây, rất có thể rằng Xa-cha-ri cũng đã trích dẫn của nhà tiên tri Giê-rê-mi.

Đã chẳng có phần ký thuật nào trong sách Giê-rê-mi như chúng ta hiện có trong bộ Cựu ước kinh bảo rằng chính nhà tiên tri Giê-rê-mi đã nói như thế, nhưng cũng chẳng có lý do nào cho chúng ta nghĩ rằng trong sách Giê-rê-mi mà chúng ta hiện có, có ghi lại tất cả các lời tiên tri mà Giê-rê-mi từng nói. Rất có thể rằng Xa-cha-ri đã có được những lời tiên tri của Giê-rê-mi, nhưng đã không có ghi lại trong sách Giê-rê-mi.

Hơn nữa, chính Xa-cha-ri từng nói trong XaDr 7:7 “Ấy há chẳng phải (đó là) những lời mà Đức Giê-hô-va cậy các đấng tiên tri đời trước rao ra…..hay sao?”; cho nên, rõ ràng là Xa-cha-ri đã xem như một phần nhiệm vụ của ông, là phải nhắc lại các lời tiên tri của nhiều nhà tiên tri đã qua đời trước ông rồi. Nhất là ông vốn có xu hướng nhắc lại các lời tiên tri của Giê-rê-mi, vì giữa vòng dân Do-thái đã có dư luận nói rằng “thần của Giê-rê-mi đã giáng trên Xa-cha-ri”, cho nên chúng ta mới thấy rằng điều “sai lầm” vẫn được rêu rao là của Ma-thi-ơ, có vẻ như chẳng phải là một sai lầm gì cả một khi chúng ta đã khảo xét điều đó thật kỹ.

Có lẽ cần nói thêm rằng các nhà phê bình từng có nhiều thắc mắc là chẳng hay các chương sách kết thúc sách Xa-cha-ri có quả thật là một phần của các lời tiên tri của Xa-cha-ri hay không. Đã chẳng có gì trong chính các chương ấy cho thấy như thế cả. Quả thật là qua rất nhiều thế kỷ rồi, chúng đã được gắn vào với các lời tiên tri của Xa-cha-ri, nhưng đã chằng có chỗ nào khác trong Thánh Kinh bảo rằng chúng vốn là của Xa-cha-ri, và nhiều người đã cho rằng quả thật chúng không phải là của Xa-cha-ri, mà là của Giê-rê-mi.

Tuy nhiên, đây đã trở thành một vấn đề cho các nhà phê bình. Nếu cần phải chứng minh là như thế, thiết tưởng chỉ cần đơn giản có thêm một phần xác quyết tính chính xác của câu trong sách Ma-thi-ơ. Nhưng cho dù không làm như thế, nếu Xa-cha-ri là trước giả của lời tiên tri này (XaDr 11:11-13) như chúng ta thấy chép trong Thánh Kinh, nó không hề chứng minh được rằng Giê-rê-mi đã không hề nói một lời tiên tri tương tự mà Xa-cha-ri đã trích dẫn, rồi Ma-thi-ơ đã trích dẫn thật chính xác. Còn các nhà phê bình thì lại phải sưu tầm nghiên cứu thêm nữa nếu họ muốn chứng minh rằng Ma-thi-ơ đã sai lầm.

CÁC KÝ THUẬT VỀ VIỆC MUA ĐẤT

Một chỗ thứ hai nữa bị cho là có nhầm lẫn trong Thánh Kinh, là câu nói của Ê-tiên trong Cong Cv 7:16 “sau được đem về Si-chem, chôn nơi mộ mà Áp-ra-ham đã lấy bạc mua của con cháu Hê-mô quê ở Si-chem”. Mặt khác, SaSt 23:17-18 nêu rõ: “Vậy cái đồng của Ép-rôn tại Mặc-bê-la nằm ngang Nam-rê, nghĩa là cái đồng ruộng hang đá… dược nhận chắc cho Áp-ra-ham làm sản nghiệp”

Theo câu thứ hai này, thì Ê-tiên dường như đã sai lầm trong câu ông nói rằng Áp-ra-ham đã mua phần mộ ấy của con cháu Hê-mô.

Tôi xin ghi lại điểm bị cho là sai lầm này bằng lời lẽ của một vị Tiến sĩ Thần học (DD) nổi tiếng. Ông nói:

“Theo lời chép của Lu-ca, thì Ê-tiên nói rằng Áp-ra-ham đã mua một ngôi mộ của con cháu Hê-mô, ở (là cha của) Si-chem (Cong Cv 7:16). Nhưng SaSt 21:17-18 lại nói Áp-ra-ham đã mua nó của Ép-rôn, người Hê-tít, còn SaSt 33:19 lại bảo rằng Gia-cốp đã mua nó của con (cháu) Hê-mô…. John Calvin từng nói “rõ ràng là Ê-tiên đã lầm”. Tién sĩ Hackett thừa nhận rằng dường như Ê-tiên đã nhầm lẫn về hai lần bán đổi này……nhưng những người chủ trương tính vô ngộ của Thánh Kinh sẽ nói sao đây?

