Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương XII -Phần 2)
Chương XII: Thí Dụ Soi Sáng, Trí Tưởng Tượng, Tu Từ (Hùng Biện), Lời Nói Hóm Hỉnh
Phần 2
Trí tưởng tượng là một trong các ân tứ Thượng Đế ban cho loài người. Nếu không có trí tưởng tượng, nhân loại đã không có các nghệ sĩ thượng thặng như thi hào Nguyễn Du, nhạc sĩ Beethoven, hoạ sĩ kiêm điêu khắc Michael Angelo v.v… Người công bố Phúc Âm cũng cần xử dụng trí tưởng tượng để có thể trình bày Chân Lý của Thượng Đế cách sống động. Nhưng trí tưởng tượng cũng là “con dao hai lưỡi” rất dễ làm “đứt tay” người xử dụng nó.
Mối nguy hiểm của trí tưởng tượng là nó Tất dễ thoát ra khỏi vòng kiểm soát của người xử dụng nó, mà vượt qua đường ranh giới giữa sự thật và sự “thổi phồng sự thật”, giữa việc đem lại ích lợi cho người nghe và việc làm cho người nghe khâm phục cá nhân diễn giả.
Vào thế kỷ thứ 18, bá tước Chesterfield, một chính trị gia và văn sĩ vô tín người Anh được mời đến nghe một Mục sư nổi tiếng giảng. Trong khi giảng Mục sư này kể câu chuyện một người mù quờ quạng đến gần bên bờ một vực sâu thăm thẳm để ứng dụng vào Ngày Phán xét sau cùng, mặc dù có tiếng kêu cảnh cáo nhưng nhiều tội nhân cứ lần lần tiến tới miệng vực. Mục sư kia có trí tưởng tượng rất mạnh và có tài kể chuyện rất hay, nên câu chuyện làm cho thính giả hồi họp theo dõi. Khi đến chỗ người mù hụt bước và rơi xuống vực, bá tước Chesterfield đứng lên, la lớn: “Chết người mù rồi!”. Nhưng rốt cuộc, nhà quý phái vô tín này chỉ phục trí tưởng tượng của diễn giả chứ không tiếp nhận Phúc Âm.
Một lần nọ, một Mục sư bên Anh dùng đoạn văn Lu-ca 15:11-32 với câu chuyện Người con trai phóng đãng để làm nền tảng cho bài giảng của ông ta. Nhưng ông ta đã để trí tưởng tượng làm việc hơi nhiều, vì sau khi mô tả tình trạng đói khổ của người con trai, Mục sư nói thêm: vì không đủ vỏ đậu cho heo ăn, nên đàn heo đói hung hăng xông đến cắn hai chân cậu con trai kia, làm cho hai ông quần của cậu ta rách nát tả tơi! Mục sư này đã để cho trí tưởng tượng mình vượt ranh giới giữa sự thật trong Thánh Kinh và việc thổi phồng sự thật.
Như chúng ta đã nói trên đây, người công bố Phúc Âm chân chính có thể dùng trí tưởng tượng Chúa cho để kể thí dụ soi sáng, câu chuyện trong Thánh Kinh hay câu chuyện ngoài đời nhằm mục đích trình bày Chân lý một cách sống động. Nhưng khi xử dụng trí tưởng tượng, chúng ta phải luôn luôn nhớ ba điểm: sự THẬT, SỰ THẬT và SỰ THẬT. Trí tưởng tượng phải được dùng để phục vụ Sự Thật chứ đừng bao giờ dùng nó để bẻ cong hay thổi phồng Sự Thật. Chúng ta phải đem Chân lý để gây ảnh hưởng trên người nghe giảng, chứ đừng bao giờ dùng trí tưởng tượng với “nghệ thuật thổi phồng sự thật”, hay “nghệ thuật bi thảm hoá” mà làm cho người ta khâm phục mình.