Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương X -Phần 4)

Chương X: Chuẩn Bị Sứ Điệp

191115

Phần 4

Làm như thế, chúng ta tránh được một sai lầm rất nguy hiểm là: đừng bao giờ quyết định giảng một đề tài nào đó rồi mới lo tìm những câu Thánh Kinh thích hợp với đề tài mình đã chọn, như cách một người dựng lên cái giá áo với mấy cái móc, rồi đi tìm cho đủ số áo để treo lên mây cái móc đó, hay người làm một cái khung ảnh, rồi mới cắt xén tấm ảnh cho vừa với cái khung đã làm. Tất cả các bài giảng của chúng ta đều phải bắt nguồn từ sự suy gẫm nghiên cứu Lời Chúa để tự học hỏi, rồi khi được sự dạy dỗ đặc biệt, chúng ta soạn thành bài giảng giải kinh, chứ đừng bao giờ đặt ra đề mục rồi mới lo đi tìm một số câu Thánh Kinh cho thích hợp với đề tài.

Khi đã có một số bài giảng để “giảng hàng loạt”, Mục sư cũng phải thường xuyên chú ý đến hai việc quan trọng là: thẩm định trình độ thuộc linh của thính giả, và thẩm định chính mình. Hai việc thẩm định này rất cần thiết để Mục sư có thể “điều chỉnh” các bài giảng của mình, hoặc thêm hoặc bớt số bài giảng, hay thay đổi những phần không thích hợp. Để làm sáng tỏ điểm này, chúng ta có thể đưa ra kinh nghiệm của một vị Mục sư nọ. Trước khi được bổ nhiệm đến một chi hội ở Luân đôn (với đa số hội viên là nhà buôn), Mục sư đã có lần làm viện trưởng một viện thần học. Mục sư này bắt đầu giảng một loạt bài giảng giải kinh theo thư Ê-phê-sô. Mặc dù các hội viên đều biết Mục sư là người có nhiều khả năng, họ vẫn cảm thấy “chới với” khi nghe ông giảng, vì loạt bài giảng của Mục sư quá cao, quá sâu và quá dài. Nhưng Mục sư cứ tiếp tục giảng cho hết loạt bài giảng ông đã soạn thảo. Lý do là vì Mục sư đã không thẩm định trình độ thuộc linh của thính giả và cũng không thẩm định lại chính mình, để làm công tác điều chỉnh cần thiết, nên các bài giảng của ông không bổ ích gì cho đời sống thuộc linh của tín hữu. Mục sư không được nói rằng: “Tôi giảng gì hội chúng cũng phải nghe cả”. Mặc dù Mục sư có thể được Thánh Linh hướng dẫn để giảng những điều hội chúng không thích nghe, nhưng trách nhiệm của Mục sư là phải cầu nguyện nhiều để Thánh Linh làm việc trong lòng thính giả để họ chịu nghe những điều họ cần phải nghe, và đồng thời Mục sư cũng phải thẩm định chính mình, để xem cách trình bày Lời Chúa có thích hợp không. Mục sư không nên bắt tín hữu phải suy nghĩ như Mục sư suy nghĩ, hay bắt họ phải chạy theo cho kịp những tư tưởng chỉ được trình bày cách quá ngắn gọn. Ngoài ra Mục sư phải thẩm định trình độ thuộc linh của thính giả để khỏi giảng những điều quá cao cho hội chúng của mình. Mục sư Spurgeon có nhắc nhở rằng: Mục sư là nguời nuôi chiên, chứ không nuôi hươu cao cổ (giraffe). Mục sư có trách nhiệm giúp đỡ tín hữu, hướng dẫn họ đến với Thượng Đế, giúp họ biết Chúa càng ngày càng rõ ràng hơn để cho họ được gây dựng họ vững mạnh trên nền tảng đức tin thánh thiện (Giu-đe 20), nên phải liên tục thẩm định trình độ thuộc linh của họ, tìm xem họ cần thức ăn gì, để điều chỉnh các bài giảng của mình.

Một nguyên tắc quan trọng chúng ta cần nhớ luôn là: mỗi bài giảng phải đầy đủ trọn vẹn, mỗi bài giảng tự nó phải là một “thực thể”, như thân thể con người có đủ đầu, mình và tay chân. Nguyên tắc này cũng phải được áp dụng khi chúng ta giảng theo phương pháp “giảng hàng loạt” (giảng một loạt bài liên tục). Bài thứ nhất của loạt bài giảng phải đầy đủ, với lời mở đầu, thân bài và kết luận, chứ đừng giảng nửa chừng (không có kết luận) rồi châm dứt bằng câu: “Qua bài giảng sau, chúng ta sẽ thảo luận tiếp”. Bài giảng thứ hai và các bài giảng sau đó đều phải bắt đầu bằng mấy lời ngắn gọn, tóm tắt đại ý của bài giảng trước, để thính giả có thể theo dõi dễ dàng. Vì trong số thính giả hôm nay, có thể có người Chúa nhật trước vắng mặt, cũng có thể có người có mặt Chúa nhật trước, nhưng không còn nhớ đại ý bài giảng trước để có thể “móc nối” với bài giảng hôm nay. Nhưng phần nầy phải thật “ngắn gọn”, để khỏi phải mắc vào lỗi lầm của một Mục sư nọ bên Anh khi ông này đã để khá nhiều thì giờ nhắc lại bài giảng Chúa nhật trước, rồi cũng nói thật nhiều về bài giảng Chúa nhật sau, đến nổi chỉ còn một ít phút cho bài giảng “hôm nay”! Đây là một lỗi lầm chúng ta rất dễ mắc phải, nhất là khi biết được có mấy người “quan trọng” đã vắng mặt Chúa nhật trước, chúng ta thường giảng lại hầu hết bài giảng cũ cho những người này và không còn thì giờ để giảng bài mới.

Khi giảng một loạt bài giảng chúng ta phải nhớ nguyên tắc “mỗi bài giảng phải đầy đủ trọn vẹn” và đồng thời cũng phải cho thính giả ý thức được rõ ràng “vị trí” của mỗi bài giảng trong loạt bài chúng ta đang giảng liên tục qua một thời gian năm bảy Chúa nhật hay hơn nữa.

Khi đã được Chúa Thánh Linh ban cho một đoạn văn Thánh Kinh, một sách, hay một phần của một sách trong Thánh Kinh làm căn bản cho bài giảng và khi đã quyết định áp dụng cách ‘giảng theo đoạn văn” hay “giảng hàng loạt”, chúng ta cầu nguyện xin Thánh Linh hướng dẫn việc tra cứu tìm tòi để biết ý nghĩa của phần Thánh Kinh sẽ giảng. Ở đây, người công bố Phúc Âm chân chính phải nhớ quy tắc bất di bất dịch này: PHẢI TRUNG THỰC TUYỆT ĐỐI. Nói cách khác, người công bố Phúc Âm phải trung thực với ý nghĩa của Thánh Kinh, và đừng bao giờ đưa một lý thuyết hay ý kiến của mình ra rồi dùng một câu Thánh Kinh chứng minh cho lý thuyết đó, cũng đừng bao giờ lấy ra một ý nghĩa nào mình thích mà bỏ qua các ý nghĩa quan trọng khác.