Khảo Học Thư Phi-líp – Chương 6.2
Chương 6.2 Tác giả thư Phi-líp (1:1-2)
Đọc đến tên Phao-lô, người ta nghĩ ngay đến hai hình ảnh, hai con người, con người trước và con người sau khi tin Chúa. Trước khi tin Chúa, Phao-lô vốn có tên là Sau-lơ, người thù không đội trời chung với các môn đệ của Chúa Cứu Thế”. Sau-lơ đã bắt bớ, giam cầm, giết hại bao nhiêu người theo Chúa mà ông vẫn chưa thỏa mãn. Ông cho rằng ông có lý do, ông hành động theo lẽ phải, theo bổn phận, hành động vì ích quốc lợi dân. Con người khát máu ấy thình lình nghe tiếng gọi của Chúa Cứu Thế. Dù ghét Chúa Jê-sus, nhưng ông đã lắng lòng nghe tiếng Chúa. Cả một bức màn đen tối dày đặc trong tâm hồn được ánh sáng của Chúa xuyên thủng và dẹp bỏ. Ông chợt hiểu rằng Jê-sus chính là con Đức Chúa Trời.
Từ ngày ấy, Chúa đổi mới hoàn toàn con người ông. Và con người Sau-lơ khát máu biến thành sứ đồ Phao-lô bác ái, nhân từ. Ông chọn tên ”Phao-lô” nghĩa là ”bé nhỏ,” có lẽ vì tinh thần khiêm tốn. Ông cảm thấy mình quá nhỏ bé, hèn mọn trong Hội thánh là gia đình của Chúa. Tuy nhiên, có người học Thánh Kinh đã nhận xét rằng, Sau-lơ đổi tên ra Phao-lô sau khi truyền giảng Phúc Âm tại đảo Síp và dìu dắt tổng trấn Sê-giu Phao-lô tin Chúa, có lẽ để kỷ niệm một thành quả tốt đẹp trong những ngày đầu của công vụ truyền bá Phúc Âm.
Tác giả bức thư đang là một người tù của chính quyền đế quốc La-mã. Sau ba vòng truyền giáo vĩ đại, Phao-lô theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, tình nguyện về thủ đô Giê-ru-sa-lem để truyền giảng Phúc Âm cho dân tộc lần cuối cùng, mặc dù phải trả giá nào. Giá ông phải trả là cuộc bắt giam và tra tấn tại Giê-ru-sa-lem, đương đầu với âm mưu của người Do thái quyết định thủ tiêu ông, hơn hai năm ngục tù tại Sê-sa-rê, một chuyến vượt biển, đắm tàu và suýt mất mạng trên Địa trung hải, mấy năm giam cầm tại thủ đô La-mã với nguy cơ bị bạo vương đế quốc La-mã kết án tử hình.
Đối với anh em tín hữu Phi-líp, hình ảnh tù nhân Phao-lô không phải xa lạ gì, vì thành phần nòng cốt Hội thánh Phi-líp đã biết Phao-lô từng là một người tù tại thành phố Phi-líp, Phao-lô bị tống ngục sau cuộc tra tấn dữ dội. Cô thiếu nữ nô lệ trước kia bị quỉ ám đã được Phao-lô giải phóng, là nguyên nhân trực tiếp cuộc vu cáo và bắt bớ Phao-lô. Gia đình ông giám ngục Phi-líp tin nhận Chúa Cứu Thế là kết quả đầu tiên của cuộc bắt bớ, giam cầm người truyền bá Phúc Âm đó. Anh em tín hữu Phi-líp biết rõ Phao-lô mắc vòng lao lý chỉ vì yêu thương họ, yêu thương đồng bào đồng loại, chỉ vì ông can đảm giới thiệu Chúa Cứu Thế, trong lúc nhiều người sợ sệt và ngậm miệng vì tình thế bất lợi.
Đối với anh em tín hữu Phi-líp, và cả các tín hữu ở Ma-xê-đoan – Hy-lạp, tên Phao-lô gợi lại hình ảnh một người truyền bá Phúc Âm anh dũng, một người sẵn sàng chịu bắt bớ, giam cầm hay xử tử vì danh Chúa Cứu Thế, một con người bác ái, hy sinh giống Chúa Cứu Thế.