Chức Vụ Chữa Lành- Làm Các Công Việc Của Cha; Chúa Jê-sus Đã Chuyển Giao Quyền Phép Như Thế Nào

LÀM CÁC CÔNG VIỆC CỦA CHA

lam-cac-cong-viec-cua-Cha

Một khi chúng ta hiểu được rằng, Chúa Jê-sus, trong suốt chức vụ trên đất của Ngài, đã không làm các công việc của riêng mình, mà làm các công việc của Cha Ngài, thì những khả năng lớn lao của chức vụ được mở ra cho chúng ta. Như tôi đã đề cập ở đầu chương này, Chúa Jê-sus đã hứa với những môn đồ Ngài rằng họ sẽ làm những công việc như Ngài đã làm và thậm chí những việc lớn hơn nữa.

Lời hứa ấy cũng dành cho chúng ta nữa, bởi vì “Đức Chúa Jê-sus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi” (HeDt 13:8). Chúng ta nhận được quyền năng để làm những công việc của Cha qua Đức Thánh Linh.

Điều đã xảy ra cho Chúa Jê-sus cũng có thể xảy đến với chúng ta. Trong chương vừa rồi, tôi đã đề cập đến cách Chúa Jê-sus đã công bố chương trình của Ngài ở tại nhà hội Naxarét lúc bắt đầu chức vụ bằng cách liệt kê một số những dấu hiệu của nước Trời. Tuy nhiên, Ngài đã mở đầu những lời lưu ý ấy bằng một lời tuyên bố hết sức ý nghĩa về mối liên hệ của Ngài với Đức Thánh Linh. Ngài đã nhắc đến ba điều: (1) Đức Thánh Linh “ngự trên Ta” – có nghĩa là Chúa Jê-sus đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh; (2) Đức Thánh Linh “đã xức cho Ta” – có nghĩa là Ngài được ban quyền năng bởi Đức Thánh Linh; (3) Đức Thánh Linh “đã sai Ta” – có nghĩa là Đức Chúa Jê-sus đã được Đức Thánh Linh ủy thác (xem LuLc 4:18, 19). Bởi cùng một Đức Thánh Linh ấy, chúng ta có thể được đổ đầy, được ban quyền phép, và được ủy thác để làm các công việc của Đức Chúa Cha.

Dường như bất cứ khi nào lời gợi ý về việc làm các công việc như Chúa Jê-sus đã làm được nêu lên, thì những người có khuynh hướng hoài nghi hơn đều biện luận chống lại điều đó bằng cách tỏ rõ rằng không một ai họ biết, trong phong trào Ngũ tuần hoặc ân tứ hoặc bên ngoài những người ấy, chữa lành người đau, đuổi các quỷ hoặc làm các phép lạ một cách thường xuyên như Chúa Jê-sus đã làm. Điều này đúng, và cũng có thể hiểu được. Mặc dầu chúng ta được tiếp cận với cùng một quyền năng Chúa Jê-sus đã có, chúng ta không phải là Chúa Jê-sus. Ngài có đến hai sự thuận lợi mà chúng ta không có; đó là, Ngài không mắc nguyên tội và Ngài cũng không có kỷ tội. Vì vậy, kết quả là Ngài hưởng được ba lợi ích mà không một người nào khác có được:

  1. Chúa Jê-sus có một đường dẫn hoàn toàn mở rộng và không bị hạn chế đến với Đức Chúa Cha. Ngài không bao giờ tìm thấy một sự cản trở nào trong sự cầu nguyện, vì vậy Ngài luôn biết chính xác điều Cha Ngài đang làm.
  2. Chúa Jê-sus đặt đức tin hoàn toàn trong quyền năng của Đức Thánh Linh để làm các công việc của Đức Chúa Cha qua Ngài. Ngài phán rằng Đức Chúa Trời ban cho Ngài Đức Thánh Linh cách không chừng mực (xem GiGa 3:34). Ngài luôn được đầy dẫy Thánh Linh hoàn toàn và vào mọi lúc.
  3. Chúa Jê-sus không bao giờ bị dao động để rời khỏi sự vâng phục hoàn toàn đối với Đức Chúa Cha. Chúng ta có thể đã trượt ngã, nhưng Ngài thì không.

