Thiên Chức Công Bố Phúc Âm (Chương VI -Phần 4)

Chương VI: Người Công Bố Phúc Âm

nang-som-cdnnv-332x205

Phần 4

Chúng ta đã có người được kêu gọi và được Hội thánh xác nhận, và bây giờ đến phần huấn luyện và chuẩn bị.

Trên nguyên tắc, đây là việc của các Trường Thánh Kinh, Thần Học viện, Chủng viện, vì vậy chúng ta không cần đi vào chi tiết các môn học, nhưng cũng cần nhấn mạnh đến một số khía cạnh cần thiết của phần huấn luyện, cả huấn luyện tổng quát, lẫn huấn luyện chuyên môn.

Phần huấn luyện tổng quát chúng ta muốn nói đến là văn hoá (tri thức) tổng quát và kinh nghiệm sông ở đời. Đúng ra văn hoá và kinh nghiệm sống là những thứ người được kêu gọi có thể học hỏi và thu thập trước khi vào Thần học viện. Lý do chúng ta nhân mạnh điểm này là khi một người từ trường trung học hay đại học vào thẳng Thần học viện mà chưa có kinh nghiệm sống ở đời, như kinh nghiệm làm công nhân, tiểu công nghệ, thương mại v.v… Người này thường quá nặng phần lý thuyết, hay quá nặng trí thức khi rao giảng Phúc Âm. Người đứng trên toà giảng là người giảng cho thính giả, giúp họ giải quyết những nan đề, cả thuộc linh lẫn thuộc thể, trong cuộc sống của họ, chứ không phải đưa ra lý thuyết suông, hay trình bày những nan đề của chính mình. Người công bố Phúc Âm là người hoà mình với thính giả, chia sẻ các khó khăn đau khổ của thính giả chứ không thể nào tách rời mình ra khỏi thính giả. Do đó chúng ta thấy người này cần phải có một trình độ văn hoá đầy đủ và cần có kinh nghiệm sống. Một điểm liên hệ với vấn đề huấn luyện là “huấn luyện trí óc”. Có người có sẵn trí thông minh Chúa cho, nhưng bộ óc người này cũng cần được huấn luyện và cần được đặt vào kỷ luật, vì người công bố Phúc Âm cần phải biết suy nghĩ và lập luận cách có hệ thông và lôgic (hợp lý). Chúng ta đừng quên rằng bài giảng không phải là một mớ tư tưởng bừa bãi vô trật tự, nhưng bài giảng phải được xây dựng cách hợp lý, các tư tưởng phải được sắp đặt cách mạch lạc và tiệm tiến.

Văn hoá tổng quất cũng cần được trau dồi liên tục, để khỏi bị coi là người “chậm tiến” và nhất là để khỏi dùng những thí dụ với các lý thuyết hay các dữ kiện khoa học đã lỗi thời (nhất là trong các ngành thiên văn, vật lý thiên thể (astrophysics), y học v.v…).

Đó là một vài điểm nói qua về phần huấn luyện tổng quát. Bây giờ đến phần huấn luyện đặc biệt, về phần này, chúng ta cũng chỉ đưa ra một số ý kiến tổng quát.

Điểm đầu tiên và quan trọng hơn cả chúng ta nêu ra là: người sẽ rao giảng Phúc Âm phải được huấn luyện để hiểu biết Thánh Kinh và các sứ điệp của Thánh Kinh một cách sâu nhiệm. Người thiếu hiểu biết về “tất cả ý muốn (mệnh lệnh) của Thượng Đế” (Công vụ 20:27) không thể nào là người rao giảng Phúc Âm chân chính được. Huấn luyện thế nào để cho người sẽ lãnh thiên chức công bố Phúc Âm hiểu biết thấu đáo toàn bộ Thánh Kinh, các sứ điệp của Thánh Kinh, chương trình cứu rỗi của Thượng Đế và hệ thống thần học (systematic theology) là việc tối cần thiết.

Việc học cổ văn Hi-bá và Hy-lạp, tuy không phải là một vấn đề tối cần thiết, nhưng cũng rất quan trọng để có thể hiểu Thánh Kinh cách chính xác. Người đứng trên toà giảng phải phân tích và trình bày Lời Chúa cách chính xác, vì giải thích sai Thánh Kinh là một việc làm hết sức nguy hiểm. Người không có cơ hội học cổ văn Hi-bá và Hy-lạp cần phải có tự điển Thánh Kinh, Thánh Kinh phù dẫn v.v… và cần nhiều bản dịch Thánh Kinh khác nhau (Việt, Hoa, Pháp, Anh (KJ, NKJ, NIV v.v…) để tra cứu. Nhưng bổn phận của người đứng trên toà giảng là truyền đạt sứ điệp của Thượng Đế cách chính xác, trung thực và dễ hiểu, chứ không phải là một “chuyên gia cổ ngữ”. Mục sư Charles H. Spurgeon có nói rằng: Mục sư là người nuôi chiên chứ không phải là người nuôi hươu cao cổ. Các chương trình huấn luyện hiện nay thường để nhiều thì giờ dạy cho sinh viên biết phê bình tiêu cực (negative criticism) và có khi làm cho sinh viên không tập trung đủ vào nội dung của sứ điệp.