Đây có vẻ như một điểm rắc rối cho đến khi ta ghi nhận thật chính xác ba khúc sách vừa đề cập trên đây ngụ ý nói gì, thì chỗ rắc rối kia sẽ biến mất. Giải pháp hết sức đơn giản là như sau đây:

Thứ nhất, SaSt 23:17-18 không có nói điều mà người phản bác bảo là câu ấy nói; nghĩa là Sáng Thế ký không có nói rằng Áp-ra-ham đã mua ngôi mộ mà Ê-tiên đề cập của Ép-rôn, người Hê-tít. Sách ấy chép rằng Áp-ra-ham có mua một cánh đồng của Ép-rôn người Hê-tít trong đó có một hang đá, và Áp-ra-ham đã chôn Sa-ra, vợ ông, trong hang đá ấy.

Tuy nhiên, đã chẳng có lý do chắc chắn nào để cho rằng đó chính là phần mộ mà Gia-cốp và các vị tộc trưởng khác cũng đã được chôn trong đó. Đã chẳng có lý do nào để cho rằng trong suốt cuộc đời trường thọ của mình, Áp-ra-ham chỉ mua có một nơi duy nhất để làm nghĩa địa mà thôi. Bản thân tôi đã mua đến hai phần mộ, một để chôn anh tôi tại Chicago, còn một ngôi mộ nữa thì đã chôn con gái tôi tại Northfield, Massachusetts. Và tôi thì chú ý đến một phần mộ thứ ba nữa tại Brookly, nơi đã chôn cha mẹ và một người anh khác của tôi.

Kinh điển đã chẳng hề có một lời bóng gió dù là nhỏ nhặt nào bảo rằng hai phần mộ đã được đề cập trong SaSt 23:17-18 và Cong Cv 7:16 chỉ là một. Còn về khúc sách trong SaSt 33:19 chỗ mà theo người phản bác bảo là nói rằng Gia-cốp chứ không phải Áp-ra-ham (như Ê-tiên đã nói) đã mua một phần mộ, thì thật ra, khúc sách ấy đã không có nói rằng Gia-cốp mua một phần mộ. Câu ấy chép rằng ông đã mua “một miếng đất…. của con Hê-mô” (những người mà Ê-tiên bảo là Áp-ra-ham đã mua ngôi mộ thật sự).

Điểm giả định trong trường hợp này là cho rằng Áp-ra-ham đã mua phần mộ ấy vào một niên đại trước đó rồi, và Gia-cốp vào thời của ông, đã mua phần đất ấy (một “miếng đất”) nơi toạ lạc của ngôi mộ. Lúc Áp-ra-ham mua một phần mộ để chôn Sa-ra, ông đã cẩn thận mua luôn cả cánh đồng lẫn phần mộ; nhưng trong trường hợp sau, dường như ông chỉ mua phần mộ mà không có mua luôn cả miếng đất, do đó mà chính Gia-cốp đã phải mua vào một niên đại về sau này. Hoàn toàn rất có thể rằng Áp-ra-ham cũng đã mua một phần mộ tại nơi này vào cuối cuôc đời của ông, vì ông vốn có nhiều kỷ niệm đáng trân trọng tại mảnh đất thân yêu ấy (xem SaSt 12:6-7).

Thế thì, rút cục, không phải là Ê-tiên đã nhầm lẫn, mà đó là chỗ sai lầm của các nhà giải kinh, vốn đã không cẩn thận lưu ý thật chính xác những gì Ê-tiên đã nói, và những gì các khúc sách trong Sáng Thế ký nói. Giô-suê cho chúng ta biết rằng trong miếng đất mà Gia-cốp đã mua này (được giả định là đã có phần mộ mà Áp-ra-ham đã mua vào một niên đại trước đó) cũng là nơi chôn hài cốt của Giô-sép nữa (Gios Gs 24:32). Rõ ràng rằng Ê-tiên vốn là một nhà nghiên cứu Kinh điển Cựu ước thận trọng hơn một số người phê bình ông.

Nhưng cả khi tạm cho rằng Ê-tiên đã nhầm lẫn trong trường hợp ở đây đi chăng nữa, điều đó cũng chẳng chứng minh gì được nhằm chống lại nguồn gốc của Thánh Kinh là từ Đức Chúa Trời và tính vô ngộ tuyệt đối của bộ sách ấy, vì Ê-tiên vốn không phải là một trong các trước giả của Thánh Kinh. Ông cũng chẳng phải là mộ nhà tiên tri hay một sứ đồ. Quả thật ông vốn là một người đầy dẫy Đức Thánh Linh, nhưng ông không phải là người viết một sách trong Thánh Kinh.

Trước giả được linh cảm của sách Công vụ các sứ đồ chép rằng Ê-tiên đã nói mấy lời này, và nếu những lời mà Ê-tiên đã nói đó có sai lầm, thì phần ký thuật rằng ông đã nói như thế vẫn đúng. Có thể rằng Lời Đức Chúa Trời ghi rằng Ê-tiên đã nói như thế, nhưng những gì Ê-tiên nói không phải là Lời Đức Chúa Trời. Người bênh vực cho nguồn gốc của Thánh Kinh là từ Đức Chúa Trời và tính vô ngộ tuyệt đối của bộ sách ấy không hề bị bắt buộc chút gì là phải chứng minh cho tính chính xác của từng câu nói một, của từng người một, đã nói trong Thánh Kinh, cả đếm từng người phát ngôn được đầy dẫy Đức Thánh Linh nữa, mà bộ sách ấy ghi lại là có nói (xem các tiểu mục các bản dịch không chính xác. Các lý giải sai, các ý niệm sai lầm về Thánh kinh, Ngôn ngữ nguyên thuỷ, sự thiếu hiểu biết của chúng ta… ở đầu sách này).