Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương XV -Phần 3)
Chương XV: Vấn Đề Giảng Lại Bài Cũ, Giảng Bài Của Người Khác và Những Niềm Vui Sướng Phấn Khởi Trong Chức Vụ Công Bố Phúc Âm
Phần 3
Một câu hỏi khác cũng khá quan trọng là: Có nên giảng bài giảng của người khác không? Chúng ta cần nêu ra câu hỏi khá tế nhị này, vì việc giảng bài giảng của người khác cũng là việc khá thông dụng. Để trả lời câu hỏi này cách tổng quát, chúng ta có thể nói rằng: Người nào giảng bài của người khác cũng phải nói rõ ràng xuất xứ, tức là phải nói: “Bài giảng tôi sắp giảng đây là của…, tôi dùng để giảng lại hôm nay là vì…”. Vì nếu không nêu rõ xuất xứ, người giảng bài giảng của người khác đã phạm tội “cầm nhầm”, tội “đạo văn” (ăn cắp văn của người khác), tội không ngay thật.
Có trường hợp giảng bài của người khác vì vô tình hay vì cố ý, như trường hợp sau đây: Một sinh viên của Viện Thần học Spurgeon được gởi đi giảng tại một số chi hội trong mấy Chúa nhật liên tiếp. Theo báo cáo gởi về Viện thì sinh viên này giảng rất tốt, nhưng đồng thời cũng có người báo cáo rằng sinh viên này giảng đi giảng lại một bài giảng của Mục sư Spurgeon. Ông viện trưởng gọi sinh viên này về và hỏi: Có người báo cáo anh giảng bài giảng của Mục sư Spurgeon. Việc đó có thật không”? Sinh viên trả lời: “Thưa, điều đó không thật”. Hỏi gì thì hỏi, sinh viên này cứ một mực trả lời như vậy, nên ông viện trưởng dẫn anh ta đến gặp Mục sư Charles H. Spurgeon. Mục sư Spurgeon hỏi: “Có thực anh giảng bài giảng của tôi không?” Anh ta cũng quả quyết là không như những lần trước. – “Như vậy anh giảng bài giảng của ai?” Sinh viên đáp: “Thưa, đó là bài giảng của Mục sư William Jay, ở thành phố Bath”. (William Jay là một Mục sư danh tiếng vào đầu thế kỷ thứ 19, một số bài giảng của ông đã được in ra thành sách). Nghe vậy, Mục sư spurgeon đến tủ sách, lấy cuốn sách bài giảng của Mục sư William Jay ra, thì thấy bài giảng kia có ngay trong sách, cùng một đoạn văn Thánh Kinh, cùng một đề tài, cùng một dàn bài. Thì ra lúc còn trẻ, Mục sư Spurgeon đã đọc các bài giảng của Mục sư William Jay, và nhờ có trí nhớ đặc biệt, bài giảng đó như đã được “chụp hình” trong tâm trí của Mục sư Spurgeon, đến khi Mục sư Spurgeon soạn bài giảng, những chi tiết trong bài giảng hiện ra trong trí ông mà ông không biết là của người khác. Câu chuyện này cho thấy hai điểm khác nhau: thứ nhất là: Mục sư Spurgeon vô tình, nhưng đồng thời bài giảng của Mục sư William Jay cũng đã “tiêu hoá” và nuôi dưỡng tâm linh Mục sư Spurgeon, đến khi ông giảng lại, lời giảng đó phát xuất từ tâm hồn nên ông không còn biết đó là bài giảng của người khác. Điểm thứ hai lại trái ngược: sinh viên kia biết anh ta “mượn” bài giảng của người khác, và chưa chắc bài giảng đó đã “tiêu hoá” trong tấm lòng của anh ta. Ngoài ra, khi giảng, anh ta biết rõ là anh đang dùng bài giảng của Mục sư William Jay mà không thành thật cho thính giả biết bài giảng đó từ đâu ra.
Có một lần khác, Mục sư Charles H. Spurgeon bị xuống tinh thần vì chứng bệnh “gút” rất đau đớn. Cảm thấy không thể nào giảng tại nhà thờ Tabemacle ở Luân đôn vào Chúa nhật đó, nên ông về làng quê, đến nhà thờ nhỏ ông đã sinh hoạt khi còn bé.
Ông lặng lẽ bước vào nhà thờ, ngồi vào hàng ghế sau cùng. Hôm đó, ông Truyền đạo nhiệm chức (là một tín hữu) đứng lên giảng lại một bài giảng của Mục sư spurgeon (đã được in ra). Khi ông Truyền đạo giảng xong, Mục sư Spurgeon chạy lên toà giảng, nước mắt đầm đià và cám ơn ông Truyền đạo không hết lời! Nhận diện ra được người đứng trước mặt mình, ông truyền đạo nói: “Thưa Mục sư Spurgeon, tôi không biết nói gì bây giờ, vì tôi đã giảng bài giảng của ông!” Mục sư Spurgeon đáp: “Tôi không cần biết đó là bài giảng của ai. Tôi chỉ biết một điều là lời giảng đó đã xác nhận cho tôi một cách quả quyết rằng tôi là con của Thượng Đế, tôi đã được cứu rỗi nhơ ân phúc (ân điển), tất cả tội lỗi tôi đã được tha thứ và tôi được Thượng Đế kêu gọi để phục vụ Ngài. Bây giờ tôi không còn xuống tinh thần nữa, nhưng sẵn sàng trở về Hội thánh nhà để tiếp tục công bố Phúc Âm”. Bài giảng của Mục sư spurgeon, lại được Chúa dùng để tác động mạnh mẽ trên chính Mục sư spurgeon, qua môi miệng một tín hữu Truyền đạo, là một trường hợp khá bất thường nhưng cũng có thể xảy ra! Dù vậy, chúng ta đừng quên rằng: người giảng lại bài giảng của người khác lúc nào cũng phải thành thật, đừng bao giờ có thái độ hay có hành động nào làm cho thính giả tưởng bài giảng đó là bài của mình, và nhất là bài giảng đó phải là thức ăn thuộc linh nuôi dưỡng tâm linh mình, phải tác động trong chính lòng mình, trước khi đem chia sẻ lại cho người khác.