Chúa Còn Làm Phép Lạ – Chương 12.4
Chương 12.4: Phép Lạ Thực Sự Đã Xảy Ra
Tất cả mọi người nhìn nhau gật đầu. Tôi được phép trở về làm việc.
Bác sĩ Galocsi, một đảng viên cộng sản cao cấp và là cấp chỉ huy của tôi tại bệnh viện Bajcsy-Zsilinsky nhận thấy dù rằng tôi là một người đáng tin cậy, siêng năng, và mặc dù tôi là một Cơ đốc nhân, bác sĩ vẫn tìm cách thay đổi lập trường chính trị của tôi.
Mùa thu năm 1950, tôi bị trưng lập phục vụ tại trung tâm quân y không quân, với tư cách chuyên viên. Tuy nhiên, khi phòng chính trị không quân biết rằng tôi là một Cơ đốc nhân, họ quyết định thuyên chuyển tôi sang lục-quân vì họ cho rằng tôi “không đáng tin cậy”. Sau nhiều lần thuyên chuyển từ đơn vị này tới đơn vị kia, cuối cùng tôi được bổ nhiệm làm việc tại một doanh trại công binh ở Midszent gần biên giới Nam Tư với tư cách là một sĩ quan quân y.
Một buổi sáng kia, một binh sĩ mắc bệnh kiết lỵ bước vào văn phòng tôi. Tôi hoảng sợ, chỉ mới vài tháng trước, y sĩ thiếu tá Szanto đã bị xử giảo tại Tata vì các quân nhân dưới sự chăm sóc của ông đều bị tháo dạ truyền nhiễm. Rõ ràng là những người cộng sản cho rằng họ có thể khiến cho các bác sĩ tận lực làm việc bằng cách làm cho họ khiếp sợ. Thật ra, sự khủng bố đã lan tràn trên khắp các địa hạt nghề nghiệp. Nếu tòa nhà bị sập hay bị lún, họ sẽ xử giảo viên kiến trúc sư hay kỹ sư, một cách đe dọa để cho mọi người khác đừng vấp phải lỗi lầm đó.
Trong những ngày kế tiếp, có nhiều binh sĩ mắc bệnh kiết lỵ đến trình diện tại căn lều của tôi. Bệnh dịch đã bộc phát, trong cơn ngã lòng, tôi bắt đầu khấn nguyện và yêu cầu một số bạn hữu Cơ đốc khác cầu nguyện cho tôi. Bệnh dịch càng ngày càng trầm trọng và vị y sĩ trưởng lục quân đã đến thanh tra doanh trại. Tôi trình bày cho ông ta biết là sự việc diễn ra do tình trạng kém vệ sinh. Ông ta nhìn tôi một hồi lâu và bảo: “Đồng chí trung úy, được rồi, mọi điều đồng chí nói liên quan đến vấn đề y tế sẽ là những đạo luật. Ngay cả vị chỉ huy trưởng cũng phải tuân lệnh đồng chí”. Chúa đã ban phước cho các nỗ lực của chúng tôi, và tình trạng vệ sinh của chúng tôi được cải thiện một cách lạ lùng đến nỗi tôi được cục trưởng quân y tuyên dương vì đã có công chận đứng bệnh dịch trong vòng các quân nhân tại Mindszent. (Tuy nhiên, bằng tuyên dương không bao giờ đến tay tôi vì đã bị cục chính trị của bộ quốc phòng chận lại cho rằng đó là một vinh dự quá lớn lao cho một “Tăng lữ”, danh hiệu mỉa mai chống đối gán cho những người thường đi nhà thờ ở Hung-Gia-Lợi). Nhờ thành tích này, tôi được thuyên chuyển qua sư đoàn thiện chiến (sư đoàn tinh nhuệ nhất trong nước) tại Kalocsa. Tại đây tôi được là sĩ quan quản đốc bệnh viện sư đoàn.
Mỗi một cấp chỉ huy đều có một người đối nhiệm là sĩ quan chính trị. Tôi biết rằng tôi sẽ có một người bạn đồng hành như thể hầu luôn luôn sống chung một lều với tôi để dò xét tôi.
“Đồng chí” chính trị viên của tôi là một người trẻ tuổi đầy tham vọng, và tôi biết chắc là anh ta hy vọng rằng nếu có thể tìm được duyên cớ bỏ tù tôi, anh ta sẽ được thăng cấp. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng mình sẽ không lùi bước trong niềm xác tín của mình. Ngay đêm đầu tiên anh ta đến nơi, tôi bảo: “Tôi đã đọc Kinh Thánh từ hồi mười chín tuổi đến bây giờ. Tôi mong đồng chí không phiền tôi điểm này. Vả lại, đây là điều cá nhân của tôi”.
Một nụ cười yếu ớt nở ra trên gương mặt anh ta. “Không sao đâu đồng chí. Đồng chí cứ tự nhiên”. Từ lúc ấy tôi cảm thấy số phận của mình đã bị định đoạt.
Lòng sốt sắng của đồng chí chính trị viên của tôi thật vô bờ bến. Anh ta tìm cách chứng tỏ tôi là một cán bộ của “đế quốc Mỹ”. Trong lúc tôi vắng mặt, va-li tôi thường bị sục sạo và mọi lời đối thoại của tôi đều được phân tích kỹ lưỡng. Mọi chi tiết nhỏ nhặt có thể là bằng cớ tố cáo tôi đều được phép vào hồ sơ. Mặc dù tôi bị áp lực thường trực nhưng nhờ đọc Kinh thánh hằng ngày (theo sách chỉ dẫn Kinh thánh nhỏ bằng tiếng Moravia mà hiện tôi vẫn còn sử dụng) mà tôi được thêm sức lực. Đặc biệt câu Kinh Thánh này đã yên ủi tôi rất nhiều trong giờ phút đó: “Họ sẽ đánh nhau với ngươi, nhưng không thắng ngươi…” Giê-rê-mi 1:19). Quả thật họ không thắng được.