Chúa Còn Làm Phép Lạ – Chương 13.2
Chương 13.2: Phép Lạ Thực Sự Đã Xảy Ra
Gia-Nã-Đại về tháng giêng là một thắng cảnh, băng giá đông trắng xóa và tuyết rơi óng ánh. Mặt đất màu nâu nay được phủ thêm chiếc khăn thật mềm, thật trắng phau. Đồng ruộng, đường xá, phố xá, công viên tất cả đã hòa hợp lại với nhau dưới lớp nệm phủ của mùa đông lạnh lẽo.
Hồ Muslrat nằm dọc theo thị trấn bên kia xa lộ hướng về Ottawa đã đóng băng hơn một tháng nay. Nhỏ nhắn trên mặt hồ là những lều nhỏ do ngũ phủ dựng lên trên lớp băng để trải khí lạnh mùa đông. Xe cộ và những xe trượt tuyết lướt nhẹ trên lớp băng đông cứng. Quang cảnh này hoàn toàn tương phản với những tháng mùa hạ với những thảm cỏ xanh rờn thoai thoải xuống tận mé nước và những chiếc thuyền máy ồn ào, những tay trượt nước trượt lên trượt xuống mặt hồ yên lặng, nước tung tóe.
Tại Cobden cũng như hầu hết các thị trấn ở Gia-Nã-Đại, môn thể thao chính của mùa đông là ném đá trên tuyết. Sân ném đá trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng vì mỗi tối dân chúng tụ họp tại đây để tham dự trò chơi. Những hành lang ném đá dài như những hành lang ném banh gỗ (bowling) hay những hành lang đánh đáo số (shuffle board) được phủ trên lớp băng mỏng. Các đấu thủ thi nhau ném những viên đá đã mài sẵn về những ô đích ở cuối đường chẳng khác nào đánh đáo. Những đấu thủ khác cùng phe lăng xăng dùng những chiếc chổi quét đùa lớp tuyết trên đường viên đá đi để làm cho viên đá hoặc trượt chậm lại hoặc nhanh hơn.
Chính tại sân ném đá này lần đầu tiên tôi thấy có điều bất thường xảy ra. Tôi mới ngoài ba mươi tuổi. Khỏe mạnh, hoạt động vui vẻ và nhanh nhẹn. Lúc nào tôi cũng có thể ném viên đá nặng gần 20 kí lô vào đúng chỗ và đẩy nó trượt đi trên hàng băng không một chút khó nhọc. Nhưng đêm đó tôi không thể giữ thân mình cho thăng bằng và ngã xuống mặt tuyết nhiều lần.
Tuần sau đó, tôi thấy chân bị yếu đi. Tôi có cảm tưởng như chân tôi sưng lên, mặc dù bên ngoài vẫn có vẻ bình thường. Đôi lúc tôi thấy chân tôi thật lớn đến nỗi không thể đi lọt khung cửa. Sáng thức dậy, bước đi, tôi thấy mệt mỏi chẳng khác gì lúc sắp sửa đi ngủ.
Clarence giục tôi đi bác sĩ, nhưng lần khám đầu tiên cho tôi thấy tôi không có bệnh gì cả. Tôi càng ngày càng thấy nghi hoặc hơn về các triệu chứng lạ lùng mỗi ngày một tăng.
Hồi đầu năm, nhà hàng của chúng tôi bị hỏa hoạn và chúng tôi đã cố gắng tự sửa chữa lấy nhưng đôi chân của tôi không cho phép tôi làm việc nhiều. Tôi nhấc chân không nổi. Riêng việc đặt chân lên tấm ván chông chênh, đủ khiến cho tôi chợt té. Tôi bị ngã nhiều lần trước khi tôi nhìn nhận mình đã mắc bệnh.
Sự việc xảy ra vào tháng bảy. Một tổ chức đặc biệt dành cho đàn ông trong miền đang họp nhau lại. Tổ chức một cuộc diễu hành vĩ đại cho ngày 12-7. Tất cả dân chúng trong miền họp nhau lại để vui chơi tưng bừng náo nhiệt ngày cuối tuần. Và nhà hàng nhỏ bé cũng như trạm xăng của tôi đã gặp mối lớn.
Khi chúng tôi rời nhà bước lên bậc thang nhà về tư gia bên trên tiệm thì hai giờ rưỡi sáng. Clarence cũng vừa khóa xong xưởng rửa xe và đi sau tôi.
