Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương XIII -Phần 2)
Chương XIII: Những Điều Nên Tránh
Phần 2
Trong những điều người công bố Phúc Âm phải tránh trước tiên chúng ta phải nói đến “tác phong nhà nghề nghề Mục sư”). Mục sư Lloyd-Jones nói rằng: “Tác phong nhà nghề (professionalism) là điều “đáng ghét” bất cứ trong lãnh vực nào. Tôi đã không chịu được tác phong nhà nghề khi tôi còn làm bác sĩ, vì có những bác sĩ có vẻ “nhà nghề” hơn là có khả năng. Họ có dáng dấp, điệu bộ, có những hành động và lời nói rất là “nhà nghề”, nhưng lại là những bác sĩ thiếu khả năng. Trong khi đó những bác sĩ tài giỏi lại không lộ ra những thứ “nhà nghề” đó. Ở ngoài đời mà còn như vậy, huống chi trong hàng ngũ Mục sư tác phong nhà nghề lại càng đáng trách hơn nữa. Không có gì tệ hại bằng khi Mục sư đã đến giai đoạn phải lên toà giảng để giảng vào Chúa nhật vì bổn phận, vì coi chức vụ Mục sư là một nghề nghiệp, mà không còn có quyền năng cảm động, thôi thúc mình. Nếu Mục sư thành thật với mình và tự hỏi: “Tại sao tôi phải giảng?” và thấy câu trả lời là: “Bổn phận tôi phải làm, chi hội tôi quản nhiệm cho rằng tôi phải giảng, nên tôi phải giảng” thì đó chính là Mục sư có tác phong nhà nghề. Khi Mục sư Lloyd- Jones còn ở trong ngành y khoa, có một bác sĩ không lo học hỏi thêm mà chỉ chú ý đến dáng dấp điệu bộ. Ông ta rất trịnh trọng khi đặt ống nghe lên ngực bệnh nhân, nhưng kỳ thật ông rất kém khi chẩn bệnh! Có Mục sư cũng quá chú ý đến dáng dấp điệu bộ, như một người áp dụng đúng “kỹ thuật” diễn xuất đã học được ở kịch trường. Cũng có người bắt chước cách máy móc điệu bộ vốn tự nhiên của một Mục sư khác”.
Người công bố Phúc Âm cũng phải tránh việc tỏ ra mình là người đọc nhiều, biết rộng. Chúng ta đã nêu ra các lý do tại sao Mục sư cần đọc nhiều (sách, báo chí, tài liệu chuyên môn v.v…) nhưng nếu đọc chỉ cốt để “loè” thính giả, chỉ cốt để khoe sự hiểu biết của mình thì là sai lầm.
Một thái độ chúng ta cần phải tránh, là sau khi soạn xong bài giảng, chúng ta thường; cho rằng mình đã sẵn sàng rồi. Nói cách khác, chúng ta có thái độ “ỷ lại vào bài giảng đã soạn xong”. Thái độ này là một sự cám dỗ của ma quỷ, vì ai ỷ lại vào bài giảng đã soạn xong mà không tiếp tục cầu nguyện đê Chúa Thánh Linh tiếp tục dạy dỗ mình và để Thánh Linh chuẩn bị lòng thính giả, người ấy chắc chắn sẽ thất bại (theo con mắt của Thượng Đế). Chúng ta phải đề cao cảnh giác, phải liên tục “phục tùng Thượng Đế và chống lại qụỷ vương” (Gia-cơ 4:7) để khỏi sa vào cạm bẫy này, vì Sa-tan luôn luôn đặt bẫy xung quanh người công bố Phúc Âm.
Khi có người hỏi Mục sư Lloyd-Jones có ý kiến nào giúp đỡ các Mục sư đề cao cảnh giác thì ông trả lời rằng: với tư cách là một “đại tội nhơn” đã liên tục chiến đấu với ma quỷ trong nhiều năm, tôi chỉ khuyên rằng: chúng ta phải coi chừng khả năng, khí chất và tài năng cá nhân. Nói cách khác, chúng ta phải coi chừng các sở trường của mình, những cái gì chúng ta coi là ưu điểm, vì những thứ này rất dễ làm chúng ta ỷ lại mà tự thị tự mãn, và cuối cùng lãnh lấy thất bại. Người nào ỷ lại vào khả năng của mình sẽ thích cho người khác chú ý đến chính mình, và “cái tôi” sẽ thành chướng ngại vật không cho người khác thấy Chúa. Chúng ta nên nhớ gương của Áp-sa-lôm. người đã chết vì đầu tóc dài, là “sở trường” của ông ta (IISamuên 14:25-26; 18:9-15).
Kiêu ngạo, dưới nhiều hình thức tế nhị như “thấy mình quan trọng”, “cho mình là người không ai thay thế được” v.v… là một tội lỗi vô cùng nguy hiểm lúc nào cũng rình rập các Mục sư. Mục sư dễ thấy mình “quan trọng” khi đứng trên toà giảng, chỗ cao hơn mọi người khác và mọi người đều hướng nhìn về Mục sư. Trong khi đó quỷ dữ cứ tỉ tê vào tai Mục sư những lời đường mật, như: “Bài giảng hôm nay ta soạn rất công phu và ‘ưng ý’ “, “Ta giảng bữa nay ‘có ơn’ lắm”, “Ta nói ra những điều mới lạ, những giáo lý cao siêu, ai nghe cũng khâm phục” v.v… Các cách hữu hiệu nhất để chiến thắng cạm bẫy kinh khủng này của Sa-tan là cầu nguyên thầm và lẩm nhẩm mấy câu Kinh Thánh như Phi-líp 2:5-8, Hi-bá 12:2 v.v… và khi ở nhà (văn phòng) đọc lại tiểu sử, hay nhật ký của các đầy tớ khiêm nhường của Chúa như Whitefield, David Brainerd v.v… Mục sư Lloyd-Jones cho rằng ai đọc các tiểu sử này mà còn kiêu ngạo thì người đó là “Mục sư chuyên nghiệp”, không phải là tiên tri thật của Thượng Đế.