Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương X -Phần 5)
Chương X: Chuẩn Bị Sứ Điệp
Phần 6
Có Mục sư nọ dùng câu Ga-la-ti 3:1 “Anh em Ga-la-ti thật là dại dột! Anh em đã biết Chúa Cứu Thế hy sinh trên cây thập tự – biết quá rõ như thấy tận mắt – thế mà anh em còn bị ai mê hoặc? “ Đề mục của bài giảng này là: “Nguy cơ có thể bị mê hoặc”. Đề mục rất hợp với đoạn văn Thánh Kinh và lời mở đầu của Mục sư đó cũng rất vững vàng. Nhưng Mục sư này chỉ trình bày những giáo lý, những truyền thông có thể làm cho các tín hữu bị đời bây giờ mê hoặc như các anh em Ga-la-ti đời xưa. Còn vấn đề chính, là người Ga-la-ti bị mê hoặc đến nỗi đã bỏ qua “cái gì”, thì Mục sư đó lại không nói đến. Đoạn văn Thánh Kinh nói rất rõ ràng: người Ga-la-ti bị mê hoặc nên đã quên mất “Chúa Cứu Thế đã hy sinh trên cây thập tự”, là chân lý họ đã nghe, đã biết quá rõ như được thấy tận mắt. Sứ đồ Phao-lô ngạc nhiên tại sao người Ga-la-ti lại bị mê hoặc đến nỗi quên “vinh quang của thập tự giá”. Điều họ lãng quên khi bị mê hoặc là ý nghĩa của cây thập tự, ý nghĩa của sự chết của Chúa Cứu Thế. vậy mà Mục sư đó lại bỏ quên ý chính đó và suốt bài giảng của ông ta không hề thấy nói đến cây thập tự!
Có Mục sư khác dùng đoạn văn La-mã 1:1-4 để giảng vào một Chúa Nhật Phục Sinh, trong đó có câu “về thể xác, Chúa giáng thế làm người qua dòng Đa-vít; về Thần linh, Chúa sống từ cõi chết chứng tỏ Ngài là Con Thượng Đế đầy uy quyền…” Mục sư này cắt nghiã các từ ngữ và thành ngữ của đoạn văn này ít rõ ràng và nhấn mạnh chân lý Chúa Cứu Thế Jê-sus là Con Thượng Đế. Nhưng sự sống lại của Chúa, là sự kiện lịch sử chứng minh Chúa Jê-sus là Con Thượng Đế lại không được Mục sư ấy nhắc đến, nhất là hôm ấy lại là Chúa Nhật Phục Sinh! trong đoạn văn Thánh Kinh, ai cũng thấy rõ sứ đồ Phao-lồ nhấn mạnh đến Sự Sống Lại của thể xác Chúa Jê-sus, và nói đó là sự kiện chứng minh Ngài là Con Thượng Đế quyền năng. Dùng đoạn văn Thánh Kinh nói về sự sống lại của Chúa Jê-sus để trong vào một Chúa Nhật Phục Sinh mà lại bỏ qua ý chính thật một thiếu sót tai hại.
Cũng có một Mục sư nổi tiếng bên Anh đã dùng La-mã 8:2 thì luật của Thánh Linh hằng sống trong Chúa Cứu Thế Jê-sus giải phóng tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết” để giảng vào một ngày Thứ Sáu Thương Khó. Mục sư này cắt câu Thánh Kinh trên ra khỏi mạch văn, nhất là câu 3 “Thượng Đế sai chính Con Ngài mang lấy hình hài thể xác giống như thể xác tội lỗi của loài người để tiêu diệt tội lỗi nơi xác thịt” để giảng về sự thánh hoá mà không nói đến sự thương khó của Chúa Jê-sus. Chẳng những thời điểm đó (ngày Thứ Sáu Thương khó) đòi hỏi ông ấy phải giảng về sự chết của Chúa, mà chính mạch văn trong La-mã nói rất rõ về sự thương khó và sự chết của Chúa Jê-sus: khi “Thượng Đế sai Con Ngài mang lấy thể xác giống như thể xác tội lỗi của loài người để tiêu diệt tội lỗi nơi xác thịt”, tức là tiêu diệt tội lỗi trên thân thể của Chúa Cứu Thê’ khi Ngài chịu treo thân trên cây thập tự. Ý chính của đoạn văn Thánh Kinh đó là sự chết của Chúa Jê-sus khi Ngài tình nguyện đứng trong địa vị tội nhân của chúng ta để nhận lấy cơn thịnh nộ của Thượng Đế và chịu chết trên cây thập tự ở Gô-gô-tha. Ngoài ra, nếu không có sự chết của Chúa để tiêu diệt tội lỗi, làm sạo chúng ta được thánh hoá?
Chúng ta phải tìm cho ra “sứ điệp chính” của đoạn văn, phải cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh dùng sứ điệp đó dạy chính chúng ta, và chỉ dẫn cho chúng ta phải trình bày sứ điệp chính đó cách nào để Lời Chúa tác động mạnh mẽ trên tâm trí và nhất là trên tấm lòng của người nghe