Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương VII -Phần 1)

Chương VII: Hội Chúng (Người Nghe Giảng)

images-14

Phần 1

Sau khi đã có cái nhìn tổng quát để thấy người đứng trên toà giảng, và đã biết những điều kiện cần thiết liên hệ đến người ấy, như sự kêu gọi, huấn luyện, những điều người ấy cần biết, cần làm v.v…, chúng ta cũng cần nghiên cứu một số khiá cạnh của hội chúng, tức là những người ngồi trên các hàng ghế để nghe giảng.

Trách nhiệm đầu tiên và quan trọng hơn hết của người công bố Phúc Âm là giảng cho số thính giả đến nhà thờ để nghe giảng, và vì vậy chúng ta phải nghiên cứu mối liên hệ giữa người giảng và người nghe, vì mối liên hệ này có ảnh hưởng rất lớn trên việc huấn luyện các sinh viên sẽ lãnh trách nhiệm rao giảng Phúc Âm.

Mối liên hệ giữa người giảng và người nghe đã và đang trải qua nhiều chuyển hướng quan trọng và dường như hiện nay trọng tâm của mối liên hệ này đã chuyển về phiá người nghe chứ không còn hướng về người giảng như trước. Chúng ta phải công nhận rằng trong quá khứ, người giảng là trọng tâm, nhiều khi được người nghe coi là “thần tượng” và vì vậy thường có thái độ “độc lập”, không thấy mối liên hệ với người nghe là cần thiết. Mục sư Martyn Lloyd-Jones có kể câu chuyện thật sau đây đã xảy ra trong một nhà thờ lớn ở Edinburgh cách đây khá lâu. Một bà cụ đến nhà thờ đó để nghe một giáo sư danh tiếng giảng. Sau giờ giảng, có người đến hỏi bà cụ: “Bà cụ có thích bài giảng của Mục sư không?” Bà cụ trả lời: “Thích lắm chứ”. Nhưng khi được hỏi: “Bà cụ có theo dõi được các lời của Mục sư giảng không?”, thì bà cụ đáp: “Tôi đâu có dám tự cho là hiểu được một người tài cao học rộng như Mục sư!” Đó là thái độ của người nghe bảy tám chục năm về trước. Thái độ đó không còn nữa vì dường như hiện nay người nghe muốn chi phối người giảng, hay nói cách khác, người nghe muốn trở nên thành phần có tác dụng quyết định.

Nói chung, trào lưu này chủ trương rằng: “con người hiện đại” và “thế hệ hiện đại” đòi hỏi phải có mối tương quan mới giữa người giảng và người nghe. Trào lưu này được số nhà thần học tiếng tăm như Kuitert, Bultmann v.v… đẩy mạnh. Kuitert là một nhà thần học người Hoà lan, giáo sư viện đại học “Tự do” (Free University) ở Amsterdam. Ông ta đứng vào địa vị người nghe để chỉ trích nền thần học cổ điển và cách giảng “cổ truyền” và ảnh hưởng của Kuitert càng ngày bành trướng ở Âu châu. Bultmann, người chủ trương loại trừ đặc tính thần thoại (demythologize) ra khỏi Phúc Âm, nói rằng: “Con người hiện đại, với kiến thức khoa học và cái nhìn hiện đại không thể nào chấp nhận Phúc Âm, nếu chúng ta còn nói đến phép lạ, là những chuyện thần thoại.” Theo các nhà thần học hiện đại này thì yếu tố quyết định của việc công bố Phúc Âm là sự chấp nhận của con người hiện đại. Nói cách khác, người đứng trên toà giảng phải dựa theo những cái gì được con người hiện đại chấp nhận mà rao giảng!