Khảo Học Thư Phi-líp – Chương 7.3
Chương 7.3: Người Nhận Thư Phi-líp (1:1b)
“Thánh đồ trong Chúa Cứu Thế Jê-sus tại thành phố Phi-líp.”
Thánh đồ.
Danh từ “thánh đồ” thường được Phao-lô dùng để chỉ về tất cả những người tin Chúa Cứu Thế, và như thế là đồng nghĩa với các danh từ “tín hữu,” “tín đồ” hay “anh em,” “người của Chúa Cứu Thế,” “người Cơ đốc,” “Ky-tô hữu.”
Tuy nhiên, khi dùng danh từ “thánh đồ ” hay “người thánh” để chỉ về người tin Chúa Cứu Thế, Phao-lô muốn diễn tả một ý nghĩa sâu đậm thường bị nhiều tín đồ quên lãng.
Có người dùng chữ “thánh” để chỉ về một số danh nhân của dân tộc, nhưng những câu chuyện về các thánh ấy có vẻ mơ hồ, huyền hoặc, dường như họ đã được thần thánh hóa. Một số người dùng chữ “thánh” như trong câu: “Người trong thành phố kia không ai biết cả, thế mà ông ấy mới ở xa đến vài ngày đã khám phá ra. Thế mới thánh chứ! ” Đối với nhiều người khác, “thánh” là một người lãnh đạo tinh thần đã qua đời từ lâu, được giáo hội nhìn nhận là có một đời sống siêu phàm, đã tử đạo, đã lập công lớn hay đã làm phép lạ.
Nhưng đối với Thánh Kinh, “thánh” có nghĩa là “biệt riêng ra.” Chữ theo nghĩa đen có nghĩa là “phân rẽ ra khỏi đất, biệt riêng ra khỏi thế gian, được tách ra khỏi trần tục.” Thư Cổ linh thứ nhì chương 6 câu 17 đã diễn tả ý ấy trong lời kêu gọi của Chúa:
“Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế, thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi.”
Ngoài ý tiêu cực là phân rẽ ra khỏi thế gian, chữ “thánh” còn bao gồm ý niệm tích cực là “dành riêng cho Đức Chúa Trời.” II Cổ linh 7:1 và 6:14-16 kêu gọi:
“Hỡi, những kẻ rất yêu dấu của tôi, chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần tâm linh, lại hãy lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta….”
“chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng? Chúa Cứu Thế và Sa-tan nào có hòa hợp chi, hay là tín hữu có phẫn gì với kẻ chẳng tin? Có thể nào hiệp đền thờ Đức Chúa Trời lại với hình tượng tà thần? Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ;’ Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ làm dân Ta,”
Con người thánh chẳng những được phân rẽ ra khỏi thế gian, nhưng còn được dành cho Đức Chúa Trời, cả linh hồn lẫn thân thể, để Ngài ngự vào, sống bên trong và hướng dẫn suốt đời.
Một nhà giải nghĩa Kinh Thánh đã viết:
“Thánh đồ là danh từ lý tưởng, không phải dùng để chỉ sự trọn vẹn về phương diện luân lý, nhưng để chỉ sự tựơng giao với Đức Chúa Trời, để cho tấm lòng cũng như nếp sống trở nên trong sạch…. Chữ thánh đồ không những hàm chứa một bổn phận, nhưng còn chỉ một đặc quyền vinh hiển… ”
(Erdman, Philippians p.37)
“Trong Chúa Cứu Thế Jê-sus”
Thế giới có nhiều người được gọi là thánh, được phong thánh, hay tự xưng là thánh. Ngay cả dân Do thái có nhiều dòng như dòng Biệt lập, dòng Sa đức, dòng Essenes cũng tự xưng là thánh. Nhiều giáo hội dùng chữ thánh trong tên giáo hội. Nhưng Phao-lô chỉ muốn nói đến ”các thánh đồ trong Chúa Cứu Thế Jê-sus”. Các thư tín của Phao-lô nhan nhản những từ liệu ”trong Chúa, trong Chúa Cứu Thế, trong Chúa Cứu Thế Jê-sus.”
Riêng trong thư Phao-lô, từ liệu “trong Chúa Cứu Thế Jê-sus” được dùng 8 lần. Trong bức thư gởi các tín hữu và bạn đồng lao do Thánh Kinh ghi lại, Phao-lô dùng từ diệu “trong Chúa” 43 lần, từ liệu “trong Chúa Cứu Thế” 37 lần, và “trong Jê-sus Cứu Thế” 41 lần.
Các từ liệu “trong Chúa,” “trong Chúa Cứu Thế,” “trong Jê-sus Cứu Thế,” được xem là căn bản của triết lý cứu rỗi mà Phao-lô giảng dạy. Mấy chữ “trong Chúa”, “trong Chúa Cứu Thế”, “trong Jê-sus Cứu Thế” diễn tả sự liên hiệp giữa người tín đồ và Chúa Cứu Thế Hằng Sống.