Mặc dầu những phẩm tính ấy đã khiến Chúa Jê-sus vượt trội hơn bất cứ con người nào khác, nhưng chúng cũng cho chúng ta bằng chứng về cách chúng ta có thể nhìn thấy những quyền phép lớn hơn trong chính chức vụ của mình. Chúng ta cần phải phát triển đời sống cầu nguyện của chính chúng ta bằng cách cầu nguyện dài hơn với sức mạnh và sự kiêng ăn nhiều hơn. Chúng ta cần phải cải thiện chất lượng đức tin của chúng ta bằng cách cởi mở đối với sự đổ đầy của Đức Thánh Linh. Và chúng ta cần phải vâng lời Chúa một cách kiên trì nhất quán hơn nữa. Điều này bao gồm việc sống một đời sống thánh khiết và tin kính theo như các tiêu chuẩn của Kinh Thánh, học tập để ngày càng nhanh nhạy trong việc hiểu biết điều Cha đang làm. Nếu chúng ta thành công, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ mau chóng được nghe hơn, bởi vì “Nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin bất kỳ việc gì, thì Ngài nghe chúng ta” (IGi1Ga 5:14).

Không ai sẽ theo kịp Chúa Jê-sus trong tính hiệu quả của các công việc Ngài về các phép lạ cũng như bằng Ngài trong tình yêu thương của Ngài. Nhưng mặc dầu sự tăng trưởng và trưởng thành Cơ Đốc không hàm ý rằng chúng ta sẽ trở thành những người trọn vẹn, nhưng chúng thật sự hàm ý rằng chúng ta có thể tiến xa hơn trong tương lai, hơn mức độ hiện nay của chúng ta. Chúng ta có thể yêu thương hơn và chữa lành nhiều hơn.

Trong một mẫu đối thoại với một người bạn không tin rằng ân tứ chữa lành vẫn còn đến ngày nay, tôi lưu ý sự thật là tôi nghĩ mình có ân tứ ấy. Điều này khiến anh khó chịu vì vậy anh ta nói: “Được rồi, nếu anh có ân tứ chữa lành, vì sao anh không đi xuống Bệnh Viện Huntington để mà dọn sạch bệnh việc ấy đi?” Câu trả lời của tôi là tôi sẽ làm nếu tôi thấy Đức Chúa Cha làm điều đó. Còn nếu không đó sẽ là một việc ngu ngốc, bởi vì khi tôi chữa bệnh, tôi không làm công việc của tôi mà làm công việc của Đức Chúa Cha.

Tôi tin rằng Chúa Jê-sus cũng làm việc trên một nguyên tắc tương tự. Điều gần nhất với một bệnh viện mà chúng ta đọc thấy trong các sách Phúc Âm là ao Bêtếtđa. Khi Chúa Jê-sus đi đến đó, Ngài đã không chữa lành cho tất cả những người nhóm lại xung quanh ao, mà chỉ chữa lành cho một người. Vì sao chỉ có một người? Làm thế nào Ngài biết ai là người Ngài chọn? Rõ ràng bởi vì đó là tất cả những gì Cha muốn Ngài làm vào thời điểm ấy, và Chúa Jê-sus chỉ làm điều Ngài đã thấy Cha Ngài làm.

CHÚA JÊ-SUS ĐÃ CHUYỂN GIAO QUYỀN PHÉP NHƯ THẾ NÀO

Không một tác giả Phúc Âm nào cẩn thận hơn là Giăng trong việc giải thích thể nào quyền năng của Chúa Jê-sus trong việc khai trương nước Trời được chuyển giao cho những người sẽ làm đại diện cho sự mở rộng nước Trời sau khi Ngài chịu chết. Hầu như một phần tư sách Phúc Âm này (đoạn 13-17) bàn đến việc Ngài dạy dỗ mở rộng về đề tài này. Chính vì lý do đó mà phần lớn những khúc Kinh Thánh được trích dẫn trong chương này đều trích từ sách Phúc Âm Giăng. Tôi xin tóm tắt các ý tưởng của mình về việc chuyển giao quyền hành bằng cách lần theo sự huấn luyện tư tưởng của Chúa Jê-sus qua khúc Kinh Thánh quan trọng này.

Trong đoạn 13, Chúa Jê-sus chuẩn bị các môn đệ Ngài cho chấn thương của sự chuyển tiếp. Mối quan tâm chính của Ngài là các môn đồ Ngài sẽ hiểu càng rõ càng tốt loại chức vụ mà họ sẽ có sau khi Ngài chịu đóng đinh. Họ đã ở với Ngài suốt ba năm và bây giờ không dễ cho họ để tiếp tục làm chức vụ mà không có sự hiện diện thuộc thể của Ngài. Ngài rửa chân cho họ và giải thích cho họ biết lý do vì sao, là những người lãnh đạo, trước hết họ phải làm tôi tớ. Ngài báo cho họ một tin gây kinh động rằng Ngài sắp đi xa, Ngài phán: “Nơi ta đi các ngươi không thể đến được” (Gi 13:33).

