Chương 16-Những Điều Khó Hiểu Trong Kinh Thánh

CHƯƠNG 16: ĐỨC CHÚA TRỜI CHÂN LÝ VÀ TÌNH YÊU CÓ SAI CÁC THẦN NÓI DỐI VÀ TÀ THẦN ĐẾN VỚI CHÚNG TA KHÔNG?

images (1)

Một trong những khúc sách gây bối rối nhất cho chúng ta trong Thánh Kinh là ở IVua 22:1-53 và trong IISu  18:1-34. Trong hai khúc sách này, nhà tiên tri Mi-chê đã được thuật lại là có nói rằng: “Vậy, hãy nghe lời của Đức Giê-hô-va” (IVua22:19). Trong cùng câu ấy, ông tiếp tục kể lại thế nào ông đã “thấy Đức Giê-hô-va ngự trên ngôi Ngài và cả cơ binh trên trời đứng chầu Ngài bên hữu và bên tả”.

Trong khúc sách này, Đức Giê-hô-va đã được tả vẽ là đang yêu cầu cả đạo quân đang tập họp ấy hãy thuyết phục A-háp đi lên Ra-mốt trong Ga-la-át. Rồi một thần nói dối đã được mô tả là đang tiến đến trước mặt Đức Giê-hô-va và nói: “Tôi sẽ đi và làm một thần nói dối trong miệng những tiên tri của Ngài” (IVua 22:22). Đức Giê-hô-va được cho là đã nói với thần nói dối ấy rằng: “Phải, ngươi sẽ dụ người được. Hãy đi, và làm như ngươi đã nói” (c.22)

Thoạt nhìn thì dường như Đức Chúa Trời đã phê chuẩn vào dự phần vào việc nói dối và lường gạt. Ta phải giải thích như thế nào? Nó đã được đưa ra rõ ràng trong văn cảnh. Mi-chê nhân danh Đức Thánh Linh để nói ra đang tìm cách thuyết phục A-háp và Giô-sa-phát đừng lên Ra-mốt trong Ga-la-át. Tất cả các tiên tri giả đã bảo với hai vua ấy rằng họ phải ra đi và sẽ chiến thắng. Còn Mi-chê, sứ giả của Đức Giê-hô-va lại nói với họ ngược lại, rằng nếu họ đi lên thì sẽ bị bại trận, và A-háp chắc chắn sẽ bị tử trận, ông bảo với họ rằng vị “thần” và các tiên tri giả, đã nhân danh để nói ra, là một vị thần nói dối. Ông đã kể lại mọi sự bằng một phương pháp như khắc như hoạ đến cao độ.

Tuy bức tranh ấy là vô cùng sinh động, nó không truyền dạy điều sai lầm mà là sự thật, và truyền dạy bằng một phương pháp hầu như là có tính cách bắt buộc, nghĩa là đã có một vị thần nói dối trên miệng các tiên tri giả. Nếu chúng ta đọc cả phần thuật sự từ đầu chí cuối, thì rõ ràng là Đức Giê-hô-va đã không thật sự dựphần vào việc dối gạt kia. Đã không có dự phần vào vụ lường gạt ấy, Ngài còn sai chính nhà tiên tri của Ngài đến cảnh cáo họ rằng vị thần mà các tiên tri giả đã nghe theo để nói, là một vị thần nói dối, và đã nói với họ các sự kiện chính xác của trường hợp này về kết quả của trận đánh sẽ như thế nào. Nếu họ bằng lòng chọn việc nghe lời của Đức Chúa Trời và nhà tiên tri của Ngài, họ đã được cứu khỏi tai hoạ ấy; nhưng nếu họ không chịu nghe Đức Chúa Trời và nhà tiên tri của Ngài, thì Đức Chúa Trời sẽ phó mặc “cho chúng mắc phải sự lầm lạc, là sự khiến chúng nó tin đều dối trá” (IITe 2:11). Nhưng Ngài đã không làm như thế mà không có cảnh cáo họ rất nhiều lần.

Đây là phương pháp phổ biến của Đức Chúa Trời, chẳng những chỉ được truyền dạy trong Kinh Thánh, mà cả trong kinh nghiệm nữa, ấy là Ngài cho phép mỗi người tự chọn lấy, hoặc là nghe lời Ngài để biết chân lý (sự thật), hoặc là làm mặt ngơ tai điếc đối với Ngài để bị phó mặc cho ảo tưởng sai lầm. Nếu họ “không chịu nhận lãnh sự yêu thương của lẽ thật để được cứu rỗi” (IITe 2:10) thì Đức Chúa trời sẽ phó mặc họ “mắc phải sự lầm lạc là khiến chúng nó tin điều dối giả” (c.11). Nếu loài người muốn lời nói dối, thì Đức Chúa Trời sẽ khiến chúng đầy dẫy họ.

