Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương XIV -Phần 1)
Chương XIV: Kêu Gọi Thính Giả Sau Khi Giảng
Phần 1
Việc kêu gọi thính giả sau bài giảng (kể cả việc kêu gọi “tín hữu” chưa được tái sinh và “thân hữu”, lẫn việc kêu gọi người đã được tái sinh muốn “tái dâng hiến” đời sống mình cho Chúa), có thể được chia làm hai loại:
(1). Kêu gọi hoàn toàn do sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, sau khi tội nhơn đã được Thánh Linh “cảm động sâu xa”, như trong ngày Lễ Ngũ tuần (Công vụ 2:37-40).
(2). Kêu gọi bằng cách áp dụng các “kỹ thuật” của con người, như dùng âm nhạc để “điều kiện hoá” thính giả, dùng “đòn tâm lý” để đánh vào tình cảm, dùng áp lực trên lý trí thính giả v.v…
Cách kêu gọi thứ nhất, đã được thực hành vào Lễ Ngũ tuần, là cách kêu gọi lý tưởng, hoàn toàn do Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Phê-rơ chỉ lên tiếng kêu gọi sau khi “dân chúng đã cảm động sâu xa”, đã được Thánh Linh thuyết phục để quyết định tiếp nhận Chúa Cứu Thế nhưng chưa biết phải tiếp nhận cách nào nên lên tiếng hỏi: “Chúng tôi phải làm chi?”. Phê-rơ không đánh “đòn tâm lý”, không dùng áp lực. Việc làm duy nhất của Phê-rơ là chỉ cho họ Con Đường “Anh em phải hối cải, mỗi người phải nhân danh Chúa Jê-sus chịu báp tem để được tha tội, rồi sẽ nhận được Thánh Linh”.
Nhưng trong khi đó lại có một số Mục sư, sau khi truyền giảng (cho người chưa tin) hay giảng bồi linh (cho người trong giáo hội) đã áp dụng cách kêu gọi thứ hai trên đây, tức là sử dụng các kỹ thuật của con người. Cách kêu gọi thứ hai này hoàn toàn sai lầm, và dù có thu lượm được một số “kết quả” trước mắt, “kết quả” đó cũng chỉ tạm bợ, sớm muộn gì cũng tiêu tan, vì không do quyền năng Thánh Linh thuyết phục. Mục sư Lloyd- Jones có đưa ra một số lý do để khuyên chúng ta là người công bố Phúc Âm chân chính đừng áp dụng cách kêu gọi thứ hai đó. Sau đây là các lý do Mục sư Lloyd-Jones đã đưa ra:
(1) Cách kêu gọi thứ hai sai lầm vì nó đánh vào ý chí, hay vào tình cảm của con người. Công vụ chương 2 cho thấy rõ các điểm này: (a) lời giảng của Phê-rơ đi vào tâm trí của dân chúng, và được Thánh Linh đem lời đó tác động trong lòng của họ. Sau khi được Thánh Linh tác động trong lòng, họ có quyết định (trong ý chí, cũng do Thánh Linh hành động) để tiếp nhận Chúa Cứu Thế. Lời Chúa làm việc theo thứ tự: tâm trí, tấm lòng (tình cảm) rồi mới đến ý chí. La-mã 6:17 “Tạ ân Thượng Đế, anh em trước kia vốn làm nô lệ cho tội lỗi, nhưng nay đã thành tâm vâng phục các lời giáo huấn của Chúa” cũng xác nhận thứ tự đó: trước hết lời giáo huấn của Chúa được rao giảng cho người đang làm nô lệ tội lỗi, họ nghe lời đó qua tâm trí, rồi lời đó thuyết phục tấm lòng (“thành tâm”) và cuối cùng “ý chí‘ họ được Thánh Linh làm cho mềm mại để vâng phục. Nhưng khi áp dụng “kỹ thuật kêu gọi”, người “kêu gọi” nếu không tạo áp lực trên ý chí người nghe, cũng tìm cách đánh vào tình cảm của họ. Cả hai đều hoàn toàn sai lầm vì không theo đường lối của Thánh Linh, và nhất là một khi đã áp dụng kỹ thuật của con người, người kêu gọi đâu còn nhờ cậy Thánh Linh nữa?