Được nửa cầu thang tôi thở dốc: “Chắc em leo không nổi quá”.
“Ồ em” chàng vừa bảo vừa đẩy nhẹ, “tại em hơi lớn tuổi một chút thôi mà có gì đâu.”
Sáng hôm sau, tôi cảm thấy khó chịu trong người vô cùng. Tôi mỏi mệt đến nỗi không thể bước xướng giường. Clarence đã ăn mặc xong xuôi, sắp sửa đi xuống lầu mở cửa trạm xăng. “Clarence, em mệt mỏi quá, dậy không nổi”.
Chàng bảo: “Thì em cứ ngủ thêm một lát nữa đi”.
Tôi biết rằng cần phải có mặt tại nhà hàng, nên trở mình định lê chân khỏi giường. Nhưng tôi không ngồi dậy nổi. Chân trái tôi không thể cử động. Tôi nhìn chân tôi chăm chăm, cố dùng trí óc vận chuyển. Nhưng chân vẫn trơ trơ như khúc gỗ. Tôi khóc lên.
“Clarence, em bị kích xúc hay sao ấy. Chân em không cử động được”.
“Mary e cứ đùa hoài” chàng bảo, nhưng tôi nhận thấy sự lo âu trong giọng nói của chàng.
Chân tôi vẫn không cử động cứ nằm yên.
Clarence gọi điện thoại cho bác sĩ Pye và ông ta bảo đưa tôi đến nhà thương ở Pembroke gấp. Tôi nằm tại đấy ba tuần lễ, trải qua hết cuộc thí nghiệm này đến cuộc thí nghiệm khác: chiếu điện, thử nước tủy … các triệu chứng kỳ lạ vẫn gia tăng. Tôi có thể đứng dậy, nhưng chân trái tôi không tuân lệnh. Tôi chỉ có thể bước cà nhắc, bước chân phải và lê chân trái.
Cuối cùng bác sĩ bảo tôi: “Tôi dự tính cho bà về nhà nhưng cho bà đi ngay đến Ottawa để gặp bác sĩ Embry y sĩ chuyên khoa”. Đêm hôm ấy, chúng tôi ngủ tại nhà và sáng hôm sau Clarence lái tôi đi Ottawa. Trên con đường ngoạn mục từ Cobden đến Ottawa, tôi thầm nghĩ: “Một y sĩ chuyên khoa … chắc bệnh mình trầm trọng lắm!”
Bác sĩ Embry khám tôi thật kĩ lưỡng và đưa tôi lại văn phòng của ông. Ngồi vào bàn ông hỏi: “Bà đến đây một mình à?”
Tôi đáp: “Không! Chồng tôi đang ngồi ngoài phòng đợi.”
Bác sĩ vừa giở hồ sơ ra vừa bảo: “Tốt hơn mời ông ấy vào đây”. Tôi hoảng hoảng sợ, xúc động tự hỏi: “Bác sĩ sẽ cho mình biết bệnh gì đây?” Tôi ra cửa ngoắc Clarence vào. Chàng đến đứng sau ghế tôi. Bác sĩ ngước nhìn tôi hỏi: “Bác sĩ tư của bào có cho bà biết gì về tình trạng của bà không?”
“Không! Bác sĩ chỉ bảo tôi điều phải làm”, tôi đáp, thấy lạnh hai cánh tay và ở cổ.
Bác sĩ nhìn sang Clarence. “Ông ta cũng không bảo gì ông sao?” tôi nhìn Clarence. Chàng nhìn tôi rồi nhìn xuống đất. Chàng thú nhận: “Thưa có!”
“Có phải bác sĩ đã bảo đó là bệnh đa ngạch kết phải không?!”
Tôi nghe yên lặng một lúc lâu, rồi có tiếng nói yếu ớt của Clarence: “Vâng!” Giả sử chàng lấy đá ném vào đầu tôi chắc chắn chẳng đau đớn bằng. Tôi bắt đầu khóc (tôi nghĩ rằng tôi chẳng bao giờ nên làm như vậy trước mặt một bác sĩ). Nhưng bác sĩ Embry chỉ kéo hộc bàn, trao cho tôi một hộp khăn giấy. “Bà cứ việc khóc đi. Nếu bà không khóc, chắc bà bất bình thường lắm.”