Trong những khúc Thánh Kinh khác dường như có dạy rằng Đức Chúa Trời sai các tà thần đến với người ta, thì vấn đề được đặt ra là: “Làm thế nào để chúng ta có thể tin rằng Đức Chúa Trời là toàn thiện, là Đức Chúa Trời của tình yêu, nhưng lại sai các tà thần đến với loài người?” Xin chúng ta chuyển sang một khúc sách đã dạy điều đó, để sẽ cho ngay một câu trả lời cho chỗ khó khăn này. Chúng ta đọc thấy trong ISa 16:14 “Thần của Đức Giê-hô-va lìa khỏi Sau-lơ; Đức Giê-hô-va bèn khiến một ác thần khuấy khuất người” “một tà thần” có nghĩa gì? Văn cảnh cho thấy rõ ràng rằng đó là một vị thần khuýt khuất, bồn chồn bất an, và trầm uất. Tình hình lúc ấy như sau: Sau-lơ đã bị tố giác là bất trung với Đức Chúa Trời, vua ấy đã cố ý bất tuân lệnh của Đức Chúa Trời (15:4-35 và nhất là c.22-23;); và hậu quả là Đức Chúa Trời đã rút Thần Linh Ngài khỏi nhà vua, và một vị thần bất mãn, bất an đã “nhập” vào nhà vua.

Đây không phải là một hành động xấu từ phía Đức Chúa Trời. Ngài chẳng bao giờ có hể làm điều gì không tử tế cả. Có một điều mà lòng nhân từ thương xót của Cha chúng ta ở trên trời vẫn ban cho chúng ta khi chúng ta không vâng lời và đi lạc xa khỏi Ngài, ấy là Ngài sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy không vui và bất mãn đối với tội lỗi mình. Nếu Đức Chúa Trời cứ bỏ mặc cho chúng ta tiếp tục vui vẻ trong tội lỗi, thì đó mới chính là điều không tử tế nhất mà Ngài có thể làm. Nhưng do lòng nhân từ thương xót lớn lao của Ngài. Đức Chúa Trời sẽ giành lại tất cả các tội nhân, khiến họ quay trở lại với Ngài, nếu có thể được; và nếu chúng ta phạm tội, thì vì điều lợi ích lớn lao nhất cho chúng ta, Đức Chúa Trời sẽ đưa chúng ta đến chỗ mất tinh thần, bất an nghiêm trọng nhất trong tội lỗi mình. Nếu chúng ta biết lợi dụng phải lẽ vị thần bất an và mất tinh thần mà Đức Chúa Trời đã sai đến với chúng ta đó, thì vị ấy sẽ đưa chúng ta trở lại với Đức Chúa Trời và với niềm vui của Đức Thánh Linh.

Sau-lơ đã sử dụng sai lầm vị thần ấy. Thay vì để cho tấm lòng bất an của mình đưa mình trở lại với Đức Chúa Trời, nhà vua đã để cho tấm lòng bất an ấy gây thêm nhiều cay đắng cho tâm hồn mình để chống lại con người đã được Đức Chúa Trời ban đặc ân cho. Việc sai một tà thần đến là một hành động do lòng nhân từ thương xót về phía Đức Chúa Trời. Việc sử dụng sai hành động nhân từ thương xót ấy đã dẫn đến hậu quả là cảnh tàn hại cuối cùng của Sau-lơ.

Ngày nay, có nhiều người từng có lần được biết một điều gì đó về Linh của Đức Chúa Trời và niềm vui của Đức Thánh Linh nhưng lại sa vào tội lỗi; và Đức Chúa Trời với lòng nhân từ thương xót và tình yêu lớn lao của Ngài, hiện đang sai một tà thần đến với người ấy – một tinh thần bất an, bất mãn, không hài lòng sâu xa, hoặc thậm chí là một nỗi đau khổ trừu tượng nữa. Xin chúng ta hãy cảm tạ Ngài vì điều đó. Hãy để cho Ngài tra xét, hãy khiêm hạ trước mặt Ngài để tìm xem mình đã phạm tội với Đức Chúa Trời ở phương diện nào, khiến mình mất đi niềm vui của sự cứu rỗi. Hãy để cho Ngài cắt nó đi, hãy xưng tội ấy ra và trở lại với Đức Chúa Trời để được Ngài làm mới lại niềm vui của sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã từng ban cho bạn (xem Thi 51:12).

Một tà thần gây bồn chồn bất an và bất mãn cũng đã được sai đến với Đa-vít nữa, lúc vua ấy phạm tội; nhưng rồi, sau khi có chống cự chút ít, Đa-vít đã chịu xưng tội với Đức Giê-hô-va, thì Ngài đã xoá nó đi và đưa nhà vua đến một chỗ vui vẻ mừng rỡ trong Ngài, nơi ông có thể chỉ giáo và dạy dỗ nhiều người khác về con đường mà họ phải theo (Thi 32:4-8; 51:9-13).