Một lần nọ, ở Luân-đôn có một cuộc truyền giảng lớn và mệt nhà truyền bá Phúc Âm nổi tiếng được mời giảng. Chương trình được chia làm ba phần: phần đầu là nửa giờ âm nhạc, phần thứ hai là bài giảng và phần thứ ba là nửa giờ âm nhạc kết thúc. Vừa hết nửa giờ âm nhạc kết thúc này, nhà truyền bá Phúc Âm đứng lên kêu gọi. Qua hôm sau, phóng viên báo chí đến phỏng vấn, hỏi nhà truyền bá Phúc Âm có thoả lòng vì số người đáp ứng lời kêu gọi của ông không? Nhà truyền bá Phúc Âm lắc đầu. Phóng viên xin cho biết lý do, thì nhà truyền bá Phúc Âm nói: “nếu tôi đã có cơ hội kêu gọi ngay sau khi giảng, chắc chắn số người đáp ứng sẽ đông hơn nhiều.” Chúng ta có quyền đặt câu hỏi: đó có phải là công việc của Thánh Linh không? Nếu một người thật sự được Thánh Linh thuyết phục, tại sao chỉ nửa giờ sau (nửa giờ âm nhạc kết thúc) người đó lại có thể thay đổi ý kiến? Khi Thánh Linh đem chân lý tác động trong lòng của ai, người đó chắc chắn có một quyết định dứt khoát và lâu dài. Ngược lại khi một người bị áp lực, nhất là khi đang ở trong một tình trạng tâm lý “dễ cảm” do con người tạo ra, quyết định của người đó chỉ tạm bợ, nhất thời.
(2) Khi kêu gọi ý chí của thính giả, diễn giả coi như họ có khả năng tự quyết định, tự ăn năn, nhưng lời Chúa dạy rõ ràng: “Người không có Thánh Linh không nhận lãnh những ân tứ của Thượng Đế, chỉ coi như chuyện khờ dại, vì phải nhờ Thánh Linh mới hiểu giá trị những ân tứ đó” (ICổ-linh 2:14). Ê-phê-sô 2:11 cũng dạy rằng: “Dù tâm linh chúng ta đã chết vì tội lỗi, Ngài làm cho chúng ta được sống lại với Chúa Cứu Thế”. Người chưa có Chúa Jê-sus sống trong lòng (IICổ-linh 13:5) là người có tâm linh chết, và chưa được Thánh Linh “làm cho sống lại” làm sao có thể nghe, hiểu hay tiếp nhận ân tứ của Thượng Đế?
(3) Lời kêu gọi đánh vào ý chí thường tạo ra “sự ăn năn hời hợt giả tạo”. Có người đáp ứng lời kêu gọi vì nhiều lý do khác nhau, nhưng người ăn năn thật (cả người “ngoại” lẫn người “có đạo”) là người được Thánh Linh thuyết phục sâu xa về tội lỗi của chính mình để thấy Chúa Jê-sus là Đấng mình đã đâm, rồi khóc lóc với tấm lòng tan vỡ (Xa-cha-ri 12:10). Việc đáp ứng lời kêu gọi mà không do Thánh Linh thuyết phục chỉ tạo nên những người “có đạo mà không có Chúa”.
Sứ giả Phục hưng John Wesley thường viết trong tập nhật ký của ông rằng: “Hôm nay (ngày, tháng), tôi giảng ở (tên địa điểm), có nhiều người rất cảm động. Nhưng mỗi người cảm động sâu xa đến mức nào, là điều chỉ một mình Thượng Đế biết”. John Wesley là người được Chúa ban cho “trí thức thuộc linh” sâu nhiệm, nên ông không chú ý đến kết quả trước mắt mà chỉ chú ý đến quyền năng tái tạo của Thánh Linh, là kết quả còn lại đời đời.