Khảo Học Thư Phi-líp – Chương 1.1
Chương 1.1: Bối Cảnh Lịch Sử
Thành phố Phi-líp nằm giữa một đồng bằng ở Đông Bộ xứ Ma-xê-đoan, phía đông núi Pangaeus, giữa hai dòng sông Strymon và Nestos. Thành phố được xây dựng bên bờ sông Gangites, cách cửa biển độ 16 kí-lô-mét.
Từ Thượng cổ, thành phố Phi-líp giữ địa vị quan trọng vì vị trí chiến lược, vì những mỏ vàng trên dãy núi áng ngữ phía bắc thành phố, vì nông sản phong phú của đồng bằng ba con sông vừa kể, và vì một con đường thiên nhiên làm trục giao thông giữa Á châu và Âu châu, khu vực ấy đầu tiên chỉ là một số hầm mỏ khai thác quặng vàng quanh thị trấn Kremides (các dòng suối).
Năm 356 TCN, vua Phi-líp II nước Ma-xê-đoan nhận thấy giá trị chiến lược của thành phố nên cho một số đông dân Ma-xê-đoan đến định cư, mở mang thành phố, và đặt tên theo hiệu nhà vua là Phi-líp. Thời ấy, các mỏ vàng đã gần cạn nhưng mỗi năm công nhân còn sản xuất hơn 1000 talents vàng. Sau khi quân La-mã chiến thắng quân Ma-xê-đoan và Hy-lạp năm 167 TCN, Phi-líp bị sát nhập vào một quận lớn, quận lỵ là thành phố Am-phi-bô-lít. Phao-lô đã thăm viếng Am-phi-bô-lít trên con đường truyền giáo. Năm 146 TC, Phi-líp lại bị sát nhập vào một tỉnh mới thành lập của đế quốc gọi là tỉnh Ma-xê-đoan, tỉnh lỵ là thành phố Tê-sa-lô-ni-ca.
Năm 42 TCN, cuộc nội chiến của dân La-mã bùng nổ sau vụ ám sát Julius Cesar. Trận đánh quyết định vận mạng giữa hai phe, một bên là phe Cesar do Antoine và Octavius, cháu Cesar lãnh đạo, một bên là Brutus Cassicas, phe cộng hòa quý tộc – đã diễn ra tại phành phố Phi-líp làm cho 16,000 quân nhân tử trận. Phe Octavius chiến thắng, dọn đường cho một cuộc nội chiến khác giữa Octavius với Antoine, và cuối cùng, đặt nền móng lâu dài cho đế quốc La-mã mà Octavius sáng lập – sử thường gọi ông là Augustus. Năm 31 TCN, sau cuộc nội chiến, Octavius cho một số cựu chiến sĩ bại trận của phe Antoine đến lập nghiệp tại Phi-líp. Vì thành phần dân La-mã quá đông, Phi-líp được hưởng một quy chế biệt trị, không lệ thuộc guồng máy hành chính tỉnh Ma-xê-đoan, và công dân Phi-líp đều thuộc quốc tịch La-mã.
Dân thành Phi-líp – cũng như Tạt-sơ, quê hương Phao-lô, và các thành phố La-mã tự trị khác, được bảo đảm nhiều quyền lợi và quyền tự do như dân thủ đô La-mã. Các sổ bộ kiểm tra dân số vẫn ghi tên họ theo các gia tộc La-mã. Họ được miễn thuế và khỏi dâng hiến cống phẩm như các dân tộc thuộc địa. Họ được hưởng quyền sở hữu đất đai do họ khai phá và canh tác. Về phương diện hành chính, thành phần biệt trị như Phi-líp thường có hai thị trưởng kiêm chánh án, bản dịch Thánh Kinh cũ của chúng ta đã dịch là “các thượng quan” (Công 16:20, 36 và 38). Dưới quyền các thị trưởng, có một số phụ tá thường được dịch là “người phục dịch,” “đề lại” hay “cảnh lại,” rập theo khuôn mẫu hành chính của thủ đô La-mã thời ấy.
Trong bức thư gửi anh em tín hữu Phi-líp, Phao-lô thường ví sánh quyền lợi đặc biệt của dân thành Phi-líp với quyền lợi cao cả Chúa dành cho con cái Ngài, là công dân Nước Chúa.