Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương XII -Phần 1)
Chương XII: Thí Dụ Soi Sáng, Trí Tưởng Tượng, Tu Từ (Hùng Biện), Lời Nói Hóm Hỉnh
Phần 1
Mục sư Lloyd-Jones cho rằng trong khoảng một trăm năm nay, việc dùng thí dụ soi sáng và việc kể chuyện trong khi giảng đã trở thành một sự “rủa sả” và là một trong mấy lý do làm cho việc công bố Phúc Âm bị xuống dốc và coi thường. Lý do là nhiều Mục sư đã biến thiên chức công bố Phúc Âm thành “nghệ thuật kể chuyện” Những người này soạn bài giảng với mục đích chính là để kể một câu chuyện họ tưởng tượng ra, hay một bài báo, một mục trong sách họ đã đọc được, cũng có người kể chuyện xảy ra trong gia đình họ, chuyện của con cái họ v.v… Họ dùng câu chuyện này, hay mục này làm nền tảng, rồi mới lo đi kiếm một đoạn văn Thánh Kinh để tô điểm cho câu chuyện. Nói cách khác, câu chuyện là “trái tim” của bài giảng!
Mặc dù có một số thính giả, có khi là đa số, đến nhà thờ để mua vui (nhất là người chưa tái sinh), nhưng Mục sư không phải là người chạy theo thị hiếu không đúng tiêu chuẩn thuộc linh của họ để biến thành “tài tử chọc cười”. Các thí dụ hay câu chuyện chỉ có thể được dùng để soi sáng chân lý, để giúp thính giả dễ hiểu và dễ nhớ các sự dạy dỗ của Chúa Thánh Linh, chứ không phải để người ta chú ý đến câu chuyện và người kể chuyện.
Người công bố Phúc Âm chân chính là người được chính Thượng Đế giao cho trọng trách công bố, giải bày chân lý của Ngài. Đó là mục đích cao cả và cũng là mục đích độc nhất của sứ giả của Thượng Đế, còn tất cả những thứ gì khác đều là phụ thuộc và đều phải hướng về mục đích đó. Nói cách khác, các thí dụ soi sáng hay các câu chuyện đều là những “đầy tớ”, và chỉ nên dùng khi có cần và dùng cách rất thận trọng, để tránh hiểu lầm. Bài giảng có nhiều câu chuyện hay thí dụ, là bài giảng thiếu hữu hiệu, vì người giảng phải ngừng việc trình bày chân lý nhiều lần, với câu “tôi có nhớ câu chuyện… tôi xin kể cho quý vị câu chuyện này.v.v…” Có một số Mục sư đã giảng theo cách đó và được nhiều người thích, nhưng họ là những “người kể chuyện bình dân”, hay “tài tử chọc cười lành nghề” chứ không phải là người trung tín “lo truyền bá Phúc Âm, làm trọn nhiệm vụ của đầy tớ Chúa” (IITi-mộ-thư 4:5).
Khi dùng các câu chuyện khoa học đọc được trong báo chí, Mục sư phải kiểm chứng các dữ kiện cho chắc chắn, vì đa số các nhà báo không phải là khoa học gia (mặc dù các nhà báo Tây phương thường có trình độ văn hoá tương đối cao), nên khi viết về khoa học, như thiên văn học, y học, vật lý học v.v… họ có thể viết không đúng khoa học hay thiếu sót một số dữ kiện cần thiết. Các kinh nghiệm cá nhân liên hệ với khoa học, như kinh nghiệm về bệnh lý, cũng phải được tra cứu (dùng sách chuyên môn, bách khoa tự điển) hay kiểm chứng với chuyên gia liên hệ. Mục sư Lloyd-Jones (là một bác sĩ y khoa) có thuật câu chuyện này: “Một lần nọ, có một Mục sư giảng và kêu gọi thính giả phải lưu tâm đến những lời cáo trách của lương tâm ngay khi mới bắt đầu phạm tội. Để chứng minh lời khuyên này, Mục sư kia đã kể câu chuyện thật về một phụ nữ mới qua đời một tuần lễ trước đó, và chính Mục sư là người làm lễ an táng. Mục sư đó nói rằng bà kia chết vì chứng ung thư ở ngực, nhưng khi bác sĩ chẩn bệnh và báo cho bà biết bà bị ung thư thì chứng bệnh này đã ăn lan qua xương sống và qua nhiều bộ phận trong cơ thể. Lúc đó đã quá muộn và không thể nào chạy chữa nữa. Mục sư đó nói rằng: Nếu bà kia đã để ý đến triệu chứng đau nhói trong ngực khi vừa mắc chứng ung thư và đã lo chữa chạy sớm thì đâu đến nỗi phải qua đời! Mục sư Lloyd-Jones nói rằng: Là một bác sĩ y khoa, tôi nghe ông kia nói như vậy mà lắc đầu, vì chứng ung thư bà kia mắc phải là chứng bệnh không hề làm cho bệnh nhân đau đớn mà chỉ bành trướng trong cơ thể con người cách âm thầm lặng lẽ cho đến khi đã đến giai đoạn nguy kịch. Có thể lúc đầu bà ta cảm thấy có cái bướu nhỏ nhưng cho là không quan trọng. Vì không biết rõ điểm đó, mà cũng không chịu khó tra cứu để nắm vững các dữ kiện y khoa cần thiết, Mục sứ kia đã ứng dụng câu chuyện cách sai lầm và đồng thời làm cho người nghe nghi ngờ trình độ hiểu biết của Mục sư. Người có kiến thức khoa học khi nghe một Mục sư dùng các câu chuyện phản khoa học, hay thiếu dữ kiện khoa học, chẳng những sẽ mất tin tưởng Mục sư mà còn có thể nghi ngờ Chân Lý của Thánh Kinh nữa.
Vì vậy, chúng ta phải hết sức thận trọng trong việc dùng các thí dụ và các câu chuyện, và chỉ dùng khi có cần và nhất là phải kiềm chứng kỹ càng.