Nguyên Tắc Và Phương Pháp Truyền Bá Phúc Âm (Chương III – Phần 24c)
Chương III: Các Phương Pháp Truyền Bá Phúc Âm
24c. Phương pháp thứ hai mươi bốn: Thiết kế và thực thi công tác tăng cường và phát triển Hội Thánh
Kế hoạch phát triển của một số Hội Thánh ngày nay
Một cuộc khảo cứu về kế hoạch phát triển Hội Thánh trong ba năm vừa qua đã đem lại các kết luận nầy: từ năm 1980 nhiều chi hội mới được thành lập, và chỉ trong vòng 2 năm, số tín hữu đã tăng lên đến 1000 người. Các chi hội này đã áp dụng kế hoạch phát triển gồm 7 điếm như sau:
1. Người chăn bầy dấn thân nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo trước mặt Chúa và Hội Thánh với một lập trường lạc quan, tin quyết nơi quyền năng phát triển Hội Thánh của Chúa: tin quyết rằng Chúa muốn phát triển Hội Thánh đến mức tối đa. Người chăn sống cuộc đời gương mẫu làm gương cho các tín hữu trong mọi lãnh vực.
2. Kế hoạch cầu nguyện được đem lên sinh hoạt hàng đầu trong Hội Thánh. Họ biết cách tổ chức các nhóm cầu nguyện, sinh hoạt trong nhóm cầu nguyện với sự tham gia của tất cả các thành phần trong Hội Thánh, chia sẻ gánh nặng cầu thay, làm chứng về Chúa vừa mới nhậm lời cầu nguyện trong các buổi nhóm trước như thế nào.
3. Hoàn toàn đầu phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, sử dụng đến mức tối đa các ân tứ Thánh Linh như chúng ta đã đề cập trong phương pháp truyền giáo thứ tư.
4. Các tín hữu theo gương các người chăn bầy, dâng hiến tiền bạc rộng rãi đế đẩy mạnh công cuộc truyền bá Phúc Âm. Người chăn làm gương đi trước, bầy chiên theo sau người chăn, việc dâng hiến phần mười được xem là tối thiểu. Tất cả đều dâng hiến cách chân thành, nhưng họ chống trả kịch liệt tinh thần đóng kịch chỉ đế khích động tâm lý quần chúng.
5. Thờ phượng Chúa là sinh hoạt then chốt của Hội Thánh, không phải chỉ để chủ tọa và một ít người trong giới lãnh đạo hướng dẫn giờ thờ phượng với vài ban hát đặc biệt mà thôi, nhưng tất cả mọi tín hữu đều tham gia cuộc thờ phượng, tôn vinh, ca ngợi, cảm tạ Chúa. Các bài hát, nhất là các bài ca mới đều chú trọng vào sự tôn vinh thờ phượng Chúa, hơn là hát về các giáo lý hoặc kinh nghiệm tín đồ.
6. Mỗi tín hữu đều được khích lệ tham gia vào các công tác của Hội Thánh, bất luận nam phụ lão ấu. Hội Thánh mở những lớp huấn luyện ngắn hạn để giúp mỗi tín hữu biết rõ mình phải làm gì cho Chúa, cho Hội Thánh, cho đồng bào đồng loại cách nào hữu hiệu nhất, rồi mỗi người nhờ ơn Chúa thực hành ngay, vừa học vừa làm, vừa làm vừa học.
7. Hội Thánh có chương trình huấn luyện Kinh Thánh rất đầy đủ, chu đáo cho các lớp tín hữu từ cấp thấp đến cấp cao để đáp ứng nhu cầu thiết thực của tín hữu, chớ không phải để dạy những môn chỉ có giá trị trên bình diện lý thuyết mà không có giá trị thực tiễn. Mục đích chính mà cả người dạy lẫn người học đều nhắm vào là làm thế nào để áp dụng chân lý Phúc âm vào cuộc sống hằng ngày và giải quyết các nan đề mà người muốn tin Chúa hoặc mới tin Chúa phải đương đầu.