Trong đoạn 14 (việc phân chia các đoạn này chỉ tương đối, chứ không chính xác) Chúa Jê-sus dạy các môn đồ Ngài rằng nguồn sức mạnh của chức vụ tương lai thuộc về Đức Chúa Cha. Ngài giải thích với họ rằng mối liên hệ giữa họ với Ngài kéo theo mối quan hệ với Đức Chúa Cha. Ngài phán: “Ví bằng các ngươi biết ta thì cũng biết Cha ta; và từ bây giờ các ngươi biết và đã thấy Ngài” (14:7). Việc Chúa Jê-sus ra đi sẽ không gây bất ổn cho mối quan hệ giữa họ với Đức Chúa Cha. Và họ có thể trông đợi được ở trong nhà Cha Ngài với nhiều chỗ ở. Ngài phán với họ điều đó bởi vì uy quyền và quyền phép của chính Chúa Jê-sus đã đến từ Đức Chúa Cha, quyền phép của họ cũng vậy, sẽ đến từ Cha, vì vậy họ sẽ làm được những công việc như Ngài đã làm, thậm chí những việc lớn hơn nữa.

Trong đoạn 15, chúng ta thấy rằng Chúa Jê-sus là người điều khiển quyền năng đó. Ngài là gốc nho và nếu các môn đồ cứ ở trong Ngài thì họ sẽ được kết nhiều quả. Ngài nhấn mạnh việc họ phải giữ các mạng lệnh của Ngài, Ngài nhắc nhở họ rằng họ không chọn Ngài, nhưng Ngài đã chọn họ. Và sau đó Ngài cảnh cáo họ rằng cũng như Chúa Jê-sus đã chịu khổ, họ cũng phải chịu khổ khi hầu việc Ngài bởi vì tôi tớ không lớn hơn chủ.

Trong đoạn 16, Chúa Jê-sus dạy họ rằng ống dẫn quyền phép đến từ Đức Chúa Cha chính là Đức Thánh Linh. Vì vậy, Chúa Jê-sus phán bảo họ rằng: “Ta đi là ích lợi cho các ngươi” (câu 7), vì chỉ khi ấy Đức Thánh Linh mới đến. Ngài là Đấng Yên Ủi, Ngài sẽ cáo trách thế gian về tội lỗi, về sự công bình và về sự đoán xét. Ngài sẽ chỉ dẫn họ vào mọi lẽ thật và Ngài sẽ tôn vinh Chúa Jê-sus. Ngài sẽ thay mặt Đức Chúa Con mà hành động: “Ngài sẽ lấy đều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi” (câu 14).

Cuối cùng, trong đoạn 17, Chúa Jê-sus kết thúc bằng lời cầu nguyện. Ngài cầu nguyện cho chính mình, Ngài cầu nguyện cho các môn đồ, và Ngài cầu nguyện cho hết thảy những kẻ tin.

Quyền phép mà Chúa Jê-sus chuyển giao cho các môn đồ Ngài đã không đến cho đến ngày lễ Ngũ tuần. Nhưng khi quyền phép đến thì nó ở lại và cung cấp nền tảng cho chức vụ mà làn sóng thứ ba ủng hộ: làm các công việc của Đức Chúa Cha bằng quyền phép của Đức Thánh Linh như Chúa Jê-sus đã làm.

Ghi chú

  1. Ray Stedman, Acts 1-12: Birth of the Body (Ventura, CA: Regal Books, Div. Of Gospel Light Publications, 1974), p. 106.
  2. Michael Harper, The Healings of Jesus (Downers Grove, IL: 1986), p. 124.
  3. Colin Brown, That You May Believe: Miracles and Faith Then and Now (Grand Rapids, MI: Wm. B. Eerdmans Pub. Co., 1985), p. 97. Another supporter of this viewpoint is Thomas A. Small in Reflected Glory: The Spirit in Christ and in Christmas (London: Hodder and Stoughton, 1975). Ở trang 70 ông nói: “ Từ trước đến nay, vẫn có một khuynh hướng trong giới những người Tin lành, không phải không có nguồn gốc từ Calvin, phân chia các thuộc tính của Chúa Cứu Thế giữa thần tánh với nhân tánh của Ngài, khiến cho quyền phép để làm các phép lạ và dấu kỳ của Ngài được xem như quyền phép của thần tánh vô song của Ngài. Kết quả thật rõ ràng; nếu các phép lạ của Ngài chẳng liên quan đến nhân tính của Ngài, nếu quyền phép Đức Chúa Trời không được truyền dẫn qua con người mang nhân tánh của Ngài như một sự ban cho của ân tứ, thì rõ ràng là quyền phép cũng chẳng có liên hệ gì với con người của chúng ta. . .Với loại thần học về Chúa Jê-sus như vậy, tất cả những loại phân phát các ân tứ của Thánh linh theo định kỳ đều rất tự nhiên.”